Điểm tin sáng 27-3: Chỉ số nhà hạng sang sụt giảm

Điểm tin sáng 27-3: Chỉ số nhà hạng sang sụt giảm

Chỉ số nhà hạng sang sụt giảm, 17.000 tỷ đồng di dời các bộ ngành…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 27-3 trên News Mogi. 

Nhà hạng sang chỉ số sụt giảm. Theo báo Thanh Niên, Savills đưa ra chỉ số về nhà hạng sang khi giá tăng chỉ 2,3% trong cả năm 2018, trong khi nửa cuối năm 2018 tốc độ tăng trưởng chỉ 0,4%. Tăng trưởng trong 2018 thấp hơn so với mức tăng 3,3% của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng giá thuê nhà ở hạng sang cũng đồng thời giảm, chỉ 3,2%/năm tại các thành phố lớn trên thế giới. Như vậy, lợi suất cho thuê trung bình của phân khúc nhà ở hạng sang thấp nhất trong 10 năm qua.

“Năm 2007, khi dân số toàn cầu trở nên giàu có, họ đã cạnh tranh săn tìm các bất động sản có vị trí đẹp tại các thành phố lớn trên thế giới. Khi đó chỉ số nhà ở hạng sang tăng 15,4%/năm. Nhưng hiện nay khi tốc độ tăng trưởng đang chậm thì giá trị bất động sản nhà ở hạng sang đang có tốc độ tăng chậm hơn”, bà Sophie Chick, Giám đốc bộ phận nghiên cứu toàn cầu Savills nói.

Cũng theo Savills, tại Việt Nam, giá căn hộ cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng ở TP.HCM cao hơn khi so sánh với các thị trường này. Giá nhà ở cao cấp tại khu trung tâm TP.HCM đang giữ mức trung bình khoảng 5.500 – 6.500 USD/m2.

Các biện pháp hạ nhiệt đã khiến thuế nhà ở tại nhiều quốc gia trở nên cao hơn trong khi mức thuế này tại Việt Nam lại tương đối thấp, giúp hấp dẫn người mua trong và ngoài nước. Do đó, nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam tăng đáng kể từ khi chính sách sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào năm 2015.

Theo ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, mức giá nhà cao cấp tại TP.HCM dự kiến sẽ tiếp tục tăng, nhưng chậm hơn trong thời gian tới.

Một số dự án nằm trong diện điều tra của công an tại Hà Nội. Theo báo Tiền Phong, sáng 25-3, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về trật tự xây dựng. Theo báo cáo của UBND thành phố, có 12 kết luận thanh tra về trật tự xây dựng gồm 1 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; 3 kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng; 7 kết luận Thanh tra của Thanh tra thành phố và 1 kết luận thanh tra của Sở Xây dựng. Có 25 công trình/dự án vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận thanh tra. Đã xử lý xong 4 công trình/dự án. 21 công trình/dự án đang tiếp tục xử lý, trong đó có 10 công trình/dự án đang xem xét chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.

Phụ lục báo cáo của UBND thành phố nêu tên nhiều chủ dự án, công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Trong đó, có Dự án Khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc, quận Hà Đông do Tổng Cty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở và Trung tâm thương mại Hà Đông do Cty TNHH Huyndai RNC làm chủ đầu tư; Khu đô thị Thanh Hà- Cienco 5; các dự án xây dựng bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng tại các ô đất ký hiệu DX1, DX2, DX3, DX4, CX1, CX2 khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy; dự án 93 Lò Đúc; dự án 8B Lê Trực…

Riêng đối với dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5, UBND thành phố Hà Nội cho biết, nội dung vi phạm theo kết luận là diện tích xây dựng thêm tại tầng áp mái tại 9 tòa nhà chung cư thuộc các ô đất B1.4-HH01 và B1.4-HH02. Nguyên nhân tồn tại chưa xử lý được là do cơ quan an ninh điều tra bộ Công an đang tiến hành điều tra trong việc cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án.

