Điểm tin sáng 19-3: Xây trái phép bị xử phạt, đề xuất bỏ phí bảo trì 2% với chung...

Điểm tin sáng 19-3: Xây trái phép bị xử phạt, đề xuất bỏ phí bảo trì 2% với chung...

Xây trái phép bị xử phạt, đề xuất bỏ phí bảo trì 2% với chung cư…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 19-3 trên News Mogi.

Đề xuất bỏ phí bảo trì chung cư tại TP.HCM. Theo báo Thanh Niên, hiện nay chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% kinh phí bảo trì chung cư (số tiền này thu từ người mua căn hộ và phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, không bán). Số tiền này phải được gửi vào ngân hàng và chuyển giao lại cho cư dân khi ban quản trị chung cư được thành lập. Tuy nhiên, do số tiền quá lớn nên đã trở thành “món mồi” béo bở cho các nhóm lợi ích “xâu xé”, từ đó phát sinh nhiều tranh chấp, gây bất ổn xã hội.

Mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất bỏ 2% phí bảo trì để tránh tranh chấp sau những xung đột xảy ra tại nhiều chung cư trên địa bàn trong thời gian qua từ nguồn tiền này gây ra. Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng: Tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư thời gian vừa qua phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Nếu luật pháp vẫn buộc thu khoản phí này sẽ tiếp tục phát sinh tranh chấp không biết đến bao giờ mới kết thúc.

 Do đó, nên bỏ khoản phí này khi người dân mua nhà. Khi chung cư đi vào sử dụng, nếu phát sinh hư hại thì người sử dụng có trách nhiệm đóng góp để sửa chữa, nếu không nộp sẽ có chế tài theo quy định đưa ra. “Một chung cư có tuổi thọ trung bình 100 năm. Trong 5 năm đầu chung cư vẫn còn bảo hành theo chính sách của nhà thầu. Thời gian đầu chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị chưa nhiều.

Nhưng càng về sau, chi phí bảo trì thiết bị càng gia tăng và sau khoảng 10 năm, nguồn quỹ bảo trì sẽ cạn kiệt. Luật quy định là muốn bảo vệ quyền lợi người dân, nhưng lại vô tình gây ra các tranh chấp phát sinh liên quan đến khoản tiền này. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu, mà có thể thực hiện đóng hằng năm; hoặc nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ đóng góp. Khảo sát ở nhiều nơi, nước ngoài cũng có nơi chia nhỏ khoản này ra thu hằng tháng, hằng quý cùng với phí quản lý. Khi kinh phí vận hành sử dụng hết, số dư ra sẽ lập quỹ để bảo trì”, ông Hải nói.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cũng cho rằng tranh chấp tại các chung cư nếu không được giải quyết có thể sẽ dẫn đến phát sinh những bất ổn xã hội. Trước tình hình tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư thời gian qua, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay.

Xử phạt môt số doanh nghiệp xây trái phép siêu thị tại TP.HCM. Theo thông tin từ báo Tiền Phong, ngày 15-3, UBND quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết vừa xử phạt Công ty da cổ phần da giày Sagoda (công ty Sagoda) 40 triệu đồng về hành vi cơi nới, xây dựng trái phép… cả một siêu thị.

Cụ thể, công trình Trung tâm thương mại dịch vụ siêu thị tại số 12/78 đường Phan Huy Ích, P.14, Q.Gò Vấp, TPHCM do Công ty Sagoda làm chủ đầu tư (ông Bùi Văn Đức đại diện pháp luật) bị phạt về hành vi xây dựng trái phép công trình nói trên. Công trình này xây dựng không có giấy phép với phần móng vi phạm diện tích 5.000 m2, sàn tầng hầm công trình vi phạm 2.000 m2…

Theo quy định, công ty Sagoda phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong vòng 60 ngày bằng cách liên hệ cơ quan chức năng lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định, nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền trong thời gian này sẽ bị buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Doanh nghiệp Việt “điên máu” với chủ tòa nhà Hàn Quốc cắt điện vô cớ. Theo ghi nhận, những ngày này nếu đến tòa nhà Charmvit (117 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), sẽ thấy hàng chục nhân viên của Công ty cổ phần đầu tư IDJ ngồi vạ vật ở sảnh và chân cầu thang máy. Những nhân viên này cho biết văn phòng của mình bị cắt điện nên ngồi ở đây phản đối chủ đầu tư tòa cao ốc Charmvit.

