Điểm tin sáng 22-3: Quá khổ, dân cầu cứu buộc Quảng Nam phải thanh tra dự án

Điểm tin sáng 22-3: Quá khổ, dân cầu cứu buộc Quảng Nam phải thanh tra dự án

Quá khổ, dân cầu cứu buộc Quảng Nam phải thanh tra dự án, “bêu tên” doanh nghiệp nợ thuế bất động sản…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 22-3 trên News Mogi.

Quá khổ, dân cầu cứu buộc Quảng Nam phải thanh tra dự án. Theo báo VietNamNet, Ngày 20-3, hàng trăm người dân là khách hàng mua đất tại các dự án của công ty Bách Đạt An qua nhà phân phối Hoàng Nhất Nam đã tập trung tại trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh Quảng Nam.

Trước thực trạng trên,  Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết bản chất bên trong của vụ việc cần được mổ xẻ kỹ càng, dựa theo các quy định của luật pháp chứ không thể làm theo cảm tính. Hai doanh nghiệp đang tranh chấp với nhau, bên nào sai sẽ chịu trách nhiệm theo quy định, điều cơ bản là đảm bảo quyền lợi của khách hàng và các bên liên quan.

Ông cho rằng, giữa chủ đầu tư Bách Đạt An và nhà phân phối Hoàng Nhất Nam có quan hệ bằng hợp đồng giữa hai bên. Trong đó, Bách Đạt An có phần trách nhiệm đúng, có phần sai, kể cả Hoàng Nhất Nam cũng vậy. Hợp đồng quy định nếu không giải quyết được thì khởi kiện ra tòa và hiện Tòa án quận Hải Châu (Đà Nẵng) đang thụ lý vụ việc của hai công ty.

“Chính quyền luôn theo dõi và sẽ can thiệp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của của người dân mua đất và các bên liên quan. Nếu tòa án có triệu tập UBND tỉnh, chúng tôi sẽ cử các ngành chức năng tham gia, sẵn sàng cung cấp hồ sơ chứng cứ nếu tòa án yêu cầu”, ông Thanh cam kết.

Bày tỏ sự thông cảm với người dân mua đất ở các dự án, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết sau buổi tiếp dân hôm nay, Quảng Nam sẽ mời 2 doanh nghiệp đến làm việc, yêu cầu các công ty thực hiện đúng quy định.

Doanh nghiệp nợ thuế bất động sản sẽ bị bêu tên. Theo báo Thanh Niên, cục thuế TP.HCM mới đây đã điểm danh 76 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực bất động sản nợ thuế gần 800 triệu đồng. Danh sách các doanh nghiệp này được đăng trên website ngành thuế và trên các phương tiện truyền thông.

Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty cổ phần vận tải biển và bất động sản Việt Hải với số tiền nợ thuế hơn 181 triệu đồng, tiếp theo là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 8 với tiền nợ thuế 114 triệu đồng, Công ty cổ phần đầu tư – xây dựng Phú Mỹ với số tiền nợ thuế là hơn 88 triệu đồng, Công ty cổ phần đầu tư – xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 nợ thuế hơn 73 triệu đồng, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Lâm Viên nợ thuế số tiền gần 67 triệu đồng, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Cotec nợ thuế gần 30 triệu đồng…

Vinaconex “hô biến” nâng nhà 3 tầng lên… 18 tầng. Theo báo Tiền Phong, trước đề xuất công trình xây dựng 3 tầng thành cao ốc 24 tầng tại Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính của Vinaconex, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, khu đất này có chiều ngang mỏng vì vậy để tránh tạo tòa nhà hình siêu mỏng chỉ chấp thuận nâng lên thành 18 tầng.

Đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho hay, liên quan đến việc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất cao ốc ở trong Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính đã được Sở này báo cáo lên UBND TP Hà Nội.

Theo đó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến ông Lê Vinh đã có văn bản số 3458/QHKT/KHTH gửi UBND TP Hà Nội về việc quy hoạch kiến trúc tại khu đất mà chủ đầu tư đề xuất xây cao ốc.

