Nỗ lực hồi sinh sự sống cho những em bé tí hon

Nỗ lực hồi sinh sự sống cho những em bé tí hon

Tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, ngoài chuyên môn, các bác sĩ, điều dưỡng gánh vác sứ mệnh cao cả: Làm cha mẹ đỡ đầu cho các sinh linh chào đời chưa đủ tháng, tròn ngày.

Những em bé tí hon nằm trong lồng ấp, quanh người chằng chịt dây nhợ nối với máy thở, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, máy theo dõi nhịp tim, huyết áp, độ bão hòa oxy, dây truyền dinh dưỡng… Tín hiệu của cơn ngừng thở, tím tái, hạ thân nhiệt, thông số lồng ấp thay đổi... thể hiện qua những tiếng báo động tít tít thay vì ngôn ngữ. Tất cả tạo nên khung cảnh quen thuộc tại khoa Hồi sức sơ sinh thuộc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM.

Những tưởng ở nơi được gọi là chiến tuyến cuối cùng trong trận chiến giành sự sống cho trẻ sinh non, thiếu tháng chỉ toàn lo âu, nước mắt. Trái lại, sự yên bình vẫn len lỏi vào từng khoảnh khắc - khi em bé tí hon được bao bọc trong yêu thương tựa tình mẫu tử của các điều dưỡng, đón nhận sự theo dõi tận tâm của những thiên thần áo blouse trắng.

Nơi chăm sóc những ‘em bé tí hon’ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Bằng tình yêu vô bờ bến và tâm huyết với nghề, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM mang đến niềm vui cho hàng nghìn gia đình.

Những “ông bố, bà mẹ” đỡ đầu đặc biệt

Hơn 30 năm gắn bó lĩnh vực nhi - sơ sinh, chứng kiến những em bé chào đời thiếu tháng không kịp ngắm nhìn cuộc sống thì trái tim đã ngừng đập, TS.BS Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - luôn trăn trở về sứ mệnh của người gánh vác y đức, khao khát mang lại cơ hội sống cho những đứa trẻ đặc biệt này. Không hẹn mà gặp, TS.BS Cam Ngọc Phượng và TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương - Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - đều chung mục tiêu khi khởi đầu hành trình mới tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Trong ký ức của nam bác sĩ trẻ, cách đây 15, 16 năm, Việt Nam chỉ cứu sống được những em bé trên 1 kg.

“Không ít lần tôi chứng kiến cảnh gia đình khó có con, đến lúc sinh được lại non tháng, cân nặng dưới 1 kg. Dù vậy, với họ, sinh linh ấy vẫn là ‘con quý, con hiếm’. Ngành hồi sức sơ sinh Việt Nam thời điểm ấy vẫn nhiều hạn chế. Với những bác sĩ trẻ vừa ra trường như tôi, ai chọn hồi sức đã ‘gan’ lắm, đây còn là hồi sức sơ sinh - lĩnh vực quá vất vả”, bác sĩ hồi tưởng.

Dù biết trước lắm chông gai, vị bác sĩ trẻ vẫn quyết tâm theo đuổi chuyên ngành Hồi sức Sơ Sinh. Sứ mệnh của ngành hiện nay không chỉ là cứu sống em bé cho gia đình mà còn là đảm bảo chất lượng cuộc sống của trẻ đến khi trưởng thành.

“Đặc thù của ngành này là người bệnh không biết tự khai bệnh và bác sĩ phải thao tác tỉ mỉ trên cơ thể tí hon. Dù vậy, chúng tôi chỉ nâng đỡ, chăm sóc em bé trong vài tháng đầu đời, còn gia đình phải trải qua chặng đường dài để giúp em trưởng thành”, TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương chia sẻ.

