Điểm tin sáng 7-3: Lộ sai phạm cực lớn “hô biến” đô thị nghìn tỷ, Phó Thủ...

Điểm tin sáng 7-3: Lộ sai phạm cực lớn “hô biến” đô thị nghìn tỷ, Phó Thủ...

Lộ sai phạm cực lớn trong việc “hô biến” đô thị nghìn tỷ, Phó Thủ tướng chỉ đạo thanh tra dự án tại Hải Phòng…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 7-3 trên News Mogi.

Thanh tra chính phủ vào cuộc điều tra siêu dự án 10.000 tỷ. Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Thơm, TP Hải Phòng.

Văn bản nêu rõ, trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Thơm và một số công dân ở khu dân cư Bến Bính B, xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) khiếu nại, tố cáo một số nội dung liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (Dự án KĐT Bắc sông Cấm), tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Thơm và một số công dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2019.

Được biết, Dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm được khởi công vào ngày 17/8/2017 do Ban quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác theo Quyết định số 1131 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy hoạch, khu đô thị mới Bắc sông Cấm có diện tích khoảng 324 ha với dân số 17.500 người. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng. Tuy nhiên, đến nay dự án triển khai ì ạch do vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án bao gồm các hạng mục như: Xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ với chiều dài 1.138 mét; xây dựng đê tả sông Cấm với chiều dài khoảng 2.016 mét; xây dựng hệ thống giao thông chính Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, tổng chiểu dài khoảng 9.958 mét và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Toàn bộ dự án được quy hoạch gồm 4 khu chức năng chính theo trục Bắc – Nam gồm: Khu hành chính – chính trị thành phố, khu đa chức năng, khu thương mại, khu cảnh quan mặt nước và 3 khu chức năng phụ trợ gồm: Trung tâm văn hóa, khu ở cao tầng kết hợp khu đa năng, khu thương mại và cảnh quan mặt nước.

Thanh tra 5 đô thị lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo báo Tiền Phong, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra 5 đô thị lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là TP Bà Rịa và TP Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, huyện Đất Đỏ và huyện Xuyên Mộc.

Cụ thể, sẽ thanh tra các công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt, công tác cấp giấy phép xây dựng dự án Vũng Tàu về quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án trên địa bàn; một số dự án đường nội ô trên địa bàn các huyện, thị; sân vận động, trường Tiểu học, trường THCS, Hạ tầng kỹ thuật khu chế biến hải sản huyện Xuyên Mộc.

Nằm trong kế hoạch này còn có thêm một số dự án do các đơn vị quản lý như: Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Quản lý chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Cty TNHH MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco).

Trong đó sẽ thanh tra dự án mở rộng mạng lưới cấp nước huyện Đất Đỏ, Long Điền, Tân Thành, TP Bà Rịa; các dự án thu gom, xử lý và thoát nước trên địa bàn TP Vũng Tàu…

Đề xuất điều chỉnh tăng hệ số giá đất lên mức 8,3%. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có văn bản kiến nghị gửi HĐND, UBND và thường trực Thành ủy thành phố với khuyến nghị cần thận trọng trong việc đưa ra quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019.

Cụ thể, quan điểm của hiệp hội là TP HCM nên tiếp tục áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 cũng tương đương cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018, tức là chỉ tăng trong ngưỡng giới hạn 5%-8,33%. Tạm thời không áp dụng mức đề xuất tăng 19 – 30% vì hệ số điều chỉnh của Sở Tài chính là quá cao và chưa hợp lý.

HoREA nhận định, hệ số điều chỉnh giá đất cùng với bảng giá đất (điều chỉnh 5 năm một lần) đều sẽ có tác động không nhỏ đến giá cả của thị trường bất động sản. Hệ số điều chỉnh này có tác động sâu rộng đến các hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở ngoài hạn mức và cả doanh nghiệp, dự án bất động sản quy mô nhỏ, có mức thu tiền sử dụng đất dưới 30 tỷ đồng.

Đất nền Đà Nẵng tăng giá.
Đất nền Đà Nẵng tăng giá vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Giá đất Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.  Theo ghi nhận từ Mogi, đại diện một sàn giao dịch đất nền cũng ở khu vực Hải Châu – Đà Nẵng thừa nhận thông tin giá đất tăng từ cơ quan chức năng đã lập tức gây tác động xấu đến toàn bộ thị trường ở đây. Đất nền Đà Nẵng đang nhanh chóng tăng vọt 20 – 50% không thể kiềm chế nổi. Thậm chí nhiều sàn giao dịch gần như chốt sổ giao dịch… theo giờ.

Trong khi đó, biến động mạnh nhất vẫn là khu vực đất nền Hòa Xuân (Cẩm Lệ) và trục Tây Bắc với thị trường mua bán nhà đất quận Liên Chiểu, nhiều vị trí đã tăng đến 200% chỉ trong vài ngày. Những dự án nằm trong các vùng có thông tin đầu tư tích cực khác, như xung quanh cảng Liên Chiểu, khu vực Làng Đại học với thị trường mua bán nhà đất Ngũ Hành Sơn, có thể nói giới kinh doanh mặc sức đẩy tung giá, mà gần như ở mức nào cũng… có lý!

