Điểm tin sáng 22-2: Tố chủ dự án New City - dân sắp ra đường, thu hồi đất tại Vân...

Điểm tin sáng 22-2: Tố chủ dự án New City - dân sắp ra đường, thu hồi đất tại Vân...

Tố chủ dự án New City, dân sắp ra đường, thu hồi đất tại Vân Đồn…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 22-2 trên News Mogi.

Tố trục lợi dự án New City bị “hành hạ” sắp ra đường. Theo báo VietNamNet,  Thông báo của Thuận Việt (chủ đầu tư dự án New City nằm trong khu tái định cư dự án Thủ Thiêm), ngày 23/2, công ty sẽ niêm phong căn hộ, khóa thẻ từ sử dụng thang máy, của 5 khách hàng mua căn hộ New City Thủ Thiêm.

Thuận Việt đã gửi thông báo với nội dung đề nghị khách hàng xúc tiến thủ tục với ngân hàng An Bình để giải ngân hoặc bằng nguồn tài chính tự có của mình, thanh toán số tiền còn lại để đủ điều kiện nhận bàn giao căn hộ theo hợp đồng mua bán, chậm nhất đến hết ngày 20/1/2019. Quá thời hạn này, Thuận Việt sẽ ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác liên quan (nếu có) đồng thời chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ.

Đáp lại thông báo niêm phong căn hộ của Thuận Việt, 5 khách hàng đã đồng loạt ký tên đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ. “Cho đến thời điểm này, Thuận Việt vẫn không thông tin đến chúng tôi, về tình hình pháp lý thực tế của dự án New City, dù chúng tôi đã yêu cầu rất nhiều lần”, đơn đề nghị hỗ trợ nêu rõ.

Mặt khác, những khách hàng này cũng nêu trong đơn: “Lợi dụng chính sách, chủ trương của thành phố, nhà nước, Thuận Việt đã cung cấp các thông tin gian dối, không đúng sự thật về tình hình pháp lý của dự án cho chúng tôi, trong quá trình giới thiệu và đặt cọc mua căn hộ trong dự án.

Không dừng ở đó, Thuận Việt còn phát hành và sử dụng Hợp đồng Mua bán Căn hộ không có giá trị pháp lý, để ký với chúng tôi, nhằm thu 95% giá trị căn hộ. Đồng thời sau đó đưa ra các yêu cầu thanh toán vô lý, trái với các thỏa thuận, hợp đồng đã ký, mà không có bất kỳ sự đối thoại, thương lượng, đồng tình giữa các bên, gây nên những tranh chấp mâu thuẫn không đáng có, ảnh hưởng trực tiếp đến việc an cư lạc nghiệp của chúng tôi trên địa bàn Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.

Liên quan đến giá trị pháp lý của Hợp đồng mua bán giữa Thuận Việt và khách hàng, ngày 10/9/2018, công ty này cũng đã ra tối hậu thư cho một khách hàng, phải ký kết Hợp đồng mua bán căn hộ, chậm nhất đến ngày 17/9/2018. Đáp lại, khách hàng này cho rằng, Thuận Việt vẫn chưa cung cấp được bất cứ bằng chứng nào chứng minh việc Thuận Việt có đầy đủ điều kiện được bán căn hộ New City, theo quy định của pháp luật.

Bất động sản của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên gồm những gì? Liên quan đến vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, luật sư của ông Vũ đã đề cập đến 13 bất động sản chung có tổng giá trị 725 tỷ đồng. Trong đó hiện ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỉ đồng và bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu thông tin từ Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Tập đoàn Trung Nguyên (gồm 3 công ty con là Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên và Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê) hiện là chủ đầu tư của 6 dự án đắc địa trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, dự án được phê duyệt mới nhất vào năm 2014, sớm nhất là từ 2004. Với diện tích quy hoạch từ 5ha đến gần 600ha, các dự án có mức vốn đăng ký đầu tư từ 50 tỉ đồng lên đến hơn 2.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý và có quy mô nhất là dự án Khu du lịch sinh thái M’Drăk được coi như “Dubai phiên bản Việt” có quy mô lên đến 595ha, vốn đầu tư đăng ký khoảng 68 tỷ đồng. Dự án này được cấp phép theo hình thức đầu tư trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc, kết hợp du lịch sinh thái tại huyện M’Đrắk được tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương vào năm 2004.