Từ những trăn trở đó, TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương cùng TS.BS Cam Ngọc Phượng bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ kiến tạo Trung tâm Sơ sinh lớn và hiện đại hàng đầu Việt Nam. Đây không chỉ là mắt xích quan trọng giúp Trung tâm Sản Phụ khoa của Tâm Anh thêm lớn mạnh mà còn là cầu nối, gắn kết chặt chẽ với nhiều bệnh viện sản nhi để kịp thời cấp cứu, chăm sóc, điều trị trẻ sinh non ở mọi tuổi thai. Từ tâm huyết đó, Trung tâm Sơ sinh đã ra đời, trở thành nơi tiếp nhận, điều trị cho những em bé sinh cực non, tuổi thai nhỏ từ khắp nơi chuyển đến.

Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng, ưu điểm của Trung tâm Sơ sinh là nằm cạnh Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Tim mạch - tạo nên 3 đỉnh “tam giác” then chốt để áp dụng phác đồ “phút vàng” cho bé sinh non, cực non. Lợi thế này, không phải bệnh viện nào cũng có và cũng thực hiện được.

TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương nhận định điểm mạnh của Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là thiết bị toàn diện, tiệm cận với phương pháp chăm sóc trẻ sinh non của thế giới như hệ thống lồng ấp Giraffe nhập khẩu từ Mỹ và giường sưởi hiện đại; hệ thống Neopuff hồi sức trẻ sinh non giúp kiểm soát nồng độ oxy; máy thở cao cấp Babylog VN600 Drager thế hệ mới chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh.

Với mục tiêu giữ sự sống, chăm sóc trẻ sinh non ở mọi tình trạng từ sinh non đến bệnh lý phức tạp, TS.BS Cam Ngọc Phượng nỗ lực đưa Trung tâm Sơ sinh ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, phác đồ điều trị và nguồn lực tiệm cận với thế giới.

Giờ đây, việc chăm sóc và điều trị các bé sinh non, sinh cực non thành thường quy ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bệnh viện không chỉ cứu sống những em bé sinh non từ 1 kg, mà còn “hồi sinh” những thiên thần nhí nặng chỉ 700 gram, sinh 24-25 tuần.

“Nếu không bắt nguồn từ chữ ‘tâm’, hiếm bác sĩ, điều dưỡng nào chọn dấn thân vào lĩnh vực gian truân, ngày ngày thức khuya dậy sớm, nâng từng bữa ăn, giấc ngủ cho các bé. Không có tình yêu, làm sao có được những điều kỳ diệu”, bác sĩ Phượng chia sẻ.

"Người mẹ lớn" của những em bé trong lồng ấp

Những em bé sinh non, đùi và tay chỉ bé bằng ngón tay út, mạch máu cực kỳ nhỏ khiến việc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch vô cùng gian truân. Gần hai thập kỷ đảm trách vai trò của điều dưỡng trưởng, chị Đặng Lê Ánh Châu - Điều dưỡng Chuyên khoa I, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - thấm thía nỗi đau thể xác của từng sinh linh bé bỏng, khi phải duy trì sự sống bằng dinh dưỡng truyền qua ống dẫn nhiều tháng liền.

Trở thành người đồng hành cùng Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chị có cơ hội tham gia nhiều khóa học, tham quan các trung tâm hồi sức sơ sinh hàng đầu thế giới, cũng có cơ hội cọ xát với nhiều chuyên gia đầu ngành.

BVDK Tam Anh,  Trung tam So sinh anh 11

Kể nỗi trăn trở suốt nhiều năm làm nghề với TS.BS Cam Ngọc Phượng, chị tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc. Đây là cơ sở để chị cùng bác sĩ Phượng nghiên cứu, đem kỹ thuật đặt Catheter trung tâm cho trẻ sinh non về Việt Nam. Dưới nỗ lực của chị và đội ngũ chuyên gia, Tâm Anh trở thành đơn vị tiên phong tại Việt Nam triển khai kỹ thuật Catheter trung tâm, giúp hàng trăm em bé sinh non giảm đau, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, đủ dinh dưỡng phát triển.

