Khi sếp là bạn thân, làm thế nào để mối quan hệ không rạn nứt?

Khi sếp là bạn thân, làm thế nào để mối quan hệ không rạn nứt?

Mai và Lan là bạn thân 25 năm. Hai cô nàng chơi cùng nhau từ khi lọt lòng, học cùng nhau suốt những năm cấp 1, cấp 2, rồi tới cấp 3. Tới Đại học dù không cùng trường nhưng họ vẫn ở cùng một phòng trọ; ăn cùng giờ, ngủ cùng giấc. Đến khi tốt nghiệp, hai người lần lượt vào làm chung một công ty. Mai vào trước, Lan vào sau đó vài tháng nhờ sự giới thiệu của bạn. Họ vẫn là người bạn tốt nhất của nhau.

Nhưng rồi… một sự kiện đã thay đổi tất cả mọi chuyện.

sếp là bạn thân 1

Sau một thời gian dài cố gắng, Mai được thăng chức. Mọi điều sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Mai không trở thành sếp của Lan. Khác với Mai, Lan là một cô gái vui vẻ, không có chí hướng gì lớn lao về sự nghiệp và có đôi chút “vô tâm, vô tính”. Vì thế, cô không ghen tị với thành công của bạn mình. Và Lan cũng không thực sự hiểu rằng: Mai lúc này không chỉ là bạn thân mà còn là sếp của cô.

Mối quan hệ từng thân thiết như chị em ruột thịt bỗng rạn nứt vì Mai quyết định trao thưởng cho một nhân viên khác, không phải là Lan. Và tình bạn giữa hai người chấm dứt hoàn toàn vào một ngày Lan phạm sai lầm và Mai đưa ra quyết định phạt theo chính sách của công ty thay vì “bao che”.

VIỆC LÀM CHUYÊN GIA TỔ CHỨC NHÂN SỰ

Làm thế nào để không rơi vào tình trạng như Mai và Lan? Dưới đây là một vài lời khuyên cho bạn!

Hãy rõ ràng về vai trò của từng người

Bạn và sếp là bạn thân, nhưng hãy là bạn thân ở một nơi khác không phải là văn phòng. Nếu một trong hai bạn được thăng chức, hãy ngồi lại và nói chuyện với nhau một cách rõ ràng để thấu hiểu về vai trò và trách nhiệm của từng người.

Khi trở thành sếp, bạn của bạn sẽ có nhiều điều cần quan tâm hơn. Lúc này, cô ấy/ anh ấy không chỉ là bạn thân của bạn mà còn là người quản lý của một nhóm người. Và cô ấy/ anh ấy phải công bằng về mặt lợi ích cho tất cả mọi người. Không chỉ thế, bạn thân của bạn còn phải chịu trách nhiệm về sự thành công, cũng như sai sót của cả team.

Vì vậy, nếu như sếp đồng thời là bạn thân của bạn trao thưởng cho một người khác không phải bạn hoặc ra quyết định phạt bạn mà không phải một người nào khác trong team, thì hãy hiểu rằng, đó là quyết định công bằng. Tôi tin, bạn thân của bạn cũng đã phải trải qua một quá trình suy nghĩ rất lâu và băn khoăn để có thể đưa ra lựa chọn.

Là những người bạn thân thiết, bạn hãy thấu hiểu cho bạn của mình.

👉 Xem thêm: [Câu chuyện công sở] Làm việc với bạn và những điều cần cân nhắc!

Đừng yêu cầu đặc quyền

sếp là bạn thân 2

Đừng yêu cầu sếp là bạn thân cung cấp cho bạn những đặc quyền trái với quy tắc

Khi là bạn, bạn thân có thể ủng hộ/ hỗ trợ bạn vô điều kiện; nhưng sếp thì không. Vì vậy, đừng mong đợi được đối xử đặc biệt từ người sếp là bạn thân.

Không chỉ thế, đừng quên rằng, đồng nghiệp của bạn là những người rất nhanh nhạy và họ có thể dễ dàng nhận ra rằng bạn đang được ưu tiên. Và rồi bạn thân của bạn sẽ phải hứng chịu những xì xào không đáng có. Lãnh đạo cấp cao cũng có thể đánh giá bạn của bạn là người “công tư không phân minh”.