Việc cắt điện của 5 tầng trung tâm thương mại cũng được chủ đầu tư thực hiện, khiến các hoạt động ở đây gần như bị đình trệ. Đó cũng là nguyên nhân khiến xảy ra một cuộc xô xát giữa 2 bên vào ngày 13-3.

Tòa nhà Charmvit là nơi đặt Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Cao ốc này cùng với Khách sạn Grand Plaza được đầu tư bởi tập đoàn Charmvit, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc. Được biết, doanh nghiệp này cũng đang xin xây dựng trường đua ngựa ở huyện Sóc Sơn.

Hiện tại, chính quyền yêu cầu hai bên không được gây rối dẫn đến mất trật tự xã hội.

Xây trái phép, nhà hàng bị tháo dỡ tại Đà Nẵng. Theo báo Tiền Phong, Ngày 15-3, lực lượng quy tắc đô thị quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cùng các đơn vị chức năng đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhà hàng El Gaucho – công trình xây dựng trái phép thuộc khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng (Bạch Đằng Complex, số 50 đường Bạch Đằng).

Dự án khu phức hợp Khách sạn Bạch Đằng được cấp phép xây dựng tháng 9/2017, với  quy mô hai tầng hầm, bốn tầng khối đế trung tâm thương mại, khối tháp văn phòng, căn hộ 25 tầng và khối tháp khách sạn 29 tầng.

Giữa năm 2018, Sở Xây dựng phát hiện chủ đầu tư không xây dựng theo quy hoạch được duyệt, phần cảnh quan phía trước và khoảng lùi của công trình đã bị xây thành khu nhà hàng El Gacho. Khu nhà này rộng hơn 100m2, xây một tầng, dạng lắp ghép.

Tháng 8-2018, UBND quận Hải Châu xử phạt vi phạm hành chính công trình này hơn 100 triệu đồng. Đến giữa tháng 10-2018, hết thời hạn làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng, thành phố không đồng ý cấp phép cho tồn tại nhà hàng này, buộc tháo dỡ.

Tuy nhiên, sau nhiều lần cam kết tự tháo dở, chủ đầu tư vẫn không chịu thực hiên. Lực lượng chức năng vào cuộc cưỡng chế.

Hàng loạt cựu quan chức Đà Nẵng bị khám xét vì liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”. Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 18-3, cơ quan điều tra Bộ Công an cùng đại diện Viện kiểm sát đã khám xét nhà của các cựu quan chức, giám đốc doanh nghiệp ở Đà Nẵng để phục vụ điều tra các vi phạm liên quan đến quản lý đất đai trong quy hoạch.

cơ quan công an cùng đại diện Viện kiểm sát đã có mặt tại nhà ông Nguyễn Ngọc Tuấn – nguyên phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại số 85 Hoàng Kế Viêm, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng để khám xét.

Buổi khám xét có sự chứng kiến của công an địa phương và tổ dân phố nơi ông Nguyễn Ngọc Tuấn cư trú.

Ông Tuấn cũng có mặt tại buổi làm việc này. Đến khoảng 10h15, việc khám xét nhà ông Tuấn hoàn tất.

Cùng thời điểm, cơ quan công an cũng khám xét nơi ở của  ông Nguyễn Đình Thống – nguyên giám đốc Công ty Quản lý và khai thác đất TP Đà Nẵng tại khu căn hộ cao cấp đường Trần Phú, TP Đà Nẵng. Đến 10h25, việc khám xét tại đây hoàn tất.

Song song đó, lực lượng công an gồm 5 người đi taxi đã vào nhà ông Phan Minh Cương tại đường Tống Phước Phổ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng thực hiện khám nhà.

Đến 10h15, lực lượng công an rời khỏi nhà mà không thấy xuất hiện Cương đi cùng.

Dưới thời ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) làm Chủ tịch HĐQT Công Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, ông Pham Minh Cương là Giám đốc công ty này. Đặc biệt, nhà ở công sản có giá trị lớn tại các tuyến đường trung tâm, “đất vàng” đều được giao cho công ty này.

