Điểm tin sáng 15-1: Người thu nhập thấp sẽ không lo vấn đề nhà ở tại HCM, mua bán...

Điểm tin sáng 15-1: Người thu nhập thấp sẽ không lo vấn đề nhà ở tại HCM, mua bán...

Người thu nhập thấp sẽ không lo vấn đề nhà ở tại HCM, mua bán nhà đất sẽ không dùng tiền?…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 15-1 trên nhà đất Mogi.

Người thu nhập thấp sẽ không còn lo về vấn đề nhà ở. Theo quy hoạch mới đây của UBND TP.HCM, để giải cơn khát nhà ở xã hội cho người dân, UBND TP đã chấp thuận dành 9 khu đất với tổng diện tích hơn 60.000m2 để xây nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.

9 khu đất được chấp thuận để xây nhà ở xã hội thuộc các quận 4, quận 6, quận 9, quận 12, Thủ Đức và hai huyện Bình Chánh, Củ Chi. Các khu đất này đều do Nhà nước quản lý trực tiếp.

Theo khảo sát mới đây, từ giai đoạn 2016-2020, có đến 81.000 hộ gia đình cần nhu cầu nhà ở. Trong đó, cán bộ công chức gần 10.000 hộ, hộ nghèo và cận nghẹo là 39.000 hộ, và thu nhập thấp là 17.000 hộ. Và theo thống kê, tỷ nhóm chọn mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65-94%.

Dù nhu cầu cao vậy, nhưng nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được 1/4. Và theo Sở xây dựng TP, vấn đề xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trước thực tại trên, UBND TP vẫn sẽ triển khai dự án nói trên với tổng diện tích 60.000 m2.

Chuyển 200ha đất trồng lúa sang làm dự án. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý cho UBND tỉnh Nam Định và UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng hơn 200 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án trên địa bàn 2 tỉnh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Nam Định quyết định chuyển mục đích sử dụng 44,35 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 157,2 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Mua bán nhà đất sẽ không dùng tiền mặt? Mới đây, tại TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức buổi thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngành ngân hàng năm 2018 cũng như triển khai nhiệm vụ năm 2019. Tham dự buổi họp có bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN và lãnh đạo các vụ thuộc NHNN. Trong năm 2018, NHNN đã ban hành 2 chỉ thị về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2019 là phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc qua ngân hàng, trong đó có giao dịch bất động sản.

NHNN bám sát chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ về thanh toán theo nghị quyết 01 và nghị quyết 02 của Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiền mặt, phù hợp với thông lệ quốc tế.

TP.HCM có trung tâm thương mại với quy mô 110.000 m2. Theo đó, Trung tâm thương mại Gigamall trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức (Tp.HCM) vừa được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là TTTM mới có quy mô lớn nhất quận Thủ Đức.

Với sự xuất hiện TTTM Gigamall, TP.HCM có thêm hơn 110.000m2 sàn thương mại nữa. Theo chủ đầu tư, Gigamall được khai trương vào 12/1, có tổng diện tích sàn bán lẻ hơn 110.000 m2 với 2 tầng hầm, 7 tầng nổi và 1 tầng sân thượng phục vụ nhu cầu mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí và văn phòng cho thuê, Gigamall được kỳ vọng sẽ là điểm đến trải nghiệm mới mẻ, mang lại sự lựa chọn phong phú thêm cho người tiêu dùng ở khu vực phía Đông thành phố và các khu vực lân cận.

Long Thượng Riverside
Dự án Long Thượng Riverside dính sai phạm.

Chủ tịch huyện duyệt sai luật, đất nền Long An lại “nóng”. Theo báo VietNamNet, đối với dự án Long Thượng Riverside, theo Sở Xây dựng tỉnh Long An: “Bà Trương Ngọc Hiền Khanh là người trúng đấu giá và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau khi rà soát theo Luật Kinh doanh Bất động sản, cá nhân Bà Khanh đã làm thủ tục góp vốn vào Công ty Long Thượng Lộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện dự án và Công ty Long Thượng Lộc hiện là chủ đầu tư dự án này”. Đây được xem là động thái sửa sai cho văn bản trước đó mà ông  Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch huyện Cần Giuộc đã ký cho bà Khanh làm chủ đầu tư.

