Điểm tin sáng 12-3: Sẽ bỏ phí bảo trì 2% chung cư? Bán đất nghĩa trang kiếm tiền tỷ

Điểm tin sáng 12-3: Sẽ bỏ phí bảo trì 2% chung cư? Bán đất nghĩa trang kiếm tiền tỷ

Sẽ bỏ phí bảo trì 2% chung cư? Rà soát thu hồi dự án không an toàn…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 12-3 trên News Mogi.

Sẽ bỏ nộp kinh phí bảo trì 2% khi mua nhà chung cư? Tại một cuộc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, một trong số những tranh chấp thường diễn ra tại nhiều chung cư liên quan tới khoản phí quản lý 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% kinh phí bảo trì (số tiền này thu từ người mua căn hộ và phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, không bán). Số tiền này phải được gửi vào ngân hàng thương mại và chuyển giao lại cho Ban Quản trị nhà chung cư khi Ban Quản trị được thành lập.

Còn riêng đối với ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM thì nói tranh chấp tại nhà chung cư thì tranh chấp việc quản lý 2% phí bảo trì này đứng hàng đầu và rất dai dẳng, thậm chí có khi xảy ra những xung đột lớn kéo nhau ra toà. Tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư có biểu hiện gia tăng do xu thế phát triển ngày càng nhiều nhà chung cư.

Toàn TP.HCM có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp trong các nội dung một số chủ đầu tư, cư dân không đóng góp kinh phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở 2005. Một số chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, ông Châu đề nghị thực hiện nghiêm biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị. Đề nghị phối hợp với Bộ Công an để thực hiện công tác cấp con dấu cho Ban quản trị chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014, tạo điều kiện cho Ban quản trị thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đề nghị quy định rõ chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư phải có từ hai (02) người trở lên làm đồng chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi.

Chủ tịch xã bán đất nghĩa trang kiếm tiền tỷ. Theo thượng tá Hà Kế Xuyên, Phó trưởng Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Thân Cầu (nguyên Chủ tịch UBND phường Điện Nam Đông) về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan vụ việc, ông Đỗ Búp (nguyên Trưởng ban quản trang phường Điện Nam Đông) và Ngô Hải Bình (thành viên Ban quản trang phường Điện Nam Đông) cũng bị khởi tố về hành vi Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Theo điều tra, từ năm 2005-2015 ông Cầu đã ký giấy bán đất nghĩa trang cho 40 người không thuộc diện được mua với diện tích 4.680 m2, thu lợi hơn 1,9 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC tính “bành trướng” với 6 dự án tại Hải Phòng. Lãnh đạo Tập đoàn FLC đã trình bày sơ đồ vị trí các dự án đầu tư của Tập đoàn trên địa bàn thành phố gồm 6 dự án: Dự án Khu phức hợp dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Đồ Sơn; Dự án khu phức hợp đô thị, nghỉ dưỡng sinh thái tại quận Hải An; Dự án khu đô thị mới tại phường Tân Thành; Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ, nhà ở cao cấp tại số 4 Trần Phú (tháp 70 tầng); Dự án tại khu vực nhà văn hóa thanh thiếu niên 45 Lạch Tray; Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM-Hải Phòng.

Cũng tại buổi làm việc, FLC đề xuất mở 8 tuyến bay của Bamboo Airways đi và đến Hải Phòng, gồm 4 đường bay nội địa từ Hải Phòng đến TP Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. HCM, Phú Quốc; 4 đường bay quốc tế đến Bangkok, Singapore Seoul, Siem Reap.

Nhà xã hội có “ngon” như đã tưởng.  Nhiều người đang lầm tưởng mua nhà xã hội sẽ “ngon” vì hưởng nhiều ưu đãi. Thậm chí mức lãi suất trong năm 2019 dành cho nhà ở xã hội cũng chỉ tăng có 0,2%, nhưng thực tế không như vậy. Ngoài giá bán, khách hàng muốn mua nhà ở xã hội phải trả thêm một số loại tiền chênh do môi giới quy định. Thậm chí khách muốn được căn đẹp phải trả thêm nhiều khoản đắt đỏ hơn.

