Mô hình trang trại nuôi heo rừng

Mô hình trang trại nuôi heo rừng

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trên cả nước, mô hình chăn nuôi lợn rừng hoang dã và lai tạo với giống lợn thả rông bản địa đang ngày càng phát triển và được nhân rộng. Mô hình kinh tế trang trại này có những ưu thế về giá thịt thương phẩm, giống heo rừng có khả năng kháng dịch bệnh tốt, tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, thị trường tiêu thụ lớn, cùng với sự hỗ trợ của chương trình khuyến nông tại địa phương, từ đó mà nhiều hộ nông dân đã vượt qua khó khăn và vươn lên làm giàu.

Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt heo rừng được xem là loại thực phẩm sạch, thơm ngon và bổ dưỡng, mặc dù được đưa vào thực đơn của các nhà hàng chưa lâu nhưng loại thịt đặc sản này đã nhanh chóng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, và còn xuất đi các thị trường trên thế giới. Để mô hình chăn nuôi lợn rừng đạt hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải chọn con giống tốt, đảm bảo được điều kiện chuồng trại với nguồn thức ăn tự nhiên.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng cho giá trị kinh tế cao. Nguồn: wikipedia.org
Mô hình chăn nuôi lợn rừng cho giá trị kinh tế cao. Nguồn: wikipedia.org

Mô hình nuôi heo rừng

1. Con giống

- Heo rừng thuần chủng: là giống heo hoang dã được thuần hóa, có nguồn gốc từ Thái Lan và Việt Nam, có hai nhóm: nhóm mặt dài và nhóm mặt ngắn.

- Heo rừng lai: được lai giữa heo rừng đực với heo nái địa phương để tạo ra thế hệ con lai có gen trội của cả bố và mẹ: sức đề kháng cao, khả năng thích nghi với môi trường sống tự nhiên cao, ít nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp…

2. Chuồng trại

Khu trại chăn nuôi lợn rừng khá đơn giản, nhưng phải bố trí sao cho phù hợp với một số đặc điểm và tập tính của heo rừng. Nên chọn chỗ đất cao ráo, có trồng cây để tạo bóng mát, có nguồn nước sạch để cung cấp nước uống cho vật nuôi, duy trì hệ thực vật và giữ được độ ẩm thích hợp. Hàng rào bao quanh phải chắc chắn, có thể vây lưới B40 thành các vườn nuôi tự nhiên, có móng kiên cố. Khu chuồng trại phải cách xa khu dân cư và đường xá vì heo rừng rất sợ tiếng ồn.

Chuồng nuôi phải thông thoáng, sạch sẽ, có mái che, cao trên 2,5m, nền đất tự nhiên, có độ dốc 2-3%, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa hắt, gió lùa… Đến mùa sinh nở nên làm ổ úm cho heo con, có đèn để sưởi ấm khi nhiệt độ môi trường hạ thấp.

Chuồng trại nuôi heo rừng phải có hàng rào kiến cố bao quanh. Nguồn: tornadowire.fr
Chuồng trại nuôi heo rừng phải có hàng rào kiến cố bao quanh. Nguồn: tornadowire.fr

3. Quá trình nuôi

Chế độ ăn cho heo phải được nghiên cứu kỹ, thay đổi khẩu phần hằng ngày cho phong phú, tốt nhất là trồng ngay trong trang trại. Cho ăn phải đúng giờ, mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều; ngoài ra còn phải có đủ nguồn nước sạch. Khi chăn nuôi lợn rừng, phải điều chỉnh sao cho mỗi tháng lợn chỉ tăng từ 2 – 2,5kg/con, nếu ít hơn thì lợn sẽ bị gầy, còn nếu nhiều hơn thì thịt sẽ nhiều mỡ, mất đi độ dai, giòn.

Heo con một tuần tuổi cần được tiêm chích để bổ sung chất sắt, khi đến 1 tháng tuổi thì cho heo con tập ăn thức ăn tinh, nên được nấu chín để dễ hấp thụ. Khi được 2 tháng tuổi, heo con sẽ được tách mẹ và đưa sang chuồng rộng nối liền với sân vườn.

