Điểm tin sáng 5-3: Náo loạn vùng quê - dân “khóc” vì giá đất tăng tại Đà Nẵng,...

Điểm tin sáng 5-3: Náo loạn vùng quê - dân “khóc” vì giá đất tăng tại Đà Nẵng,...

Náo loạn vùng quê – dân “khóc” vì giá đất tăng tại Đà Nẵng, bất động sản “đau đớn” vì siết tín dụng…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 5-3 trên News Mogi.

Cò đất ‘thổi giá’ náo loạn vùng quê. Những ngày này, “cò” đất đổ về các thôn làng ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) “hét” giá đất trên trời. Đất trồng hoa màu, thậm chí từng bụi tre, đất bỏ hoang bỗng có giá cả tỷ đồng vì theo giới cò đất, sắp tới đây sẽ có dự án khu tái định cư, do đó phải “đón gió” trong thời điểm này.

Trong khi đó, lãnh đạo xã Hòa Tiến khẳng định trên địa bàn không có dự án gì sắp triển khai, nhất là dự án lớn phải giải tỏa rộng, tái định cư. Trong trường hợp việc môi giới, mua bán đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ vào cuộc, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý.

Nền móng chung cư “tử thần” nghiêng 45cm là bao nhiêu? Theo báo VietNamNet, kết quả kiểm định của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy lô E của khu chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị nghiêng 45cm, có nguy cơ sập bất kỳ lúc nào. Ngay khi nhận được kết quả kiểm định, UBND quận 1 đã xin ý kiến lãnh đạo TP.HCM để lên phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu chung cư.

Đặc biệt, chung cư này có nền móng chỉ sâu 2m, chống đỡ cho năm tầng chung cư có tải trọng hàng nghìn tấn là cực kỳ nguy hiểm. Móng chung cư lại không đóng cọc nhồi mà chỉ đóng cừ tràm nên khi sụt lún mức độ nguy hiểm càng cao. Do đó, quận phải di dời để xử lý ngay.

Người tái định cư “khổ” vì giá đất tăng tại Đà Nẵng. Theo quy hoạch điều chỉn giá đất tại Đà Nẵng, mức giá cao nhất hiện tại lên đến 98 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, điều này không mang lại niềm vui cho người dân tái định cự tại Đà Nẵng. Với giá đất nền Đà Nẵng tăng cao, nhiều người phải rơi vào cảnh khó khăn.

Theo báo VietNamNet, Báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng, tính đến ngày 31-1, tổng số hộ nợ tiền đất trên toàn TP là 7.189 hộ. Trong đó, số hộ nợ đất tái định cư là 6.958 hộ với tổng số tiền hơn 866 tỉ đồng. Bảng giá đất “phi mã” đã khiến số hộ trên điêu đứng do số tiền thực nộp cao hơn gấp nhiều lần so với trước, có hộ chênh lệch đến cả tỉ đồng.

Ông Trần Thanh Quang, một hộ diện tái định cư ở các dự án đất nền quận Sơn Trà, cho biết gia đình ông bị giải tỏa vào năm 2007 và được bố trí ở khu đầu tuyến đường Sơn Trà – Điện Ngọc với điều kiện cho nợ tiền sử dụng đất đến 10 năm. Ông nợ tổng cộng 60 triệu đồng/90 m2. Đến đầu năm 2019, gia đình ông gom đủ tiền trả nợ đến Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà để nộp thì được thông báo số nợ của ông lên đến gần 2 tỉ đồng. Với số nợ như trên thì không biết đến bao giờ gia đình ông có thể trả được.

Tương tự, hàng trăm hộ dân nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn quận Sơn Trà cũng phải đối mặt với số nợ “khủng”. Gia đình bà Nguyễn Thị Chánh (ngụ quận Sơn Trà) lo lắng nhiều ngày qua bởi sau khi bị giải tỏa năm 1998, bà mua lại lô đất tái định cư với số nợ chỉ khoảng gần 30 triệu đồng. Nay nếu áp giá đất mới thì số tiền nợ bà phải trả là gần 1 tỉ đồng. “Chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền trả nợ vì đa phần đều rất khó khăn, không có tiền nên phải nợ suốt nhiều năm qua. Nay nợ bỗng dưng tăng quá cao, chắc phải bán đất đi nơi khác” – bà Chánh mệt mỏi.

quỹ đất Hà Nôi sử dụng làm đường đua công thức một (F1)
UBND TP.Hà Nội xin quỹ đất 13 ha sử dụng làm đường đua F1.

