Mua nhà ở xã hội năm 2019 sẽ có ưu điểm và hạn chế gì?

Mua nhà ở xã hội năm 2019 sẽ có ưu điểm và hạn chế gì?

Nếu thuộc diện được mua nhà ở xã hội, bạn sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ các gói vay vốn từ phía Ngân hàng Nhà nước. Nhưng sự thực liệu đó có phải giải pháp tối ưu nhất khi muốn sở hữu nhà ở chất lượng trong phân khúc giá hợp lý? Theo dõi ngay những đánh giá khách quan dưới đây của chúng tôi về ưu điểm và hạn chế khi mua nhà ở xã hội trong năm 2019.

Nội dung bài viết

Ưu điểm khi quyết định mua nhà ở xã hội

So với loại hình nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội thường được bán ra với mức giá “dễ chịu” hơn rất nhiều. Đó là một trong những ưu đãi của Nhà nước để người dân có thể dễ dàng hơn trong việc sở hữu căn nhà khang trang cho riêng mình.

Ngoài ra, theo luật nhà ở xã hội hiện hành thì các đối tượng thuộc diện được mua/thuê nhà ở xã hội còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện mục đích của mình. Gói vay mua nhà có thể lên tới 80% tổng giá trị căn hộ, áp dụng lãi suất ở mức rất thấp chỉ từ 4,8 – 5%/năm. Với trường hợp xây dựng/cải tạo có thể vay số vốn tới 70% dự toán và tương đương với giá trị tài sản đảm bảo của mình.

Mua nhà ở xã hội năm 2019
Việc mua nhà ở xã hội có một số ưu điểm nhất định và giúp cư dân có thu nhập thấp dễ dàng hơn trong việc sở hữu nhà ở.

Không những vậy, thời hạn thanh toán khoản vay vốn này còn được gia hạn trong thời gian dài, tối thiểu là 15 năm tính từ đợt giải ngân đầu tiên. Với hình thức trả gốc và lãi hàng tháng thì với mức thu nhập ổn định, người vay sẽ dễ dàng hoàn trả được khoản vay này trong thời gian quy định. Đó là cơ hội để sở hữu nhà ở dành cho những người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Điểm hạn chế khi mua căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội

Bên cạnh những ưu điểm và thuận lợi có bản thì việc mua nhà ở xã hội rõ ràng có tồn tại một vài điểm hạn chế như sau:

Không phải ai cũng có thể mua nhà ở xã hội

Đối tượng được phép mua nhà ở xã hội với mức giá ưu đãi được quy định theo điều luật 51 của Luật nhà ở năm 2014. Theo đó, chỉ có những ai chưa có nhà, có thu nhập thấp, thuộc diện hộ nghèo/cận nghèo theo quy định mới được mua nhà ở xã hội. Trường hợp khác được ưu tiên mua căn hộ thuộc các dự án này là các đồng chí hiện đang công tác trong lĩnh vực CAND, QĐND hoặc cán bộ/viên chức theo quy định của pháp luật Việt Nam.

đối tượng mua nhà ở xã hội
Thu hẹp đối tượng là điểm hạn chế và khó khăn khi quyết định mua nhà ở xã hội.

Tất cả những đối tượng này đều phải chứng minh được hoàn cảnh, nghề nghiệp của mình thông qua giấy tờ có chứng nhận của cơ quan, đơn vị, địa phương nơi mình đang sinh sống hoặc công tác. Sau khi xác nhận và xét duyệt hồ sơ nằm trong diện được vay mua nhà ở xã hội theo quy định, các đối tượng này mới được phép thực hiện quá trình mua/thuê/xây dựng/cải tạo theo ý định của mình. Điểm hạn chế này một phần nào đó khiến cho đối tượng mua nhà ở xã hội bị thu hẹp và gây ra sự bất tiện cho người dân khi thực hiện các thủ tục, hồ sơ xét duyệt vay vốn.

Quy định về diện tích khi mua nhà ở xã hội

Luật nhà ở xã hội có quy định về tiêu chuẩn diện tích riêng đối với các căn hộ chung cư. Cụ thể, tại Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội sẽ được thiết kế và xây dựng với diện tích tối thiểu là 25m2 và tối đa là 70m2 đối với mặt sàn. Đó là một điểm hạn chế với những ai có ý định sở hữu căn hộ có diện tích rộng hơn để thoả mãn điều kiện sinh hoạt của gia đình.

quy định mua nhà ở xã hội
Hầu hết các dự án nhà ở xã hội đều phải đáp ứng quy chế chung về diện tích.

Không được phép chuyển nhượng nhà ở xã hội trong 5 năm

Quy định này được thể hiện rõ ràng trong Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành. Theo đó, đối tượng mua nhà ở xã hội sẽ không được phép thế chấp với bất cứ bên nào (trừ ngân hàng chính sách hiện đang cho vay tín dụng theo hợp đồng mua nhà) và không được chuyển nhượng căn hộ dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu 5 năm.

hạn chế khi mua nhà ở xã hội
Việc sở hữu nhà ở xã hội có hạn chế về quyền sang nhượng và mua bán.

Khi chưa đủ thời gian 5 năm, nếu người mua có nhu cầu bán căn hộ thì chỉ được phép bán lại cho chủ đầu tư, Nhà nước hoặc các đối tượng khác thuộc diện được mua nhà ở xã hội. Cũng theo luật nhà ở xã hội, bạn sẽ chỉ được phép bán/thế chấp/cho thuê căn hộ này sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Đó là điểm khá bất lợi và hạn chế khi quyết định mua nhà ở xã hội mà bạn nên cân nhắc.

vay vốn mua nhà ở xã hội
Các gói vay vốn lãi suất ưu đãi từ ngân hàng Nhà nước là giải pháp để cư dân dễ dàng sở hữu nhà ở xã hội.

Bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, việc chọn mua nhà ở xã hội cũng vậy. Do đó mà trước khi quyết định sở hữu nhà ở, hãy cẩn trọng và phân tích sự được – mất thật kỹ càng để có lựa chọn thông minh, sáng suốt nhất. Nếu như bạn có bất cứ thắc mắc gì cần tư vấn về chủ đề này hoặc muốn tìm kiếm dự án chất lượng, hãy liên hệ ngay với nhà đất RaoXYZ để được hỗ trợ.

Tổng hợp: Thảo Trần

Xem thêm

  • Dân Hà Nội sẽ vui mừng khi tái khởi động “siêu dự án” đô thị ven sông Hồng?
  • Lãi to nếu chọn “săn siêu” dự án Everde City