Tin cuối ngày 8-3: Tình tiết mới trong vụ “siết” chung cư tại TP.HCM

Tin cuối ngày 8-3: Tình tiết mới trong vụ “siết” chung cư tại TP.HCM

Sẽ bị xử phạt nếu phản đối chủ đầu tư sai phạm? Tình tiết mới trong vụ “siết” chung cư tại TP.HCM…là những nội dung chính trong điểm tin cuối ngày 8-3 trên News Mogi.

Tình tiết mới trong vụ “siết nợ” dự án chung cư Khang Gia Tân Hương. Trong mặc định, chung cư Khang Gia Tân Hương (số 377, đường Tân Hương, quận Tân Phú, TP.HCM) vốn dĩ là chung cư giá rẻ. Tuy nhiên, trước thông tin về việc Nam A Bank thông báo sẽ tiến hành việc thu giữ và xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với chung cư Khang Gia Tân Hương do chủ đầu tư Khang Gia.

Mới đây, đại diện của Nam Á Bank đã có câu trả lời cho điều này. Cụ thể sáng 7-3-2019, Đại diện Công ty Khang Gia cũng đã phối hợp với Ngân hàng lên phương án tất toán toàn bộ khoản vay. Ngay sau khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Nam A Bank sẽ giải chấp khoản vay theo quy định.

Đại diện Nam A Bank cho biết, hiện tại, dư nợ của khoản vay là không quá cao (vài chục tỷ) so với giá trị thực tế của toàn bộ tài sản thế chấp. Vì vậy, việc xử lý sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại chung cư Khang Gia Tân Hương. Công ty Khang Gia cũng đã xác nhận nghĩa vụ trả nợ và có phương án trả nợ cho Nam A Bank. Nếu hai bên đạt được thống nhất thì sẽ không tiến hành việc thu giữ như trong thông báo.

Hà Nội dẫn đầu thế giới về lợi suất văn phòng cho thuê. Số liệu báo cáo lợi suất văn phòng toàn cầu do Savills đưa ra, Hà Nội là thành phố dẫn đầu trên toàn thế giới về lợi suất văn phòng. Tiếp đến là Manila (Philippines), Adelaide (Australia), TP HCM và Perth lần lượt lọt vào top 5 toàn cầu.

Cần biết, đây là lần thứ ba kể từ tháng 1-2017, Hà Nội xếp hạng đầu tiên trên thế giới về lợi suất văn phòng cho thuê hạng A với mức 8,57%. TP HCM, đã từng xếp hạng thứ hai trong báo cáo kỳ trước đó, nhưng hiện tụt xuống vị trí thứ 4 với lợi suất thị trường ở mức 7,36%.

Savills Hà Nội nói thêm, mức lợi suất cao cho thấy mức tương quan khá hấp dẫn của thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng so với giá trị vốn hóa của tòa nhà văn phòng. Bởi vậy, việc Hà Nội và TP HCM đang có mức lợi suất cao hàng đầu thế giới cho thấy triển vọng rất khả quan về giá thuê và công suất thuê tại 2 thị trường này.

Cũng theo Savills, TP.HCM đang có tình hình hoạt động tốt nhất trong 5 năm với giá thuê trung bình tăng 8% theo năm và công suất thuê đạt 97%. Trong khi đó, Hà Nội ghi nhận giá thuê tăng 3% theo năm trong quý IV/2018 và công suất thuê ổn định ở mức 95%. Tại đây, phân khúc văn phòng cho thuê hạng A ở khu vực ngoài trung tâm có tình hình hoạt động cải thiện.

Chỉ đỉnh nhà đầu tư dự án hơn 4.000 tỷ tại Vân Đồn. Thời điểm hiện tại không chỉ thị trường bất động sản Vân Đồn đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, mà cụ thể là đất nền. Mới đây, khu vực này đã được chỉ định nhà thầu làm siêu dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu là hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Phân khu B – Khu dịch vụ và nghỉ dưỡng đảo Ngọc Vừng tại xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, theo thông tin từ báo Đấu Thầu.

Dự án Phân khu B – Khu dịch vụ và nghỉ dưỡng đảo Ngọc Vừng là dự án đầu tư có sử dụng đất với diện tích đất là 86,98 ha, tổng mức đầu tư 4.181 tỷ đồng.