Sẵn sàng ký quỹ 3 tỷ USD, các ông lớn tính “hốt bạc” tại siêu dự án Thanh Đa – Bình Quới. Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế- xã hội TPHCM tháng 2 và nhiệm vụ tháng 3-2019 diễn ra sáng 5-3, ông Hoan Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết đối với các dự án lớn, có vị trí đắc địa của thành phố hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Riêng đối với dự án Bình Quới – Thanh Đa đến nay có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và sẵn sàng cam kết ký quỹ hơn 3 tỷ USD.

Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa có quy mô sử dụng đất 426 ha được quy hoạch xây dựng thành công trình với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000 – 50.000 người.

Chia sẻ mới đây,  ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, muốn dự án nhanh chóng đi vào hoạt động phải tháo gỡ từng khó khăn mà khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng, thỏa thuận bồi thường cho dân càng lâu thì dự án càng chậm.

“Dự án này rộng hơn 400ha, một khu vực quy hoạch đô thị duy nhất tại khu trung tâm TP.HCM còn sót lại hiện nay nên nhiều nhà đầu tư đều muốn rót vốn thực hiện. Thành phố đã quá chậm trễ thực hiện dự án này suốt 26 năm qua, người dân tiếp tục sống khổ do đi không được mà ở lại cũng không xong. Vấn đề là thành phố cần làm nhanh đầu bài sao cho phù hợp với tình hình thực tế để đẩy nhanh quá trình này”, ông Châu cho biết.

Sai phạm cực lớn trong dự án nhà máy thép “hô biến” thành siêu đô thị nghìn tỷ. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra nội dung phản ánh của bà Vũ Thị Kiều Oanh trong việc bán đấu giá tài sản bị kê biên của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (gọi tắt là Công ty Gia Sàng), nguồn tin của Tiền Phong cho biết, trước đấy ngày 30/7/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra số 28/KL-TTr xác minh những nội dung tố cáo của bà Oanh đối với việc tổ chức thi hành án và bán đấu giá tài sản.

Kết luận của thanh tra Bộ Tư Pháp chỉ rõ nội dung tố cáo của bà Oanh là có một phần cơ sở. Trong đó là việc chấp hành viên ban hành Quyết định số 04/QĐ-CCTHA về việc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án là trái pháp luật, kê biên tài sản không phải tài sản thế chấp cho Ngân hàng Công thương nhưng lại đảm bảo thi hành án cho ngân hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà Oanh là người đã dùng tài sản của mình bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền của Ngân hàng Đông Á.

Điều đáng nói, hoạt động bán đấu giá tài sản không khách quan, minh bạch, cụ thể là đưa vào quy chế bán đấu giá những điều kiện bắt buộc trái pháp luật với người tham gia đấu giá.

Ngoài ra, kết luận thanh tra chỉ rõ, trong quá trình tổ chức thi hành các bản án đối với người phải thi hành án là Công ty Gia Sàng, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) thành phố Thái Nguyên có một số tồn tại, vi phạm như: Không kê biên những tài sản không phải là tài sản thế chấp của Ngân hàng Công thương để đảm bảo thi hành án cho Ngân hàng Đông Á mà lại tổ chức kê biên tài sản của người bảo lãnh; trả lại đơn yêu cầu của Ngân hàng Đông Á khi Công ty Gia Sàng còn tài sản để bảo đảm thi hành án là không thực hiện đúng Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

“Việc làm nói trên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Hộ, bà Oanh là người bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền của Ngân hàng Đông Á”, kết luận của thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ.

Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đề nghị Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên tiếp tục thi hành buộc Công ty Gia Sàng phải trả lại gia đình bà Oanh, ông Hộ số tiền 4 tỷ đồng đã trả cho Ngân hàng Đông Á thay Công ty Gia Sàng và tiến hành.

Thanh tra Bộ Tư pháp yêu cầu Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên tổ chức họp kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân, có hình thức xử lý kỷ luật người có trách nhiệm, liên quan tương xứng với hành vi sai phạm.

Xây nhà trái phép tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Xây nhà trái phép ồ ạt tại vùng ven TP.HCM. Theo ghi nhận của báo Pháp Luật, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng đầu năm 2019, hàng loạt căn nhà không có giấy phép xây dựng xuất hiện trên đất nông nghiệp ở hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Được biết, nhận được thông tin phản ánh thì Thanh tra Sở Xây dựng xuống kiểm tra thực tế. Ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, xác nhận hàng chục căn nhà nêu trên đều xây không phép trên đất nông nghiệp chứ không phải đất nền được cấp giấy phép đầy đủ.

Ông Trường cho biết: Thanh tra Sở cũng đã phát hiện bảy căn và đã có thông báo với cán bộ địa chính xã phụ trách địa bàn. Tuy nhiên, đến nay tình hình không những không được xử lý mà còn mọc lên hàng loạt căn gần đó. “Kiểm tra tại hiện trường, qua làm việc với cán bộ phụ trách địa bàn thì chính quyền địa phương biết nhưng không xử lý. Chúng tôi đã lập văn bản ghi nhận hiện trạng, chuyển về địa phương xử lý theo thẩm quyền” – ông Trường nói.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin cuối ngày 6-3: Đại gia ký 3 tỷ USD cho siêu dự án Thanh Đa, suýt chết vì ván công trình
  • Điểm tin sáng 6-3: TP.HCM chỉ đạo kiểm tra “nóng” sai phạm hai chung cư, xuất hiện 5 “đại gia” đấu giá siêu dự án Thanh Đa