Với việc thanh tra đối với việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng (một số dự án), kinh doanh bất động sản các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Cty Cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu BEMES làm chủ đầu tư, kể cả các dự án là nhà đầu tư thứ cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội… UBND thành phố cho biết, nội dung vi phạm theo kết luận gồm:

Dự án Khu nhà ở Xa La, Phúc La, Hà Đông: xây dựng thêm tầng; vi phạm mật độ xây dựng; diện tích căn hộ, biệt thự. Dự án có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì: Xây vượt 2 tầng + tầng áp mái; vi phạm mật độ xây dựng và mục đích sử dụng. Dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5, xã Tân Triều, Thanh Trì: Xây sai quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch được duyệt là 25 tầng +2 tầng KT +3 tầng hầm; thực tế: 35 tầng+1 tầng áp mái + 1 tầng hầm. Vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng.

Dự án tổ hợp chung cư và DVTM tại ô HH3 thuộc lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Linh Đàm, Hoàng Mai: xây 1 tầng hầm, trong khi quy hoạch được duyệt là 3 tầng hầm.

Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và TM Bemes, Kiến Hưng, Hà Đông: Sai quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch được duyệt 31 tầng +1 tum thang +2 tầng hầm nhưng thực tế 31 tầng +tầng áp mái+ 1 tầng hầm. Xây tăng số lượng căn hộ thấp tầng được duyệt.

Dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở cao tầng tại ô đất VP3, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai: Sai quy hoạch. Cụ thể quy hoạch được duyệt 29 tầng +2 tầng KT +2 tầng hầm nhưng thực tế 31 tầng +1 tầng áp mái +1 tầng hầm.

Dự án tổ hợp chung cư và dịch vụ TM tại ô HH4 thuộc lô CC6, Linh Đàm, Hoàng Mai: Sai quy hoạch. Cụ thể quy hoạch 3 tầng hầm nhưng thực tế 1 tầng hầm.

Về lý do tồn chưa xử lý, UBND thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan an ninh điều tra đang tiến hành điều tra.

Đất nền Bình Phước “hút hàng” khi vừa lên thành phố.  Theo ghi nhận của RaoXYZ, sau khi thị xã Đồng Xoài lên thành phố, nơi đây đã lập tức “hút” các ông lớn đổ về đầu tư. Điểm qua vài cái tên lớn trong ngành BĐS như FLC, Vingroup, Đại Nam, HUB Nha Trang… cũng đang đổ về Bình Phước phát triển dự án quy mô. Đơn cử như Đại Nam đang đầu tư dự án khu dân cư Đại Nam Bình Phước quy mô gần 100ha (huyện Chơn Thành, Bình Phước).

Tại Đồng Xoài, dự án có quy mô lớn thu hút sự quan tâm của NĐT có thể kể đến như Cát Tường Phú Hưng của Cát Tường Group. Với quy mô hơn 92ha. Mới đây, đơn vị này bung hơn 800 đất nền thuộc đợt 2 của dự án với mức giá từ 789 triệu đồng/nền và tỉ lệ giao dịch đạt gần 100%.

Chưa kể, những tiềm năng của thị trường bất động sản Bình Phước nói chung đã hiện hữu thời gian qua, khi nơi đây hội tụ nhiều KCN lớn như: KCN Đồng Xoài I, KCN Đồng Xoài II, KCN Bắc Đồng Phú, KCN Minh Hưng – Hàn Quốc, KCN Minh Hưng III, KCN Tân Khai I, KCN Tân Khai II,…

Hiện có 8 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 13 KCN với tổng diện tích 4.686ha và 1 khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Trong năm 2018, 3 KCN gồm: Becamex – Bình Phước (tổng diện tích 4.633ha); KCN Minh Hưng – Sikico (tổng diện tích 655ha) và KCN Đồng Xoài III (tổng diện tích 120ha) cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng.

Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch dự án khi muốn biến đất du lịch thành dự án công viên cây xanh. UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh quy hoạch khoảng 250ha đất xung quanh khu vực mỏ đá thuộc xã Phước Tân và Tam Phước (TP.Biên Hòa).

