Đối mặt nguy cơ suy thận do đặt ống thông tiểu quá lâu

Đối mặt nguy cơ suy thận do đặt ống thông tiểu quá lâu

Do không rút ống thông tiểu đặt từ ba năm trước, anh Phan Châu Phi (37 tuổi, Củ Chi, TP.HCM) có sỏi bàng quang và sỏi niệu quản, tiểu ra máu, đau dữ dội vùng hông lưng.

Trung tuần tháng 5, ThS.BS Phạm Thanh Trúc (Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân Phan Châu Phi trong tình trạng sức khỏe sa sút, đau vùng hông lưng, đi tiểu gắt, buốt và có máu, không thể ngồi.

Anh Phi cho biết cách đây gần 3 năm từng bị sỏi thận, phải tán sỏi niệu quản, đặt ống thông tiểu (ống JJ) ở bệnh viện khác. Sau khi tán sỏi, bác sĩ hẹn rút ống thông tiểu sau một tháng. Thế nhưng, vì ám ảnh cảm giác đau sau mổ, anh không quay lại bệnh viện như lịch hẹn.

Một tháng trở lại, cảm thấy phần dưới đau dữ dội đi kèm nhiều triệu chứng, anh quyết định đi khám. Bác sĩ thăm khám và chỉ định anh làm thêm xét nghiệm cần thiết.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị sỏi bàng quang và niệu quản. Những viên sỏi cứng, bám chặt vào ống JJ, có viên kích thước lớn đến 3 cm. Đồng thời, bệnh nhân bị nhiễm trùng do ống JJ để quá lâu. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh đau dữ dội. Lập tức, bác sĩ chỉ định người bệnh nhập viện và mổ khẩn cấp.

May mắn ống JJ chưa đứt, nên anh Phi chỉ cần áp dụng phương pháp mổ nội soi. Phương pháp này thực hiện bằng cách đưa dụng cụ nội soi vào lòng bàng quang, tán sỏi, sau đó rút ống JJ, kế đến tán sỏi niệu quản và đặt ống JJ mới. Người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng, không đau đớn như lần phẫu thuật trước. Quá trình hồi phục cũng diễn ra nhanh và không để lại dấu tích vết mổ.

Bác sĩ Trúc cho biết đây là ưu điểm của kỹ thuật tán sỏi và đặt - rút ống JJ qua đường nội soi bàng quang, đang được triển khai tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nội soi cho người bệnh, do tình trạng nhiễm trùng khiến bàng quang viêm, phù nề và chảy máu nên ống JJ bị đứt phần dưới khi rút ra. Với kinh nghiệm dày dặn cùng sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, bác sĩ đã lấy hoàn toàn ống JJ và sỏi.

Nhờ đó, người bệnh không bị ảnh hưởng đến chức năng thận. Bác sĩ Thanh Trúc cho biết trường hợp đứt ống JJ hoặc sỏi bám chặt vào ống, phải mổ mở để lấy sỏi và ống JJ.

BVDK Tam Anh,  tiet nieu anh 1

Đoạn ống JJ được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lấy ra sau 3 năm ở trong cơ thể người bệnh.

Sau hơn hai giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công. Hai ngày sau, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường, đi tiểu không đau và được xuất viện. Bác sĩ hẹn tái khám sau một tháng để xem xét có nên rút ống JJ niệu quản, tránh biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Thanh Trúc cho biết, ống JJ hay còn gọi là sonde JJ là ống rỗng được làm bằng chất liệu nhựa dẻo để luồn vào niệu quản, giúp dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, giải áp nước tiểu tồn đọng ở thận, giảm nguy cơ nhiễm trùng do tồn đọng nước tiểu sau khi tán sỏi.

BVDK Tam Anh,  tiet nieu anh 2

Bệnh nhân khỏe khoắn, vui vẻ trong ngày xuất viện.

Thông thường, ống JJ đặt trong niệu quản từ 2 tuần đến 1, 3, 6 tháng hoặc một năm sau đó được lấy ra, tùy thuộc bệnh lý cũng như chất liệu ống. Nếu ung thư hoặc hẹp niệu quản, bệnh nhân có thể đặt thông JJ trong thời gian dài (dùng loại chất liệu silicon) và bác sĩ sẽ hẹn thay thông JJ mới mỗi năm.

Do đó, người bệnh phải tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu đặt ống JJ quá lâu không tái khám và thay đúng hẹn, người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hẹp đường tiểu gây tiểu máu, đau đớn. Đặc biệt, ống JJ để lâu trong cơ thể sẽ tạo sỏi quanh ống thông hoặc dọc thân ống. Tình trạng nặng hơn là bít ống JJ, đứt ống JJ (đứt một hoặc nhiều đoạn), tắc niệu quản, suy thận. Trường hợp anh Phi may mắn chỉ tạo sỏi và nhiễm trùng, chưa ảnh hưởng đến chức năng thận. Ngược lại, bác sĩ Trúc cho biết có thể phải cắt bỏ thận.

Để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm khi đặt ống JJ, bệnh nhân sau khi đặt cần uống nhiều nước (trên 2 lít/ngày); tránh vận động quá sức, không khiêng vác nặng, hoạt động thể thao nhẹ nhàng. Đặc biệt, bệnh nhân cần thăm khám theo lịch hẹn và rút ống JJ ra khỏi cơ thể, tránh biến chứng nguy hiểm.

Quyên Phan - Minh Chi