Điểm tin sáng 12-2: Ban quản trị chung cư có nhiều thành phần xấu, mảng tối thị...

Điểm tin sáng 12-2: Ban quản trị chung cư có nhiều thành phần xấu, mảng tối thị...

Ban quản trị chung cư có nhiều thành phần xấu, mảng tối thị trường BĐS 2019…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 12-2 trên Mogi.

Ban quản trị chung cư có nhiều thành phần bất hảo trục lợi. Theo báo Tiền Phong, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) mới đây cho biết, thời gian qua trên địa bàn TP. HCM tranh chấp chung cư có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt, có những phần tử xấu trong xã hội tìm cách “chui” vào các Ban quản trị chung cư nhằm mục đích trục lợi.

Đơn vị này cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 chung cư, trong đó trên 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Có 34 chung cư có tranh chấp đến mức Sở Xây dựng phải thụ lý giải quyết, trong đó, có hơn 10 chung cư có tranh chấp gay gắt.

Tranh chấp chủ yếu xoay quanh 6 nội dung, bao gồm: Việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, quỹ thu phí quản lý vận hành chung cư; Về sở hữu chung, sở hữu riêng; Về chất lượng công trình; Về quản lý, khai thác, kinh doanh bãi giữ xe, các không gian có thể sinh lợi, phòng sinh hoạt cộng đồng; Về an toàn phòng cháy chữa cháy; Về đại hội chung cư, hội nghị chung cư bầu ban quản trị chung cư và chất lượng hoạt động của ban quản trị…

Tranh chấp chung cư có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt hơn do tốc độ đô thị hóa ngày càng cao càng đòi hỏi phát triển nhiều chung cư cao tầng và một bộ phận lớn cư dân lựa chọn sống trong chung cư.

Ngoài ra, còn có những phần tử xấu trong xã hội tìm cách chui vào các Ban quản trị chung cư nhằm mục đích trục lợi. Do vậy, cần hết sức quan tâm xử lý không để tranh chấp chung cư trở thành điểm nóng năm 2019.

Thị trường condotel tìm ánh sáng cuối đường hầm. Theo báo Vietnamnet, Ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao, Bộ phận Nghiên Cứu & Tư vấn Phát Triển CBRE chia sẻ: Năm 2018 nguồn cung mới về condotel và biệt thự biển không nhiều như 2 năm trước đó. Nguyên nhân một phần vì quá trình cấp phép cho dự án mới ngày càng khó khăn hơn.

Giá bán của phân khúc này phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của dự án. Bởi vị trí của từng dự án tương đối quan trọng. Nhưng nhìn chung các dự án đều có sự tăng nhẹ.

Trước đây người mua chỉ cần nhìn vào những cam kết của chủ đầu tư, dựa vào những vị trí đẹp của dự án người ta thích thì người ta sẵn sàng bỏ tiền mua. Còn bây giờ người ta có nghiên cứu kỹ hơn, nhiều người quan ngại về pháp lý.

“Vì một số chủ đầu tư hứa ra sổ đỏ, sổ hồng cho  người mua nhưng mà thực sự thì bên mình vẫn chưa thấy được bên nào là có sổ hồng cả. Không hẳn 100% là không có, nhưng qua khảo sát sơ bộ một vài nơi thì chưa có nơi nào có”, ông Thức cho biết.

Theo ông Hoàng, năm 2019 condotel sẽ là đặt ra nhiều thách thứ cho cả chủ đầu tư và người mua. Người mua tiếp tục chờ đợi chủ đầu tư thể hiện năng lực vận hành và chờ đợi cơ quan nhà nước quy định rõ ràng về pháp lý.

Giá đất nền ngoại thành có thể tăng 30%. Theo báo Vnexpress, tại buổi tổng kết thị trường địa ốc TP HCM do Hội cà phê Bất động sản tổ chức, CEO Công ty Đại Thắng, Đoàn Thiên Việt dự báo, trong 12 tháng tới, đất nền vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của giới đầu tư. Đặc biệt, đất ở những nơi còn rẻ tại Sài Gòn, đang ở vùng giá từ 19 triệu đồng mỗi m2 trở xuống, chủ yếu là các huyện ngoại thành, nhiều khả năng tiếp tục biến động, đội thêm 15-30% tùy vị trí và thực trạng kết nối giao thông hiện hữu.

Ông Việt phân tích, mặt bằng giá đất ở những điểm nóng thị trường đã trải qua nhiều đợt nóng sốt giai đoạn 2015-2018, khiến cho giá đất nội thành bị hoài nghi đang là vùng giá ảo. Mặt khác, biên lợi nhuận của đất nền ở vùng giá cao không còn hấp dẫn hoặc giá trị quá lớn đối với đại đa số nhà đầu tư. Do đó, những vùng trũng, có giá thấp hơn, như các huyện nằm ở rìa ngoại thành Sài Gòn, trở thành tài sản liền thổ dễ sở hữu hơn vì tổng giá trị vừa túi tiền hơn, lại có thể kỳ vọng biên độ tăng giá lý tưởng hơn.

Ông Việt lấy ví dụ, đất ở một số quận phía Đông TP HCM đã tăng gấp 1,5-2,5 lần trong vài năm gần đây và được hiểu là đã leo lên vùng giá đỉnh. Người mua dù có kỳ vọng táo bạo đến đâu, cũng khó có thể mong đợi tốc độ tăng giá nhanh và mạnh trong 12 tháng tới vì khung giá hiện hữu đã trở nên ngất ngưỡng. Trong khi đó, các huyện xa hơn, nằm ở những vị trí không hấp dẫn bằng, giá cả còn “mềm”, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, bình quân 15-18 triệu đồng mỗi m2 trở xuống, lại là những địa bàn có thể kỳ vọng biên độ tăng giá lớn hơn.

Thị trường bất động sản 2019 có nhiều mảng tối. Ảnh minh họa.
Thị trường bất động sản 2019 có nhiều mảng tối. Ảnh minh họa.

Mảng tối thị trường bất động sản năm 2019. Chia sẻ với truyền thông mới đây ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam dự báo mảng tối thị trường bất động sản năm 2019.

Đầu tiên có thể kể đến yếu tố đại đa số các doanh nghiệp không đủ tiềm lực phải rời cuộc chơi. Quy mô thị trường có thể bị thu hẹp tạm thời trong ngắn hạn và thị trường sơ cấp sẽ diễn biến chậm chạp hơn giai đoạn 2014-2018.

Kế đến, thanh khoản tiếp tục giảm, sự giảm tốc này có nguyên nhân đến từ sự khan hiếm nguồn cung cùng với những quan ngại, hoang mang về pháp lý của các dự án bị thanh kiểm tra.

Và cuối cùng, tranh chấp bất động sản nhiều khả năng sẽ bùng nổ. Đừng quên, sự kỳ vọng thái quá đại loại như trúng đất, sốt đất ảo, sẽ không còn ví như cú hích tích cực. Ngược lại, có thể trở thành căn bệnh, tích lũy thêm bong bóng cho thị trường.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin cuối ngày 11-2: Siết tín dụng sẽ “giết” giới đầu cơ, “choáng” giá đất nền dự kiến tăng
  • Điểm tin sáng 31-1: Xử lý nghiêm chủ dự án chung cư “thần chết”, Hà Nội lập tổ kiểm tra dự án nghiêm ngặt