[Góc HR] 9 bước tạo nên tuần làm việc đầu tiên đầy suôn sẻ cho nhân viên mới

[Góc HR] 9 bước tạo nên tuần làm việc đầu tiên đầy suôn sẻ cho nhân viên mới

  • Giảm tối đa các thủ tục hành chính
  • Gửi email chào mừng nhân viên mới
  • Nhắc nhở, chỉ dẫn chi tiết, tận tình
  • Tạo không gian thoải mái
  • Dẫn nhân viên mới đi tham quan văn phòng
  • Chỉ định người hướng dẫn
  • Tập huấn
  • Lên các chương trình hành động
  • Đánh giá lại sau một tuần làm việc

Hiện nay, rất nhiều nhân viên mới nghỉ việc chỉ sau 1 tuần làm việc, tại sao lại như vậy? Liệu có phải vì công ty mang đến những trải nghiệm chưa tốt? Vậy làm sao để tạo nên tuần làm việc đầu tiên đầy suôn sẻ cho nhân viên mới? Là một HR, bạn chắc chắn không nên bỏ qua những bí quyết dưới đây.

tạo nên tuần làm việc đầu tiên đầy suôn sẻ cho nhân viên mới 1

Giảm tối đa các thủ tục hành chính

Điều mà các nhân viên mới cảm thấy ám ảnh nhất trong những ngày đầu tiên đi làm chính là phải tiếp nhận hàng loạt yêu cầu về thủ tục hành chính. Khi chưa quen được với môi trường, đồng nghiệp, công việc cộng với sự thúc giục hoàn thành hồ sơ, giấy tờ, chắc chắn họ sẽ thấy chán nản, mệt mỏi.

Vậy nên, các HR cần phải lưu ý, giảm thiểu đến mức thấp nhất về các thủ tục này. Bạn có thể gửi thông tin cho nhân viên mới qua email từ trước khi nhận viên, cho họ thời gian nhất định để chuẩn bị và hoàn tất. Nếu được, bạn cũng nên gửi kèm theo các quy định, thỏa thuận của công ty cho họ trước. Các nhân viên mới sẽ thấy rất thoải mái khi công ty không đưa họ vào thế bị động ngay từ những ngày làm việc đầu tiên.

👉 Xem thêm: 7 tips chào đón nhân viên mới đơn giản giúp tăng khả năng giữ chân

Gửi email chào mừng nhân viên mới

Gửi email chào mừng nhân viên mới
Gửi email chào mừng nhân viên mới

Để tạo nên trải nghiệm tốt nhất cho các nhân viên mới, HR hoặc quản lý phòng ban nên gửi email chào mừng, giới thiệu nhân sự mới đến các thành viên khác trong công ty, trong nhóm. Điều này khuyến khích mọi người tự giới thiệu, làm quen với nhau, từ đó, nhân viên mới cũng biết được chút thông tin về đồng nghiệp khi vào làm việc và giảm bớt được sự căng thẳng, lo lắng.

Nhắc nhở, chỉ dẫn chi tiết, tận tình

Trước ngày nhận việc, HR nên có một cuộc điện thoại tới nhân viên mới để nhắc nhở cũng như đưa ra các chỉ dẫn chi tiết cho họ. Ví dụ như là nhắc lịch hẹn đi làm, thời gian như thế nào, địa điểm gặp mặt lần đầu ở đâu,… Đây là việc làm thể hiện sự chào đón, đồng thời cung cấp thông tin cần thiết, giải đáp những thắc mắc từ nhân viên mới, tạo cảm giác tốt nhất cho họ. Điều quan trọng, bạn đừng quên hướng dẫn đến chỗ gửi xe của công ty cho nhân viên mới nhé.

👉 Xem thêm: Quy trình đào tạo nhân viên mới 4 bước: Hiệu quả & toàn diện

Tạo không gian thoải mái

Tạo không gian thoải mái
Tạo không gian thoải mái

Một vấn đề khiến nhiều nhân viên mới cảm thấy chán nản trong những ngày đầu tiên đi làm chính là không có bạn bè, người quen, không biết bắt đầu từ đâu. Là HR hay quản lý bộ phận, các bạn đừng để sự việc này diễn ra, đừng khiến một nhân viên mới thấy lẻ loi, bơ vơ, buồn tủi như một “vị khách không mời”. Bạn có thể chuẩn bị một không gian thoải mái như là sắp xếp góc làm việc gọn gàng, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho công việc, tạo sẵn tài khoản email, công cụ chat (nếu công ty quy định sử dụng phương tiện liên lạc, trao đổi riêng trong công việc),… Nếu được, bạn cũng có thể tạo sự bất ngờ bằng một món quà, gói kẹo ngọt, ly cafe,… đặt trên bàn làm việc của nhân viên mới.

