HR là gì? Tổng quan về ngành HR (Phần 1)

HR là gì? Tổng quan về ngành HR (Phần 1)

Trong bất cứ một tổ chức kinh doanh online hay offline hay bất kỳ mô hình nào đó có sử dụng nguồn lao động hay người lao động đều phải có những người phụ trách nhân sự hay còn gọi là HR.

1. HR là gì?

HR là viết tắt của từ Tiếng Anh “Human Resources” còn được biết đến với tên gọi “Human Capital Management” (Quản lý vốn con người, Quản lý nguồn nhân lực). Mục đích của HR là sử dụng và khai thác hiệu quả nhất về nguồn nhân lực để phục vụ phát triển doanh nghiệp và xã hội.

2. Công việc của một HR

HR là đại sứ giữa cấp quản lý và nhân viên, do đó bạn phải hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau. Công việc mà một nhân viên HR phải làm (tùy vào vị trí và nơi làm việc) có thể như sau:

2.1. Xây dựng bản mô tả công việc và tiêu chuẩn thực hiện công việc.

Việc xây dựng bản mô tả công việc và tiêu chuẩn đánh giá là hoạt động đầu tiên trong quản trị nhân lực. Thông qua sự tìm hiểu, quan sát sự thực hiện công việc của mọi người trong tổ chức, các HR sẽ phân tích, thiết kế công việc. Bản mô tả công việc, Bản yêu cầu của công việc với người thực hiện và Bản tiêu chuẩn thực hiện công việc chính là tiêu chuẩn đánh giá ứng viên và công cụ đo lường việc hoàn thành công việc.

2.2. Tuyển dụng nhân sự

Tuyển dụng là hoạt động cơ bản của tổ chức. Từ tiêu chuẩn đã đặt ra, HR sẽ phải tìm nguồn ứng viên, đăng tin tuyển dụng. Sau khi nhận hồ sơ, HR sẽ sàng lọc hồ sơ và liên hệ với ứng viên, mời tham gia phỏng vấn. Tuỳ vào quy mô, chính sách nhân sự của từng tổ chức sẽ có quy trình tuyển dụng khác nhau. Sau khi trải qua tất các các giai đoạn, ứng viên sẽ chính thức trở thành nhân viên của công ty.

2.3. Đào tạo và phát triển.

Sau khi xác định được nhu cầu và đối tượng đào tạo, tổ chức sẽ lựa chọn phương pháp đào tạo và lên kế hoạch đào tạo. Quy trình đào tạo thường gồm các bước: xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng ngân sách cho đào tạo để lựa chọn phương pháp phù hợp, xây dựng lộ trình công danh gắn với đào tạo và đánh giá năng lực.

2.4. Thù lao lao động.

Thù lao lao động là những giá trị vật chất và phi vật chất mà người lao động nhận được trong quá trình làm thuê. Trong đó, tiền lương chiếm một tỷ trọng khá lớn. Tiền lương là giá cả sức lao động trên thị trường lao động, được nhà nước điều chỉnh thông qua quy định về tiền lương tối thiểu, hệ số lương để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tổ chức sẽ trả lương cho người lao động dựa trên luật pháp, giá trị công việc và giá trị sức lao động. Ngoài ra, tổ chức và người lao động phải hoàn thành các nghĩa vụ của nhà nước: BHXH, BHYT, BHTN và thuế TNCN.

Tìm hiểu về các loại bảo hiểm tại đây.

2.5. Quan hệ lao động.

Đây là vấn đề khá nhạy cảm và khó giải quyết trong quản trị nhân lực. Để thực hiện tốt, HR phải am hiểu về luật lao động cũng như các luật khác liên quan để đảm bảo quyền lợi của tổ chức và người lao động. Quan hệ lao động bắt đầu từ khi người lao động ký hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện các nội quy, quy chế cho đến khi xử lý kỷ luật, giải quyết tranh chấp lao động và cho người lao động nghỉ việc.

