Điểm tin sáng 26-3: Sai phạm đất rừng Sóc Sơn, ai phải chịu trách nhiệm?

Điểm tin sáng 26-3: Sai phạm đất rừng Sóc Sơn, ai phải chịu trách nhiệm?

Sai phạm đất rừng Sóc Sơn, ai phải chịu trách nhiệm, “cò” lại tung tin đẩy giá đất vùng ven Đà Nẵng tăng cao…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 26-3 trên News Mogi.

Ai chịu trách nhiệm chính cho sai phạm đất rừng Sóc Sơn. Theo báo Tiền Phong, theo kết quả thanh tra, sau khi có quy hoạch rừng 2008, các cơ quan quản lý liên quan đã buông lỏng quản lý dẫn tới các trường hợp vi phạm đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục diễn ra tại các xã có rừng.

Liên quan đến các vi phạm về công tác quản lý quy hoạch, Thanh tra TP cho biết, năm 2012, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã chồng lên quy hoạch đất rừng của 8 xã là 340,12 ha. Việc này dẫn đến UBND các xã căn cứ vào quy hoạch nông thôn mới đã thực hiện nhiều dự án xây dựng đường nông thôn mới làm ảnh hưởng đến diện tích đất rừng.

Năm 2013, UBND huyện Sóc Sơn giao cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn triển khai thực hiện dự án đo đạc thi công căm mốc ranh giới rừng theo Quyết định số 2100. Tuy nhiên, việc xác định vị trí cắm mốc và thực hiện thi công cắm mốc giới ngoài thực địa tại một sỐ xã không đúng quy hoạch, một số vị trí đất quân sự và đất rừng được tách ra khỏi quy hoạch rừng như: xã Hiền Ninh, Tiên Dược, Phù Linh…

Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại nêu trên thuộc UBND các xã, Phòng Quản lý đô thị huyện, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND huyện Sóc Sơn (giai đoạn từ năm 2012 đến nay).

Liên quan tới các vi phạm về công tác quản lý đất rừng phòng hộ, theo Thanh tra TP, UBND các xã đã buông lỏng quản lý; không lưu giữ hồ sơ quản lý đất đai đầy đủ; không cập nhật và theo dõi biến động trong sử dụng đất; không xác định được số hộ được mượn đất theo hình thức Sổ Lâm bạ; không xác định được tình trạng sử dụng đất, mua bán, chuyển nhượng đất rừng của các hộ.

UBND huyện Sóc Sơn ký cho các hộ mượn đát đất theo hình thức Sổ Lâm bạ, nhưng UBND huyện và UBND các xã không theo dõi, không thống kê được số lượng sổ đã cấp.

Ban quản lý rừng phòng hộ – Đặc dụng Hà Nội (trước đây là Lâm trường Sóc Sơn) không lưu giữ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc giao khoán, tình trạng sử dụng 186,63 ha đất trên địa bàn 07 xã (Nam Sơn, Hồng Kỳ, Phù Linh, Hiện Ninh, Quang Tiến, Tiên Dược, Minh Phú); buông lỏng quản lý, không kịp thời kiểm tra, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương xử lý vi phạm đất đai, không có biện pháp ngăn chặn để các hộ mua bán chuyển nhượng cho các hộ ngoài địa phương, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình nhà ở, nhà vườn trong phạm vi đất rừng phòng hộ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiếu kiểm tra, hướng dẫn trong công tác quản lý nhà nước, không kiểm tra, giám sát đối với Ban quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội về đất rừng và để đơn vị buông lỏng quản lý…

Để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc: Chủ tịch UBND các xã Hiền Ninh, Quang Tiến, Tiên Dược, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giai đoạn từ năm 2008 đến nay).

Về vi phạm trong sử dụng đất, trật tự xây dựng tại các xã: Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Thanh tra TP chỉ rõ, UBND 7 xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong diện tích đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ môi trường, như mua bán chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên đất thuộc quy hoạch rừng.

Để xảy ra các sai phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách quản lý đất đai, TTXD và cán bộ địa chính xã Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ; Ban quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn (nay là Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện).

Bên cạnh đó, có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng (giai đoạn từ 2008- đến nay).

Ngoài ra, có trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra về trật tự xây dựng (giai đoạn 2014-2016) và trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về đất đai (giai đoạn từ 2008- đến nay).