Vay tiền mua nhà sẽ “khóc” vì lãi suất tăng?  Mới đây, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ về các vấn đề lãi suất mua nhà.

Theo ông Hiếu, với các món vay ngắn hạn cho đến 12 tháng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1%, nhưng những món cho vay dài hạn như bất động sản thì có thể sẽ tăng từ 2-3%.

Tất nhiên, với việc tăng lãi suất như vậy đối với người dân sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong việc chọn mua cho mình một căn nhà như ý. Đơn giản, lãi suất tăng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Vì cứ vay những món 1 tỷ trở lên mà lãi suất tăng 1% trên cơ sở một năm thì đây là con số không nhỏ. Ngoài ra khi lãi suất tăng, khả năng có thể tiếp cận được vốn của các ngân hàng để vay mua bất động sản sẽ ảnh hưởng rất nhiều, qua đó kéo theo nhiều vấn đề khác nhau.

Tựu trung, việc bán nguồn hàng về đất nền và dự án nhà. Nếu như lãi suất tăng thì khả năng mua nhà của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, sức cầu sẽ giảm trong năm nay. Vì vậy các nhà kinh doanh bất động sản nên cẩn thận trong năm nay. Phải làm sao để điều chỉnh mức cung cho phù hợp với nguồn cầu. Nếu tung ra quá nhiều sản phẩm bất động sản, dồn dập đầu tư vào bất động sản thì sẽ có rủi ro rất lớn về hàng tồn kho.

Đồng Nai thu hồi đất dự án để làm sân bay Long Thành.  Mới đây, UBND Đồng Nai ban hành Quyết định số 720/QĐ-UBND và Quyết định số 722/QĐ-UBND để thu hồi hơn 358 thuộc dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Quyết định số 720/QĐ-UBND thu hồi 770.216,1 m2 đất (trong đó đất trồng cây cao su diện tích là 754.241,6 m2 và đất đường lô trong vườn cao su diện tích là 15.974,5 m2) do Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thực hiện Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Quyết định số 722/QĐ-UBND thu hồi 2.810.462,2m2 đất cũng do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thực hiện Khu dân cư, tái định cư Lộc An – Bình Sơn thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể 2.810.462,2 m2 diện tích thu hồi thì đất trồng cây cao su diện tích là 2.721.224,1 m2 và đất đường lô trong vườn cao su diện tích là 89.238,1 m2. Trong đó đất tại xã Lộc An diện tích 2.135.508,7 m2, tại xã Bình Sơn là diện tích 674.953,5 m2.

Để phục vụ xây dựng hạ tầng sân bay giai đoạn 1, có 165 ha đất của 844 trường hợp cần thu hồi đất sớm, trong đó có hơn 270 hộ cần tái định cư. Dự kiến tháng 9/2019, các hộ dân này sẽ được lập phương án bồi thường và đến cuối năm sẽ nhận tiền bồi thường, bàn giao đất cho Nhà nước. Đây cũng sẽ là những hộ dân đầu tiên được bố trí vào sinh sống ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn. Toàn bộ các hộ dân bị thu hồi đất còn lại, huyện Long Thành phấn đấu sẽ hoàn thành công tác chi trả bồi thường và bàn giao mặt bằng vào tháng 9-2020.

rạp hát Hòa Bình Đà Lạt
Rạp hát Hòa Bình Đà Lạt.

Di sản bị đập bỏ làm dự án tại Đà Lạt. Theo báo VietNamNet, rạp hát Hòa Bình Đà Lạt sẽ bị phá bỏ, để xây khu giải trí đa chức năng, khu thương mại, dịch vụ cao cấp.

Đây là 1 phần trong phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt, vừa được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND TP. Đà Lạt công bố.

Theo đó, khu vực quy hoạch này có diện tích 30ha, thuộc P.1 (Đà Lạt), phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản). Quy mô dân số, hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ); với hệ số tăng dân số cơ học 1,2, dự báo quy mô dân số khu vực quy hoạch khoảng 6.879 người.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 16-3: “Choáng” với lượng tranh chấp chung cư tại TP.HCM, 19 dự án sai phạm của địa ốc Alibaba ra sao?
  • Điểm tin cuối ngày 15-3: Chết người vì công trình sập, giá căn hộ hạng sang tăng “choáng”