Điểm tin sáng 29-3: Vụ “xẻ đất rừng” bán tiền tỷ có tình tiết mới

Điểm tin sáng 29-3: Vụ “xẻ đất rừng” bán tiền tỷ có tình tiết mới

Tình tiết mới vụ “xẻ đất rừng” bán tiền tỷ, lộ lý do giá đất tại An Phú Đông tăng cao…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 29-3 trên News Mogi.

Tình tiết mới vụ “xẻ đất rừng” bán tiền tỷ. Theo báo VietNamNet đăng tải loạt bài “Xẻ thịt đất rừng bán tiền tỉ” phản ánh việc ông Nguyễn Thức (thị trấn Hương Khê) gửi đơn đến các cấp chính quyền Hà Tĩnh tố cáo một số cá nhân chiếm đoạt hàng chục ngàn m2 đất rừng được Nhà nước giao cho ông đem bán với giá hàng tỉ đồng.

Ông Thức tố cáo ông Mai Văn Ngân (trú tại khối 19, thị trấn Hương Khê) chiếm đoạt 1.800m2; ông Ngô Hồng Sơn chiếm đoạt 1.750m2 (300m2 đất ở) và bà Nguyễn Thị Sâm (mẹ ông Sơn) chiếm đoạt 1.750m2, và sau tăng lên gần 4.000 (300m2 đất ở); ông Phan Thanh Tùng (trú tại khối 06, thị trấn Hương Khê) chiếm đoạt 21.000m2.

Vụ việc này đã được UBND huyện Hương Khê, Sở TNMT vào cuộc kiểm tra, soát xét. Tại các thông báo của UBND huyện và Sở TNMT đều căn cứ vào bản báo cáo số 100/BC-UBND xã Gia Phố để xác định diện tích đất của ông Thức và các thửa đất bị ông Thức tố cáo chiếm đoạt.

Theo đó, văn bản số 100/BC-UBND xã Gia Phố (huyện Hương Khê) ra ngày 27/11/2018 gửi Sở TNMT Hà Tĩnh kết luận: ông Nguyễn Thức được UBND huyện Hương Khê cấp 11,7ha đất rừng sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Thực tế từ năm 1991 đến nay ông Thức chỉ sử dụng diện tích 4,36ha, có ranh giới rõ ràng, ổn định và được thể hiện tại thửa 178, tờ bản đồ số 01, bản đồ đo vẽ đất lâm nghiệp phê duyệt năm 2003.

Ông Phạm Đức Thạch – Chủ tịch UBND xã Gia Phố nói rằng, văn bản số 100/BC-UBND của xã Gia Phố do ông Đặng Văn Định lập ra và trình cho ông kí để gửi Sở TNMT.

Tuy nhiên do văn bản của cán bộ địa chính không kèm theo các tài liệu làm căn cứ nên ông Thạch nhất định không kí. Sau đó ông Thạch đề nghị ông Định tự kí vào văn bản và dùng dấu treo đóng vào gửi Sở TNMT. Văn bản được gửi đi nhưng do không có chữ kí của ông Thạch nên bị trả về.

“Tôi mới lên chủ tịch, đất đai giai đoạn trước tôi không nắm rõ, hơn nữa khi anh Định trình văn bản lên do không có tài liệu làm căn cứ nên tôi không kí. Sau đó văn bản bị trả lại và đoàn kiểm tra của Sở TNMT yêu cầu phải có chữ kí của tôi nên tôi buộc phải kí” – ông Thạch nói.

Trong khi đó, về trách nhiệm của huyện thì UBND huyện Hương Khê cho biết: Việc quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới là trách nhiệm của người sử dụng đất. Theo quy định thì UBND huyện không có trách nhiệm phải thực hiện việc kiểm tra ranh giới thửa đất theo kiến nghị của ông Nguyễn Thức.

Hơn 12.600 tỷ đồng xây dựng 5 khu đô thị tại Cần Thơ.  Theo đó, cả 5 khu đô thị mới của TP. Cần Thơ đều được khởi công trong năm 2019.

Tại quận Cái Răng, có có 3 khu đô thị mới, gồm: Khu đô thị mới Nam Cần Thơ (Riverine Can Tho City), Khu đô thị Hải Đăng tại Khu đô thị mới (Khu 2)-Lô số 10 và Khu đô thị mới (Khu 1)-Lô 6C.

Trong đó, dự án Khu đô thị mới Nam Cần Thơ rộng gần 100 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.655 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2024. Dự án được xây dựng theo mô hình khu dân cư cao cấp, khu phức hợp văn phòng, thương mại, nghỉ dưỡng, giải trí đạt chuẩn quốc tế.

Dự án Khu đô thị Hải Đăng rộng khoảng 54 ha, tổng vốn đầu tư gần 4.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2025. Dự án Khu đô thị mới rộng khoảng 27 ha, tổng vốn đầu tư 955 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2023.

Tại quận Ninh Kiều sẽ có Khu đô thị mới phường An Bình với quy mô sử dụng đất khoảng 58 ha, tổng vốn đầu tư 4.160 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2021.

