Specialist và Generalist: Trở thành Chuyên Gia hay là Giáo Sư biết tuốt? - TopCV Blog

Specialist và Generalist: Trở thành Chuyên Gia hay là Giáo Sư biết tuốt? - TopCV Blog

Nếu như ngày xưa, ông bà ta luôn khuyên rằng: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” để dặn dò con cháu nắm chắc một nghề trong tay để vững vàng và an tâm hơn, thay vì cái gì cũng biết mà lại chẳng tỏ chẳng tường cụ thể một điều gì. Thì ngày nay, với sự phát triển của cuộc sống hiện đại luôn không ngừng thay đổi, cỗ máy công việc vận hành không ngừng nghỉ đêm ngày, liệu quan điểm này có còn đúng đắn hay không?

Trong hành trình phát triển sự nghiệp, việc phát triển theo chiều dọc hay chiều ngang luôn là nỗi băn khoăn của nhiều bạn trẻ vừa ra trường hay mới chỉ có 1 – 2 năm kinh nghiệm. Tương ứng với sự phát triển theo chiều ngang, chiều dọc, chúng ta có các vị trí là Generalist và Specialist. 

Dựa vào tên gọi tiếng Anh, hiểu nôm na, Generalist nghĩa là “chung chung”, bao hàm tính đa dạng, hiểu biết rộng ở nhiều lĩnh vực; Specialist thì ngược lại, là “chuyên sâu”, chuyên nghiệp vào một lĩnh vực cụ thể nào đó.

Lấy ví dụ, một kỹ sư phần mềm. Một Generalist có thể viết mã bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, bao gồm không chỉ Java mà còn cả JavaScript, C ++ và Python. Trong khi một Specialist thì chỉ biết về Java nhưng có kinh nghiệm dày dặn, sâu sắc và có nhiều thành công với các dự án/sản phẩm yêu cầu Java.

Đối với bạn đang từng bước nỗ lực xây dựng sự nghiệp của mình, việc xác định mình nên trở thành Specialist hay Generalist có thể nói là một quyết định quan trọng giúp bạn tập trung hơn vào con đường của mình. Cùng xem xét và đào sâu về 2 vị trí này nhé!

Ưu và nhược điểm khi trở thành Generalist

  • Generalist là người có kho kiến thức đa dạng và rộng lớn
  • Họ là những người đa nhiệm nhất, có thể làm nhiều công việc khác nhau và thậm chí làm nhiều công việc khác nhau cùng một lúc.
  • Generalist là người có khả năng nắm bắt và nhìn nhận vấn đề nhanh chóng và giải quyết vấn đề thỏa đáng.
  • Họ có thể dễ dàng thích ứng trong bất kỳ môi trường và lĩnh vực nào.

Con đường sự nghiệp của Generalist có thể rất đa dạng và linh hoạt, khó có môi trường nào có thể làm khó họ. Sự đa dạng trong kinh nghiệm và kho kiến thức giúp họ không lo bị thất nghiệp. 

Dẫu vậy, vì vai trò không cụ thể hay chuyên môn hóa mà Generalist có thể bị thay thế, cắt giảm. Một Generalist có thể biết cách code Java cơ bản, chơi đàn piano và biết edit video cơ bản, nhưng nếu như muốn tạo ra phần mềm riêng biệt, trở thành một nghệ sĩ dương cầm hay trở thành Video Editor thì anh ta phải cần nhiều kinh nghiệm và sự chuyên sâu hơn là những khóa học online rải rác trên mạng. Đồng thời, bởi sự đa dạng này mà Generalist cũng dễ bị mông lung và nếu không kiên định với con đường của mình, họ sẽ khó mà phát triển sự nghiệp thành công.

Ưu và nhược điểm khi trở thành Specialist

Khác với Generalist, Specialist lại là những người chỉ có hiểu biết về duy nhất một lĩnh vực hay một kỹ năng. Thay vì phát triển về mặt chiều ngang, Specialist trở thành những đầu tàu mũi nhọn cho doanh nghiệp.

Theo LinkedIn, phần lớn các công việc phát triển nhanh nhất là các công việc Specialist. Bạn có thể kiểm chứng thông qua những tin tuyển dụng hiện nay, trên trang việc làm của RaoXYZ, các công ty có xu hướng tuyển dụng nhiều chuyên gia hơn là các Generalist.

Specialist (chuyên viên) mất nhiều thời gian để thành thạo chuyên môn, kỹ năng của họ. Do đó tìm kiếm những vị trí Specialist cũng khó hơn. Lương khởi điểm của các chuyên viên cũng có xu hướng cao hơn tổng quát viên. Đặc biệt, với những Specialist đã có bề dày kinh nghiệm, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực làm việc hoàn toàn có thể trở thành những nhà quản lý hàng đầu được các doanh nghiệp săn đón.

Dù cơ hội việc làm cho các vị trí Specialist không hề nhỏ, nhưng chúng lại bị thu hẹp bởi yếu tố chuyên môn. So với Generalist, Specialist thường chỉ có thể tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực mà họ thường xuyên hoạt động. Ngoài ra, để cạnh tranh với những nhân tài giỏi giang khác, các Specialist luôn phải khiến bản thân trở nên nổi bật trong chính lĩnh vực của mình. 

