Nhận diện hành vi "Gây hấn thụ động - passive aggressive" chốn công sở

Nhận diện hành vi "Gây hấn thụ động - passive aggressive" chốn công sở

Đã bao giờ bạn gặp trường hợp bị người khác công kích về mặt cảm xúc một cách gián tiếp mà không phải công khai rõ ràng chưa? Có vẻ như nơi công sở - cái “xã hội thu nhỏ” mà chúng ta đang tồn tại không tránh khỏi những người có hành vi “gây hấn thụ động” đấy. Cùng nhận diện về sự không nhất quán giữa lời nói và hành động của người gân hấn thụ động chốn công sở qua bài viết này nhé.

 | NHỮNG CÂU NÓI NUỐI TIẾC

Thường biểu lộ qua những mặt xúc phạm và sỉ nhục một cách ngây thơ và giả tạo. Kể như, hôm nay chị A đến văn phòng với một chiếc túi mới, rồi có người cất lời rằng “Ước gì có thể mua chiếc túi CÓ VẺ sang chảnh như vậy ha. Cơ mà, buồn quá đi, tiền đáng ra mua túi được thì lại phải trả cho phí thuê nhà rồi còn đâu.” Những lời nói trên sẽ làm người nghe cảm thấy tội lỗi và bắt đầu bối rối vì họ sở hữu những thứ hoặc đang làm những việc mà người khác không thể.

 | LOẠT LỜI KHEN “ĐỂU”

Người thô lỗ không nguy hiểm bằng kẻ giả tạo. Ẩn sau những lời nghe có vẻ chúc mừng cho bạn, lật bộ mặt thật đó ra chính là sự khinh thường và ngầm ghét. Một loạt hành động, thái độ cũng như lời nói “đểu” được lặp đi lặp lại, mục đích để hả dạ, che đậy lòng đố kị bằng cách gián tiếp. “Làm việc như chú mà cũng được sếp khen cơ đấy?”, “Dân tỉnh lẻ mà lên được chức trưởng phòng cũng hiếm đấy”, “Chú mới vào làm mà trên cơ anh rồi nhỉ?”, “Ừ thì bạn là nhất” khiến người nghe cảm thấy bị công kích nhưng không làm được gì.

 | IM LẶNG VÀ PHỚT LỜ

Cố tình kiểm tra điện thoại trong lúc bạn diễn thuyết, trình bày dự án hay trong lúc họp hành và bày tỏ quan điểm. Theo nhà tâm lý trị liệu Katherine Crowley, tác giả cuốn sách “Hiệu quả với bạn không có nghĩa là hiệu quả với tôi” thì đây chính là ví dụ điển hình cho việc gây hấn thụ động. Những người này thường không để tai những lời nói của bạn, họ cho rằng bản thân họ luôn đúng và không cần phải nghe bất kì một ý kiến nào từ phía bạn. 

Hoặc là họ cứ úp mở và mong đợi rằng bạn nhận ra được sai lầm thay vì nói chuyện một cách trung thực và rõ ràng. Nếu bạn không tự nhận ra, cái bạn nhận lại được từ họ là sự im lặng và phớt lờ. Cứ tưởng tượng một người xem bạn như không khí, họ sẽ từ chối hoặc chả quan tâm sự tồn tại của bạn qua hành động nhưng thực sự trong lòng lại muốn bạn phải tự giác nhận ra.

 | TỎ VẺ ĐÙA CỢT

“Ranh giới giữa vui tính và vô duyên rất mỏng manh” cực kì hợp để miêu tả loại hành vi gây hấn này. Điều này tôi đã chứng kiến và trải qua rất nhiều, nó tồn tại ở những chuyên gia ganh tị và thích hạ bệ người khác bằng câu giễu cợt. “Cô được sếp giao dự án này chắc trước đó cũng biếu sếp ‘đồ ngon’ rồi ý nhờ”, “Ai bao nuôi mà giàu nhanh thế?” Những lúc như thế này, tôi thường nghiêm túc và trả lời họ. Người này sẽ cảm thấy không vừa ý và quát lên rằng: “Đùa tí, làm gì căng?”  

 | BỎ RƠI

Người đồng nghiệp bảo “Xin lỗi nha, chị quên là phòng này còn em” rồi bỏ đi. 

Một buổi hẹn nhậu nhẹt nội văn phòng, người ấy mời tất cả mọi người trừ bạn. Bởi người ta không thích bạn, luôn tìm mọi cách để bạn bị biệt lập. Họ còn có thể kéo bè kéo cánh, bàn tán sau lưng bạn, để mọi người hiểu lầm rằng bạn đang tự tách mình chứ không phải họ. Thay vì giải quyết vấn đề ganh ghét trực tiếp, họ sẽ coi bạn như không khí, lờ đi mọi hành động, lời nói và suy nghĩ của bạn.

 | ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG

Họ sẽ có những hành động trả đũa bằng lời nói, thái độ, hành động cụ thể nào đó một cách tương ứng mà người khác đã gây ra cho họ. Ví dụ như, bạn tham gia đánh giá khách quan năng lực nhân viên công ty một cách trung thực, chỉ ra những điểm yếu của người đó, mong người ấy khắc phục. Thế nhưng người này lại biết bạn đánh giá và cho rằng, bạn hạ thấp họ, họ không xứng để bị nhận xét như vậy nên lần đánh giá tiếp theo, họ đã trả đũa bằng việc cố ý đánh giá thấp về bạn. Trong trường hợp này, họ không dám đối diện với thực tế mà luôn biến mình thành nạn nhân, sa vào hành vi gây hấn thụ động ăn miếng trả miếng khiến họ thỏa mãn với sự phi thực tế của họ.

 | TRÌ HOÃN

Theo Tiến sĩ Gillbertson “Hành vi gây hấn thụ động có đến 100% sự thiếu trách nhiệm và 0% trách nhiệm”. Giải thích rõ về hành vi này, là khi bạn nhận một việc nào đó không muốn thực hiện ngay từ đầu, nhưng đến lúc gần đến deadline, bạn lại đưa ra lời bao biện hay từ chối, hoặc phủ nhận hoàn toàn mọi thông tin cùng thời điểm cuối mà bạn cảm thấy không đảm được. “Tôi quên mất nó rồi”, “Việc này chưa phải quan trọng lắm”, “Tôi mệt mỏi quá”,… là những lý do hoặc lời bao biện cho sự trì hoãn hay lười biếng, chủ quan về công việc đã đảm nhận. Nó có thể ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể rất lớn nếu xảy ra hậu quả của việc trì hoãn như chậm tiến độ, hệ thống dự án thiếu chặt chẽ, thông tin nhỏ giọt, ý tưởng nghèo nàn.

 | KẾT

Không ai là hoàn hảo. Bản chất con người cũng tồn tại sự tham lam và tính đố kị. Nơi văn phòng cũng có nhiều loại con người và tính cách khác nhau, bạn cần phải thích ứng để gắn bó làm việc hoặc để chọn lựa người đồng đội phù hợp bản thân. Nhận diện những hành vi gây hấn thụ động trên sẽ giúp bạn thấy rõ và đọc vị một phần tính cách của những vị đồng nghiệp xung quanh hoặc nhìn nhận lại bản thân, từ đó để biết cách ứng xử và phòng tránh những trường hợp trên sao cho hợp lý.

>> Xem thêm: Lương 7 triệu đồng/tháng vẫn “tậu” xe mua nhà được, “học lỏm” ngay bí quyết chi tiêu của tỉ phú

— HR Insider—
RaoXYZ 
– Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam