Kế hoạch trừng phạt dầu thô Nga bất thành của phương Tây

Kế hoạch trừng phạt dầu thô Nga bất thành của phương Tây

Phương Tây tìm cách cấm dầu thô Nga, nhưng Moscow vẫn thu hàng chục tỷ USD mỗi tháng nhờ xuất khẩu dầu. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang lao đao vì lạm phát tăng cao.

Theo CNN, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga để chặn nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin. Nhưng tới nay, Moscow vẫn kiếm được nhiều tiền từ việc xuất khẩu năng lượng.

Ở chiều ngược lại, lạm phát đã gia tăng trên toàn cầu, tạo thêm sức ép cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Theo Reuters, tuần này, các lãnh đạo G7 (nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đã thảo luận về các phương án giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao, thay thế dầu, khí đốt nhập khẩu từ Nga và đưa ra những biện pháp trừng phạt nhưng không làm gia tăng lạm phát.

Dau tho Nga anh 1

Các nước phương Tây đưa ra những đòn trừng phạt nhắm vào ngành công nghiệp năng lượng của Nga. Nhưng Moscow vẫn kiếm bộn tiền nhờ bán dầu cho các nước châu Á. Ảnh: Reuters.

Nguồn thu hàng tỷ USD

Các biện pháp bao gồm áp mức giá trần đối với những sản phẩm thô và dầu của Nga nhằm hạn chế doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Moscow, nhưng vẫn không hủy hoại các nền kinh tế khác

"Mục tiêu là chặn nguồn thu quan trọng của Nga và chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời hạ nhiệt giá dầu nhằm giảm tác động từ cuộc chiến ở Ukraine", một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CNN.

Trên thực tế, các nước châu Âu đã giảm nhập khẩu dầu từ Nga trước khi lệnh cấm cục bộ của EU có hiệu lực. Nhưng việc chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á giúp Nga giảm thiểu thiệt hại.

Mục tiêu là chặn nguồn thu quan trọng của Nga và chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời hạ nhiệt giá dầu nhằm giảm tác động từ cuộc chiến ở Ukraine

Một quan chức cấp cao của Mỹ

Tháng trước, Trung Quốc đã nhập khẩu 2 triệu thùng dầu giá rẻ của Nga mỗi ngày, đánh dấu mức cao chưa từng có. Nhập khẩu của Ấn Độ cũng tăng đột biến, dao động gần 900.000 thùng/ngày trong tháng 5.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,7 tỷ USD trong tháng 5 lên 20 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình năm 2021 là 15 tỷ USD.

Mỹ có thể trừng phạt các quốc gia tiếp tục làm ăn với Nga. Nhưng điều đó có thể làm chao đảo thị trường dầu, vốn đã chịu ảnh hưởng từ tình trạng mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng.

Theo ông Darwei Kung - Giám đốc Danh mục hàng hóa tại DWS, nếu Trung Quốc và Ấn Độ không thể mua dầu thô từ Nga, giá dầu thế giới có thể vọt lên 200 USD/thùng.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 28/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu hiện được giao dịch ở mức 116,55 USD/thùng, tăng 1,29% so với một ngày trước đó.

Trong khi đó, giá dầu WTI cũng đã tăng lên 110,9 USD/thùng, tăng 1,31% sau một ngày.

Trừng phạt nhưng không làm gia tăng lạm phát

Nếu áp giá trần, về mặt lý thuyết, nguồn cung dầu thô của Nga vẫn chảy ra thị trường toàn cầu, từ đó giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trong khi đó, Moscow cũng không thể thu về khoản tiền khổng lồ.

Ngoài ra, theo nguồn tin của Reuters, một số lãnh đạo G7 đang thúc đẩy đầu tư mới vào năng lượng hóa thạch. Các nước châu Âu đang chật vật để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga.

Những ngày qua, chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách thúc đẩy kế hoạch áp giá trần. Trong khi đó, các quan chức Đức cũng bày tỏ sự cởi mở trong việc thảo luận về biện pháp này.

Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào và khi nào có thể áp giá trần đối với dầu Nga. Mức giá trần nên là bao nhiêu?

Dau tho Nga anh 2

Những hạn chế đối với việc mua bán dầu có thể đẩy giá lên cao hơn nữa, khiến tình trạng lạm phát trên toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.

Một biện pháp khác là cấm các công ty đặt trụ sở ở những nước thành viên G7 cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu thô, nếu giá của những thùng dầu này vượt quá một mức giá nhất định.

Tuy nhiên, ông Kung cảnh báo rằng việc đưa thêm các hạn chế vào thị trường dầu sẽ khiến những giao dịch mua bán trở nên khó khăn hơn, từ đó đẩy giá lên cao.

"Hệ thống càng phức tạp thì càng có nhiều thách thức", ông Kung bình luận.

"Không rõ việc áp giá trần có đạt kết quả hay không", ông Vivek Dhar - nhà phân tích của Commonwealth Bank of Australia - bình luận.

"Để đáp trả việc áp giá trần, Nga có thể cấm xuất khẩu dầu và những sản phẩm tinh chế sang các nước G7. Điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên thị trường toàn cầu", ông cảnh báo.

Thảo Phương