Elon Musk tiết lộ cách giảm 9 kg

Elon Musk tiết lộ cách giảm 9 kg

MỹBằng phương pháp ăn kiêng gián đoạn, tỷ phú Elon Musk đã giảm thành công gần 9 kg cân nặng.

Ngày 28/8, chia sẻ trên Twitter, tỷ phú 51 tuổi cho biết lộ trình nhịn ăn khiến ông cảm thấy "khỏe mạnh hơn". Elon Musk đã dùng một ứng dụng điện thoại thông minh giúp quản lý "thông tin y tế được cá nhân hóa" và lập "kế hoạch nhịn ăn dựa trên mục tiêu". Kết quả, ông đã giảm hơn 9 kg.

Theo Trung tâm Y tế John Hopkins Medicine, có hai hình thức nhịn ăn gián đoạn: hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn từ 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại) hoặc nhịn ăn liên tục trong vòng 16 đến 24 giờ, hai lần một tuần.

Chế độ này được một số bác sĩ khuyến nghị cho người bệnh tiểu đường tuýp 2, cần giảm cân. Nhịn ăn gián đoạn thường được sử dụng để đốt cháy chất béo, song các nhà nghiên cứu phát hiện nó cũng có lợi đối với hoạt động thể chất, tâm lý và tim mạch.

Dù vậy, John Hopkins Medicine cũng nhấn mạnh mọi người nên trao đổi với bác sĩ trước khi thử chế độ ăn kiêng này, bởi nó không được khuyến nghị cho tất cả mọi người. Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, bị bệnh đường huyết có thể gặp nhiều vấn đề nếu nhịn ăn gián đoạn. Tác dụng phụ bao gồm lo lắng, đau đầu hoặc buồn nôn.

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk trong một sự kiện ra mắt sản phẩm ở California, Mỹ năm 2019. Ảnh: AFP

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk trong một sự kiện ra mắt sản phẩm ở California, Mỹ. Ảnh: AFP

Cơ chế của nhịn ăn gián đoạn khá đơn giản. Trong quá trình trao đổi chất, cơ thể làm việc tích cực để chuyển hóa lượng thực phẩm thành nguồn năng lượng ổn định. Ví dụ, trái cây được phân hủy thành các chất dinh dưỡng vĩ mô và vi lượng, thông qua enzym tiêu hóa. Carbohydrate như gạo và các loại rau giàu tinh bột được phân hủy thành glucose, hấp thụ vào máu và tạo năng lượng nhanh, với sự trợ giúp của insulin.

Khi tế bào không sử dụng tất cả glucose từ thực phẩm, nó sẽ được lưu trữ trong gan và cơ dưới dạng glycogen. Ở trạng thái dư thừa calo, tất cả năng lượng còn lại sẽ được lưu trữ trong các tế bào mỡ, dưới dạng chất béo.

Giữa các bữa ăn, cơ thể sử dụng glycogen và một số chất béo dự trữ để làm năng lượng. Một khi nguồn dự trữ này cạn kiệt (thường là từ 12-36 giờ sau bữa ăn cuối cùng), cơ thể bắt đầu phân hủy nhiều chất béo hơn để tạo năng lượng.

Việc nhịn ăn gián đoạn cuối cùng khiến cơ thể trải qua tình trạng ketosis và chuyển hóa sang phân hủy chất béo, sử dụng axit béo dự trữ thay vì glycogen để tạo năng lượng.

Một số nghiên cứu cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cân, cải thiện trí nhớ và hoạt động tinh thần, sức khỏe tim mạch, bệnh tiểu đường tuýp 2. Đây cũng là phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư.

Đây không phải lần đầu tiên Elon Musk nói về thói quen ăn uống và tập luyện của bản thân. Trong lần xuất hiện trên podcast hồi đầu tháng này, nhà sáng lập SpaceX cho biết ông không thích tập thể dục, nhưng vẫn làm điều này để duy trì trạng thái khỏe mạnh.

"Tôi cũng sửa đổi thói quen của bản thân, không kiểm tra điện thoại ngay sau khi thức dậy mà làm việc trong ít nhất 20 phút rồi mới nhìn vào điện thoại", ông chia sẻ.

Thục Linh (Theo Independent)