Một khu đô thị mới nữa là dự án Khu đô thị mới hai bên đường Võ Văn Kiệt (Khu 9) thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, rộng khoảng 30 ha, tổng vốn đầu tư 465 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và vào hoạt động trong năm 2023. Cần Thơ kỳ vọng các dự án trên sẽ tạo mỹ quan đô thị hiện đại, năng động, hài hòa với cảnh quan tự nhiên, có cơ sở hạ tầng xã hội đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Điểm mặt 26 bất động sản của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên. Danh sách chi tiết 26 bất động sản ở trong nước và nước ngoài do hai vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo sở hữu được HĐXX công bố chi tiết.

Trong đó, 20 bất động sản do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên một mình với tư cách chủ sở hữu.

Số bất động sản này có diện tích lớn nhất ở Củ Chi, TP.HCM với tổng diện tích gần 94.000 m2. Kế đó là gần 11.000 m2 đất ở quận 2, TP.HCM, ở 2 phường Bình Trưng Đông và Bình Trưng Tây. Bất động sản ở Củ Chi và quận 2 đều là các thửa đất.

Ngoài ra, bà Thảo đứng tên sở hữu một thửa đất khác ở phường Long Phước, quận 9, TP.HCM rộng hơn 8.000 m2, cùng căn nhà tọa lạc tại 272B Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Bà Thảo cũng sở hữu một căn nhà ở nước ngoài, theo thông tin của tòa.

Trong khi đó, không có tài sản nào do một mình ông Vũ đứng tên chủ sở hữu.

Hai vợ chồng ông Vũ – bà Thảo cùng đứng tên ở 5 căn nhà và một thửa đất.

Cụ thể, các căn nhà cùng sở hữu của cặp đôi ông bà chủ Trung Nguyên là căn nhà rộng 688 m2 ở số 31 Tú Xương, phường 7, quận 3, TP.HCM.

Ở quận Phú Nhuận, ông bà sở hữu căn nhà 304/61 Đào Duy Anh rộng 1.801,58 m2 và thửa đất ở 553/68 Nguyễn Kiệm, rộng 1.728 m2.

Ở quận Tân Bình, TP.HCM, ông bà sở hữu căn nhà 8.114,54 m2 tại 204 Bùi Thị Xuân.

Một căn nhà khác thuộc sở hữu chung trước ly hôn là 1801 tại Cantavil Hoàn Cầu, số 600 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Tại tòa, ông Vũ và bà Thảo thống nhất chỉ tranh chấp 13 trên tổng số 26 bất động sản đã có đủ điều kiện pháp lý để tòa xử.

Theo phán quyết hôm nay, tòa ghi nhận sự thoả thuận của hai bên. Ông Vũ sẽ sở hữu 6 bất động sản trị giá hơn 350 tỷ đồng còn bà Thảo sở hữu 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỷ đồng. Số bất động sản này được chia 50:50 theo giá trị và bà Thảo sẽ trả lại cho ông Vũ 12,5 tỷ đồng chênh lệch.

Kiến nghị giải quyết 100 dự án bất động sản “đóng băng” tại TP.HCM. Theo báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) có văn bản gửi UBND TP.HCM bày tỏ lo ngại về thị trường bất động sản, đề nghị thành phố khẩn trương giải quyết những ách tắc lớn nhất của doanh nghiệp và thị trường bất động sản hiện nay.

Từ thực tế ba tháng đầu năm 2019, HOREA và các doanh nghiệp bất động sản càng lo ngại hơn trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, hoặc không được cán bộ cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời.

Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung – cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản; tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở; làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản (Nguồn thu ngân sách thành phố đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5%. Hai tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước.); doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.

Cùng với đó là môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).

Nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế “xin – cho”, tiêu cực.

Theo đó, HOREA kiến nghị UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị “đóng băng” chờ rà soát, thanh tra. Quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh.

Thị trường bất động sản Quảng Ninh ghi nhận nhiều ông lớn đổ bộ vào. Cụ thể là tại Móng Cái, những năm 2015 hàng loạt “ông lớn” bất động sản dồn dập đổ bộ Hạ Long như Sungroup, Vingroup, FLC, HD Mon Holdings,…cùng với những tên tuổi lớn khác đã hiện diện lâu năm tại địa phương như Bim Group, Tuần Châu với kế hoạch phát triển hàng loạt dự án nghìn tỷ tại địa phương này.

Là một trong những ông lớn đặt chân đầu tiên đến Móng Cái phải kể đến tập đoàn Vingroup. Từ tháng 5-2018, Công ty CP Vincom Retail – Tập đoàn Vingroup đã xây dựng tổ hợp Vincom Shophouse Móng Cái ngay tại trung tâm thành phố. Dự án có quy mô 45 căn nhà phố cơ bản đã hoàn thiện, nên chả thấm vào đâu so với nhu cầu.