Theo quy hoạch chung đã được phê duyệt thì khu đất trên sẽ là các khu du lịch gắn với cảnh quan công viên rừng trồng và hai bên bờ sông Buông.

Qua rà soát, hiện nay các mỏ đá ở những khu vực trên vẫn đang khai thác và thời gian còn dài nên việc đầu tư khai thác du lịch khu vực này là không phù hợp với tình hình thực tế và chưa đáp ứng được các tiêu chí về môi trường để khai thác và thu hút du lịch.

Đồng thời, qua đánh giá vị trí và mối liên hệ vùng, khu vực này đã có các khu du lịch lớn như: Khu du lịch Sơn Tiên ở xã An Hòa, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, sân golf Long Thành tại xã Phước Tân… nên rất khó khăn trong thu hút đầu tư du lịch vào những địa điểm xung quanh các mỏ đá.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Bộ Xây dựng cho điều chỉnh 250 héc-ta đất quy hoạch du lịch sang đất công viên cây xanh để tạo cảnh quan, cải thiện môi trường tại khu vực và bổ sung quỹ đất công viên cây xanh trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Trụ sở Bộ Công thương.
Trụ sở Bộ Công thương.

Cần 17.000 tỷ đồng để di dời trụ sở 13 bộ ngành khỏi trung tâm Hà Nội. Theo báo Tiền Phong, viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia vừa đề xuất 3 phương án di chuyển bộ, ngành ra khỏi trung tâm thành phố Hà Nội, dự kiến nhu cầu tài chính từ 12 nghìn tỷ đến 17 nghìn tỷ đối với mỗi phương án.

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) vừa gửi bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành trung ương tại thủ đô Hà Nội.

Theo đó, VIUP đề xuất đề xuất 3 phương án di chuyển bộ, ngành. Thứ nhất di chuyển trụ sở các bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây, thứ hai di chuyển về khu vực Mễ Trì Hạ, phương án 3 di chuyển các bộ ngành về cả hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ.

Cụ thể, tại phương án thứ nhất, VIUP đề xuất trụ sở 12 bộ, ngành gồm: Kế hoạch – đầu tư, Công thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động và Thương binh xã hội, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và truyền thông, Giáo dục và đào tạo, Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN sẽ được chuyển về Tây Hồ Tây. Riêng Bảo hiểm Xã hội VN đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ.

Theo phương án này, phạm vi quy hoạch là 35 ha, bình quân mỗi cơ quan từ 1,5-2 ha/cơ quan. Tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người, số người người làm việc bing quân 1.000 – 1.500 người/cơ quan; tầng cao bình quân dự kiến khoảng 15-20 tầng/cơ quan; tầng ngầm 3-4 tầng/cơ quan.

Nhu cầu tài chính khoảng 11.897 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì Hạ thu về 10.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.897 tỷ đồng.

Tại phương án 2, VIUP đề xuất chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về khu vực Mễ Trì Hạ, phạm vi quy hoạch 55 ha, bao gồm  toàn bộ khu đất Mễ Trì Hạ, bình quân 1 cơ quan 1,8-3 ha/ha, diện tích còn lại bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan. Tổng số người làm việc ở 13 cơ quan dự kiến khoảng 15.000 người, số người làm việc bình quân 1.000 – 1.500 người/cơ quan.

Với phương án này, nhu cầu tài chính khoảng 14.326 tỷ đồng, nguồn vốn chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.326 tỷ đồng.

Riêng tại phương án 3, VIUP đề xuất sẽ bố trí 13 cơ quan tại 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ, trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành, bình quân 2-3 ha/cơ quan, tầng cao 9-12 tầng; khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan, diện tích 3-4 ha /cơ quan, tầng cao trung bình 12-15 tầng.

Với phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần nhu cầu tái chính 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 26-3: Sai phạm đất rừng Sóc Sơn, ai phải chịu trách nhiệm?
  • Điểm tin cuối ngày 25-3: “Nóng” khi dân kéo lên UBND quận đòi nhà