Cụ thể, khu đất ký hiệu CN thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính có diện tích khoảng hơn 4.300m2, trên đất hiện có công trình cao 3 tầng. “Theo quy hoạch chi tiết duyệt năm 2001, khu đất có chức năng công nghiệp. Đến năm 2003, Vinaconex xin điều chỉnh phương án kiến trúc công trình tại khu đất trên với chức năng Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và với mật độ xây dưng 34,88%, diện tích sàn khoảng 4.249m2; hệ số sử dụng đất 0,98 lần; tầng cao trung bình 2,81 tầng. Đến nay, công trình đã thi công và đưa vào sử dụng”, Sở Quy hoạch-Kiến trúc nêu rõ.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, ngày 21-5-2018, Vinaconex tiếp tục có công văn đề xuất lập dự án đầu tư xây dựng công trình Tòa nhà gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch cao 24 tầng, diện tích xây dựng là 1686m2, mật độ xây dựng tăng lên 49%, tổng diện tích sàn tăng gấp khoảng 9 lần trước đó. Ngoài ra doanh nghiệp cũng đề xuất bổ sung diện tích sàn đổ xe gồm 3 tầng hầm và 3 tầng nổi.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, việc chủ đầu tư đề xuất chiều cao công trình 24 tầng là nằm trong khung cho phép của quy hoạch phân khu đô thị H2-2. Tuy nhiên, xét cụ thể về quy mô diện tích, hình dáng kích thước  khu đất có chiều ngang mỏng khoảng 25 – 30m (so với chiều dài khoảng 120m). “Vì vậy để đảm bảo tỷ lệ hình khối công trình giữa chiều cao với chiều rộng, trách tạo công trình có hình khối kiến trúc siêu mỏng, tại đây nghiên cứu phương án xây dựng công trình tối đa 18 tầng”, Văn bản của Sở Quy hoạch – Kiến trúc chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số dân cư trong khu vực, thì “việc Vinaconex xây dựng tòa nhà 18 tầng trên nền ngôi nhà 3 tầng của Trung tâm Dịch vụ thời trang cao cấp và Thủ công mỹ nghệ trước đây (trụ sở cũ của Vinaconex) sẽ khiến cuộc sống cư dân trong khu vực ngày càng trở lên ngột ngạt hơn”, một vị cư dân bức xúc.

VinCity chuyển đổi sản phẩm đô thị sang thương hiệu Vinhomes. Theo ghi nhận từ Mogi, người đại diện Vinhomes chia sẻ sẽ có bước điều chỉnh quy hoạch lại các dòng sản phẩm, chỉ còn đại đô thị Vinhomes và khu nhà ở cho người thu nhập thấp Happy Town. Trong đó, Vinhomes là thương hiệu bất động sản trung và cao cấp theo mô hình đẳng cấp quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn sống tương đương các nước phát triển. Happy Town là thương hiệu bất động sản nhà ở cho người thu nhập thấp.

Vinhomes cũng tiến hành chuyển đổi các dự án VinCity thành các đại đô thị mang thương hiệu Vinhomes.

“Với quy mô và hạ tầng đồng bộ đang được đầu tư theo mô hình ‘Singapore và hơn thế nữa’, VinCity hội tụ đủ điều kiện chuyển đổi thành tiêu chuẩn Vinhomes với ba dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng gồm: Vinhomes Sapphire, Vinhomes Ruby, Vinhomes Diamond”, đại diện công ty bổ sung.

Trong đó, Vinhomes Sapphire là dòng căn hộ hiện đại, hướng tới giới trẻ năng động, ưa thích công nghệ, có xu hướng lựa chọn các giải pháp thông minh và linh hoạt trong cuộc sống. Dòng sản phẩm VinCity hiện nay sẽ được đổi tên thành Vinhomes Sapphire. Cho nên các dự án như VinCity Grand Park, VinCity Ocean Park và Vincity Sportia sẽ chính thức đổi tên trong thời gian tới.

Choáng với số liệu chung cư tại TP.HCM.  Mới đây theo Sở Xây dựng TP.HCM công bố số liệu về tình trạng chung cư, ghi nhận hiện thành phố có 1.440 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5 lần so với năm 1975), với tổng diện tích sàn xây dựng 10.645.970m2, diện tích bình quân căn hộ 75m2/sàn/hộ. Tỷ lệ căn hộ chung cư chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên toàn TP.

Đại diện Sở xây dựng cho biết thêm, trong những năm gần đây, dự án chung cư tăng mạnh, tuy nhiên quy định pháp luật cũng như công tác quản lý chung cư nhiều nơi chưa đáp ứng những phát sinh từ thực tiễn.

Cụ thể, trong 1.440 chung cư có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 và một số chung cư xây dựng sau năm 1975 đến năm 2005, hầu hết không có Ban quản trị (BQT) và hoạt động theo mô hình tự quản, phù hợp với đặc điểm của chung cư và tình hình địa phương. Ngoài ra còn 212 chung cư chưa có BQT do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Điểm quan trọng là dự án chung cư mọc lên quá nhanh đã gây áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho chính quyền địa phương.  Sở Xây dựng nhấn mạnh thêm rằng, công tác quản lý nhà nước về chung cư đã được TP quan tâm, thực hiện. Dù vậy vẫn còn tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn trong công tác quản lý vận hành. Đặc biệt, vấn đề phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư còn nhiều bất cập. Mâu thuẫn này được Sở Xây dựng TP chỉ ra chủ yếu xuất phát từ tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng chung – riêng, nơi để xe…

Điều chỉnh quy hoạch đô thị “kiểu mẫu” đang trở nên loạn. Theo báo Tiền Phong, hàng loạt dự án xin điều chỉnh quy hoạch đều gặp phải sự phản đối của cộng đồng cư dân ngay từ đầu. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn được các cơ quan chức năng “hợp thức hoá” cho sự điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư.