Từ kết luận trên, Thanh tra Thành phố đề nghị UBND Thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng đề xảy ra các vi phạm như kết luận nêu trên.

Thanh tra cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội để xảy ra những vi phạm đã được kết luận trên.

Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Sóc Sơn trong việc làm thủ tục chuyền quyền sử dụng đất không đúng quy định; xét cấp Giấy chứng nhận không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Khánh Hòa lên danh sách “đen” các khách sạn vi phạm. Theo báo VietNamNet, Sở Du lịch Khánh Hòa vừa công bố rộng rãi danh sách 22 khách sạn không đảm bảo điều kiện kinh doanh lưu trú.

Theo danh sách 22 khách sạn không đủ điều kiện lưu trú mà Sở Du lịch Khánh Hòa công bố thì có đến 21 khách sạn nằm tại Nha Trang, 1 khách sạn còn lại nằm ở địa bàn thị xã Ninh Hòa. Trong đó có nhiều khách sạn, khu du lịch chuẩn 4 đến 5 sao như: Khách sạn Mường Thanh Luxury Khánh Hòa, Mường Thanh Viễn Triều; khách sạn Skylight; Khu du lịch nghỉ mát Ninh Phước Wild Beach Resort & Spa Ninh Hòa.v.v…

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Cảnh – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Khánh Hòa (thành viên đoàn kiểm tra) cho biết: “Qua kiểm tra trước đó, vi phạm của 22 khách sạn trong danh sách công bố chủ yếu là: không đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn về công tác phòng cháy chữa cháy, không đúng thiết kế xây dựng ban đầu, không đảm bảo an ninh trật tự.v.v…”.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó giám đốc sở Du lịch Khánh Hòa cho biết thêm: “Việc UBND tỉnh Khánh Hòa công bố danh sách trên là hợp lý. Thứ nhất, qua danh sách trên, các doanh nghiệp, khách sạn năm trong danh sách phải sớm khắc phục để phục vụ khách an toàn nhất. Thứ 2, trong thời điểm trước khi diễn ra Festival biển, việc công bố danh sách trên sẽ giúp du khách biết và có sự lựa chọn cho riêng mình”.

Lộ nhiều sai phạm dự án đất nền tại Long An. Theo báo VietNamNet, Sở Xây dựng tỉnh Long An vừa ra biên bản cuộc họp, về việc khảo sát thực tế dự án Khu dân cư đô thị E.City Tân Đức (dự án được đổi tên thương mại thành Everde City – PV), khu B, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo làm chủ đầu tư.

Theo đó, về tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu B, đã xây dựng 30ha, tỷ lệ 24%, đang xây dựng 9ha, tỷ lệ 7,2%. Hiện công ty đang san lấp mặt bằng và phóng tuyến các đường nội khu thuộc khu B1 (thuộc khu B).

Về việc kinh doanh bất động sản, biên bản cho biết, công ty đã tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thuộc khu B1, cho khách hàng. Công ty cũng nhận đặt cọc của khách hàng tham gia mua sản phẩm thuộc dự án, với thời hạn thanh toán là 12 tháng (Công ty nhận đặt cọc khoảng 20 trường hợp, mỗi người 50 triệu).

Cũng tại cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho rằng, về thủ tục đất đai, chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn khu B. Tuy nhiên, theo Điều 194, Luật Đất đai năm 2013, thì công ty phải xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng đầy đủ theo quy hoạch, thực hiện đầy đủ thủ tục tài chính theo quy định. Công ty chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật nên việc đưa vào kinh doanh bất động sản là chưa đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, việc chuyển nhượng, rao bán phải thực hiện theo quy định tại Điều 9, Luật Kinh doanh Bất động sản, Điều 194, Luật Đất đai và Điều 41 của Nghị định số 43/2014/ND-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

“Về hạ tầng kỹ thuật, công ty đang triển khai đường giao thông trục chính và chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép xây dựng. Như vậy, công ty chưa đủ điều kiện giao dịch, mua bán bất động sản theo quy định. Đề nghị công ty ngưng việc mua bán, kinh doanh bất động sản, đến khi đáp ứng đủ điều kiện”, ông Hùng nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng yêu cầu chủ đầu tư – Tập đoàn Tân Tạo, công khai đúng và đầy đủ các nội dung về dự án. Đồng thời, Tập đoàn Tân Tạo phải gửi văn bản cho công ty Rever (sàn giao dịch bất động sản) thực hiện đúng quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai và các quy định liên quan khác.