Cơ cấu diện tích đất nêu trên bao gồm: Đất biệt thự nghỉ dưỡng (128.500m2), đất hỗn hợp (124.100m2), đất công trình công cộng dịch vụ (116.600m2), đất giao thông (74.200m2), đất công viên (21.800m2), đất cây xanh (13.500m2), đất đầu mối kỹ thuật, bãi đỗ xe (9.800m2) và đất khác (381.400m2).

Mục tiêu của Dự án là nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn 2030; từng bước đầu tư xây dựng đảo Ngọc Vừng trở thành trung tâm du lịch lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng về du lịch, vui chơi giải trí cho du khách và người dân trong khu vực; tạo dựng…

Theo Kế hoạch, Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Thời gian lựa chọn nhà đầu tư là quý I/2019 theo phương thức một giai đoạn, một túi hồ sơ. Thời gian giải phóng mặt bằng là 12 tháng, thời gian thi công là 36 tháng.

Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Vân Đồn (bên mời thầu) cũng cho biết thêm tại dự án này chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển. Kết quả, chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

Được biết, hồi cuối tháng 1/2019, Liên danh Công ty CP Tập đoàn FLC và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Vân Đồn đã trúng sơ tuyển dự án này.

Lộ diện nhà đầu tư siêu dự án hơn 9.000 tỷ đồng ở Sa Pa. UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Đông Bắc Sa Pa. Theo đó, sẽ thực hiện chỉ định nhà đầu tư dự án trong quý I/2019 theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.099 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà trên đất là 7.327 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn tự có của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác của nhà đầu tư.

Trước đó,  ngày 9-7-2018, UBND tỉnh Lào Cai có quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Đông Bắc Sa Pa. Theo đó, nhà đầu tư trúng sơ tuyển là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sa Pa Lào Cai và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.

Được biết, chỉ có duy nhất Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sa Pa Lào Cai – Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco mua hồ sơ mời sơ tuyển và nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Đây cũng chính là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển.

Cuối năm 2018, Bộ Xây dựng cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Đông Bắc Sa Pa.

Theo Bộ Xây dựng, dự án Khu đô thị mới Đông Bắc Sa Pa có quy mô sử dụng đất 160ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 9.099 tỷ đồng. Căn cứ Điều 31 Luật Đầu tư năm 2014, dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tranh chấp chung cư
Năm 2018, ghi nhận lượng lớn tranh chấp chung cư.

Căng băng rôn phản đối chủ đầu tư chung cư sẽ bị phạt? Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam – Nguyễn Mạnh Hà đề xuất có chế tài xử phạt một số người dân sống tại chung cư căng băng rôn phản cảm phản đối chủ đầu tư.

Theo đó, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết việc quản lý, vận hành nhà chung cư đang có nhiều bất cập, với các mâu thuẫn phổ biến giữa chủ đầu tư, cư dân.

Điều đáng chú ý trong hội thảo ông Nguyễn Mạnh Hà bên cạnh nhấn mạnh sự mờ nhạt của cơ quan chính quyền trong việc xử lý các sai phạm của chủ đầu tư chung cư, cũng đưa ra đề xuất cần có chế tài xử lý khi một số cư dân chung cư căng băng rôn, biểu tình một cách phản cảm để phản đối chủ đầu tư đối với các vấn đề tranh chấp chung cư. Cần lưu ý một điều rằng, trong năm 2018 vừa qua, lượng tranh chấp chung cư diễn ra với 108 điểm nóng, đồng thời đầu năm 2019 cũng đã bắt đầu xảy ra nhiều vụ tránh chấp gay gắt. Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), toàn TP.HCM có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp. Ông Hà nhấn mạnh cần có sự phối hợp, hợp tác của cả 2 phía chủ đầu tư và cư dân để xử lý tranh chấp xảy ra.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 8-3: TP.HCM “hụt” nửa tỷ USD thu ngân sách đất, “ôm hận” đất Bắc Phong Vân
  • Điểm tin cuối ngày 7-3: Sài Gòn nắng nóng, nguy cơ cháy chung cư, dân “khóc mếu” khi sắp ra đường

Đánh giá bài viết