Tuy nhiên, từ khi có chủ trương đến nay đã hơn 14 năm, dự án liên tục chậm tiến độ. Chính vì thế, ngày 15/1/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên tiến hành thủ tục điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án theo đúng quy định; có văn bản cam kết thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng khu du lịch sinh thái trước tháng 11/2019, chấp hành tốt các nghĩa vụ thuế khi triển khai các dự án trên địa bàn.

Dự án thứ hai là Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh với tên gọi chính thức là Thành phố cà phê (The coffee city) do Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỉ đồng.

Dự án được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư từ năm 2016, địa điểm xây dựng tại các phường Tân Lợi, Thành Công, Thắng Lợi và xã Cư Êbur thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tổng diện tích dự án là 45,45ha. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ quý 4/2016 đến quý 4/2020.

Ngoài hai dự án trên, dự án Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H’Lâm, huyện Cư M’gar được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư ngày 16/9/2014, với quy mô 62ha, vốn đầu tư hơn 82 tỉ đồng, dự kiến khởi công tháng 1/2016…

Ngoài các dự án du lịch, một dự án khác của Trung Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu năm năm 2014 là dự án Nhà khách Trung Nguyên (phường Tân Lợi-TP. Buôn Ma Thuột) có quy mô gần 6ha, số vốn khoảng 130 tỉ đồng nhằm thực hiện các hạng mục nhà khách, hội trường, biệt thự…

Quy hoạch khu công viên Bạch Đằng rộng 20ha – kim cương cho các đại gia địa ốc khai thác.  Theo thông tin quy hoạch TP.HCM,  UBND thành phố  đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công viên Bến Bạch Đằng, thuộc một phần phường Bến Nghé và phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 với quy mô khoảng 20ha. Với quy hoạch này, đường Tôn Đức Thắng sẽ thành phố đi bộ.

Quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP. HCM 930ha, khu vực công viên Bạch Đằng là một trong những khu vực đặc biệt. Theo đó, đường Tôn Đức Thắng đi qua đoạn này sẽ được ngầm hóa và có hai làn xe mỗi hướng. Bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng cách Công trường Mê Linh khoảng 100m về phía Nam của đường Ngô Văn Năm.

Đặc biệt hơn nằm trong quy hoạch quận 1, đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ là công viên, đường đi bộ. Ở giữa Công trường Mê Linh sẽ có một vườn trũng bố trí các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng xung quanh. Ở tầng trệt của quảng trường có hơn 50% diện tích cây xanh che phủ, xây đài phun nước. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn có 3 trạm xe buýt, trạm LRT và trạm taxi thủy.

Công viên bến Bạch Đằng nằm trong dải quy hoạch bờ Tây sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn qua Tân Cảng-Ba Son-bến Bạch Đằng-cột cờ Thủ Ngữ-cảng quận 4 đến chân cầu Tân Thuận. Đây là dải công viên cảnh quan đối diện với Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở bờ Đông sông Sài Gòn.

Mới đây, UBND.TP.HCM vừa đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải về việc chuyển đổi công năng cầu tàu Ba Son thành bến đường thủy phục vụ du lịch.

Khiếu kiện đất đai quận trung tâm – thanh tra Hà Nội nói gì? Theo báo Tiền Phong, trả lời câu hỏi tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn An Huy – Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố đã nắm được thông tin báo chí phản ánh về việc Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội bị “tố” sử dụng các hồ sơ, tài liệu ngụy tạo để ban hành kết luận thanh tra số 84/KL-UBND ngày 31/08/2018 về việc giải quyết đơn tố cáo của người dân về những sai phạm liên quan đến Dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm đến sông Lừ cũng như việc tố cáo ông Trịnh Hữu Tuấn – Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt gần 500 triệu đồng tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án trên.