Hơn hết, việc bạn thân của bạn trở thành sếp sẽ có lợi về lâu dài. Vì thế, bạn không cần yêu cầu những đặc quyền trước mắt. Cô ấy/ anh ấy biết rõ về bạn cũng như khả năng chuyên môn của bạn. Do đó, nếu có một công việc mới hoặc một cơ hội thăng tiến, bạn sẽ đứng đầu danh sách và có thể đạt được sự hỗ trợ đặc biệt (không trái với quy định của công ty).

Hãy giúp sếp (bạn thân) của bạn thành công

Là bạn của nhau, tại sao bạn không giúp sếp (bạn thân của bạn) thành công, thay vì đưa ra yêu cầu được ưu tiên? Hãy giúp “đứa bạn nối khố” của bạn ổn định với vai trò mới và xây dựng danh tiếng, chiếm được niềm tin của lãnh đạo cấp cao và những người trong nhóm.

Bạn có thể ủng hộ và giúp bạn thân của mình chuyển đổi sang vai trò mới một cách suôn sẻ bằng cách:

  • Cởi mở và tích cực đón nhận về bất kỳ sáng kiến ​​hoặc cách làm mới nào mà cô ấy/ anh ấy muốn giới thiệu.
  • Tập trung và hoàn thành công việc theo cách tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển của cả nhóm.
  • Giúp cô ấy/ anh ấy thu thập dữ liệu để sếp kiêm bạn thân của bạn có thể lập kế hoạch và ra quyết định một cách chính xác.

👉 Xem thêm: Nguyên tắc xây dựng tình bạn nơi công sở bạn cần phải biết

Tránh những câu chuyện phiếm ở văn phòng

sếp là bạn thân 3

Những câu chuyện phiếm chốn văn phòng có thể “gây hại” cho bạn hoặc sếp kiêm bạn thân của bạn

Những câu chuyện phiếm ở văn phòng hiếm khi hữu ích; thậm chí chúng còn có thể gây tổn hại. Khi mọi người biết bạn và sếp là bạn thân, họ có thể coi thường những nỗ lực của bạn và đánh giá những gì bạn đạt được là do có mối quan hệ thân thiết với cấp trên.

Vì thế, điều quan trọng là bạn phải duy trì một thái độ chuyên nghiệp và tránh xa mọi tình huống có thể khiến bạn hoặc sếp cảm thấy không thoải mái.

Một khả năng khác là bạn sẽ tình cờ nghe mọi người “nói xấu” sếp (bạn thân của bạn). Trong trường hợp này, cách tốt nhất là đứng ngoài cuộc và không tham gia vào câu chuyện.

Hãy giữ bí mật giúp sếp (bạn thân) của bạn

Là nhân viên cấp dưới của bạn thân đồng nghĩa với việc bạn và bạn của bạn đang làm cùng một công việc, chịu trách nhiệm về cùng một dự án. Khi đó, rất có thể bạn sẽ được biết về các kế hoạch, mục tiêu,… của công ty sớm hơn so với những người khác trong nhóm. Vì vậy, hãy cẩn trọng về những điều bạn nói. Đừng nhắc tới bất kỳ thông tin mật nào trước khi sếp kiêm bạn thân của bạn chia sẻ rộng rãi với mọi người. Vì rắc rối có thể xảy ra nếu kế hoạch bị thay đổi, hoặc các dữ liệu quan trọng bị công bố sớm hơn dự kiến.

👉 Xem thêm: Chúng ta học được gì từ những mối quan hệ nơi công sở?

Kết luận

Là bạn thân của nhau, chắc hẳn bạn luôn mong muốn đối phương hạnh phúc. Phải không nào? Vì vậy, nếu có rơi vào tình huống sếp là bạn thân, bạn hãy đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm của cô ấy/ anh ấy và cố gắng làm việc thật tốt để giúp bạn mình thành công nhé!