Điểm tin sáng 14-3: “Choáng” với đất vàng thuê 0 đồng, ai chống lưng sai phạm tại...

Điểm tin sáng 14-3: “Choáng” với đất vàng thuê 0 đồng, ai chống lưng sai phạm tại...

“Choáng” với đất vàng thuê 0 đồng, ai chống lưng sai phạm tại Thái Nguyên?…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 14-3 trên News Mogi.

Phát choáng với gần 1.000 m2 đất “vàng” thuê với giá 0 đồng. Theo báo Thanh Niên, khu đất mặt tiền đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP.HCM) ngay góc đường Cao Thắng có diện tích 950 m2 thuộc phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM (thuộc Học viện Hành chính Quốc gia) là đất công nhưng từ năm 2012 đến nay cho thuê không thu được đồng nào. Điều đáng nói, việc thu hồi khu đất công này mấy năm nay cũng bế tắc do xuất hiện thêm hợp đồng thứ hai.

Được biết tháng 1-2001, Học viện Hành chính Quốc gia (thời điểm đó là cơ quan thuộc Chính phủ) đưa 950 m2 đất trong khuôn viên phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM vào liên kết với Công ty cổ phần Duy Tân để khai thác bổ sung nguồn thu phục vụ hoạt động sự nghiệp, với thời gian hợp tác là 10 năm, số tiền định mức hằng năm phải nộp là 360 triệu đồng.

Đến năm 2012, thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước (lúc này hợp đồng thuê 10 năm cũng hết hạn – NV), Bộ Tài chính và tổ công tác của Ban chỉ đạo 09 TP.HCM đã yêu cầu Học viện Hành chính Quốc gia thu hồi diện tích đất cho thuê, đảm bảo sử dụng đất trụ sở đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Thực hiện ý kiến trên, từ năm 2012, Học viện Hành chính Quốc gia đã bằng nhiều biện pháp nhằm thu hồi diện tích đất cho thuê này nhưng Công ty cổ phần Duy Tân đến nay vẫn chưa trao trả với lý do đã ký một hợp đồng khác cho các đối tác thuê lại với thời gian lên đến 20 năm, tính từ năm 2002, nghĩa là gấp đôi thời gian so với hợp đồng mà Công ty cổ phần Duy Tân thuê của Học viện Hành chính Quốc gia.

Hiện mặt bằng 950 m2 vẫn được các đơn vị khác kinh doanh khai thác làm phòng khám nha khoa, nhà sách, cửa hàng thời trang, cửa hàng Nhật Bản… dù Học viện Hành chính Quốc gia cho biết đã chấm dứt việc nhận tiền thuê đất đối với Công ty cổ phần Duy Tân từ trước khi kết thúc hợp đồng một vài tháng. Nghĩa là từ trước năm 2012 đến nay học viện không thu được đồng tiền nào từ việc cho thuê khu đất “vàng” gần 1.000 m2 này.

Vác tiền bao mua đất tại Đà Nẵng.  Theo báo điện tử VTC News, mặc dù có cảnh báo từ cơ quan chính quyền trước tình trạng “sốt” giá đất nền tại Đà Nẵng, tuy nhiên thị trường bất động sản nơi đây vẫn tiếp tục ghi nhận sự bát nháo.

Theo đó, như dự án khu A Golden Hills trước Tết giao dịch khoảng 2,5 – 2,7 tỷ đồng/lô 125 m2 thì nay tăng lên mức 3,3 – 3,7 tỷ đồng. Cá biệt, các lô biệt thự 187m đường 7,5 m có giá khoảng 5 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, thị trường bất động sản Đà Nẵng còn ghi nhận khu Nam Nguyễn Tất Thành, Hòa Liên 5, Dragon City, Hòa Hiệp 3, Homeland Centre park, Hòa Hiệp mở rộng… giá đất cũng đang tăng hàng ngày và hiện trung bình khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2.

Những ngày qua, đất nền khu vực quanh Khu du lịch (KDL) Xuân Thiều cũng “nóng” không kém.

Trước Tết, giá đất khu vực này được chào mức 29 – 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện đã được nâng lên 40 triệu đồng/m2, mức tăng khủng khiếp.

Tại phía Nam thành phố, đất nền khu vực Điện Ngọc những ngày qua cũng đang là tâm điểm của các nhà đầu tư.

Tại các dự án Sentosa Riverside, Seaview, Khu đô thị số 6, số 7, 7B… cảnh người xem đất, khảo sát giá, đặt cọc giao dịch sôi nổi. Trước Tết, giá giao dịch các dự án khu vực này trung bình 15 – 18 triệu đồng/m2 nhưng hiện đã lên mức 22 – 27 triệu đồng/m2 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khu vực biển Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng tăng mạnh. Qua khảo sát, giá đất nền tại đây tăng khoảng 10 triệu đồng/m2, giao động 35 – 50 triệu đồng/m2, tùy tuyến đường.

