Người đàn ông bất ngờ đột quỵ trước cửa bệnh viện

Người đàn ông bất ngờ đột quỵ trước cửa bệnh viện

Khi vừa đến cổng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ông Hồng (47 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) bất ngờ bị đột quỵ thể nhồi máu não.

BS.CKI Trần Thanh Thúy (khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết gần 8h ngày 25/4, bác sĩ bất ngờ nhận y lệnh khẩn “Code Stroke” từ khoa Cấp cứu, thông báo bệnh nhân Nguyễn Viết Hồng vừa nhập viện có biểu hiện đột quỵ. Hai phút sau, bác sĩ Thúy có mặt khám lâm sàng và nhận thấy người bệnh trong tình trạng nói đớ, yếu nửa người bên trái.

Theo lời kể của vợ ông Hồng, trước khi nhập viện một ngày, sáng sớm người bệnh có đi tắm và ngồi xem TV. Khi thấy huyết áp tăng, ông Hồng uống một viên thuốc điều trị huyết áp và vào phòng nghỉ. Cả ngày, người bệnh luôn trong trạng thái mỏi mệt, buồn tay chân. Sáng hôm sau, ông Hồng được người nhà đưa đến Bệnh viện Tâm Anh khám thì bất ngờ đột quỵ khi vừa tới cổng.

Bệnh nhân lập tức được đưa đi chụp CT 768 lát cắt theo lối ưu tiên dành riêng cho ca cấp cứu đột quỵ. 10 phút sau, kết quả chụp CT xác định ông Hồng bị đột quỵ thể nhồi máu não cấp, chưa ghi nhận tổn thương xuất huyết não. Bác sĩ nhanh chóng trao đổi với người thân, chỉ định can thiệp cấp cứu đột quỵ gấp bằng thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp CT nhằm tiết kiệm từng phút cứu người bệnh.

Da khoa Tam Anh,  khoa Noi Than kinh anh 1

Bệnh nhân vui mừng khi sức khỏe hồi phục sau 7 giờ cấp cứu đột quỵ.

Bác sĩ Thúy cho biết từ khi bệnh nhân được đưa vào cấp cứu đến lúc dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ mất 20 phút. Đây là mốc thời gian “cửa kim”, vượt tiêu chuẩn kim cương về cấp cứu đột quỵ theo đánh giá của tổ chức WSO Angels Awards (Mỹ).

“Cấp cứu đột quỵ quan trọng nhất là nhanh chóng và chính xác. Như mọi lần, cả trung tâm tầm soát và cấp cứu đột quỵ bệnh viện chúng tôi rất vui mừng vì ca cấp cứu diễn ra thành công”, bác sĩ Thúy nói.

Ca bệnh ban đầu hơi khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng vì biểu hiện đột quỵ dao động không rõ ràng. Người bệnh nhập viện với biểu hiện yếu liệt nửa người, nói khó, vài phút sau lại nói được, triệu chứng hết. Vài phút sau lại yếu nửa người, nói khó lặp lại.

Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết 15 phút, bệnh nhân nói chuyện tốt, dễ nghe hơn. Một giờ sau, sức cơ của bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Đến 15h30 cùng ngày (sau 7 giờ 5 phút dùng thuốc tiêu sợi huyết), người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nói chuyện và sức cơ tay chân vận động bình thường, huyết áp được kiểm soát tốt. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi 24 giờ sau khi dùng thuốc, ghi nhận không bị tắc mạch máu lớn. Bác sĩ thực hiện thêm kỹ thuật cận lâm sàng khác để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Hiện bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt bình thường. Các bác sĩ tiếp tục điều trị, theo dõi kiểm soát huyết áp, tầm soát nguy cơ đột quỵ tái phát cho người bệnh.

Bác sĩ Thúy cho biết gần đây, khi thông tin về bệnh đột quỵ xuất hiện nhiều, người dân có thể nhận biết dấu hiệu đột quỵ sớm và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu được cấp cứu trong khung “giờ vàng” (3-4,5 giờ, có thể mở rộng lên 6-24 giờ với can thiệp mạch), tình trạng bệnh sẽ được cải thiện rõ rệt, chất lượng sống tốt và các chức năng cơ thể hoạt động bình thường sau điều trị.

Bác sĩ khuyến cáo khi nhận thấy biểu hiện nghi ngờ như tê yếu tay chân, méo miệng một bên, nói đớ… người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện. Lưu ý này đặc biệt quan trọng với những người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường...

* Tên nhân vật được thay đổi

Minh Chi