Tiêm silicon lỏng làm đẹp bị áp xe ngực

Tiêm silicon lỏng làm đẹp bị áp xe ngực

Hà NộiCô gái 25 tuổi, tiêm silicon nâng ngực, vài ngày sau sưng tấy, chảy dịch, mủ, sốt, bác sĩ chẩn đoán bị áp xe, viêm ngực do biến chứng sau tiêm.

Bệnh nhân cho biết tiêm silicon tại một spa nhưng không rõ nguồn gốc và liều lượng chất đã tiêm. Sau 5 ngày, khi hai bên ngực sưng, phù nề, nhân viên cơ sở spa giải thích "phản ứng bình thường", cho uống kháng sinh nhưng không bớt, cô đến bệnh viện khám.

Ngày 22/3, bác sĩ Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho biết ngực bệnh nhân sưng to và nóng, tại vết tiêm bị chảy dịch, sưng mủ, có mùi hôi. Hình ảnh siêu âm cho thấy silicon lỏng đã lan tỏa khắp ngực, xen kẽ vào mô mỡ lành.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe, viêm ngực, nguy cơ hoại tử do tiêm silicon không rõ nguồn gốc, quá trình tiêm không đảm bảo vô khuẩn và đúng kỹ thuật. Bác sĩ chỉ định mổ để cứu phần mô mỡ còn lại.

Ê kíp phẫu thuật đã chích rạch để làm sạch, loại bỏ ổ viêm, nạo vét toàn bộ silicon đang bám chặt, xen kẽ với mô tuyến vú. "Tuy nhiên không thể lấy hết silicon trong một lần mổ mà cần can thiệp thêm để tách toàn bộ silicon bên trong", bác sĩ Linh cho biết. Silicon cũng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng cho con bú, tuyến sữa sau này, do đó bệnh nhân cần được theo dõi thêm

Silicon lỏng là chất cấm sử dụng trong làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ. Khi tiêm vào cơ thể, silicon không khu trú tại một vị trí mà len lỏi vào các tổ chức mô, cơ quan dẫn đến biến chứng. Ngoài ra, vùng ngực là nơi nhạy cảm, tiêm silicon không rõ nguồn gốc có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng và ảnh hưởng tới tuyến sữa.

Theo bác sĩ Linh, tiêm silicon quá nhiều và mũi tiêm quá sâu có thể chọc vào mô tuyến cũng như cơ ngực, tạo thành các khối u xơ cứng, khối áp xe to, phá hủy thành ngực. Silicon lỏng dễ ngấm vào các mô mỡ và mạch máu, gây biến chứng nặng nề, muốn loại bỏ chúng khỏi ngực cũng rất khó khăn.

Minh An