Được biết, dự án Everde City được rao bán rầm rộ từ cuối năm 2018. Dù được quảng cáo là “chủ đầu tư lớn, pháp lý rõ ràng”, nhưng chỉ một thời gian sau, dự án đã lộ hàng loạt sai phạm.

Theo thông tin quảng cáo, ngoài đơn vị phân phối độc quyền là Công ty TNHH Công nghệ Bất động sản Rever, dự án còn được triển khai qua các đại lý như: Thủ Thiêm Real, Đất Xanh Long An, Phú Hồng Land, SunLand SG.

Diễn biến đất nền khu Đông Sài Gòn trong hơn 3 tháng đầu năm. Ghi nhận của Mogi.nv, trong hơn 3 tháng đầu năm 2019, tình hình đất nền của các dự án tại khu Đông Sài Gòn như quận 2 hay quận 9 có phần trầm lắng hơn. Các nhà đầu tư chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát chứ xuống tiền thì ít.

Nguyên nhân chủ yếu do không có dự án mới mở bán nhưng hoạt động mua bán, sang nhượng vẫn ổn định tại các khu vực còn đất thổ cư trống. Những nền đất chào bán cách 2-3 năm trước (đã có sổ) được người mua ở thực tìm kiếm khá nhiều. Nếu so với thời điểm mua vào, giá đất hiện tại đã tăng gấp 3-4 lần nhưng nhu cầu về chỗ ở của dân tỉnh lẻ vẫn tăng nên hoạt động sang nhượng khá ổn định.

Dù thị trường trầm lắng hơn trước do không có dự án mới mở bán nhưng hoạt động mua bán, sang nhượng vẫn ổn định tại các khu vực còn đất thổ cư trống. Những nền đất chào bán cách 2-3 năm trước (đã có sổ) được người mua ở thực tìm kiếm khá nhiều. Nếu so với thời điểm mua vào, giá đất hiện tại đã tăng gấp 3-4 lần nhưng nhu cầu về chỗ ở của dân tỉnh lẻ vẫn tăng nên hoạt động sang nhượng khá ổn định.

Dù trầm lắng về thị trường, nhưng giá đất vẫn tăng âm thầm.  Cụ thể, những nền đất diện tích 50m2 tại khu vực đường Lò Lu, Lã Xuân Oai, Trường Lưu (Q.9), giá tăng ít nhất 15% so với thời điểm trước Tết. Những nền đất mặt tiền giá ghi nhận tăng 20% trong vòng 8 tháng. Tại khu vực Q.2, giá đất nền tại tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định tăng thêm khoảng 10% so với thời điểm trước Tết. Đa số những nền đất tại đây đã có sổ riêng từng nền. Dự kiến giá đất sẽ tăng cỡ 9-10% trong 6 tháng tới.

“Cò” tung lời đồn, giá đất nền tại vùng ven Đà Nẵng tiếp tục tăng cao.

Theo báo VietNamNet, Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, từ Tết Nguyên Đán đến nay, nhiều cò đất đã tung tin Điện Bàn sẽ sát nhập vào TP Đà Nẵng, nhằm đẩy tình trạng sốt đất trên địa bàn và đẩy giá đất lên cao, gây rủi ro lớn cho thị trường bất động sản trong các giao dịch mua bán đất.

Ông Hà cho hay, về mặt quy hoạch chung phát triển đô thị và phát triển kinh tế-xã hội của thị xã, chính quyền các cấp không có chủ trương lẫn định hướng thị sẽ sáp nhập vào TP Đà Nẵng.

Nói về kế hoạch phát triển nhà trên địa bàn thị xã Điện Bàn, theo ông Hà trong năm 2019, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Điện Bàn, phát triển đô thị và nhà ở với diện tích đất 166ha. Trong năm 2020, với diện 115ha và sau năm 2020 là 100ha.

“Đây cũng là nguồn cung rất lớn cho thị trường bất động sản (BĐS). Chính quyền thị xã khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và giao dịch mua bán nhà đất”, ông Hà cho hay.