Đơn cử khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Khu đô thị được công bố là có mật độ xây dựng chỉ 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa. Tuy nhiên, giờ đây quy hoạch đã bị thay đổi kiểu nhồi chung cư, khu công cộng biến mất.

Ông Cao Xuân Tùng, Trưởng Ban Quản trị tòa N03T2 cho biết, suốt thời gian dài hơn một năm qua, cư dân khu Ngoại giao đoàn đã gửi đơn thư đến các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 6-3-2019, Sở Quy hoạch – Kiến trúc mới có giấy mời họp tới đại diện cư dân và các cấp chính quyền để trao đổi về điều chỉnh quy hoạch.

Ông Tùng cho biết thêm, trước đó, Hà Nội quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu Ngoại giao đoàn với việc thay đổi công năng, tăng mật độ xây dựng. Cụ thể, một số lô đất trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng chỉ trên 20,5% thì nay tăng lên gấp đôi. Bên cạnh việc tăng mật độ xây dựng, một số ô đất có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất dịch vụ thương mại văn phòng, nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình gấp 3 lần. Những lô có chiều cao trung bình 7 tầng cũng được điều chỉnh lên 27 tầng, cộng thêm 3 tầng hầm… Đặc biệt, một số lô có chức năng xây dựng trạm biến thế điện, không được xây dựng tầng cao nhưng nay bị điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng cộng 2 tầng hầm.

Tại cuộc họp trên diễn ra vào ngày 14-3 vừa qua dưới sự chủ trì của ông Ngô Quý Tuấn – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc và đầy đủ các  thành phần kể cả đại diện chính quyền quận Bắc Từ Liêm, chủ đầu tư Hancorp và đại diện cư dân.

“Cư dân tham gia cuộc họp đều có ý kiến đúng như đơn kiến nghị đã gửi tới lãnh đạo thành phố, trong đó đề nghị giữ nguyên quy hoạch cũ đã duyệt theo quyết định 368/QĐ-UBND ngày 22/2/2010 của UBND TP Hà Nội. Quá trình điều chỉnh quy hoạch không lấy ý kiến của cư dân, vì thế bây giờ cần phải lấy lại ý kiến của cư dân”, ông Tùng cho hay.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng ghi nhận các kiến nghị của cư dân. Sở yêu cầu chủ đầu tư Hancorp chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn, UBND phường Xuân Tảo rà soát, giải trình bằng văn bản gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc để báo cáo UBND TP.

Thực tế, nhiều chủ đầu tư cố tình lừa gạt dân, khách hàng mua nhà công bố quy hoạch một đường, làm một nẻo…đã phải trả giá đắt. Công ty Cổ phần Quảng cáo và Xây dựng Địa ốc Việt Hân, chủ đầu tư dự án Goldmark City tại 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội sau khi ra sức lừa dối về quy hoạch xây trung tâm thương mại, đường nội khu… đã không bán thêm được cả hàng trăm căn hộ  đã xây dựng từ gần 3 năm qua. Đến nay, Công ty Việt Hân vẫn chưa thôi ý đồ biến trung tâm thương mại thành tòa nhà 40 tầng thứ 10, dù lãnh đạo TP Hà Nội đã ra công văn buộc chủ đầu tư phải lấy ý kiến cư dân.

Cao ốc 8B Lê Trực
Cao ốc 8B Lê Trực.

Quận Hoàn Kiếm đứng đầu về các dự án vi phạm trật tự xã hội tại Hà Nội.  Theo báo VietNamNet, mới đây, Hà Nội vừa công khai 43 trường vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) còn tồn đọng năm 2015 – 2016. Trong đó quận Hoàn Kiếm đứng đầu danh sách với 8 trường hợp. Tiếp đến là quận Hai Bà Trưng (7 trường hợp); quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì (5 trường hợp); quận Ba Đình (3 trường hợp)…

Đáng chú ý, trong danh sách này một loạt công trình chung cư, cao ốc của nhiều doanh nghiệp tên tuổi dính sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng như: Cao ốc 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình) do Công ty Cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư; Chung cư 93 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô làm chủ đầu tư; Chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) của Công ty TNHH Hòa Bình; Dự án nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi do Công ty TNHH MTV Quản lý và PTN Hà Nội làm chủ đầu tư…

Chung cư Mỹ Sơn Tower 62 Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) của Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn; Chung cư 89 Phùng Hưng (phường Phúc La, Hà Đông) do Công ty CP thương mại Hà Tây làm chủ đầu tư…

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 21-3: Kiến nghị truy tố cựu quan chức liên quan vụ án đất vàng Vũ “nhôm”
  • Điểm tin sáng 20-2: Doanh nghiệp bị “lờ” khi hiến kế dự án Thanh Đa, lộ điểm bất thường thị trường bất động sản