Nhưng đây chỉ là một trong nhiều niềm tự hào của chị: “Năm 2006, tôi làm điều dưỡng trưởng bệnh viện nhi hàng đầu TP.HCM. 14 năm là khoảng thời gian quý báu để tôi chuẩn bị hành trang trước khi cùng đội ngũ tại Tâm Anh xây dựng Trung tâm Sơ sinh. Thời gian đầu, tôi ngồi lại cùng các bác sĩ để viết toàn bộ quy trình vận hành của đội ngũ điều dưỡng. Sau vài năm, tôi tự tin chuyên môn, quy trình và tâm huyết của điều dưỡng sơ sinh tại Tâm Anh thuộc hàng đầu ngành”.

Trung tâm Sơ sinh tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM hiện có 23 điều dưỡng, trong đó điều dưỡng đảm trách việc chăm sóc trẻ sinh non đều có thâm niên ít nhất 5 năm kinh nghiệm, điều dưỡng 1-2 năm kinh nghiệm sẽ phụ trách những nhóm trẻ sinh bình thường.

Tất cả phòng, khu vực ở Trung tâm Sơ sinh được thực hiện chống nhiễm trùng nhiều tầng, vì đây là vấn đề then chốt khi điều trị cho các bé sơ sinh non tháng nhẹ cân. Trước khi vào làm nhiệm vụ, nhân viên phải tuân thủ quy trình vô trùng tuyệt đối, từ sử dụng quần áo tiệt trùng, bao chân, khẩu trang đến sát khuẩn tay. Người nhà các bé cũng phải cách ly và chỉ được thăm theo giờ, đảm bảo trang bị đủ trang phục vô trùng.

Khi thực hiện thủ thuật, thay bỉm với ống truyền bao quanh, cho bé ăn sữa... các điều dưỡng phải thao tác tỉ mỉ, nhẹ nhàng, đảm bảo bé không dính phân, vi khuẩn, tránh nhiễm trùng.

Nói về nghề, chị thừa nhận không ít điều dưỡng cảm thấy lo âu khi chăm sóc, ẵm bồng những em bé chỉ nặng 700-800 gram. Để họ có thể đảm trách công việc, chị “rỉ tai” từng nỗi vất vả cho điều dưỡng mới, với cách lý giải “giúp mẹ đỡ đầu tránh bỡ ngỡ khi đối mặt”.

“Không phải ai cũng dám dấn thân với nghề điều dưỡng sơ sinh. Chỉ riêng việc ẵm em bé nhỏ bằng bàn tay, vài trăm gram cũng là thử thách. Hay có những bệnh nhân nhí khó tính, điều dưỡng phải mất 15-20 phút chỉ để điều chỉnh tư thế giúp con thoải mái. Do đó ngoài công việc chuyên môn, họ phải có tình yêu trẻ vô bờ bến”, chị tâm sự.

Đổi lại, dù công việc lắm vất cả, đội ngũ điều dưỡng tại BVĐK Tâm Anh luôn nhận được sự ưu ái, hỗ trợ từ chuyên gia, bác sĩ. Bởi họ vừa là hậu phương chăm sóc trẻ, vừa là tiền tuyến - luôn túc trực, theo dõi tình trạng sức khỏe các con để trao đổi với bác sĩ.

Khi được hỏi về ký ức khiến chị khó phai mờ, chị Châu thoáng trầm tư, đắm chìm vào tầng tầng lớp lớp hồi ức. Rồi chị không giấu được niềm vui khi cho chúng tôi xem lại hình ảnh em bé tròn trịa, kháu khỉnh tên Bối Bối trong tin nhắn gửi đến cho “mẹ Châu”. Đây từng là em bé lồng ấp - ra đời chỉ 700 gram, thở máy một tháng, nằm hồi sức tròn 3 tháng.

