Điểm tin sáng 21-3: Kiến nghị truy tố cựu quan chức liên quan vụ án đất vàng Vũ...

Điểm tin sáng 21-3: Kiến nghị truy tố cựu quan chức liên quan vụ án đất vàng Vũ...

Đề nghị truy tố cựu quan chức liên quan vụ án đất vàng Vũ “nhôm”, bao che sai phạm chung cư bị truy tố trách nhiệm hình sự…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 21-3 trên News Mogi.

Kiến nghị xử lý cựu quan chức sai phạm liên quan đến các vụ án đất của Vũ “nhôm”. Theo báo VietNamNet, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Thông báo số 354/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo đó, thực hiện chủ trương của UBND TP về khai thác quỹ đất và bán nhà công sản tại Đà Nẵng giai đoạn từ 1/1/2010 đến 31/12/2016, TP đã triển khai thực hiện việc chuyển đổi đối với 52 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước sang mục đích khác và chuyển quyền sử dụng, giao/cho thuê 169 thửa đất tạo nguồn thu cho ngân sách TP, đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế, vi phạm. TTCP chỉ rõ: UBND TP cho phép bán 52 cơ sở nhà đất công sản khi chưa có phương án sắp xếp, xử lý là không đúng theo quy định pháp luật.

Theo TTCP trong 52 cơ sở nhà đất được bán, chuyển sang mục đích sử dụng khác, có 8 cơ sở nhà đất bên thuê được mua không thông qua hình thức đấu giá liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”). Ngoài ra còn có 2 cơ sở nhà đất bán cho Công ty CP Công nghệ phẩm là đơn vị đang thuê sau đó đơn vị này bán lại cho đối tượng khác. Qua kiểm tra thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. TTCP đã chuyển hồ sơ, tài liệu và kết quả xác minh ban đầu sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra, xác minh theo quy định.

Bên cạnh đó, việc xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất sang mục đích chưa sát với giá thị trường, chưa thực hiện đúng các phương pháp xác định giá theo quy định.

TTCP cho biết, trong phương án xác định giá đất, việc khảo sát giá bất động sản trên thị trường có nội dung chưa đầy đủ theo quy định tại các dự án như khu đô thị Capital Square 2, dự án khu công viên biệt thự sinh thái và văn phòng thấp tầng, dự án khu dân cư nhà máy cao su Đà Nẵng.

UBND TP quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá do hội đồng thẩm định giá đất trình nhưng không có căn cứ, cơ sở. Đơn cử, dự án khu du lịch Bãi Trẹm, Sở Tài chính tham mưu giá giao đất 2 triệu đồng/m2 và giá thuê đất là 3.570 đồng/m2/năm nhưng phê duyệt chỉ 1 triệu đồng/m2, giá cho thuê đất là 2.000 đồng/m2/năm…

Ngoài ra còn tính thiếu diện tích, xác định sai thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, hệ số ngã ba, ngã tư, chi phí lãi suất… làm thất thu ngân sách số tiền hơn 53,8 tỷ đồng. Đặc biệt là việc không qua đấu giá đất.

Với những sai phạm trên, tổng TTCP đã kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân liên quan (thời kỳ 2010-2016).

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh và có kết luận điều tra đối với 10 cơ sở nhà, đất đã được TTCP chuyển hồ sơ tài liệu, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch TP Đà Nẵng thu hồi số tiền giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định; điều chỉnh đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai cho các đối tượng. Đồng thời xác định lại giá thu hồi tiền sử dụng đất đối với một số dự án; thu hồi nộp ngân sách số tiền gần 140 tỉ đồng.

Xây dựng khung pháp lý cho condotel và officetel. Theo báo Vnexpress, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về một số vấn đề liên quan đến loại hình bất động sản như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).

Trước đó, UBND tỉnh Vũng Tàu có văn bản gửi Bộ Xây dựng, cho biết đây là loại hình bất động sản pháp luật chưa quy định cụ thể, do đó sẽ khó khăn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, vận hành, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng). Địa phương kiến nghị ngành xây dựng sớm ban hành quy định để tạo khung pháp lý cho hoạt động các loại hình này.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết đã rà soát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng và đề xuất hướng quản lý. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nghiên cứu, ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với cả ba loại hình bất động sản nói trên. Hai bộ cũng phải nghiên cứu, ban hành quy chế quản lý, vận hành loại hình công trình officetel.