Ngoài các khu vực trên thì đất nền các khu Nam Hòa Xuân, Hòa Xuân mở rộng, Sinh thái Hòa Xuân… cũng “sốt” hầm hập.

Thậm chí nơi đây người dân còn “trữ” tiền và vác tiền bao đi mua đất bất chấp nhiều rủi ro nhất định.

Hà Nội bắt đầu dọn dẹp để làm đường đua F1. Nằm trong quy hoạch Hà Nội về việc thực hiện làm đường đua xe Công thức 1 (F1) trong năm 2020, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết đường đua công thức 1 – Grand Fix Hà Nội với tỷ lệ 1/500. Lô đất được quy hoạch nghiên cứu rộng 88,09 ha nằm trên địa bàn 4 phường của quận Nam Từ Liêm là Phú Đô, Mễ Trì, Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2.

Ngay sau đó Hà Nội gấp rút tiến hành giải phóng mặt bằng khu đất nằm ở phía nam Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Lô đất cần giải phóng này từng được Thủ tướng giao cho Bộ VHTTDL quản lý xây khu liên hợp thể thao quốc gia. Vì đăng cai tổ chức giải F1 nên Hà Nội phải xin lại.

Hiện tại theo ghi nhận, rất nhiều máy cẩu, máy ủi và xe tải được huy động để giải phóng mặt bằng một diện tích rộng. Nơi đây từng được cho thuê tạm làm bãi đỗ xe, trạm trộn bê tông, xưởng sản xuất nhỏ…

Sau khi các công trình được tháo dỡ hoàn toàn, máy cẩu và máy ủi sẽ làm nhiệm vụ bóc lớp bê tông ở bề mặt và dọn dẹp các phế thải vật liệu xây dựng. Với những khu vực có nền cao, máy ủi sẽ san lấp để tạo mặt phẳng trước khi tiến hành công việc tiếp theo.

Hiện tại một khu vực rộng lớn đã được san nền và giải phóng mặt bằng xong. Khu vực này dự kiến là trung tâm của đoạn đường đua 5,5 km. Tại đây sẽ xây dựng khán đài VIP, khu vực hỗ trợ, trung tâm y tế, khu nhà 3 tầng, cầu đi bộ…

Theo dự kiến, Hà Nội sẽ đăng cai tổ chức giải đua F1 vào tháng 4-2020. Phối cảnh và quy hoạch của dự án đã được phê duyệt và được các bên liên quan gấp rút tiến hành.

Golden Park Tower tri ân khách hàng. Theo chủ đầu tư dự án Golden Park Tower, vào ngày 13-6 tới đây, nếu khách hàng có giao dịch thành công tại sự kiện có cơ hội nhận phần quà hấp dẫn giá trị lên đến 50 triệu đồng.

Hiện tại trong thị trường bất động sản Hà Nội, dự án Golden Park Tower là một trong những dự án căn hộ chung cư cao cấp, chất lượng. Trước mắt, được chào bán với mức giá từ 36,6 triệu đồng mỗi m2 (chưa VAT). Theo đại diện chủ đầu tư, những khách hàng thanh toán sớm 70% sẽ nhận ưu đãi 3,5% giá trị căn hộ. Khách hàng có nhu cầu hỗ trợ tài chính có thể nhận hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% trong 18 tháng. Golden Park Tower là lựa chọn phù hợp cho những gia đình trẻ năng động, hướng tới giá trị sống thoải mái, tiện nghi và bền vững.

Dự án cách công viên Cầu Giấy, công viên hồ điều hòa 0,5km, sân vận động Mỹ Đình 1,8km; Đại học Quốc gia Hà Nội 1,6km; trung tâm Hà Nội 6,8km… đồng thời, cư dân di chuyển nhanh chóng đến các tuyến đường cao tốc: Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn…

Nhà xã hội cho thuê “ế nhăn răng” khi dân chỉ muốn mua đứt. Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, số nhà ở xã hội hiện có mới đạt khoảng 33% so với mục tiêu cần có 12,5 triệu m2, trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Bên cạnh những hạn chế về nguồn vốn, quỹ đất để xây NƠXH theo ông Sinh, còn có tâm lý người dân chỉ muốn mua để sở hữu thay vì thuê nhà ở.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, về lâu dài, người dân cần chuyển từ quan niệm “phải sở hữu nhà” sang “có chỗ ở”, tức là có thể đi thuê nhà. “Hiện nhu cầu nhà ở rất cao, song giá nhà tại các thành phố lớn của Việt Nam vẫn cao so với thu nhập của dân. Vì thế, việc tiếp cận của những đối tượng này còn hạn chế. Với người trẻ, chưa có nhiều tích lũy, có thể cân nhắc không nên dốc hết tiền mua nhà mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp, thuận lợi cho công việc của mình”, ông Nam nói.

