Điểm tin sáng 20-2:  “Đặt cọc giữ chỗ” trong mua nhà coi chừng chết tại Đà Nẵng,...

Điểm tin sáng 20-2:  “Đặt cọc giữ chỗ” trong mua nhà coi chừng chết tại Đà Nẵng,...

“Đặt cọc giữ chỗ” trong mua bán coi chừng chết tại Đà Nẵng, thủ tục nhà đất rút ngắn đáng kể…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 20-2 trên News Mogi.

Báo động đỏ chuyện “đặt cọc giữ chỗ” trong mua bán nhà đất tại Đà Nẵng. Theo báo Tiền Phong, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng vừa lên tiếng cảnh báo khách hàng cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để tránh gặp phải rủi ro trước tình trạng nở rộ giao dịch bất động sản thông qua việc đặt cọc giữ chỗ từ các môi giới Đà Nẵng với các dự án nhà, đất trên địa bàn thành phố.

Trên địa bàn thành phố đã diễn ra tình trạng giao dịch bất động sản (BĐS) qua phương thức “đặt cọc giữ chỗ” để mua nhà, đất hình thành trong tương lai. Cùng với đó, thời gian gần đây rộ lên nhiều thông tin rao bán, cho thuê lại căn hộ tại các chung cư nhà ở xã hội (NƠXH) thuộc sở hữu Nhà nước dùng bố trí cho thuê trên địa bàn thành phố. Do đó, Sở Xây dựng khuyến cáo các hành vi này là trái pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Đối với phương thức giao dịch BĐS thông qua việc “đặt cọc giữ chỗ” tại các dự án nhà, đất, Sở Xây dựng cảnh báo khách hàng cần tỉnh táo tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho tổ chức, cá nhân.

Sở này cho biết, các trường hợp kinh doanh BĐS dùng hình thức hợp đồng “đặt cọc giữ chỗ” để ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai trong khi chưa có thông báo được phép bán theo quy định của cơ quan chức năng là Sở Xây dựng.

Đồng thời, hình thức hợp đồng “đặt cọc giữ chỗ” để được mua nhà ở hình thành trong tương lai không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và các quy định pháp luật có liên quan.

Cụ thể, theo Luật Kinh doanh BĐS: Khoản 1 và 5, Điều 8 quy định hành vi cấm: Kinh doanh BĐS không đủ điều kiện theo quy định và huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.

Khoản 1 Điều 68 quy định hình thức huy động vốn phải phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của luật này. Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý.

Trong khi đó, Khoản 8 Điều 6 Luật Nhà ở quy định hành vi cấm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án.

Ngoài ra, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở tại khoản 1 Điều 19 quy định việc ký hợp đồng huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, chỉ được thực hiện thông qua các hình thức quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 69 của Luật Nhà ở; trường hợp ký hợp đồng huy động vốn không đúng với quy định tại Điều 68, Điều 69 của Luật Nhà ở và quy định tại điều này thì không được pháp luật công nhận, chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho người tham gia góp vốn.

Điểm a khoản 2 Điều 19 quy định bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết đầu tư dự án xây dựng nhà ở chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.

Cư dân tại TP.HCM sắp ra đường vì chủ đầu tư “hại”. Theo đó, người lỡ mua dự án căn hộ Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM) đang rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”, khi họ có khả năng phải ra đường, do chủ đầu tư xây dựng trái phép.

Cụ thể, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn đã có chỉ đạo về việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng chung cư Khang Gia.

Theo đó, ông Trần Trọng Tuấn đề nghị UBND quận Tân Phú chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng mời chủ đầu tư làm việc, chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và khắc phục ngay các vi phạm sau khi vi phạm trong bộ luật địa ốc về xây dựng dự án.

Đặc biệt, chủ đầu tư phải cam kết thời gian di dời, tạm cư cho khách hàng đã mua 71 căn hộ xây dựng sai phép, tính chi phí hỗ trợ trong thời gian tạm cư theo quy định.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về việc lập phương án tháo dỡ và thuê đơn vị chuyên môn thẩm định phương án cưỡng chế tháo dỡ, chịu toàn bộ chi phí cưỡng chế.

Về phía Ban quản trị (BQT) chung cư Khang Gia, ông Tuấn yêu cầu tiếp tục làm việc với chủ đầu tư để nhận bàn giao kinh phí bảo trì (2%) và hồ sơ quản lý vận hành nhà chung cư. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, BQT đề nghị UBND quận Tân Phú xử lý theo quy định, hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 3, Điều 5, Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Điều đáng nói ở đây, chỉ khổ cho những cư dân nuôi mộng mua nhà chung cư tại TP.HCM phải đối mặt với viễn cảnh phải “ra đường”.

Hà Nội “bêu tên” dự án bỏ hoang. Theo báo VietNamNet, HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND TP đăng công khai (định kỳ 6 tháng/lần) danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật đất đai…

HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Nêu tại Nghị quyết này, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thanh tra, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm phù hợp theo quy định.

Dự án Khu đô thị Hà Đô Dragon City (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư sau cả chục năm “đắp chiếu” được điều chỉnh bỏ chung cư cao tầng, thay vào đó là khoảng 200-300 căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền.

Đồng thời, thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của kiểm toán về công tác quản lý đất đai, quản lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách trên địa bàn, nhất là các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất.

Cùng với đó, hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra 383 dự án (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã), 161 dự án (theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai và xử lý theo quy định.

Nghiên cứu, trình HĐND thành phố xem xét điều chỉnh nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Thủ đô tại kỳ họp gần nhất.

Đáng chú ý, HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND TP đăng công khai (định kỳ 6 tháng/lần) danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật đất đai trên cổng giao tiếp điện tử thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng.

Rà soát xử lý nghiêm dư án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Đà Nẵng. Các dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ không được thẩm định thiết kế xây dựng, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và không tham mưu cấp Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đúng quy định tại điểm a, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.

Đối với các dự án đang triển khai thi công xây dựng trên địa bàn nhưng chưa lập ĐTM, UBND TP Đà Nẵng giao Sở TN-MT tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đôn đốc chủ dự án thực hiện và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận theo quy định.

Đồng thời giao UBND các quận, huyện rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với các dự án thuộc thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo UBND TP (thông qua Sở TN-MT) để xử lý theo quy định.

UBND các phường, xã cũng được giao nhiệm vụ kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo UBND quận, huyện.

Thủ tục nhà đất.
Thủ tục nhà đất sẽ được rút ngắn đáng kể trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

Thủ tục nhà đất rút ngắn xuống đáng kể.  Theo báo Thanh Niên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ nhà đất từ 57 ngày xuống còn 15 ngày.

Cụ thể, ngày 18-2, tại buổi làm việc về cải cách hành chính với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ nhà đất từ 57 ngày xuống còn 15 ngày.

Để làm được việc này, Sở đã triển khai hàng loạt giải pháp như ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thí điểm một cửa liên thông về quản lý đất đai, đúng thủ tục bộ luật đất đai trên địa bàn TP, thực hiện liên thông điện tử với cơ quan thuế.

Ngoài ra, sở này đã phối hợp với Sở Xây dựng hoàn chỉnh quy trình đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất (giấy chứng nhận) theo hướng rút ngắn thời gian so với quy định đúng với bộ luật đất đai. Vì vậy trong năm 2018 Sở đã giải quyết 207 hồ sơ với thời gian thực hiện 15 ngày.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 19-2: Đề nghị thu hồi dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết đất không qua đấu giá
  • Điểm tin sáng 16-2: Khởi tố lừa đảo khu đô thị Quế Võ, quỹ đất nhiều cũng khổ