2.6. Lập kế hoạch và tổ chức sự kiện.

HR phải biết tự lập kế hoạch làm việc cho bản thân để kiểm soát công việc. Điều này vô cùng quan trọng để thực hiện kế hoạch và đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài các hoạt động chuyên môn chính, HR còn kết nối mọi người trong tổ chức thông qua các hoạt động, sự kiện.

Tuyển dụng nhân sự

3. Những kỹ năng không thể thiếu trong ngành nhân sự.

3.1. Kỹ năng chuyên môn của một quản lý nhân sự.

Một người quản trị nhân sự cần phải linh hoạt và có đầy đủ những kỹ năng quản lý nhân sự hiệu quả như:

  • Dự đoán được nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp.
  • Biết cách hoạch định và cơ cấu lại nhân sự doanh nghiệp.
  • Phân tích và vẽ được chân dung nhân sự tiềm năng cần tuyển dụng trong đợt tuyển dụng tới.
  • Xây dựng và triển khai các buổi phỏng vấn nhân sự thành công và hiệu quả.
  • Chuẩn bị được những câu hỏi và trả lời cần thiết cho một buổi phỏng vấn để tìm ra nhân sự tài năng..
  • Phát triển được hệ thống liên lạc và cung cấp thông tin nội bộ hai chiều (quản lý và nhân viên).
  • Xây dựng được các chương trình hội nhập nhân viên mới, và các chương trình đào tạo nhân sự.
  • Chủ doanh nghiệp cũng như cấp quản lý của bộ phận nhân sự luôn phải chú trọng đào tạo quản trị nhân sự cho bộ phận HR. Nó không kém phần quan trọng với đào tạo nhân sự cho các phòng ban khác. Quản lý con người không chỉ dựa vào chủ doanh nghiệp hay cấp quản lý, nó còn phụ thuộc rất nhiều từ những con người ở bộ phận nhân sự trong doanh nghiệp.

3.2. Kỹ năng quản lý nhân sự hiệu quả.

Các kỹ năng quản lý nhân sự hiệu quả cần phải được đào tạo:

  • Xây dựng chiến lược và quản lý nhân sự hiệu quả.
  • Phát triển các kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
  • Xây dựng, thiết lập hoặc cơ cấu hóa bộ máy doanh nghiệp..
  • Biết cách lên kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và đưa ra các phương án nâng cao chất lượng doanh nghiệp hiệu quả..
  • Xây dựng chính sách và các phúc lợi cho nhân viên (lương bổng, thưởng, phụ cấp,..)

3.3. Kỹ năng giao tiếp trong quản lý nhân sự.

Người quản lý nhân sự cần phải có khả năng giao tiếp hiệu quả với một hoặc một nhóm người. Họ cần phải nhạy bén và khéo léo trong lời ăn tiếng nói để tránh xảy ra mâu thuẫn không cần thiết. Họ cũng là một “chuyên gia tâm lý” hiểu rõ tính chất từng công việc cũng như sẵn sàng hỗ trợ nhân viên đưa ra những lời khuyên thích hợp nhất.

  • Xử sự đúng đắn, lịch sự, hài hoà với mọi người và biết tự kiềm chế mình.
  • Có phong thái và giọng nói phải thật tự tin và thuyết phục.
  • Có hiểu biết rộng về xã hội và biết thích ứng với mọi hoàn cảnh.
  • Tinh ý, thông minh, biết tiếp thu lời khuyên thích hợp trong mọi tình huống.
  • Học cách ăn nói lưu loát và biết lắng nghe, rèn luyện khả năng truyền đạt tốt mệnh lệnh cho mọi người.

3.4. Kỹ năng đàm phán và thuyết phục.

Kỹ năng đàm phán và thuyết phục trong doanh nghiệp hỗ trợ người quản lý nhân sự hiệu quả, thay mặt doanh nghiệp:

  • Thương lượng với nhân viên mới, cũ về lương, thưởng.
  • Đứng ra hòa giải giữa nhân sự và doanh nghiệp trong xung đột, tranh chấp,….
  • Thuyết phục cấp trên chấp nhận những kế hoạch do bộ phận HR đề xuất với doanh nghiệp..
  • Sử dụng trong tuyển dụng nhân sự để thương lượng mức lương, vị trí,…

3.5. Kỹ năng giải quyết vấn đề và xử lý tình huống.

Khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề và chất lượng ra quyết định thể hiện trình độ năng lực của một người quản lý, giúp vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh.