Gần đây, sau hàng loạt vấn đề ‘lùm xùm’ pháp lý, tên gọi Trị Yên Riverside đã được đổi thành Long Thượng Riverside và đơn vị môi giới là MLand Vietnam. Đáng chú ý, môi giới đã quảng cáo nhiều tiện ích không được phê duyệt trong quy hoạch 1/500, để dụ khách hàng xuống tiền. Trong đó, điển hình là các tiện ích: Khu compound có camera an ninh 24/24; Trung tâm thương mại; Trường tiểu học, trường mẫu giáo; Cầu cảnh quan, khu vui chơi trẻ em.

Trong khi đó, sau khi có nhiều thông tin lùm xùm liên quan đến pháp lý dự án Tân Lân Riverside, ngày 16-11-2018, UBND huyện Cần Đước đã ra văn bản, do Phó chủ tịch Phan Văn Tưởng ký, cho biết: “Văn bản số 1152/UBND-KT, ngày 27/6/2018 có sai sót theo Luật Kinh doanh Bất động sản”.

Với hai sai lầm liên tiếp này, đã khiến đất nền ở khu vực Long An lại tiếp tục “dậy sóng”.

Lợi nhuận doanh nghiệp BĐS tăng 65%. Theo báo Thanh Niên, mới đây, Công ty chứng khoán VietinBank và Công ty bất động sản Phát Đạt phối hợp tổ chức hội thảo về triển vọng thị trường bất động sản và nhóm cổ phiếu ngành này.

Thống kê của VietinBank trong giai đoạn 10 năm từ 2008 – 2018 cho thấy, tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn ở mức cao. Năm 2018, dự báo doanh thu tăng trưởng 51%, tăng trưởng giá vốn 46% và lợi nhuận gộp tăng 65%.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Savills tại TP.HCM cho thấy căn hộ vẫn là phân khúc được quan tâm nhiều trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2018, tổng nguồn cung diện tích văn phòng có hơn 1,8 triệu m2, tăng 7% so với năm trước đó. Công suất đạt 97% với giá thuê 31 USD/m2/tháng. Trong 2019, không có tòa nhà hạng A nào đưa vào sử dụng nên dự báo giá cho thuê của các phân khúc hạng A, hạng B sẽ tiếp tục gia tăng…

Chung cư "chây ì" phí bảo trì.
Chung cư “chây ì” phí bảo trì. Ảnh minh họa.

Hàng loạt chung cư “chây ì” vì phí bảo trì. Theo báo Tiền Phong, cuối năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra thông báo danh sách các CĐT “chây ì” bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị năm 2018. Trong đó có: Công ty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) -CĐT Dự án xây dựng nhà chung cư CT1 Khu nhà ở Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm); Công ty CP Sông Đà 1 – CĐT nhà chung cư CT4 Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông); Công ty CP tập đoàn Bắc Hà – CĐT cụm nhà chung cư Bắc Hà C14 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm)…Đa phần chủ đầu tư của các chung cư kể trên đều thang “hết tiền”.

Trước đó, trong năm 2018, việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn chung cư được Sở Xây dựng đặt làm trọng tâm. Đối với chung cư thương mại, Sở đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung cho 238/492 BQT (tăng 20% so với năm 2017). Từ tháng 7-2018, Sở đã kiểm tra 71/83 nhà chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp. Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp. Tuy nhiên, đối với việc cưỡng chế chủ đầu tư “chây ì” quỹ bảo trì thì vẫn chưa xử lý trường hợp nào. “Các trường hợp vi phạm, một số đã khắc phục chưa đến mức phải cưỡng chế. Theo trình tự, trong thời hạn mà chủ đầu tư vẫn tiếp tục không bàn giao quỹ thì UBND thành phố là cơ quan ra quyết định cưỡng chế”, đại diện Sở Xây dựng cho hay.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin cuối ngày 14-1: Công trình của Mường Thanh đối diện “án tử”, giá căn hộ TP.HCM lại “nóng”
  • Điểm tin cuối ngày 11-1: Novaland đảm bảo 100% quyền lợi khách hàng, nhà phố thương mại tăng giá cao