Thời điểm cần đưa trẻ đi khám khi bị tiêu chảy

Thời điểm cần đưa trẻ đi khám khi bị tiêu chảy

Khi trẻ bị tiêu chảy kèm theo một số triệu chứng như sốt, nôn mửa kéo dài, không ăn uống, đau bụng, phát ban, cha mẹ cần đưa con đi khám để được điều trị kịp thời.

Tiêu chảy là một triệu chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Nó có thể kéo dài 1 hoặc 2 ngày và tự biến mất. Điều này có thể là do thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn hoặc trẻ bị bệnh do virus.

Nếu tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày, con bạn có thể gặp vấn đề nghiêm trọng hơn như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét đại tràng, bệnh Crohn,...

Các tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Theo Healthy Children (tạp chí trực tuyến của Học viện Nhi khoa Mỹ), khi trẻ bị tiêu chảy, điều quan trọng là cha mẹ cần biết rõ các triệu chứng hay bất thường và khi nào cần gọi bác sĩ. Các tình trạng tiêu chảy ở trẻ dưới đây có thể hữu ích:

Tiêu chảy nhẹ không nôn: Tiêu chảy thường tự khỏi sau vài ngày. Hầu hết trẻ bị tiêu chảy nhẹ không cần thay đổi chế độ ăn và các dung dịch điện giải thường không cần thiết. Bạn có thể tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, sữa công thức hoặc sữa bò.

Tinh trang tieu chay o tre anh 1

Thông thường, tình trạng tiêu chảy ở trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày. Ảnh: NIH.

Tiêu chảy nhẹ kèm theo nôn mửa: Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ cần dừng chế độ ăn thông thường. Cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng dung dịch điện giải với lượng nhỏ, thường xuyên cho đến khi hết nôn. Với hầu hết trường hợp, trẻ chỉ cần dùng trong 1-2 ngày.

Khi cơn nôn đã giảm, hãy từ từ cho trẻ trở lại chế độ ăn bình thường. Một số trẻ không thể dung nạp sữa bò khi bị tiêu chảy và dừng sữa bò trong thời gian ngắn. Mẹ nên tiếp tục cho con bú.

Tiêu chảy nặng: Hãy gọi cho bác sĩ nếu con bạn bị tiêu chảy nghiêm trọng như đi tiêu ra nước cứ sau 1-2 giờ hoặc thường xuyên hơn; có dấu hiệu mất nước như chóng mặt và choáng váng; miệng khô, dính; nước tiểu màu vàng sẫm; thiếu năng lượng. Tình trạng mất nước vừa phải hoặc nghiêm trọng sẽ gây căng thẳng cho tim và phổi. Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến sốc, nguy hiểm tính mạng.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác kèm tiêu chảy cũng cảnh báo cha mẹ cần đưa con đi khám, bao gồm:

- Sốt kéo dài hơn 24 đến 48 giờ.

- Phân có máu.

- Nôn mửa kéo dài hơn 12 đến 24 giờ.

- Nôn có màu xanh lục, nhuốm máu hoặc giống như bã cà phê.

- Bụng chướng.

- Không ăn uống.

- Đau bụng dữ dội.

- Phát ban hoặc vàng da (vàng da và mắt).

- Quá yếu để đứng lên, chóng mặt.

Cách điều trị

Theo Webmd, hầu hết trẻ bị tiêu chảy nhẹ không cần dung dịch điện giải. Dung dịch điện giải là chất lỏng đặc biệt được thiết kế để thay thế nước và muối bị mất trong quá trình tiêu chảy. Các dung dịch điện giải rất hữu ích cho việc kiểm soát tại nhà đối với bệnh tiêu chảy mức độ vừa phải.

Trẻ bị tiêu chảy cần tránh nước ngọt (soda, nước có ga), súp, nước trái cây, đồ uống thể thao vì có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Tinh trang tieu chay o tre anh 2

Khi trẻ bị tiêu chảy kèm đau bụng, nôn mửa kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức. Ảnh: Pediatriayfamilia.

Nhịn ăn không phải là cách điều trị tiêu chảy. Tuy nhiên, giảm thức ăn đặc có thể hữu ích với một số trẻ nếu bị nôn. Những trường hợp này tiếp tục cần được truyền lượng nhỏ chất lỏng, đặc biệt là dung dịch điện giải. Khi trẻ bình phục, có thể cho trẻ ăn nhiều hay ít trong khẩu phần ăn thông thường của trẻ tùy thích.

Thuốc trị tiêu chảy không kê đơn không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 2 tuổi. Với trẻ lớn hơn, chúng cũng có thể gây hại. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc trị tiêu chảy nào, cha mẹ cần kiểm tra và nhờ bác sĩ tư vấn kỹ càng.

Ngoài ra, không nên cho trẻ dùng các biện pháp tự chế. Một số biện pháp có thể không hiệu quả, thậm chí làm cho tình trạng tiêu chảy tồi tệ hơn.

Cách ngăn ngừa tiêu chảy ở trẻ

Hầu hết tiêu chảy ở trẻ em là do virus. Tiêu chảy cũng có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng, thay đổi chế độ ăn uống, các vấn đề về đường ruột (như dị ứng với thức ăn) và sử dụng một số loại thuốc. Dưới đây là một số cách để giúp ngăn ngừa tiêu chảy:

- Ngăn vi trùng lây lan: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sử dụng chất khử trùng tay. Cố gắng giữ con bạn tránh xa những trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn trớ.

- Tránh dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, nếu không cần thiết.

- Hạn chế lượng nước trái cây và đồ uống có đường.

- Đảm bảo rằng con bạn đã được chủng ngừa virus rota. Thuốc chủng ngừa virus rota bảo vệ chống lại nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy và nôn mửa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

- Khi đi du lịch, hãy đảm bảo rằng bất cứ thứ gì con bạn ăn và uống đều an toàn.

Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện tuyến nội dung “Bệnh truyền nhiễm mùa hè”, nhằm cập nhật thông tin và giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa.

Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức được phát triển bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm được bổ sung 100% sữa non 24 giờ tự nhiên từ Mỹ với hàm lượng kháng thể IgG 1000+, đã được chứng nhận lâm sàng giúp nhân đôi đề kháng, tạo nền tảng vững chắc cho bé cao lớn và thông minh hơn. Độc giả tìm hiểu thêm về sản phẩm tại đây hoặc liên hệ hotline (028)38255777.

Phương Mai