Điểm tin sáng 28-2: Bán đất sai khiến dân “khóc hận” 10 năm, phương thức tinh vi cơ...

Điểm tin sáng 28-2: Bán đất sai khiến dân “khóc hận” 10 năm, phương thức tinh vi cơ...

Bán đất sai khiên dân “khóc hận” 10 năm, phương thức tinh vi cơ sở nhà đất sai phạm Đà Nẵng…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 28-2 trên News Mogi.

Bán đất sai quy định, khách hàng “khóc hận” 10 năm. Theo báo Tiền Phong, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã phát hiện sai phạm tại dự án khu nhà ở thuộc lô đất 28.000m2 nằm ở phường Bình Trưng Đông (quận 2) của chủ đầu tư là Công ty xây dựng – may thêu Trường Thịnh, khiến nhiều khách hàng mua đất hơn 10 năm nhưng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Qua quá trình thanh tra tại Công ty xây dựng – may thêu Trường Thịnh đã phát hiện sai phạm tại dự án quy hoạch xây nhà ở lô đất 28.000m2 toạ lạc ở phường Bình Trưng Đông (quận 2, TP.HCM) khiến nhiều khách hàng mua đất hơn 10 năm nhưng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Kết luận Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chỉ rõ về sai phạm của Công ty Trường Thịnh trong việc làm sai lệch quy hoạch 1/500 được duyệt. Bởi lẽ, tuyến đường 16m từ đường Nguyễn Duy Trinh dẫn vào khu dự án bị tịnh tiến lệch, làm cho toàn bộ dự án bị tịnh tiến lệch về phía Đông 3m, làm giảm diện tích công viên cây xanh dọc rạch bờ sông Bà Cua. Nó đã dẫn đến ranh giới đất bàn giao cho hộ dân có số nền bị sai lệch, không trùng khớp với ranh giới quy hoạch được duyệt. Mặt khác, 38/85 lô đất nền nhà liên kề của dự án có diện tích nền lớn hơn diện tích quy hoạch được duyệt.

Theo Thanh tra đây là do lỗi của chủ đầu tư là Công ty Trường Thịnh và các công ty liên quan trong quá trình phân lô nền nhà ở dự án đã định vị lệch trục giao thông nội bộ.

Theo kết luận của Thanh tra Sở TNMT TP.HCM, trong những năm chưa có phương án giải quyết thì người dân xây nhà trong dự án do Công ty Trường Thịnh làm chủ đầu tư không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và khiếu nại kéo dài.

Điều đáng nói, do Công ty Trường Thịnh thực hiện dự án xây dựng tịnh tiến so với quy hoạch khiến các hộ dân sống dọc rạch bờ sông Bà Cua thuộc phường Bình Trưng Đông không được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên mọi hoạt động xây nhà, buôn bán và thế chấp vay vốn đều không được. Điều này khiến người dân mua đất thông qua môi giới nhà đất phải nhận thiệt thòi khi 10 năm chưa được cấp sở.

“Nóng mặt”, Tập đoàn Đại Phúc chi ngàn tỷ xây dựng tiện ích cho đô thị Vạn Phúc. Theo chia sẻ mới đây từ đại diện của Tập đoàn Đại Phúc, khu đô thị Vạn Phúc nằm tại quận Thủ Đức sẽ được đầu tư 2.000 tỷ đồng nhằm để tăng cường hệ thống tiện ích.

Cụ thể, sẽ xuất hiện nhiều tiện ích như Quảng trường nhạc nước Hồ Đại Nhất với tổng giá trị đầu tư 5 triệu USD, Bệnh viện quốc tế Vạn Phúc với quy mô 3,5ha, hay cảnh quan công viên ven song với quy mô 11ha. Và tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 2.000 tỷ đồng. Và có thể nói, với mức đầu tư này, Tập đoàn Đại Phúc muốn khu đô thị Vạn Phúc cạnh tranh sòng phẳng với VinCity Grand Park quận 9.

Lộ diện ông chủ của khách sạn Melia. Bên cạnh hai khách sạn lớn là khách sạn JW Marriott, và khách sạn Sofitel Metropole được sử dụng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều nơi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong – un. Khách sạn Melia được sử dụng làm nơi ở cho Chủ tịch Kim.