Riêng quy chế quản lý, kinh doanh loại hình condotel, resort villa do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nghiên cứu, ban hành.

Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì xây dựng, trình các quy định về chế độ sử dụng đất (giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất) và cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu đối với loại hình công trình condotel, resort villa, officetel.

UBND các tỉnh, thành phố đóng vai trò kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành và khai thác đối với các dự án này.

Bộ Xây dựng cho biết các cơ quan đang triển khai nhằm sớm đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn đối với các loại hình bất động sản nêu trên. Hiện các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị, trong đó đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, kinh doanh các loại hình căn hộ này cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Vingroup chính thức khởi công xây dựng đường đua xe F1. Sáng nay 20-3, UBND Thành phố Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã chính thức tổ chức lễ khởi công xây dựng đường đua này.

Tuyến đường có chiều dài 5,565 km, gồm 22 góc cua kinh điển được kế thừa và lấy cảm hứng từ những đường đua hấp dẫn nhất thế giới như Đức, Monaco và Nhật Bản… Đường đua này được thiết kế cho phép các tay đua vừa phô diễn tốc độ cao trên đoạn đường thẳng, vừa thể hiện kỹ thuật siêu việt ở các góc cua lắt léo.

Đường đua F1 Hà Nội được thiết kế bởi Tập đoàn Công thức 1 và Công ty Tilke (Đức), đảm bảo nghiêm ngặt nhất các tiêu chí kỹ thuật – an toàn khắt khe với các thiết bị, vật liệu cao cấp trong nước và quốc tế theo đúng quy chuẩn của Liên đoàn xe động cơ thể thao thế giới – FIA.

Bên cạnh đường đua, nhiều hạng mục phụ trợ khác cũng được xây dựng như Trung tâm điều hành; Đường thay lốp; Khu vực điều khiển; Khu vực hỗ trợ đường đua; các khu vực tổ chức sự kiện.. Các khu vực tổ chức sự kiện sẽ vừa là nơi diễn ra hàng loạt các sự kiện bên lề hấp dẫn cho người hâm mộ, đồng thời giới thiệu sản phẩm – văn hóa – ẩm thực Hà Nội và Việt Nam đến với thế giới.

Dự kiến, toàn bộ các hạng mục của Đường đua công thức 1 Hà Nội sẽ được hoàn tất vào tháng 3-2020. Từ tháng 4-2020, Hà Nội – Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 22 địa điểm tổ chức Giải đua xe Công thức 1.

Hà Nội “bêu tên” nhiều chung cư vi phạm trật tự xã hội.  Trong danh sách đáng chú ý này là một loạt công trình chung cư, cao ốc “khủng” dính sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng được báo chí “điểm tên” liên tục suốt thời gian qua như: Cao ốc 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình) do Công ty CP May Lê Trực làm chủ đầu tư; Chung cư 93 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô làm chủ đầu tư; Chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) của Công ty TNHH Hòa Bình; Dự án nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi do Công ty TNHH MTV Quản lý và PTN Hà Nội làm chủ đầu tư…

Chung cư Mỹ Sơn Tower 62 Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) của Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn; Chung cư 89 Phùng Hưng (phường Phúc La, Hà Đông) do Công ty CP thương mại Hà Tây làm chủ đầu tư…

Ngành xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo báo Thanh Niên, Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành xây dựng – vật liệu xây dựng năm 2019. Trong đó, đơn vị này dự báo nhu cầu về xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và tiếp tục tăng trong vòng 10 năm tới nhờ vào xu hướng đô thị hóa đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

Theo nghiên cứu của BMI, Việt Nam là một trong những thị trường cận biên đang phát triển với tốc độ nhanh, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ cơ sở bất động sản luôn được xem là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Số liệu thống kê cho thấy chi phí cho các dự án công trình xây dựng cơ bản chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu Chính phủ từ năm 2015 – 2018.

Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng công nghiệp được xem là điểm sáng trong năm 2019 trước bối cảnh quỹ đất nội đô ngày càng thu hẹp, cạnh tranh xây dựng các dự án nhà ở ngày càng khốc liệt hơn, trong khi Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp mới của khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng trong phân khúc xây dựng công nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi 2 yếu tố là nguồn vốn FDI ổn định và làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành vật liệu xây dựng. Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, tỷ lệ công suất tiêu thụ so với mức sản xuất chỉ khoảng 57,4% do hoạt động xây dựng mới trong nước đang dần bão hòa. Lượng sản xuất dư thừa được dự báo sẽ xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển có nhu cầu xây dựng cao như Bangladesh, Campuchia, Philippines… Chẳng hạn xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây. Các doanh nghiệp kỳ vọng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính; Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là các thị trường tiềm năng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2019.