Bên cạnh đó, vì chỉ làm chuyên sâu ở một vị trí trong một lĩnh vực, đôi khi họ sẽ có cảm giác nhàm chán, và bị giới hạn trong khuôn khổ nhất định không giống như Generalist

Vai trò của Generalist và Specialist còn phụ thuộc vào việc mỗi người lựa chọn con đường sự nghiệp như thế nào. Hiện tại các công ty trên toàn thế giới đang có xu hướng chọn những cá nhân sở hữu các kỹ năng theo hình chữ T – T Shaped Skills, hướng đến việc nhân viên biết càng nhiều càng tốt và cũng biết sâu đáy một lĩnh vực nào đó. Đây chính là sự pha trộn giữa 2 cá thể Generalist và Specialist.

Các đặc điểm của một nhân sự T-Shaped:

  • Giỏi ít nhất một lĩnh vực chuyên môn
  • Có hiểu biết và kỹ năng của một số lĩnh vực liên quan
  • Có kỹ năng làm việc nhóm tốt, có thể cộng tác và làm việc suôn sẻ với mọi thành viên
  • Có khả năng tìm hiểu và hoàn thành một nhiệm vụ mới
  • Có tư duy giải quyết vấn đề một cách hệ thống

Mặc dù nghe có vẻ bất khả thi bởi sức chịu đựng của chúng ta có giới hạn, nhưng bù lại, con người cũng là một giống loài cực kì tò mò, và không gì có thể ngăn cản chúng ta học hỏi những điều / kỹ năng được coi là thú vị, bổ ích.

Ví dụ trong một nhóm phát triển sản phẩm công nghệ cần có các thành viên có năng lực như: Thu thập và phân tích yêu cầu, Thiết kế giao diện, Thiết kế trải nghiệm, Lập trình, Tester, Vận hành hệ thống. Thông thường nếu các thành viên nhóm là Specialist thì Lập trình viên sẽ không quan tâm đến các Thiết kế, tương tự Tester sẽ không quan tâm đến việc lập trình cho đến khi tiếp nhận để kiểm thử lỗi. Thậm chí có muốn quan tâm cũng không được vì không đủ hiểu biết để quan tâm, giống như những người nói ngôn ngữ khác nhau thì không hiểu được nhau. Việc này khiến cho năng lực nhóm không thực sự được phát huy.

Nếu thành viên nhóm là những người T-shaped, họ sẽ có chung hiểu biết nền tảng về phát triển sản phẩm công nghệ, bao gồm tất cả các giai đoạn, họ có cùng ngôn ngữ, do đó họ dễ dàng thảo luận, cùng lên ý tưởng, và thậm chí có thể cùng làm hoặc hỗ trợ công việc cho nhau khi cần thiết. Những Lập trình viên có thể thực hiện cả phần lập trình giao diện lẫn logic, và vận hành hệ thống. Họ cũng thể tham gia quá trình thiết kế và lên ý tưởng UX, từ đó họ hiểu rõ luồng nghiệp vụ và có thể chuẩn bị phương án kỹ thuật trước khi có mẫu thiết kế.

Tóm lại, cho dù là Generalist hay Specialist, xã hội ngày nay đang thay đổi một cách nhanh chóng, các tổ chức dù lớn hay nhỏ cũng cần những kiến thức quan trọng để giúp họ sống sót qua những giai đoạn biến động. Sẽ là uổng phí nếu chúng ta coi thường kiến thức của cả 2 vị trí này. Đối với ứng viên, luôn học hỏi và rèn luyện những kỹ năng cần thiết và chắc chắn rằng T-Shaped sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai.

Thế giới luôn luôn thay đổi. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ loại bỏ 40% công việc vào năm 2035. Những công việc trong tương lai đòi hỏi chúng ta phải có sự linh hoạt và học tập không ngừng để thích nghi với thị trường luôn đổi mới.

Với mong muốn giúp ứng viên phát triển sự nghiệp một cách toàn diện, RaoXYZ phối hợp cùng TestCenter – Nền tảng đánh giá năng lực nhân sự hàng đầu Việt Nam phát triển công cụ RaoXYZ Skills giúp ứng viên rèn luyện và tự đánh giá kỹ năng nghề nghiệp. Không chỉ vậy, bạn còn nhận được Chứng chỉ có thời hạn tới 6 tháng và được xác thực Kỹ năng ngay trong hồ sơ / CV trên RaoXYZ.

TRUY CẬP TOPCV SKILLS
  • Tham khảo thêm các mẫu CV để tăng 80% cơ hội trúng tuyển tại: https://www.topcv.vn/mau-cv
  • Tìm việc làm chất lượng lương cao tại: Việc làm chất lượng
  • Tải App RaoXYZ để trải nghiệm tìm kiếm và ứng tuyển công việc chỉ với một chạm:
    – iOS: https://apple.co/2TSeTJA
    – Android: http://bit.ly/2FnLblz