Khiêm tốn là tốt, nhưng trong công việc đừng khiêm tốn quá

Khiêm tốn là tốt, nhưng trong công việc đừng khiêm tốn quá


Có một sự khác biệt lớn giữa tính tự phụ và sự kiêu ngạo về chính bản thân. Chúng ta đã bóp méo quan niệm về sự kiêu ngạo với quá nhiều ý nghĩa tiêu cực, thường kiêu ngạo sẽ bị đánh đồng với sự kiêu căng, tự phụ hay tự cao, tự đại. Trong lòng mỗi người chúng ta đều có một sự kiêu ngạo riêng, về một điều mà khiến bạn khác biệt với tất cả mọi người trên thế giới và không ai thay thế được. Dẫu vậy, đức tính khiêm tốn vẫn luôn được đánh giá cao bởi thái độ còn quan trọng hơn cả kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, nhiều người lại khuyên "khiêm tốn là tốt nhưng trong công việc đừng khiêm tốn quá". Tại sao vậy?

khiem ton la tot, nhung trong cong viec dung khiem ton qua
Nếu bạn quá khiêm tốn trong công việc, lãnh đạo sẽ không thể nhìn thấy hết năng lực của bạn

Đó là đam mê hoặc hành động của bạn, một điều mà bạn có khả năng làm tốt hơn người khác. Bạn kiêu ngạo về giá trị bạn đóng góp cho xã hội, điều khiến bạn cảm thấy mình là người có ích và quan trọng giữa cuộc đời. Kiêu ngạo chỉ đơn thuần là bạn nhận rõ giá trị của bản thân, chứ không có nghĩa là bạn chê bai và hạ thấp giá trị người khác.

Khiêm tốn và một đức tính đáng trân trọng và mỗi người cần có, nhưng khiêm tốn quá có thể sẽ biến thành trở ngại trong sự nghiệp của bạn. Dưới đây là 6 nguyên nhân tại sao bạn không nên quá khiêm tốn trong công việc.

Lý do bạn không nên khiêm tốn trong công việc

1. Khiêm tốn bị xem là nhút nhát

Nhiều người khác nhau sẽ hiểu và có quan điểm khác nhau về tính khiêm tốn. Để thành công trong công việc, bạn nên hiểu nhận thức của đồng nghiệp về khái niệm này. Khiêm tốn là đức tính tốt đẹp, tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh năng động, nhiều người sẽ cho rằng bạn quá nhút nhát, khép kín, tẻ nhạt hoặc thậm chí là giả tạo.

2. Không ai biết giá trị thực sự của bạn

Thường thì khi chúng ta thể hiện sự khiêm tốn, đơn giản là chúng ta mong muốn hành động của mình nói lên tất cả. Không ai muốn cố gắng nỗ lực trong khi không được người khác công nhận. Nhưng bạn đã nghĩ đến chưa, nếu bạn không nói ra có thể mọi người không biết giá trị thực sự mà bạn mang đến cho tổ chức. Lối tư duy cố hữu rằng chỉ cần tập trung và chăm chỉ làm việc mà không cần lên tiếng mình tốt ra sao có thể sẽ khiến bạn để tuột mất cơ hội thành công.

Liệu bạn có dám tin dầu gội đầu nào đó tốt nếu nó không được quảng bá và giới thiệu trên các phương tiện truyền thông không? Đôi khi bạn cần sử dụng lời nói để tạo cơ hội cho hành động. Do vậy dù bạn đang đảm nhiệm bất kỳ một vị trí nào, nhân viên kinh doanh, kế toán, hay nhân viên bán hàng, thì hãy biết thổ lộ hết năng lực của bản thân mình nhé.

3. Bạn không hiểu giá trị thực sự của bản thân

Sự khiêm tốn quá mức sẽ khiến bạn quên đi bản lĩnh thực sự mình có. Bạn luôn nghĩ mình còn nhiều khiếm khuyết và không thể vượt trội hơn người khác được. Điều này khiến bạn không bao giờ dám mạo hiểm, liều lĩnh để nắm bắt những cơ hội lớn, luôn khép mình trong vùng an toàn mà bạn thấy bản thân làm tốt. Bạn sẽ không bao giờ thực sự khai thác được tiềm năng của bản thân, thể hiện kỹ năng và phẩm chất vượt trội của mình.

khiem ton la tot nhung trong cong viec dung khiem ton qua
Đừng tự ti, đừng khiêm tốn, hãy bộc lộ hết năng lực của bản thân mình

4. Khiêm tốn quá sẽ bị bắt nạt

Nếu bạn quá khiêm tốn trong công việc, người khác có thể sẽ thừa cơ lợi dụng bạn. Đừng khiêm tốn đến mức bạn thấy mình phải làm việc trong thời gian dài hơn và khối lượng công việc nhiều hơn người khác. Đừng khiêm tốn đến nỗi để ai ai cũng chê bai, phán xét được bạn. Đừng để sự khiêm tốn của bạn biến thành sự phẫn nộ và oán hận.

5. Không ai sinh ra đã khiêm tốn, đó chỉ là phản xạ có điều kiện

Không ai sinh ra đã biết khiêm tốn cả. Bạn có thấy đứa trẻ nào không thích được khen khi chúng ngoan hoặc được điểm 10 chưa? Khiêm tốn là đức tính chúng ta được giáo dục nên, và mọi người đều nghĩ đây là điều nên làm. Nhưng nếu bạn làm điều mà ai ai cũng làm thì bạn sẽ không bao giờ thành công hơn người khác. Để thành công, bạn cần sự khác biệt. Nếu bạn giỏi thì kiêu ngạo chẳng có gì là xấu và bạn xứng đáng nhận được cơ hội tốt hơn.

6. Khiêm tốn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của bạn

Trong đàm phán không có chỗ cho sự khiêm tốn. Bạn cần biết bạn xứng đáng nhận được những gì và đừng e ngại phải tự yêu cầu điều đó với giám đóc của mình. Có quá nhiều người phải nhận mức lương thấp hơn so với giá trị mình tạo ra chỉ vì quá khiêm tốn. Bạn sẽ không thể nhận được mức lương xứng đáng nếu mang tính khiêm tốn đó đến buổi phỏng vấn với giám đốc của mình.

Mục đích trong bài viết này của Joboko không phải nhằm hạ thấp tầm quan trọng của sự khiêm tốn. Nói cho cùng mỗi chúng ta khác biệt với người khác nhưng không phải giỏi nhất, vĩ đại nhất. Còn quá nhiều điều cần học hỏi, mà nếu lúc nào cũng chỉ biết nhìn vào điểm mạnh của bản thân, bạn sẽ không biết được mình cần phải cải thiện và thay đổi những gì. Quan trọng là, bạn cần đủ thông minh để biết lúc nào cần kiêu ngạo để chứng tỏ giá trị của bản thân, lúc nào cần khiêm tốn để học hỏi nhiều hơn. Và đặc biệt, bạn cần biết điểm yếu của bạn là gì? Điều gì khiến bạn bị tự ti để nâng cao, cải thiện bản thân sao cho tốt nhất.