Tuy nhiên, ai mới là ông chủ của khách sạn Melia vẫn đang là bí ẩn. Theo tìm hiểu, khách sạn đẳng cấp nằm tại Hà Nội này thuộc tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Cụ thể, chủ sở hữu khách sạn Melia Hà Nội hiện nay là Công ty SAS-CTAMAD, liên doanh được thành lập từ năm 1994 giữa Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) và Công ty SAS Trading.

Trong đó, HEM là thành viên thuộc Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX), còn SAS Trading chính là thành viên của Tập đoàn đa ngành TCC của tỷ phú Thái Lan Charoen.

Cơ cấu sở hữu tại liên doanh SAS-CTAMAD, đại diện phía doanh nghiệp Việt Nam là HEM góp 35% vốn là phần giá trị từ khu đất trên mặt đường Lý Thường Kiệt, còn SAS góp 65% là phần vốn chi để phát triển dự án khách sạn cao cấp này.

Theo báo cáo, trong năm 2018, lợi nhuận ròng sau thuế của Melia sẽ không thấp hơn con số 114 tỷ đồng mà công ty đã chi ra để chia cổ tức cho các cổ đông.

TP.HCM đề xuất điều chỉnh tăng giá đất bình quân 0,4 lần (hệ số K). UBND TP.HCM đã trình HĐND TP phương án tăng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k) trên địa bàn. Theo đề xuất, áp dụng hệ số k năm 2019 tăng bình quân 0,4 lần so với hệ số năm 2018.

Được biết, năm 2018 (hệ số k cao nhất là 2,1 lần và thấp nhất là 1,1 lần) ở tất cả các nhóm và khu vực khi tính tiền sử dụng đất. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức, đề xuất áp dụng hệ số k bằng 1,5 lần bảng giá đất.

Theo văn bản đề xuất, đất kinh doanh dịch vụ, thương mại, văn phòng cho thuê… được đề xuất hệ số từ 1,7 đến 2,5 lần; đất sản xuất công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng… được đề xuất từ 1,5 đến 1,7 lần. Theo UBND TP.HCM, hiện giá đất để tính bồi thường hỗ trợ tái định cư cao gấp 4,75 lần bảng giá đất năm 2018 mà TP quy định. Riêng giá chuyển nhượng theo kê khai để đóng lệ phí trước bạ từ các hợp đồng chuyển nhượng của người dân cao hơn 3 lần so với bảng giá đất.

Giá đất chuyển nhượng trên thị trường hiện cao hơn từ 4 đến 6 lần so với bảng giá đất. Do đó, điều chỉnh hệ số k cho phù hợp thực tế là cần thiết.

Các cơ sở môi giới nhà đất sai phạm ở Đà Nẵng
Thanh tra Chính phủ cho thấy nhiều cơ sở môi giới nhà đất sai phạm ở Đà Nẵng.

Các cơ sở môi giới nhà đất sai phạm ở Đà Nẵng có phương thức hoạt động thế nào.  Theo báo Tiền Phong, từ năm 2010-2016, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép chuyển đổi đối với 52 cơ sở nhà đất thuộc thành phố quản lý sang mục đích khác, trong đó, bán lại cho bên thuê 31 cơ sở, bán trực tiếp không thông qua đấu giá 8 cơ sở… sai phạm lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa mới công bố, qua kiểm tra 31 cơ sở nhà đất thành phố Đà Nẵng bán lại cho bên thuê, phát hiện có 4 cơ sở nhà đất theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) gồm số 47 và 73  Nguyễn Thái Học, số 2 Hải Phòng, số 39 Paster.

Cụ thể, nhà đất tại số 47 Nguyễn Thái Học (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) có diện tích đất hơn 159m2, diện tích sử dụng hơn 115m2, với cấu trúc nhà 2 tầng. Đây là nhà công sản do nhà nước quản lý ký hợp đồng cho Cty Dược Đà Nẵng thuê sử dụng tầng 1 và hộ bà Hoàng Thị Bách Hà thuê ở tầng 2.