4. Chi phí đầu tư

- Đầu tiên là chi phí mua đất giá rẻ hoặc thuê đất, có thể liên hệ với các công ty bất động sản để được giới thiệu cụ thể.

Không thể bỏ qua:  Làm giàu từ mô hình trang trại nuôi gà siêu trứng

- Khi nuôi thử nghiệm, bạn chỉ cần đầu tư 2 con lợn nái và 1 con lợn đực giống. Lợn rừng giống trọng lượng từ 8 – 15kg hiện có giá 130.000đ/kg, trọng lượng từ 16 – 20kg giá 120.000đ/kg; còn heo nái giống có giá khoảng 800.000 – 1 triệu đồng/con tùy trọng lượng.

- Với quy mô nhỏ, chi phí đầu tư chuồng trại chỉ khoảng 30 triệu đồng. Có thể chọn mua vật liệu xây chuồng trại giá rẻ trên RaoXYZ để tiết kiệm chi phí.

- Tận dụng nguồn thức ăn xanh sẵn có như rau, củ, quả, thức ăn tinh bột chỉ chiếm khoảng 10% chi phí.

5. Lợi nhuận

Lợn nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 7 – 12 con. Heo rừng 3 tháng tuổi nếu đạt trọng lượng 10 kg thì có thể bán giống với giá trung bình khoảng 200.000 đồng/kg. Heo thịt thì được hơn 30 kg mới bắt đầu bán, trong 2 năm mới đạt tới trọng lượng 60 kg, giá bán 130 – 150.000 đồng/kg hơi.

Lợn nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 7 - 12 con. Nguồn: yume.vn
Lợn nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 7 – 12 con. Nguồn: yume.vn

Ưu điểm của mô hình này

- Heo rừng dễ nuôi hơn heo nhà vì sức đề kháng cao, khả năng thích nghi tốt, ít bệnh dịch, chất lượng thịt tốt; tuy nhiên vẫn phải tiêm phòng, tẩy giun sán định kỳ.

- Việc xây dựng chuồng trại cũng không cầu kỳ, được thiết kế đơn giản, chỉ cần đảm bảo đủ điều kiện và hợp vệ sinh.

- Thức ăn cho heo chủ yếu là các phụ phẩm trong nông nghiệp như: các loại cỏ, rau xanh, thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ, quả, mầm cây), thân bắp non, cây chuối…

- Chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận thu về cao hơn nhiều so với nuôi heo nhà.

Nhược điểm

- Trên thị trường đã xuất hiện loại thịt heo rừng giả mà người tiêu dùng rất khó phân biệt, điều này làm ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng tiêu thụ sản phẩm.

- Khả năng sinh sản của giống lợn rừng còn kém, khả năng tăng đàn chậm.

- Heo rừng lai dễ tích mỡ, có thể khắc phục bằng cách hạn chế thức ăn có chứa tinh bột và thay bằng các chất xơ như thân chuối, các loại rau, trái cây. Nhưng điều này sẽ làm heo chậm lớn và thời gian nuôi kéo dài.

Trước khi đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn rừng, ngoài lòng yêu thích và quyết tâm, người nông dân cần phải tìm tòi thông tin, nghiên cứu về cách chăn nuôi heo rừng, đồng thời nên tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất ở địa phương. Hơn nữa, cần phải kiên nhẫn dành thời gian quan sát tập tính của vật nuôi để điều chỉnh chế độ chăm sóc cho phù hợp. Bên cạnh đó, với những cơn sốt ảo và sự ra đời của nhiều mô hình kinh tế trang trại tương tự, theo quy luật cung cầu thì đến một lúc nào đó, nhu cầu của thị trường sẽ trở nên bão hòa, vì thế người nông dân cần sớm tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình để không bị ứ đọng nguồn hàng, gây ra những tổn thất về kinh tế.