Khám sức khỏe ở trường, bé 3 tuổi phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh

Khám sức khỏe ở trường, bé 3 tuổi phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh

Cho con gái 3 tuổi khám và siêu âm tim ở trường, chị Thanh (Hà Nội) được bác sĩ thông báo bé còn ống động mạch - bệnh lý tim bẩm sinh cần can thiệp sớm.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long (khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết bé Vân Anh - con gái chị Thanh - vừa được can thiệp bít ống động mạch thành công, khỏe mạnh xuất viện sau hai ngày.

Nói thêm về trường hợp này, bác sĩ Long giải thích ống động mạch tồn tại trong thời kỳ bào thai, giúp thai nhi phát triển bình thường. Khi trẻ ra đời, ống sẽ đóng lại sau một tuần. Tuy nhiên, ống động mạch ở một số trẻ không đóng khiến tim hoạt động không bình thường. Còn ống động mạch là dị tật bẩm sinh, tỷ lệ khoảng 81/1.000 trẻ.

Nhóm bác sĩ tim mạch thực hiện phương pháp can thiệp bít ống động mạch qua đường ống thông. Dụng cụ đặc biệt (thường gọi là dù) được bác sĩ đưa qua vết rạch nhỏ (dưới 5 mm) từ đùi qua mạch máu đến vị trí ống động mạch. Dưới sự hướng dẫn của hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), bác sĩ bít lại ống động mạch. Sau can thiệp, ống động mạch được bít hoàn toàn, không gây biến chứng hay tổn thương. Bé gái không đau đớn, có thể chạy nhảy ngay sau can thiệp.

BVDK Tam Anh,  tim bam sinh anh 1

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long siêu âm tim cho bé sau can thiệp.

Trước đây, với những bệnh lý tim bẩm sinh, bác sĩ phải mổ đường giữa ngực hoặc đường nách. Hiện nay, nhờ sự phát triển của khoa học, bít ống động mạch qua đường ống thông đơn giản và hiệu quả hơn bằng cách đưa dụng cụ can thiệp qua vết rạch từ vùng đùi lên ống động mạch. Phương pháp này là bước tiến của khoa học kỹ thuật nhằm giảm thời gian nằm viện, giúp phục hồi nhanh sau can thiệp. Theo đó, trẻ không đau đớn, có thể vui chơi ngay ngày hôm sau, giảm nguy cơ nhiễm trùng máu. Hơn thế, can thiệp không gây ảnh hưởng thẩm mỹ, đặc biệt với bé gái, vì không để lại vết sẹo do mổ trên vùng ngực.

Với bệnh lý tim bẩm sinh, một số trường hợp có biểu hiện rõ ràng, số khác có triệu chứng khá mơ hồ. Trường hợp của bé Vân Anh là ví dụ. Bé sinh đủ tháng, cân nặng tiêu chuẩn và phát triển thể chất, vận động bình thường. Dù gần đây bé hay ốm vặt, mệt khi chạy, gia đình không lo lắng vì nghĩ đây là triệu chứng phổ biến, thường xảy ra ở trẻ nhỏ.

Nếu không phát hiện và điều trị sớm, về lâu dài, trẻ có thể bị suy tim hoặc bệnh lý kèm theo, làm giảm chất lượng sống và tuổi thọ. Vì vậy, việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời rất quan trọng, giúp trẻ phát triển và có cuộc sống bình thường sau này.

BVDK Tam Anh,  tim bam sinh anh 2

Bé Vân Anh đi lại, chạy nhảy sau một ngày can thiệp bít ống động mạch.

Bác sĩ Tuấn Long cho biết trẻ sau khi được bít ống động mạch thành công sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, có thể tham gia hoạt động thể dục thể thao và sinh hoạt như bình thường bắt đầu từ sau can thiệp 0,5-1 tháng.

Lý giải thêm, bác sĩ Long nhận định nhóm bệnh lý ống động mạch hay bệnh lý tim bẩm sinh khác có thể khiến trẻ khó thở, tím tái, suy hô hấp ngay sau sinh, theo đó đơn vị y tế có thể phát hiện sớm. Tuy nhiên, một số trẻ không có biểu hiện lâm sàng. Đơn cử bệnh lý thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch… thường được phát hiện về sau, khi gia đình theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ.

Trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh thường phát triển thể chất kém hơn, cân nặng dưới trung bình, dễ mắc bệnh lý hô hấp như viêm phổi. Bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có biểu hiện trên, bố mẹ nên đưa đi khám tầm soát.

Với một số bệnh lý tim bẩm sinh hoặc nhóm trẻ không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, bố mẹ có thể cho trẻ siêu âm tim tầm soát sớm nhằm phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh. Thời gian lý tưởng để can thiệp bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ là trước 2 tuổi, càng sớm càng tốt. Việc phát hiện bệnh muộn có thể ảnh hưởng chất lượng điều trị.

Theo bác sĩ Tuấn Long, ở các nước phát triển, việc sàng lọc và siêu âm được khuyến khích khi trẻ vừa ra đời. Nhờ vậy, nhiều trẻ nhỏ được phát hiện sớm bệnh lý tim bẩm sinh và có phương án điều trị, can thiệp kịp thời.

* Tên bệnh nhân được thay đổi

Thanh Ba - Minh Chi