Tháng 8/2008, UBND thành phố Đà Nẵng hủy hợp đồng thuê nhà với Cty Dược do không có nhu cầu thuê. Cty quản lý nhà Đà Nẵng ký hợp đồng cho Cty TNHH Minh Hưng Phát thuê sử dụng tầng 1, tầng 2 tiếp tục cho bà Hà thuê ở. Sau đó, Cty Minh Hưng Phát xin thuê tầng 2 để mở rộng văn phòng. Tháng 6/2009, Cty này xin mua lại nhà đất số 47 Nguyễn Thái Học và cam kết trả tiền một lần.

Tháng 9/2009, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý bán nhà và chuyển quyền sử dụng toàn bộ nhà, đất số 47 Nguyễn Thái Học  cho Cty Minh Hưng Phát. Cty này sau đó có văn bản xin giảm hệ số sinh lời và được UBND thành phố đồng ý giảm hệ số sinh lời từ 1,4 xuống 1,2.

Tháng 2/2010, UBND thành phố có quyết định cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước tại 47 Nguyễn Thái Học.

Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất 47 Nguyễn Thái Học với tổng giá trị hơn 4,2 tỷ đồng. Tháng 3/2010, Cty quản lý nhà và Cty TNHH Minh Hưng Phát thực hiện thanh lý hợp đồng mua bán cơ sở nhà, đất 47 Nguyễn Thái Học.

Cách số 47 không xa là số 73 Nguyễn Thái Học nằm ở vị trí đắc địa, ngay ngã tư Nguyễn Thái Học giao nhau với đường Yên Bái. Cơ sở nhà, đất này từ năm 2009, được giao cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố làm trụ sở cơ quan. Năm 2010, Trung tâm này được UBND thành phố giao đất tại 295 Nguyễn Chí Thanh để xây trụ sở nên số 73 Nguyễn Thái Học được bàn giao cho Cty quản lý nhà Đà Nẵng.

Việc bàn giao số 73 Nguyễn Thái Học cho Cty quản lý nhà Đà Nẵng được thực hiện vào tháng 8/2010. Nhà, đất vừa bàn giao thì Cty CP đầu tư Nhất Gia Phúc (do bà Phan Thị Anh  Đài – chị ruột Phan Văn Anh Vũ đứng tên giám đốc Cty) có đề nghị xin thuê lại nhà 73 Nguyễn Thái Học. Và Cty quản lý nhà liền sau đó đã có công văn báo cáo và đề nghị UBND thành phố chấp thuận cho công ty này thuê. Tháng 9/2010, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho phép Cty Nhất Gia Phúc thuê nhà đất 73 Nguyễn Thái Học. Sau khi thuê được số 73 Nguyễn Thái Học, đến năm tháng 3/ 2011, Cty quản lý nhà tiếp tục đề nghị UBND thành phố bán cơ sở nhà, đất này cho Cty Nhất Gia Phúc, sau khi Cty có văn bản xin mua. Chủ trương bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại đây được UBND thành phố thông qua. Đến tháng 12/2011, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại 73 Nguyễn Thái Học cho Cty Nhất Gia Phúc với giá trị hơn 4,4 tỷ đồng. Đến tháng 1/2012 Cty quản lý nhà và Cty Nhất Gia Phúc thực hiện thanh lý hợp đồng mua bán.

Ngoài số 73 Nguyễn Thái Học, Cty Nhất Gia Phúc còn được mua cơ sở nhà đất tại số 39 Paster. Trong khi đó Cty Minh Hưng Phát được mua cơ sở nhà đất tại số 2 Hải Phòng với giá hơn 3,3 tỷ đồng. Điều giống nhau ở 4 cơ sở nhà đất này, là UBND thành phố Đà Nẵng ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê một cách rất nhanh chóng.

Điều đáng chú ý Cty TNHH Minh Hưng Phát nhận chuyển nhượng các lô đất nói trên Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘‘nhôm’’) nắm giữ 80% vốn điều lệ. Trong khi đó Cty CP đầu đầu tư Nhất Gia Phúc, Vũ “nhôm” có 50% vốn điều lệ.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 27-2: Giá căn hộ Nam Sài Gòn nhảy vọt, Thủ tướng “thúc” tiến độ nhiều dự án tại TP.HCM
  • Điểm tin cuối ngày 26-2: Ghi nhận thêm chung cư “tử thần” tại TP.HCM, đất nền sổ đỏ sẽ “dậy sóng” thị trường