Những từ không nên viết vào CV xin việc

Những từ không nên viết vào CV xin việc

Những từ không nên viết vào CV xin việc

Hạn chế các tính từ sáo rỗng, tập trung mô tả kỹ năng, thành tích của bạn sẽ giúp ghi điểm với nhà tuyển dụng. Ảnh: Ella Byworth.

"Tận tâm", "chăm chỉ" hay "xuất sắc" là những từ các nhà tuyển dụng không thích trong CV của các ứng viên.

Thực tế cho thấy, những gì bạn không nên viết vào trong CV (hồ sơ xin việc) cũng quan trọng không kém điều cần làm.

Resume.io (website hướng dẫn viết CV, tạo lập hồ sơ cá nhân online) đã tham khảo 562 nhà tuyển dụng trong một số ngành nghề ở Anh, để biết những từ ngữ thường được sử dụng trong CV mà họ không thích nhất.

Nghiên cứu cho thấy "tốt nhất" là từ mà nhà tuyển dụng ghét nhất khi nhìn thấy trên CV, chiếm 76%.

71% người quản lý tuyển dụng không ngưỡng mộ tài năng của ứng viên sử dụng cụm từ "nhiệt tình với công việc" trong CV của họ. Ứng viên có thể sử dụng các cụm từ thay thế như "nỗ lực" hoặc "có mục tiêu cụ thể", sẽ được đánh giá tốt hơn.

Tính từ "tận tâm" trong CV của ứng viên có 69% nhà tuyển dụng không chấp nhận, trong khi tỷ lệ không hài lòng với cụm từ "có khả năng" là 65%.

Nhà tuyển dụng cho rằng nhiều cá nhân đang tin một số kỹ năng và thành tích của họ là "xuất sắc", nhưng đừng nên tuyên bố như vậy. 54% nhà quản lý không thích nhìn thấy tính từ này trong CV.

43% nhà tuyển dụng cũng không hài lòng nếu ứng viên dùng cụm "chăm chỉ" - một tính từ sáo rỗng để mô tả thái độ làm việc của họ.

Làm thế nào để giảm bớt những cụm từ không phù hợp trong CV của bạn?

Không nói quá

Thị trường việc làm đầy tính cạnh tranh, vì vậy, bạn cần mô tả kỹ năng của mình tốt hơn so với những người khác. Nhưng nếu "tuyệt vời" ở một kỹ năng khi bạn chỉ ở mức độ "tốt", thì sẽ chỉ khiến bạn gặp bất lợi. Đặc biệt là khi bạn được nhận vào làm ở vị trí mong đợi rồi, nhưng nhà tuyển dụng thấy bạn không tuyệt vời như tuyên bố.

Đừng quá phụ thuộc vào tính từ

Có một CV nặng chữ nghĩa không khiến bạn trở thành một ứng viên tốt hơn, nên coi trọng giá trị nội dung, đừng để tâm nó dài hay ngắn. Vì vậy, đừng nghĩ cần phải viết vào CV càng nhiều tính từ "tâng bốc" bản thân càng tốt.

Đưa ra ví dụ cụ thể về thành tích

Nếu liệt kê một loạt các kỹ năng mà bạn không trình bằng chứng, nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ liệu bạn có làm được như những gì viết trong CV không. Vì vậy, tốt hơn hết nên viết những kết quả, thành tích cá nhân và chuyên môn trong quá khứ để thay thế cho các cụm từ màu mè như "kỹ năng giao tiếp tuyệt vời", "kỹ năng làm việc nhóm tuyệt vời",...

"Trong một thị trường việc làm hỗn loạn, các ứng viên cần phải làm mọi thứ có thể để khiến mình trở nên độc nhất. Để làm vậy, họ cần thoát khỏi những từ ngữ sáo rỗng có xu hướng áp đảo CV của họ cũng như ứng viên cạnh tranh", Menno Olsthoorn, phát ngôn viên của Resume.io, khuyên.

Mặc dù có thể sử dụng một số cụm từ nhiều hơn những từ khác, nhưng Menno khuyên các ứng viên nên đưa ra ví dụ cụ thể để mô tả thành tích, kỹ năng của họ, thay vì chỉ sử dụng từ ngữ thông dụng và khả năng nói.

"Nếu họ xây dựng được thói quen làm việc này, họ sẽ trở thành đề xuất hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà tuyển dụng tiềm năng", Menno nói.

Theo: vnexpress.net