Hà Nội xin lượng lớn đất làm đường đua F1:  UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc chuyển giao khu đất ký hiệu 1B rộng 12,86 ha trong Khu liên hợp thể thao quốc gia (quận Nam Từ Liêm) từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về thành phố quản lý để thực hiện các dự án phục vụ công tác tổ chức giải đua xe công thức 1 (F1). Nguyên nhân bởi lô đất này đang do Bộ VHTTDL quản lý.

Theo quy hoạch quỹ đất Hà Nội thì chi tiết Khu liên hợp thể thao quốc gia tỷ lệ 1/500 tại các phường Mỹ Đình 1 và phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) được duyệt năm 2015 thì khu đất 1B có diện tích 12,86 ha (đã bồi thường, giải phóng mặt bằng) được quy hoạch để xây dựng khu thể thao trong nhà.

Trước khi gửi văn bản tới Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Bộ VHTTDL chuyển giao khu đất 1B có diện tích 12,86 ha này về thành phố quản lý, sử dụng. Sau đó Bộ VHTTDL đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị chuyển giao khu đất này sang UBND TP. Hà Nội quản lý, sử dụng. Nguyên nhân vì thẩm quyền ban hành quyết định chuyển giao thuộc Bộ Tài chính.

Trả lời, Bộ Tài chính cho biết trường hợp Bộ VHTTDL không có nhu cầu sử dụng khu đất nêu trên và UBND TP. Hà Nội có nhu cầu sử dụng để thực hiện các dự án phục vụ công tác tổ chức giải đua xe F1 thì việc chuyển giao khu đất này về địa phương quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 167/2017 của Chính phủ.

Và đấy cũng là lý do UBND TP. Hà Nội gửi văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép chuyển giao khu đất 1B có diện tích 12,86 ha trong Khu liên hợp thể thao quốc gia từ Bộ VHTTDL về thành phố quản lý, điều chỉnh quy hoạch và sử dụng phục vụ công tác tổ chức giải đua xe F1 trong tương lai gần.

Gần 500 triệu USD vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, tổng vốn FDI đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đạt gần 8,5 tỷ USD. Điều đáng lưu ý, con số này tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2018.

Sau công nghiệp chế biến và chế tạo, bất động sản đứng thứ hai với gần 500 triệu USD được nhà đầu tư đăng ký, chiếm gần 6% tổng vốn các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào 18 ngành, lĩnh vực trong 2 tháng đầu năm 2019.

Đặc biệt các đối tác đầu tư là Hong Kong và Singapore chia nhau vị trí nhất, nhì trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, lần lượt 4,3 tỷ và gần 1 tỷ USD. Hàn Quốc tụt xuống vị trí thứ 3 với 873 triệu USD vốn đăng ký.

Nguồn vốn chủ yếu đổ vào Hà Nội lớn nhất với trên 4 tỷ USD. Kế đến là TP.HCM hơn 1 tỷ USD. Bắc Ninh ở vị trí tiếp theo, gần 542 triệu USD.

Về giải ngân, 2 tháng đầu năm các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được gần 2,6 tỷ USD tăng 10% so với cùng kỳ. Con số này là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây.

Bất động sản hạng sang có cơ hội “tỏa sáng” tại thị trường nhà đất Đà Nẵng. Ghi nhận của Mogi mới đây tại thị trường nhà đất Đà Nẵng những ngày đầu năm 2019, cho thấy nơi đất bắt đầu đi vào “cơn sốt” bất động sản thực sự.

Không riêng gì bất kỳ phân khúc nào, từ đất nền cho đến địa ốc, dường như Đà Nẵng bắt đầu trở “nóng” hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sức hút của BĐS hạng sang tại Đà Nẵng còn được lý giải bởi khả năng sinh lời từ sản phẩm. Ghi nhận của CBRE Việt Nam cho thấy, phân khúc nhà phố, biệt thự hạng sang tại Đà Nẵng có giá trị khai thác từ việc cho thuê đạt 3 – 6%/năm, đặc biệt mức phổ biến là 4 – 5%/năm.