Dẫn nhân viên mới đi tham quan văn phòng

Bên cạnh mục đích làm quen, chào hỏi đồng nghiệp thì việc dẫn nhân viên mới đi tham quan văn phòng cũng giúp họ nắm bắt được vị trí của các thiết bị (máy photo, máy scan,…), vị trí các phòng ban (phòng họp, các bộ phận, phòng ăn,…). Đây là điều quan trọng, cần thiết mà các HR cần thực hiện để mang đến trải nghiệm tốt cho nhân viên mới trong những ngày đầu tiên đi làm.

Chỉ định người hướng dẫn

Chỉ định người hướng dẫn
Chỉ định người hướng dẫn nhân viên mới

Đối với nhân viên mới, bước đầu sẽ cần có người hướng dẫn, cố vấn để làm quen với công việc. Bởi hầu như ai mới đi làm ở một công ty cũng sẽ có chút e dè, ngần ngại vì họ chưa hiểu rõ cách hoạt động, cách làm việc của mọi người như thế nào. Do đó, công ty nên phân công một người có chuyên môn, kinh nghiệm, trách nhiệm cao để hướng dẫn, nhằm kết nối nhân viên với với công việc và mọi người. Điều này cũng tránh được sự rắc rối, phức tạp khi nhân viên mới gặp vấn đề lại cứ phải tìm đến sếp hay bộ phận nhân sự không có chuyên môn trong mảng họ làm.

👉 Xem thêm: Xây dựng mối quan hệ công sở: Nhân viên mới làm gì để chớp cơ hội?

Tập huấn

Một nhân viên mới đi làm, bạn đừng bao giờ để họ ở trong tình trạng nhàn rỗi, còn tất cả mọi người đều bận rộn. Dù có thể họ mới đi làm, chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết nhiều thì vẫn nên kiên nhẫn, hướng dẫn tận tình. Quản lý phòng ban có thể tổ chức một số buổi tập huấn để những người “chân ướt chân ráo” này học hỏi, làm quen và tiếp nhận công việc. Cách này cũng sẽ giúp họ cảm thấy hứng thú, muốn được làm việc hơn.

Lên các chương trình hành động

Lên các chương trình hành động
Lên các chương trình hành động cụ thể

Trong tuần làm việc đầu tiên của nhân viên mới, người quản lý bộ phận nên có một buổi cùng ngồi lại, vạch ra định hướng, kế hoạch hoạt động và trao đổi về nhiệm vụ, trách nhiệm của nhân viên như thế nào. Có một chương trình hành động cụ thể sẽ giúp nhân viên mới biết được mình cần phải làm gì, phải làm sao để thực hiện, cơ hội để cố gắng, phát triển ra sao?,…

Đánh giá lại sau một tuần làm việc

Việc đánh giá nhân viên mới sau một thời gian làm việc là điều quan trọng, cần thiết mà hầu hết các công ty đều đang thực hiện. Tuy nhiên, cách tốt nhất để mang đến trải nghiệm suôn sẻ cho họ là nên đánh giá càng sớm càng tốt, có thể sau một tuần. Điều này sẽ giúp công ty nhận thấy những điểm tốt, hạn chế của nhân viên mới, đưa ra phản hồi để họ nắm bắt, thay đổi. Các nhân viên mới sẽ rất mong nhận được những đóng góp này để hoàn thiện bản thân, cố gắng hướng đến mục tiêu, yêu cầu mà công ty đặt ra.

👉 Xem thêm: Cách viết đánh giá kết quả thử việc đầy đủ và ấn tượng

Như vậy, RaoXYZ đã chia sẻ đến bạn đọc 9 bước tạo nên tuần làm việc đầu tiên đầy suôn sẻ cho nhân viên mới. Mong rằng qua đây, các HR, quản lý doanh nghiệp có thể áp dụng thành công và mang đến những trải nghiệm thú vị, tuyệt vời nhất cho những “tân binh” của mình nhé.