Cụ thể, đối với dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thông báo bắt đầu hướng dẫn làm hồ sơ mua nhà theo quy định. Dù chủ đầu tư cho biết không phân phối cho bất kỳ trung gian nào, nhiều sàn giao dịch bất động sản vẫn “vào cuộc” phân phối dự án.

Theo một số sàn giao dịch bất động sản, nếu khách hàng đăng ký mua theo kênh của họ sẽ được hướng dẫn và trợ giúp làm hồ sơ với chủ đầu tư. Sàn cũng cam kết khách sẽ mua được căn hộ, chứ không giống như kênh nộp hồ sơ cho chủ đầu tư là phải bốc thăm. Khi bốc thăm có thể mua được, có thể không.

Ngoài giá bán căn hộ được chủ đầu tư thông báo là 16-17 triệu đồng/m2, chi phí làm hồ sơ và giúp khách mua được nhà, sàn thu thêm một khoản tiền chênh là 70 triệu đồng/hồ sơ.

Để có được căn hộ ở vị trí đẹp, khách hàng cũng phải trả thêm tiền chênh. Ví dụ, khách hàng có nhu cầu mua căn góc, khi đặt cọc làm hồ sơ phải nộp thêm 50 triệu đồng. Khi bốc thăm nếu không vào căn góc, sàn sẽ hoàn lại số tiền này.

Tuy nhiên, sàn thường tư vấn cho khách lựa chọn phương án thứ hai, nghĩa là đặt cọc luôn căn góc với tiền “thu thêm” là 180 triệu đồng. Khi khách nộp số tiền này, sàn cam kết sẽ mua được căn góc, nhưng không cam kết căn góc ở tầng bao nhiêu. Nghĩa là khi nộp 180 triệu đồng, khách được quyền bốc thăm các căn góc, số tầng phụ thuộc khi bốc thăm.

Như vậy, để mua được căn hộ ưng ý, khách hàng có thể phải trả thêm số tiền 120-250 triệu đồng (giá bán căn hộ của chủ đầu tư giao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng). Chủ đầu tư Capital House cảnh báo khách hàng không phải trả bất kỳ khoản tiền chênh nào và có thể đến trực tiếp địa điểm được quy định để nộp hồ sơ thay vì trung gian.

Tương tự những dự án khác, sàn giao dịch có thể hưởng chênh lệch từ 500-600 triệu đồng.

Tình hình người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam bị yêu cầu báo cáo. Theo báo Tiền Phong, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo Bộ Xây dựng, việc này thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của địa phương trong việc theo dõi, quản lý tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân người nước ngoài theo Điều 79 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện Bộ đang được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng Đề án về an ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó có nội dung đánh giá việc thực hiện chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo đó, các nội dung báo cáo sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn, trước và sau thời điểm Luật nhà ở 2014 có hiệu lực (ngày 1/7/2015 – PV). Nội dung báo cáo thể hiện tổng số tổ chức, cá nhân đã mua và sở hữu nhà, địa điểm mua, loại nhà ở sở hữu: Căn hộ chung cư hay nhà ở riêng lẻ.

Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các điaọ phương đánh giá về việc thực hiện quy định công bố các dự án không được phép, được phép bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc theo dõi, cập nhật đăng tải các thông tin về mua bán nhà của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn.

Coi chừng “chết” vì loạn gia đất, chính quyền cảnh báo người dân. Những ngày qua, ghi nhận tình trạng loạn giá đất tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Cụ thể tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), “cò đất” liên tục lộng hành với những chiêu trò khác nhau. Từ việc tung tin sắp có dự án lớn mở ra tại đây cho đến tách huyện…tất cả với mục đích “thổi” giá đất lên cao chót vót.

Tình hình mua bán bất động sản tại quận Sơn Trà, giá đất nền ở trong các hẻm nhỏ ở phường An Hải Bắc, Mân Thái và Thọ Quang có thời điểm tăng 100 triệu đồng/ngày/lô. Nhiều người đi tìm mua nhà để ở hoặc đất để xây dựng nhà trong các kiệt, hẻm chỉ rộng 1-1,5m cũng chới với trước tốc độ tăng giá đất.