Theo ông Huy, Thanh tra thành phố đã có báo cáo lên Chủ tịch UBND Thành phố về thông tin phản ánh trên.

Lý giải các nội dung liên quan đến việc ông Trịnh Hữu Tuấn – Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa bị tố cáo giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt 494 triệu đồng tiền GPMB, ông Huy cho hay, vào cuối năm 2018, Thanh tra thành phố đã thụ lý, xác minh đơn khiếu nại liên quan đến việc GPMB phục vụ Dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm và liên quan trực tiếp đến nhà số 163 Xã Đàn (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) hiện nay.

Theo ông Huy, thực ra số nhà 163 Xã Đàn nằm trong quy hoạch GPMB để thực hiện Dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm đến sông Lừ. Tuy nhiên, trong quá trình GPMB quận Đống Đa có một số thiếu sót trong việc xác định chủ sở hữu ban đầu của khu đất này.

“Lúc đầu khu đất này thuộc sở hữu của ông Sơn, nhưng sau đó được bán lại cho bà Lê Thị Thanh Hằng. Khi tiến hành GPMB thì chủ nhà số 163 Xã Đàn không hợp tác với tổ công tác. Do đó, UBND quận Đống Đa không nắm được việc chuyển dịch đất từ ông Sơn sang cho bà Hằng”, ông Huy nói.

Vì vậy, khi lập phương án bồi thường GPMB năm 2010 thì quận Đống Đa phê duyệt phương án cho ông Sơn. Tuy nhiên, trên thực tế người sử dụng lại là bà Hằng. Sau đó, năm 2011, UBND quận Đống Đa phê duyệt phương án với giá trị tiền GPMB là 494 triệu đồng.

Theo quy định của pháp luật, quận sẽ mời người bị GPMB lên để trả tiền thì gia đình ông Sơn không đến vì ông này đã chuyển đi nơi khác và người sử dụng đất là bà Hằng. Vì vậy, quận đã chuyển số tiền này vào Kho bạc của quận theo quy định.

Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội cho biết, thông tin về việc Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội dùng hồ sơ hoàn công giả để ban hành Kết luận thanh tra số 84/KL-UBND ngày 31/08/2018 là không có cơ sở.

Đất Vân Đồn
Thu hồi những dự án “đắp chiếu” tại Vân Đồn trong bối cảnh giá đất “sốt” cao.

“Sốt đất” Vân Đồn thu hồi hàng loạt dự án nằm không. Theo báo VietNamNet,  với việc đất Vân Đồn đang trong quá trình “sốt”, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp rà soát các dự án có sử dụng đất, mặt nước sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Vân Đồn tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đề xuất xử lý cụ thể đối với từng dự án, trong đó tập trung vào một số dự án quan trọng, có tính động lực, tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư; một số dự án đã tạm dừng triển khai theo chủ trương của tỉnh nay qua rà soát vẫn phù hợp với quy hoạch và cần thiết triển khai thực hiện tiếp thì khẩn trương tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho tiếp tục triển khai thực hiện.

Đối với nhóm dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định nhưng chậm triển khai do nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư: Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đôn đốc, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án, trong văn bản nêu rõ các yêu cầu, điều kiện đối với nhà đầu tư (về tiến độ, tài chính,…). Nếu nhà đầu tư không đáp ứng được các yêu cầu của tỉnh thì thực hiện các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ trương đầu tư, quy hoạch, địa điểm,… để xem xét, lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện.

Văn bản kết luận cũng nêu rõ, đối với các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn tại xã Vạn Yên; Phân khu B8 thuộc Dự án Con đường di sản tại xã Hạ Long; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – Phân khu 2; Khu dịch vụ và nghỉ dưỡng khu vực đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn – Phân khu B), yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan (đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư) để sớm thực hiện dự án.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin cuối ngày 21-2: Bất ngờ với bất động sản vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên, quy hoạch khu công viên Bạch Đằng
  • Điểm tin sáng 21-2: Nhà tái định cư sẽ khó xây nhiều bằng ngân sách, cư dân dự án tái định cư Thủ Thiêm “khóc khổ”