Mua đất trên giấy, cam kết có sổ đỏ. Theo báo VietNamNet, hôm qua bà Võ Thị Điệp, TGĐ Cty CP Bách Đạt An ký báo cáo gửi UBND Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng và các ngành liên quan về việc xử lý tranh chấp hợp đồng kinh tế với Cty CP dịch vụ bất động sản Hoàng Nhất Nam; phương án đảm bảo quyền lợi người dân có sổ đỏ.

Theo báo cáo này, công ty Bách Đạt An cho biết 03 Hợp đồng đã ký với Hoàng Nhất Nam liên quan đến 03 dự án gồm Bách Đạt 1, Hera Complex Riverside và dự án 7b mở rộng là hợp tác góp vốn và chia hoa hồng , lợi nhuận trong tương lai .

Chủ đầu tư cũng “tố” công ty Hoàng Nhất Nam đã thu tiền trái phép khi chưa có giấy uỷ quyền thực hiện, chưa có phụ lục số lô do chủ đầu tư ký kết đã tự ý lập hợp đồng/ phiếu đăng ký và thu 95%/ giá trị hợp đồng – theo giá tự định bán ra mà không báo cho chủ đầu tư được biết dẫn đến vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của 03 hợp đồng khi dự án chưa được phê duyệt giá đất .

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi lãnh đạo 2 địa phương, công ty Bách Đạt An đưa ra cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi người dân có được sổ đỏ theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên chỉ những người dân được TAND quận Hải Châu xác nhận, đưa vào danh sách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Thông tin về người dân có thể do họ cung cấp hoặc do Hoàng Nhất Nam cung cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phía Bách Đạt An cho rằng, toà án sẽ là nơi quyết định cuối cùng danh sách tên người dân và ký hiệu lô đất . Công ty cam kết căn cứ theo danh sách này với tương ứng số lô đất xác định cuối cùng khi quy hoạch điều chỉnh 1/2000 sửa đổi ban hành và với 1/500 sửa đổi của 03 dự án nêu trên.

Công ty Bách Đạt An đối chiếu với quy hoạch sửa đổi 1/2000 và 1/500 xác nhận lô đất có thực tế còn lại và làm cơ sở để ký kết hợp đồng với người dân sau này khi lô đất được cấp sổ đỏ . Công ty sẽ chốt hạ tên và danh sách, ký cam kết gửi lại Toà Án và các cơ quan chính quyền để làm cơ sở pháp lý thực hiện.

Đặc biệt khi trao đổi với VietNamNet, Ông Nguyễn Đức Tâm, Chủ tịch HĐQT Hoàng Nhất Nam cho biết, việc quan trọng là tiếp tục dự án để ra sổ cho khách, mọi việc chờ cơ quan chức năng kết luận, doanh nghiệp không thể quy kết đối tác làm sai và ngược lại.

“Hoàng Nhất Nam là đơn vị mua sỉ bán lẻ, được quyền bán cho bên thứ 3, nếu Hoàng Nhất Nam làm sai, một lô đất bán cho nhiều người thì cơ quan chức năng sẽ xử lý”, ông Tâm nói.

Chung cư sai phạm
Bao che chung cư sai phạm có thể bị truy tố. Ảnh minh họa.

Bị truy cứu hình sự nếu bao che sai phạm xây dựng. Theo báo Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2019; thay thế Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 14/02/2014 của UBND TP ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở xây dựng Hà Nội và UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Các quy định trước đây có nội dung trái với quy định tại quyết định này đều bãi bỏ.

Theo Quyết định vừa ban hành, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.

“Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”, Quyết định nêu rõ.

Bên cạnh đó, sẵn sàng công khai tên và chủ đầu tư sai phạm.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin cuối ngày 20-3: Vingroup chính thức khởi công xây đường đua F1
  • Điểm tin cuối ngày 19-3: “Dẹp loạn” kiốt giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng, siêu lợi nhuận buôn nhà phố thế nào?