Đối với Quảng Nam cũng không khác, chính điều này buộc cơ quan chức năng phải lên tiếng cảnh báo người dân để không bị “mắc mưu” của các cò đất.

Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, trong bối cảnh hiện tại, các quận, huyện và người dân cần cảnh giác trong giao dịch BĐS. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tình trạng các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân; đồng thời có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Sở Xây dựng lưu ý các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện giao dịch để tránh thiệt hại có thể xảy ra.

UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có văn bản gửi các xã, phường về việc chấn chỉnh thông tin thất thiệt và tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn thị xã.

Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội của thị xã Điện Bàn, nhu cầu giao dịch đất đai, mua bán bất động sản trong nhân dân trên địa bàn ngày càng tăng.

Một số đối tượng cò đất đã lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản, tung tin thất thiệt đăng tải tràn lan trên mạng xã hội như: một số đơn vị hành chính cấp xã của Điện Bàn sắp sáp nhập vào TP. Đà Nẵng, địa phương sắp triển khai dự án hàng trăm tỷ…

Dự án treo làm “khổ” kế hoạch Hà Nội mở rộng. Theo báo Tiền Phong, trong quy hoạch Hà Nội mở rộng đang bị kìm hãm khi hàng trăm dự án thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh… vẫn đang bị treo chưa biết ngày nào mới triển khai. Hàng vạn hộ dân, doanh nghiệp nằm trong quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn.

Nói về điều này, ông Quách Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cho biết: Trước khi sáp nhập về huyện Thạch Thất (Hà Nội), xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Ngay trước thời điểm sáp nhập về Hà Nội, riêng trên địa bàn xã Tiến Xuân, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt lên tới 25 dự án với diện tích lên tới gần 1.000 ha. Trong đó chủ yếu là các dự án khu đô thị, biệt thự, nhà vườn. Riêng dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Cty SUDICO làm chủ đầu tư đã có diện tích lên tới 1.200 ha thuộc hai xã Đông Xuân và Tiến Xuân.

Cũng theo ông Quách Đình Thắng, đã hơn 10 năm qua, hầu hết các dự án đều bất động chờ rà soát rồi điều chỉnh quy hoạch. Điều quan trọng là đến nay vẫn chưa có quyết định rõ ràng về số phận của các dự án. Hàng nghìn hộ dân của xã bị ảnh hưởng nặng nề do tâm lý chờ đợi thu hồi đất. Nhiều quyền lợi của người dân gắn với quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng đều không thể thực hiện vì nhiều dự án đã có quyết định thu hồi đất. “Ròng rã cả chục năm qua, rất nhiều người dân chất vấn chúng tôi về tình trạng của các dự án nhưng chúng tôi cũng không thể trả lời rõ ràng được. Tất cả đều phải chờ đợi. Bản thân lãnh đạo xã cũng rất mệt mỏi vì tình trạng này”, ông Thắng nói.

Tại xã Đông Xuân thuộc huyện Quốc Oai, tình trạng dự án treo cũng là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây. Ông Bùi Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết: Khoảng 800 ha đất của xã nằm trong quy hoạch khu đô thị Tiến Xuân. UBND xã đã nhiều lần có ý kiến với huyện và đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên hiện nay vẫn trong tình trạng phải chờ ý kiến cấp trên.

Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết đã nắm rõ tình trạng dự án treo tại khu vực xã Tiến Xuân, Đông Xuân cũng như những khó khăn mà người dân địa phương đã phải đối mặt. Ông Vinh cho hay: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án bị treo tại các xã của tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội. Do hai xã Đông Xuân và Tiến Xuân nằm trong quy hoạch khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nên phải chờ Thủ tướng phê duyệt quy hoạch này. “Thành phố Hà Nội đã trình lên Thủ tướng quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Tôi tin là ngay trong quý 1 hoặc quý 2/2019 quy hoạch sẽ được Thủ tướng phê duyệt, từ đó làm căn cứ giải quyết tình trạng dự án treo và những vấn đề tồn tại khác ở khu vực hai xã này”.

Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, sau hơn 10 năm sáp nhập về Hà Nội mà vấn đề giải quyết các dự án treo như vậy là quá chậm. Việc chậm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của nhiều khu vực, trong đó có đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Nhiều dự án xây dựng trái phép trên đất Biên Hòa – Đồng Nai. Theo báo Thanh Niên, nhiều nhà xưởng trái phép tại ấp Tân Lập (xã Phước Tân) có Công ty TNHH SX- TM Đ.B xây dựng hàng ngàn m2 nhà xưởng sản xuất quy mô ngay trên diện tích đất nền hơn 14.000m2 được quy hoạch đất trồng cây hàng năm. Mới đây, doanh nghiệp này còn xây trái phép một khu nhà 2 tầng kiên cố với diện tích cả ngàn m2 sàn xây dựng.

Còn tại ấp Tân Cang, Công ty TNHH N.V.L xây dựng hàng ngàn m2 nhà xưởng sản xuất trên khu vực gần 20.000 m2 đất quy hoạch lúa nước và đất trồng cây hàng năm. Xung quanh khu vực này, một số công trình xây dựng quy mô khác vẫn đang diễn ra. Cũng trên địa bàn này Công ty CP XD T.T xây dựng nhà xưởng, nhà ở kiên cố trên diện tích gần 20.000m2 đất quy hoạch đất rừng sản xuất…

Khi trả lời về những công trình nhà xưởng mọc lên không phép trên địa bàn, ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân thừa nhận đó đều là những công trình xây dựng trái phép. Ông Phương cũng đưa ra danh sách trên 200 DN, cơ sở xây dựng nhà xưởng trái phép trên địa bàn đã được chính quyền đã lập biên bản xử lý.

Cụ thể , tại ấp Tân Cang có đến 74 DN xây dựng trái phép nhà máy, nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất. Trong các quyết định xử lý vi phạm hành chính do UBND xã Phước Tân, TP.Biên Hòa và UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, ngoài xử phạt từ 1,25 – 30 triệu đồng/trường hợp, cơ quan chức năng còn yêu cầu chủ các DN xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng phải khắc phục hậu quả (gồm bổ sung giấy phép xây dựng trong 60 ngày; tháo dỡ trong 10 ngày hoặc khôi phục lại nguyên trạng đất như trước khi vi phạm).

Còn tại ấp Tân Lập có 21 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Các cấp chính quyền đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ nhưng các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Được biết, để xây dựng các công trình trái phép không có quy hoạch cụ thể này, đa phần các đối tượng chủ yếu xây dựng vào ban đêm.

dự án tại Khánh Hòa
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu rà soát, thu hồi nhiều dự án không đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa.

Rà soát, thu hồi dự án không đảm bảo an toàn tại Khánh Hòa. UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Nha Trang chỉ đạo xử lý nghiêm các địa phương để xảy ra tình trạng xây dựng công trình trái phép và khẩn trương tổ chức tháo dỡ theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP. Nha Trang kiểm tra, rà soát, đề xuất thu hồi các dự án, điều chỉnh quy hoạch tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo an toàn (đối với phần diện tích được quy hoạch là đất ở).

UBND tỉnh yêu cầu UBND TP. Nha Trang chỉ đạo UBND các xã, phường, phòng Quản lý đô thị thành phố tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực đã có quy hoạch, các xã, phường trọng điểm, các khu vực đồi núi, chân núi dễ bị sạt lở,…; kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn các công trình xây dựng trái phép ngay từ đầu, không để phát sinh việc xây dựng dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý về sau; xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các xã, phường, Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang và các cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm nhưng không kịp thời phát hiện xử lý hoặc buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm theo đúng quy định.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 8-3: TP.HCM “hụt” nửa tỷ USD thu ngân sách đất, “ôm hận” đất Bắc Phong Vân
  • Điểm tin cuối ngày 7-3: Sài Gòn nắng nóng, nguy cơ cháy chung cư, dân “khóc mếu” khi sắp ra đường