Chính điều này đã phần nào làm cho nhà ở xã hội ế. Chưa hết, theo ghi nhận mới đây tại nhà ở xã hội Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khách hàng mua nhà có thể chênh lệch từ 500-600 triệu đồng vì có nhiều loại phát sinh. Có thể khái quát lên phần nào bức tranh nhà ở xã hội tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

 Ô tô bị “nhốt” trong hầm chung cư. Theo báo Tiền Phong, sự cố hỏng thang vận chuyển ô tô tại tòa chung cư 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) đến nay vẫn chưa được khắc phục khiến hàng chục chiếc xe ô tô của cư dân bị “nhốt” dưới hầm của tòa nhà.

Cư dân tầng 17 tòa chung cư 89 Phùng Hưng (tên thượng mại là The Sun Garden), phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, sự cố hy hữu xảy ra vào chiều 10-3.

Tòa nhà này gồm 4 tầng hầm để xe, tầng hầm 1-2 dùng cho xe máy, hầm 3-4 dùng cho ô tô. Trước đây hầm ô tô có 2 thang vận, một thang đưa xe xuống còn một thang đưa xe lên, nhưng do hẹp quá chủ đầu tư đã cải biên gộp cả 2 thang vào làm một.

Ông Nguyễn Văn Nhã – đại diện Ban quản lý tòa nhà cho biết có xảy ra vụ việc trên. Tuy nhiên, vị này lại đổ lỗi cho lái xế. “Khi thang chưa lên đến nơi thì lái xe đã cho xe vào rồi nên chiếc xe bị chúi đầu xuống”, ông Nhã lý giải.

Sai phạm dự án khu du lịch sinh thái
Sai phạm dự án khu du lịch sinh thái tại Thái Nguyên. Ảnh Tiền Phong.

Ai “chống lưng” dự án sai phạm tại Thái Nguyên? Theo báo Tiền Phong,  dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc dự án trang trại chăn nuôi bò sữa của doanh nghiệp Công ty TNHH Thái Việt đã “hô biến” hàng trăm nghìn m2 đất tại xã Cao Ngạn (TP Thái Nguyên) thành khu du lịch sinh thái không phép nhưng không được xử lý nghiêm cho đến khi báo chí phản ánh. Phải chăng có sự “chống lưng” để bao che cho sai phạm tồn tại.

“Trong thời 60 ngày theo quy định, nếu Công ty TNHH Thái Việt không xuất trình được giấy phép xây dựng thì chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ toàn bộ các công trình. Qua vụ việc này, chúng tôi sẽ kiểm điểm trách nhiệm đối với UBND xã Cao Ngạn vì để xảy ra vi phạm”, một lãnh đạo UBND TP Thái Nguyên cho biết.

Việc hàng loạt công trình không phép được xây dựng trên dự án trang trại nuôi bò sữa đến nay đã được chủ đầu tư đưa vào sử dụng, ông Đoàn Việt Dũng – Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn thừa nhận sai phạm và cho biết, khi phát hiện doanh nghiệp xây dựng hàng chục ngôi nhà liền kề trên phạm vi hành lang thoát lũ của sông Cầu thì chính quyền xã Cao Ngạn đã lập biên bản đối với vi phạm nghiêm trọng này và yêu cầu doanh nghiệp phá bỏ toàn bộ số nhà liền kề nói trên.

“Đối với các hạng mục xây trái phép khác như khu nhà sàn, bể bơi, khu dịch vụ ăn uống, khu sinh thái trải nghiệm… thì doanh nghiệp trình bày rằng đang hoàn thiện thủ tục để xin chuyển đổi và hứa dừng thi công cho đến khi có giấy phép mới tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn “lén lút” hoàn thiện những hạng mục còn dang dở”, ông Dũng lý giải.

Theo ông Dũng, trước thời điểm thành phố có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp cũng cung cấp được các văn bản trả lời của các sở ngành có liên quan như Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và UBND TP về việc đồng ý chủ trương cho phép chuyển đổi mô hình đầu tư và chuyển về Sở Kế hoạch – Đầu tư để trình UBND tỉnh xem xét. Thế nhưng doanh nghiệp nóng vội cho xây dựng khu du lịch sinh thái khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép và đưa vào hoạt động thu phí cho nên gây bức xúc dư luận.

Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn cũng cho biết, hiện chính quyền địa phương đã đình chỉ tất cả hoạt động xây dựng bên trong khu du lịch sinh thái cũng như cho tháo dỡ biển và dừng hoạt động bán vé cho khách vào tham quan.

Trước đó, như Tiền Phong thông tin, thời gian gần đây người dân sinh sống tại xóm Hiểu, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên bức xúc phản ánh về việc cả trăm nghìn m2 đất nông nghiệp tại đây bị Công ty TNHH Thái Việt “hô biến” thành khu du lịch sinh thái trải nghiệm Yasmin Farm. Và phải chăng có sự “chống lưng” bao che sai phạm?

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 13-3: Xảy ra tai nạn chung cư do đâu? Lý giải việc đất biến mất bất ngờ
  • Điểm tin cuối ngày 12-3: Đà Nẵng quyết tìm ra kẻ tung tin thổi giá đất, cư dân Home City xuống đường đòi lối đi chung