Thời gian qua, Móng Cái cũng đã bắt đầu xây dựng nhiều dự án hạ tầng nhằm phát triển Thành phố.Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ hàng loạt dự án nghìn tỷ. Có thể kể đến như tuyến đường ven biển Hải Hà – Móng Cái 2.350 tỷ, dự án đường và cầu Bắc Luân 2 vừa khánh thành, Dự án Trạm kiểm soát liên nghành rộng 53,26ha tại Bắc Luân với tổng mức đầu tư lên tới 1500 tỷ.…

Hiện tại, thị trường BĐS Móng Cái không có nhiều nguồn cung, những năm qua chỉ một vài khu đô thị vừa và nhỏ mọc lên như dự án KĐT Hồng Vân, Green Park Móng Cái, KaLong Riverside City, KĐT Hải Yên…tuy nhiên, với sức đô thị hóa nhanh nguồn cung khiêm tốn này đã nhanh chóng được tiêu thụ hết. Tất cả đủ thấy “sức hút” lớn của thị trường bất động sản Móng Cái là như thế nào.

Gần đây ghi nhận thêm Sungroup, FLC Group cũng đang tỏ rõ tham vọng tại Móng Cái với kế hoạch nghiên cứu đầu tư 2 dự án lớn tại đây. FLC đang lên ý tưởng nghiên cứu đầu tư dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực kết nối với Trà Cổ thành một khu nghỉ dưỡng dịch vụ cao cấp; và dự án khu đô thị thông minh tại phường Ninh Dương, TP Móng Cái.

Giá đất tại An Phú Đông, quận 12, TP.HCM tăng vùng vụt. Khảo sát của trong quý 1/2019 cho thấy, đất nền khu vực phường An Phú Đông – vùng ốc đảo – trở thành điểm nóng từ nhiều tháng qua. Giá đất và lượt tìm kiếm đều tăng kỷ lục. Liên tục trong 3 tháng đầu năm, phường An Phú Đông đứng đầu trong danh sách tìm kiếm nhà đất của quận 12. Tại thời điểm cận tết, giá nhà đất ở khu vực này khoảng 32 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ngay sau tết, giá tăng thêm 10%, tương đương 35 triệu đồng/m2 và đến nay, giá tiếp tục tăng 10% nữa và số người tìm kiếm, giao dịch trên sàn này tăng đến 124% với trước Tết.

Nguyên nhân ghi nhận để thúc đẩy giá đất tăng là do vào quý cuối năm 2018, sau khi có thông tin UBND TP.HCM chấp thuận phương án xây cầu tạm kết cấu thép bắc qua sông Vàm Thuật nối quận 12 với quận Gò Vấp, thay cho bến phà An Phú, từ đó, cơn sốt đất đai khu vực này bắt đầu râm ran và bùng lên.

tháo gỡ tòa nhà cao tầng
Tòa nhà tại Hồ Gươm được tháo gỡ. Ảnh Tiền Phong.

Cao ốc xây vượt tầng tại Hồm Gươm tháo dỡ. Theo báo Tiền Phong, sau khi phản ánh việc tháo dỡ các hạng mục vi phạm tại cao ốc số 26-28-30 phố Nhà Chung phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) diễn ra chậm chạp sau nhiều tháng thực hiện hết lý do thời tiết đến việc không có thợ thì mới đây việc tháo dỡ tại công trình này bất ngờ “động đậy” trở lại.

Lý giải về việc này, ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, do chủ đầu tư công trình tháo dỡ phần sai phạm rất chậm, vì vậy quận quyết định chính thức cưỡng chế vi phạm.

“UBND quận đã chỉ đạo cưỡng chế, bắt đầu tháo dỡ vi phạm từ sáng 26/3 với khoảng 30 công nhân. Dự kiến toàn bộ phần sai phạm của công trình sẽ được xử lý xong trong vòng 45 ngày”, ông Trung nói.

Ghi nhận vào chiều ngày 27/3, tại cao ốc vượt tầng số 26-28-30 phố Nhà Chung có 6 công nhân đang tiến hành tháo dỡ các hạng mục vi phạm, việc tháo dỡ diễn ra ỳ ạch. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, với số lượng công nhân ít như thế thì cho đến bao giờ công trình mới “cắt ngọn” xong phần sai phạm khủng?

Về việc này, Đội trưởng đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm cho rằng, vì mặt bằng thi công bị hạn chế do phần phế phải của chủ đầu tư phá dỡ trước đó vẫn còn ngổn ngang.

Trong khi đó, đại diện phường Hàng Trống cũng xác nhận từ sáng 26/3, quận và phường phối hợp thi hành cưỡng chế vi phạm tại cao ốc số 26-28-30 phố Nhà Chung. “Do chủ đầu tư chây ỳ, chậm tháo dỡ nên chúng tôi đã thuê đơn vị bên ngoài vào tháo dỡ. Lần này chúng tôi kiên quyết xử lý dứt điểm sai phạm tại công trình trên”, vị này nhấn mạnh.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin cuối ngày 27-3: Rõ kết quả chia tài sản vợ chồng cà phê Trung Nguyên
  • Điểm tin sáng 28-3: Chính quyền lo ngại vụ nhồi cao ốc 18 tầng