Đây là kênh đầu tư hứa hẹn biên lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng, hoặc nếu nhắm đến khả năng khai thác thương mại có thể thu về dòng tiền tối thiểu 3 – 4%/ năm.

Lý giải đơn giản tại sao phân khúc bất động sản hạng sang có thể “hút” hàng đến vậy, bởi tỷ lệ người giàu ở Việt Nam đang tăng đáng kể. Công bố của Hãng nghiên cứu Wealth-X về tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu trên thế giới, Việt Nam giữ vị trí thứ 3 với tốc độ 12.7%/năm, chỉ xếp sau Trung Quốc (13,4%) và Bangladesh (17,3%).

Ghi nhận, giá nhà ở và căn hộ hạng sang tại Đà Nẵng trung bình rơi vào khoảng 3.500 – 5.500 USD/m2.

“Siết tín dụng” ngân hàng khiến bất động sản “thấm đau”. Theo báo Tiền Phong, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và nâng hệ số rủi ro trong cho vay kinh doanh BĐS sẽ tác động đến nguồn vốn tín dụng vào thị trường này trong năm 2019. Với thực trạng nguồn tiền huy động vào của ngành ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, nếu đem cho vay trung, dài hạn với tỷ lệ cao sẽ dẫn đến rủi ro về thanh khoản. “Khó khăn là điều khó tránh, không chỉ với vốn cho vay kinh doanh bất động sản mà với cả cho vay mua nhà, bởi các ngân hàng phải điều chỉnh vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn”, ông Hiếu nói.

Lo ngại thị trường diễn biến xấu, vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng tiếp tục được sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tối đa 45% trong năm 2019. Lý do HoREA đưa ra là theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, tùy theo quy mô diện tích dự án, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu 15% hoặc 20% vốn đầu tư. Còn lại 80-85% nhu cầu vốn chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.

Ngoài ra, việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư BĐS và thị trường chứng khoán vẫn chưa khả quan. Bởi lẽ, cho đến nay, bên cạnh vài quỹ đầu tư tài chính nước ngoài, cả nước mới chỉ có 1 quỹ đầu tư BĐS với số vốn điều lệ rất nhỏ, chỉ 50 tỷ đồng. Các quỹ này chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường BĐS.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vấn đề trên chưa được thực thi một cách hoàn chỉnh và trơ tru, thị trường bất động sản đã bắt đầu “thấm đau” vì điều này.

Ghi nhận từ một Giám đốc một công ty địa ốc đang triển khai dự án tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp vừa quyết định giảm giá bán căn hộ để đẩy hàng đi nhanh. “Do vị trí ở xa trung tâm nên chúng tôi triển khai loại căn hộ giá trung bình. Tuy nhiên, mức giá này chưa thực sự hấp dẫn người mua nên thời gian đầu bán chậm. Doanh nghiêp đang phải chịu lãi vay ngân hàng nên thời gian qua, chúng tôi quyết định giảm giá căn hộ xuống còn 14- 15 triệu đồng/m2”.

Theo vị giám đốc này, bản thân doanh nghiệp từng trải qua thời kỳ BĐS khó khăn vài năm trước, khi đó, cả tháng không bán được căn hộ nào tại quận Long Biên, mỗi ngày phải oằn mình trả tiền tỷ lãi vay. “Chúng tôi rút kinh nghiệm khi thấy hàng bán chậm nên giảm giá để “đẩy” đi càng nhanh càng tốt, tránh trả lãi vay cao, hoà vốn còn hơn lỗ”, vị này nói.

