Lý do gần 80% ca HIV/AIDS ở TP.HCM là người đồng tính nam

Lý do gần 80% ca HIV/AIDS ở TP.HCM là người đồng tính nam

Số liệu thống kê HIV/AIDS trên địa bàn TP.HCM vài năm trở lại đây cho thấy có sự gia tăng số ca nhiễm, trong đó, chiếm đa số là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Mới đây, một nam sinh sống tại TP.HCM đến gặp thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Tân, khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), do vùng kín xuất hiện các vết sần sùi giống tổn thương sùi mào gà.

Sau khi khai thác tiền căn hoạt động tình dục, bác sĩ Tân nghi ngờ nam sinh đồng nhiễm một số bệnh xã hội khác, trong đó nguy hiểm nhất là HIV, nên đề nghị xét nghiệm kiểm tra.

"Đúng như dự đoán, nam sinh nhận kết quả dương tính với HIV ở ngưỡng tuổi 20", bác sĩ Tân kể lại với Zing.

Sau 32 năm kể từ thời điểm trường hợp đầu tiên tại Việt Nam nhiễm HIV/AIDS, ngành y tế vẫn tiếp tục nỗ lực kìm chế số ca nhiễm HIV, mắc AIDS và tử vong.

Tuy nhiên, con đường đi đến mục tiêu chấm dứt đại dịch này còn khá gian nan khi thế giới đối mặt diễn biến lây nhiễm phức tạp hơn.

Hình thái lây nhiễm HIV thay đổi

Theo báo cáo mới đây của đại diện Chương trình HIV/AIDS ở TP.HCM, ước tính hiện tại, thành phố có khoảng 51.000-55.000 người nhiễm HIV, chiếm khoảng 24% số người nhiễm trên cả nước.

Đáng chú ý, số liệu thống kê HIV/AIDS tại TP.HCM gần đây cho thấy có sự gia tăng số ca nhiễm mới được báo cáo hàng năm. Trong đó, sự thay đổi rõ rệt về hình thái lây nhiễm cũng được ngành y tế đặt ra.

ca HIV la nguoi dong tinh nam anh 1

Một bệnh nhân nhiễm HIV bị các phát ban trên tay. Ảnh: Medical News Today.

Theo thông tin từ khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), thời kỳ đầu của đại dịch, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu.

Giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhiễm HIV chiếm tỷ lệ lớn. Hiện tại, TP.HCM có 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021 là MSM.

Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cũng nhấn mạnh hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010-2020 có sự thay đổi. Trong đó, việc lây nhiễm HIV qua đường máu không còn là con đường lây nhiễm chính.

"Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt lên từng năm. MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới", ông Cảnh cho biết.

Nguyên nhân

Chia sẻ với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Tân, khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), cho biết ông không ngạc nhiên trước các số liệu thống kê này.

Nam bác sĩ cho biết thông thường, số lượng bệnh nhân đến và khám thường do các triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, như sùi mào gà, giang mai, lậu, viêm nhiễm...

Sau khi khai thác về tiền căn quan hệ tình dục, nếu trường hợp có nguy cơ cao, bác sĩ thường đề nghị làm các xét nghiệm khác để kiểm tra HIV.

"Chúng tôi nhận thấy rằng đa số trường hợp nam quan hệ tình dục đồng giới mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục có tỷ lệ đồng nhiễm HIV cao. Nguyên nhân là việc quan hệ qua đường hậu môn có tỷ lệ lây nhiễm bệnh cao hơn", bác sĩ Tân nói.

ca HIV la nguoi dong tinh nam anh 2

Bác sĩ Lê Vũ Tân, khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, đa số tiếp nhận trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục đồng nhiễm HIV. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Lê Vũ Tấn phân tích cấu trúc đường hậu môn của con người vốn không có chức năng quan hệ tình dục, bởi độ giãn nở và đàn hồi tại bộ phận này không cao.

Ngoài ra, niêm mạc hậu môn thường mỏng, niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch dễ bị tổn thương. Hậu môn cũng không có các tuyến tiết chất nhờn để bôi trơn nên dễ bị trầy xước. Chính những vết thương này khiến virus HIV dễ dàng xâm nhập từ người bệnh sang người lành.

"Mặc dù chúng tôi chưa có số liệu cụ thể, thông qua những ca bệnh được tầm soát và xét nghiệm dương tính HIV trong thời gian qua, tôi cho rằng đây là tình trạng đáng báo động, có những người thậm chí rất trẻ, không có kiến thức về phòng bệnh an toàn", bác sĩ Tân nhấn mạnh.

Nam sinh 20 tuổi mắc HIV nói trên cũng là một trong những trường hợp chủ quan và không đủ kiến thức về phòng bệnh an toàn. Kể lại với bác sĩ, nam sinh cho biết do tin tưởng bản thân đang sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) nên quan hệ đồng giới khá thoải mái, không dùng bao cao su.

"PrEP là bước phát triển của khoa học nhưng đây không phải phương pháp dự phòng lây nhiễm tuyệt đối, vẫn có tỷ lệ nhất định người uống thuốc có nguy cơ lây nhiễm nên yếu tố quan hệ an toàn, chung thủy cần đặt lên hàng đầu", bác sĩ Tân khuyến cáo.

Bích Huệ