Trước đó,trên địa bàn thị xã Điện Bàn liên tục xuất hiện thông tin về việc nhiều xã, phường của thị xã này sẽ sát nhập vào TP Đà Nẵng.

Đặc biệt, tin đồn này lan rộng từ Tết Nguyên Đán đến nay, khiến thị trường BĐS thị xã Điện Bàn rơi vào tình trạng hỗn loạn, giá đất không ngừng được “thổi” lên cao. Giá đất nền tại các phường Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương…thuộc thị xã Điện Bàn tăng chóng mặt.

Ghi nhận của PV VietNamNet, chỉ trong vòng 1 tháng qua, một số nơi giá đất đã tăng gấp 3-4 lần. Trước tết giá giao động 7-8 triệu đồng/m2, nay tăng lên 20 triệu đồng/m2, nhiều nơi giá đất tận 25-26 triệu đồng/m2.

Ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho biết, qua nhiều nguồn tin thì trên địa bàn cũng xuất hiện tin đồn việc địa phương sát nhập vào TP Đà Nẵng.

Theo ông Huyến, đây là những tin đồn do những đối tượng có đất tung ra nhằm thổi phồng giá đất để trục lợi khi mua bán đất.

“Địa phương đã có thông báo gửi cho các khối phố nhằm giải thích cho người dân biết không có chuyện sát nhập và cảnh báo về tình hình mua bán đất tránh việc bị sập bẫy của cò đất”, ông Huyến cho hay.

Cao ốc
Khu đất tính sử dụng để xây thêm 18 tầng bị tố xử dụng sai mục đích. Ảnh Tiền Phong.

Khu đất muốn xây thêm 18 tầng sử dụng sai mục đích. Theo báo Tiền Phong, trong đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội mới đây, đại diện cư dân cho biết, theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, khu đất đang được Vinaconex xin điều chỉnh xây cao ốc 18 tầng có ký hiệu là CN thuộc Khu đô thị mới Trung Hoà – Nhân Chính.

Cụ thể, khu đất ký hiệu CN có diện tích khoảng hơn 4.300m2 với chức năng Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và với mật độ xây dưng 34,88%, diện tích sàn khoảng 4.249m2; hệ số sử dụng đất 0,98 lần; tầng cao trung bình 2,81 tầng. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng cấp với tên và mục đích trên. Thời gian sử dụng đất là 40 năm kể từ ngày 13/6/2000.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, từ khi được đưa vào sử dụng, Vinaconex đã không sử dụng đúng mục đích đất đã được cấp.

“Lô đất ký hiệu CN, ban đầu được duyệt có chức năng công nghiệp. Sau đó chủ đầu tư xin điều chỉnh phương án kiến trúc công trình tại khu đất trên với chức nằng Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ nhưng nhiều năm nay chủ đầu tư không sử dụng đúng mục đích mà lại biến tướng thành nhà hàng, tiệc cưới… Điều đáng nói, dù việc sử dụng sai mục đích khu đất này của Vianconex diễn ra từ lâu nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý”, ông Lê Nguyên Kim, cư dân Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính bức xúc.

Theo ghi nhận của PV, hiện tại khu đất CN không được sử dụng đúng chức năng Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như đã được duyệt, mà thay vào đó là một công trình 3 tầng nằm lọt thỏm giữa những nhà cao tầng và liền kề. Phần lớn diện tích công trình này được sử dụng làm nhà hàng “Công nghệ tiệc cưới Hoàng Gia”, phần công trình còn lại là những ki ốt, nhà hàng riêng lẻ.

Nói về việc “nhồi” thêm 18 tầng đối với dự án này, một cư dân nơi đây cho biết: “Với quy hoạch ban đầu Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính là một trong những khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội với nhiều công trình phúc lợi phục vụ đời sống cư dân. Đến nay quy hoạch kiến trúc khu đô thị đã bị điều chỉnh nhiều lần. Sau mỗi lần điều chỉnh của chủ đầu tư, không gian sống bị thu hẹp lại thay thế bằng công trình kiến trúc phục vụ cho việc kinh doanh dịch vụ.”

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 23-3: Có kết luận thanh tra sai phạm vụ đất rừng Sóc Sơn
  • Điểm tin cuối ngày 22-3: Đất nền Vân Đồn tăng ngất ngưởng chỉ sau 2 tháng