Mối họa từ trào lưu phẫu thuật loại bỏ mỡ má

Mối họa từ trào lưu phẫu thuật loại bỏ mỡ má

MỹPhẫu thuật loại bỏ mỡ má không phù hợp với một số người, khiến gương mặt của họ hóp, trở nên gầy gò hơn, để lại nhiều rủi ro nếu không được bác sĩ lành nghề thực hiện.

Trên các nền tảng truyền thông xã hội, nhiều người dùng, đặc biệt là các phụ nữ trẻ, chia sẻ về dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ loại bỏ mỡ má. Quy trình này đã tồn tại nhiều năm, song trở nên phổ biến gần đây đối với những người thích cấu trúc gương mặt hẹp và góc cạnh.

Mỡ má được dùng để chỉ vùng má ở hai bên miệng. Các thủ tục thẩm mỹ trước đây thường tập trung tăng, giảm kích thước vùng má trên, chẳng hạn xương gò má. Gần đây, nhiều người tin rằng loại bỏ vùng má dưới có thể khiến đường nét gương mặt trở nên rõ ràng, thon gọn hơn.

"Miếng mỡ má là một túi sâu từ thái dương đến má, có tác động rất lớn đến hình dạng khuôn mặt. Tùy thuộc vào giải phẫu tự nhiên hoặc quá trình lão hóa, mỡ má có thể khiến phần dưới khuôn mặt trông lớn hơn", Babak Azizzadeh, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Beverly Hill, cho biết.

Mối quan tâm đối với dịch vụ phẫu thuật vùng mỡ má bắt nguồn từ nỗi ám ảnh của nhiều người về việc có đường xương hàm rõ nét. "Trong thời đại mọi tiêu chuẩn cái đẹp bắt nguồn từ mạng xã hội, mọi người chú ý vào các chi tiết này hơn bao giờ hết", tiến sĩ Ira Savetsky, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở New York, cho biết.

Phẫu thuật mỡ má là một trong những thủ tục nhanh, ít xâm lấn. Tuy nhiên, nó vẫn đi kèm với nhiều rủi ro. Để thực hiện, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ, mổ phía trong miệng để loại bỏ một số mô mỡ ở vùng má. Thủ thuật gần như không thể đảo ngược, khiến một số chuyên gia lo ngại.

Minh họa ca phẫu thuật thẩm mỹ loại bỏ túi má. Ảnh: Bichectomy

Minh họa ca phẫu thuật thẩm mỹ loại bỏ túi má. Ảnh: Bichectomy

Theo tiến sĩ Michael Horn, bác sĩ phẫu thuật được Hội đồng Thẩm mỹ chứng nhận tại Chicago, phần bao quanh mỡ má là các mạch máu và dây thần kinh, vì vậy, trong quá trình thực hiện, các bác sĩ cần rất thận trọng để không làm tổn thương chúng.

Còn tiến sĩ Rod Rohrich, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Dallas, thủ thuật này hoàn toàn là thẩm mỹ, không có bất cứ lợi ích y tế nào. Nó chỉ phù hợp với cơ địa của một số người.

"Cứ 10 bệnh nhân đến với tôi thì chỉ một người thực sự được chỉ định loại bỏ mỡ má. Hãy làm một phép thử thế này. Nếu bạn cắn hai răng và nhau và hóp má lại mà má vẫn đầy, bạn phù hợp để loại bỏ mỡ má. Nhưng hầu hết là không cần", ông nói.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Andrew Jacono, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được chứng nhận tại New York, một số phụ nữ khoảng 20 tuổi, dù không có gương mặt tròn trịa, vẫn tìm đến bệnh viện của ông để loại bỏ mỡ má. Họ tin rằng điều này khiến họ có gương mặt đẹp, gò má cao hơn.

"Tôi nói với họ đây không phải ý kiến hay. 10 năm nữa, họ sẽ rất hối hận khi mỡ trên khuôn mặt bắt đầu giảm đi một cách tự nhiên, khiến khuôn mặt trông già hơn", ông cho biết.

Khác với những thủ thuật tạm thời như tiêm filler hoặc botox, loại bỏ mỡ má có ảnh hưởng vĩnh viễn. "Những thứ bạn tưởng đẹp ở độ tuổi 20, 30 có thể không còn đẹp nữa ở tuổi 50 hoặc 60. Mỡ trên mặt rất quý. Việc loại bỏ chúng ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời đều không phải ý hay, bởi rất khó để phục hồi chúng", ông Horn nói.

Người phù hợp để phẫu thuật loại bỏ mỡ má thường có gương mặt đầy đặn. Bác sĩ cần phân tích kỹ về giải phẫu của các bệnh nhân trước khi khuyến nghị thực hiện thủ tục y khoa này.

Loại bỏ mỡ má ở người có gương mặt quá gầy sẽ tạo ra hiệu ứng xương không tự nhiên. Hiện tượng này biểu hiện rõ rệt hơn khi tình trạng sưng giảm bớt, hoặc sau nhiều năm phẫu thuật. Giảm cân sau khi phẫu thuật cũng khiến bệnh nhân có vẻ ngoài hốc hác hơn.

Khi phẫu thuật loại bỏ mỡ má, bác sĩ cần chú ý đến ba yếu tố chính. Đầu tiên là lượng mỡ lấy ra hai bên phải đều nhau. Thứ hai, bác sĩ cần hiểu rõ cấu trúc liên kết của đệm mỡ má với các dây thần kinh trên mặt để tránh gây tổn thương. Cuối cùng, miếng mỡ má thường liên kết với ống dẫn cho phép tuyến nước bọt đi vào miệng. Người phẫu thuật tay nghề không cao có thể làm hỏng phần ống dẫn này, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Thục Linh (Theo Allure, CBS News)