Trong quá trình làm việc, bạn sẽ giải quyết rất nhiều tình huống mâu thuẫn giữa người lao động và doanh nghiệp. Bạn phải giải quyết bài toán khó này để không làm mất lòng hai bên. Người làm HR cần có một “cái đầu tỉnh và một trái tim nóng”. Đó là bạn cần phải học kỹ năng xử lý tình huống.

3.6. Khả năng làm việc chịu được áp lực cao.

Chịu áp lực công việc là yêu cầu tối thiểu mà người quản lý nhân sự cần có. Hàng ngày một người quản lý nhân sự cần đối mặt với rất nhiều công việc khác nhau, giải quyết gần như suýt soát nhau. Nếu bạn không luyện tập được kỹ năng trên bạn sẽ dễ căng thẳng, và ngày càng dẫn tới áp lực chịu đựng còn tăng nhiều hơn.

3.7. Kỹ năng làm việc nhóm.

Đối với những công ty lớn có chính sách nhân sự bài bản, bạn không thể nào đảm nhận cùng lúc tất cả các công việc trong công ty mà chỉ có thể đảm nhận từng phần (đơn giản vì khối lượng công việc quá nhiều).

Vì thế, trong công việc, bạn cần có sự hỗ trợ của các phòng ban khác và các bộ phận chức năng của phòng Nhân sự để hoàn thành công việc. Bạn là một thành viên của nhóm, thành công hay thất bại của nhóm cũng chính là thành công hay thất bại của bạn. Vì thế, bạn cần hoà đồng với mọi người và phối hợp thật tốt với nhóm của bạn để công việc được tiến hành thuận lợi.

3.8. Khả năng lắng nghe.

Để trau dồi các kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng của mình, người làm nghề nhân sự cần biết “lắng nghe”! Đi sâu đi sát với nhân viên và kịp thời điều chỉnh những quan hệ lao động một cách nhanh kịp thời trong mọi tình huống, biến cố. Thỉnh thoảng, một giám đốc nhân sự giỏi còn phải biến mình thành một thuyết khách, nhà ngoại giao giỏi, giúp động viên, hợp lực toàn công ty để cùng “lái con thuyền doanh nghiệp” đi lên.

3.9. Đọc vị người đối diện.

Nắm bắt tâm lý người khác tốt sẽ giúp bạn rất nhiều khi phỏng vấn ứng viên, nhận biết, đánh giá chính xác được tiềm năng của họ. Nếu có khả năng này thì bạn dễ dàng trong việc tiếp cận, chia sẻ và giữ nhân viên giỏi trong công ty tránh tình trạng “nhảy việc”.

Trong bất cứ công ty nào thì bộ phận nhân sự cũng luôn luôn phải là người dung hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, người phụ trách nhân sự phải có các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cả hai bên. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là công ty phải tuân thủ theo các yêu cầu về luật pháp. Ngoài ra, người làm nhân sự cũng phải luôn quan tâm đến hoàn cảnh của cá nhân.

Bên cạnh những kinh nghiệm, bạn cũng cần phải trang bị đầy đủ cho mình những kiến thức về ngành. Đó không chỉ là tuyển người như thế nào, quy trình nên tối ưu hoá như thế nào, mà còn là những kiến thức về tâm lý, xã hội và pháp luật. Không nên quá coi trọng kinh nghiệm mà bỏ qua những kiến thức nền tảng – điều mà giúp bạn tiến xa một cách bền vững trong ngành nhân sự!

Trên đây RaoXYZ đã chia sẻ đến các bạn những thông tin cơ bản liên quan đến HR, hi vọng các bạn sẽ hiểu về công việc và có thêm nhiều thông tin hữu ích của ngành HR. Hãy tiếp tục theo dõi phần 2 của bài viết để biết thêm thông tin về cơ hội và mức lương của ngành HR. Chúc các bạn thành công!