“Ngày bố mẹ bế Bối Bối rời viện, mấy chục điều dưỡng hạnh phúc không từ nào tả xiết. Chúng tôi làm cuốn album từ lúc sinh đến lúc con ra viện, tặng lại gia đình. Đáp lại, cứ đều đặn hàng tháng, bố mẹ gửi ảnh Bối Bối qua Zalo, Facebook để chúng tôi ngắm con, theo dõi bé lớn từng ngày. Không chỉ là quy trình theo dõi sức khỏe trẻ sinh non thường quy cho đến trưởng thành, mà đây là tình yêu thật của những người ‘mẹ nuôi’ dành cho Bối Bối”, chị kể với đôi mắt lấp lánh niềm vui.

Mỗi điều dưỡng là “trạm sạc yêu thương” của nhóc tí hon

Là điều dưỡng trẻ, chưa lập gia đình, chị Khâu Thị Bích Trâm - Điều dưỡng viên, Trung tâm Sơ Sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - có nhiều cảm xúc đặc biệt khi gắn bó với công việc này.

“Nói ra thì hơi khó tin nhưng tôi không nhớ nhiều đến đắng cay. Nghề nào cũng là nghề, cũng có sướng có khổ. Nhưng với tôi, dường như tình yêu nghề, thương trẻ đã chiếm hết tất cả”, chị trầm tư.

BVDK Tam Anh,  Trung tam So sinh anh 19

Khi tâm sự về nghề, mắt chị sáng lấp lánh, tựa lúc “nhìn thấy các bé khỏe mạnh, trở về với gia đình”, “vỗ về từng bé trong lồng ấp, làm dịu đi nỗi đau thể xác mà con gánh chịu”. Tất cả khiến chị cảm thấy mình chẳng khác một người mẹ, dù chưa từng nếm trải cơn đau rứt ruột khi sinh con.

Nhiều người cho rằng nghề điều dưỡng sơ sinh là “làm dâu trăm họ”, mỗi bé mỗi ý. Nhưng với chị lại khác. Những em bé trong lồng ấp dù cần đáp ứng vô số nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, thay bỉm… thì điểm chung vẫn là khao khát sống mãnh liệt. Đây là “sợi dây” giúp chị thấu cảm và hết lòng chăm sóc bằng sự bao dung.

4 năm làm nghề với vô số trải nghiệm quý giá, nhưng chị thừa nhận không ít lần muốn dừng lại. Chẳng phải nghề vất vả, mà bởi cảm xúc của những cuộc tiễn biệt trong nước mắt khiến nữ điều dưỡng trẻ cứ “nhớ đến lại thắt lòng”.

“Có những sinh linh bé bỏng, dù được chúng tôi nỗ lực giành sự sống, vẫn buông tay. Dặn lòng em bé chắc không có duyên với mình và phải vượt qua nhưng nước mắt vẫn đẫm má mỗi lần chạy xe về nhà”, chị xúc động.

Sau tất cả, chị vẫn bước tiếp. Bởi chị hiểu vẫn có những sinh linh bé bỏng đang khao khát được sống, cần đến sự chăm sóc của chị.

“Ở Tâm Anh, điều tuyệt vời nhất là tôi tìm thấy những người đồng nghiệp chung niềm tin, ước muốn và đồng điệu trong tình yêu trẻ. Tôi được trau dồi nghiệp vụ định kỳ, tiếp cận quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh bài bản, sử dụng thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất… Tất cả tạo điều kiện để đam mê với nghề được dung dưỡng và ngày càng sâu đậm”, chị khẳng định.

Một sinh linh ra đời trong hình hài trọn vẹn đã là phép màu, nhưng một em bé từ lồng ấp, trải qua bao gian truân để đến với vòng tay cha mẹ còn hơn cả kỳ tích. Hành trình ấy được đánh đổi từ nỗ lực, sự cống hiến miệt mài và thầm lặng của những bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Với họ, niềm hạnh phúc mỗi ngày là được nhìn thấy những trái tim bé bỏng còn nguyên nhịp đập, được dùng tình yêu để sưởi ấm những hình hài non nớt.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung “Vì sức khỏe cộng đồng” mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.

Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858 hoặc 02471066858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789 hoặc 02873006858).

Lam Anh - Duy Hiệu - Hoàng Giám - Hải Dương