Không riêng gì, dự án Vinata Tower (289 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) do Tổng Cty Vinaconex làm chủ đầu tư bán hàng từ năm 2017 nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn phải đưa ra chính sách bán hàng ưu đãi như: Tặng nội thất 150 triệu đồng; Chiết khấu 2% khách hàng nhận nhà ở ngay; Hỗ trợ lãi vay 12 tháng đầu tiên khi kí hợp đồng. Dự án Ecolake view (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đã bàn giao từ lâu nhưng chủ đầu tư vẫn thông báo bán hàng hỗ trợ vay lãi suất 0% đối với 70% trị giá căn hộ trong 12 tháng, trả góp trong vòng 20 năm và khách hàng không sử dụng gói vay 0% được chiết khấu ngay 2 – 5%. Như vậy, khách hàng mua căn hộ hơn 2 tỷ đồng sẽ được giảm giá lên đến hàng trăm triệu đồng…

Cưỡng chế công trình trái phép tại khu kinh tế Nhơn Hội. Theo Tiền Phong, sáng 5/3 tới đây tỉnh sẽ ra quân đợt 1 để tháo dỡ các công trình trái phép này. Quan điểm của tỉnh xử lý nghiêm, cưỡng chế các trường hợp vi phạm”, ông Nguyễn Phi Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiêm Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế nhấn mạnh.

Trước tình trạng lấn chiếm và cho xây cất nhà cửa trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ dọc tuyến tỉnh lộ 639 thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ra quân cưỡng chế tháo dỡ.

Theo đó, thời gian qua, tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ tuyến đường tỉnh lộ 639 diễn biến hết sức phức tạp.

Tình trạng lấn chiếm đất và cho xây dựng nhà cửa trái phép này đã diễn ra từ rất lâu. Các trường hợp vi phạm thường xây dựng nhà “tạm” vào các ngày nghỉ hoặc ban đêm nên lực lượng chức năng rất khó xử lý. Có trường hợp, khi phát hiện, chính quyền địa phương tới kiểm tra đối tượng đã “bỏ của chạy lấy người” nên chỉ lập biên bản hiện trường.

ông Nguyễn Phi Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiêm Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, cho biết: “Trước đó, các địa phương cũng đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh và tỉnh cũng đã chỉ đạo cho tổ chức kiểm đếm các công trình xây dựng trái phép tại đây và tổ chức tuyên truyền”.

TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về bất động sản.
TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về bất động sản.

TP.HCM sẽ làm trung tâm về bất động sản. Theo đó, tại buổi họp sáng 4/3, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có cuộc họp với các sở ngành liên quan để xem xét xúc tiến xây dựng Đề án “TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ Bất động sản của cả nước và khu vực”.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, TPHCM là nơi giao dịch bất động sản lớn của cả nước, tuy nhiên thời gian qua vấn đề cung cấp thông tin chưa được quan tâm đúng mức, người dân, doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận thông tin các dự án, dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư cung cấp thông tin không chính xác gây thiệt hại cho người dân.

Để cho thị trường phát triển ngày càng lành mạnh, bền vững TP.HCM cần xây dựng đề án nói trên. Nơi đây sẽ giới thiệu các vấn đề liên quan đến bất động sản như thông tin quy hoạch, pháp lý dự án, tiến độ… các thông tin này do chính các sở ngành liên quan của thành phố cung cấp chính xác, nhanh chóng… để thông qua đó người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng nhất, tránh rủi ro trong quá trình đầu tư, mua bán nhà đất để an cư…

Song song đó,  Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cũng đề nghị việc cung cấp thông tin trên thị trường bất động sản là rất quan trọng, cần nhanh chóng, kịp thời tránh tình trạng như nhiều dự án doanh nghiệp thế chấp đã giải chấp nhưng các cơ quan của TP.HCM vẫn không cập nhật thông tin kịp thời gây thiệt hại cho doanh nghiệp, khó khăn cho người dân khi tiếp cận.

Theo đó, UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) làm đầu mối phối hợp với các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Bất động sản TPHCM nghiên cứu xúc tiến xây dựng đề án nói trên; khi vận hành các sở ngành liên quan phải có trách nhiệm cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 2-3: Chính phủ chỉ đạo “gắt” giải quyết các dự án BT, lộng hành giả mạo văn bản “thổi” giá đất
  • Điểm tin cuối ngày 1-3: “Choáng” số dư tài khoản của vợ vua cà phê Trung Nguyên, nữ tướng thay tỷ phú Vượng đặc biệt thế nào?