Điểm tin cuối ngày 27-3: Rõ kết quả chia tài sản vợ chồng cà phê Trung Nguyên

Điểm tin cuối ngày 27-3: Rõ kết quả chia tài sản vợ chồng cà phê Trung Nguyên

Rõ kết quả chia tài sản vợ chồng cà phê Trung Nguyên, dân đầu tư bất động sản “lướt sóng” Đà Nẵng bắt đầu hấp hối…là những nội dung chính trong điểm tin cuối ngày 27-3 trên News Mogi.

Tòa phán quyết về chia tài sản khối bất động sản vợ chồng cà phê Trung Nguyên. Theo đó, bà Thảo và ông Vũ có 4 con. Năm 2015, sau thời gian dài có nhiều mâu thuẫn, bà Thảo đơn phương ly hôn, đề nghị được nuôi các con. Với cổ phần các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, bà đề nghị hưởng 51% (tương đương 2.114 tỷ đồng) trong Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên – công ty nòng cốt chiếm phần lớn giá trị của tập đoàn.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên mỗi người 15% (khoảng 814 tỷ đồng), Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên – G7, mỗi người 7,5% (43 tỷ đồng). Đối với cổ phần của vợ chồng tại 4 công ty còn lại, bà Thảo đồng ý chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Ông Vũ chấp thuận việc các con sống với mẹ, ông cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm. Hai bên thống nhất để bà Thảo và các con sống ở căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3), các nhà đất khác chia đôi. Với tài sản hơn 2.100 tỷ đồng tại ngân hàng, ông Vũ đòi chia theo tỷ lệ phần hơn 70/30.

Phía ông Vũ cũng đề nghị hưởng 70% giá trị cổ phần tại tất cả công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại. Cả hai đều giành quyền điều hành công ty mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Trong phiên làm việc sáng nay, HĐXX xác định khối tài sản 2.100 tỷ đồng đứng tên bà Thảo trong các ngân hàng chỉ còn lại 1,3 tỷ. Phía bà Thảo thừa nhận số tài sản có trong ngân hàng trước đó hình thành trong thời kỳ hôn nhân, song phủ nhận đó là tài sản chung của hai vợ chồng, đề nghị tòa bác yêu cầu chia 70/30 của ông Vũ.

Dân đầu tư bất động sản “lướt sóng” Đà Nẵng bắt đầu hấp hối. Sau một thời gian đất nền Đà Nẵng tăng “chóng mặt” với việc hàng loạt các “cò” tung chiêu thổi giá đất. Làn sóng “cắt lỗ” cùng với thanh khoản giảm khiến nhiều “cò đất” kêu trời vì khách quen giục ra hàng mà không bán được.

Ghi nhận từ báo VietNamNet, làn sóng “cắt lỗ” cùng với thanh khoản giảm khiến nhiều “cò đất” kêu trời vì khách quen giục ra hàng mà không bán được.

Một số nhà đầu tư đã đặt cọc đất nền khu vực Tây Bắc cũng đã bắt đầu tháo chạy và rao bán giấy cọc giá rẻ. Theo một tay môi giới đất nền khu vực vùng ven Đà Nẵng, sau mỗi đợt sốt nóng, việc nhà đầu tư kiểu “lướt sóng” cắt lỗ gần như đã thành quy luật. Do đó, anh luôn chuẩn bị dòng tiền để mua gom những sản phẩm giá tốt. Năm nào anh cũng mua được hàng bán tháo của nhà đầu tư với hình thức này.

“Thời điểm thị trường bất động sản giảm nhiệt, người mua chủ yếu là nhà đầu tư lâu dài. Dĩ nhiên, nhóm người mua lướt sóng hầu như là không có. Mà ngược lại đây là thời điểm người lướt sóng cắt lỗ. Vậy nên, có người số tiền lãi khi đất sốt không bù được số tiền họ chấp nhận lỗ trong thời điểm này”, anh Phạm Hùng, một nhà đầu tư đất Đà Nẵng chia sẻ.

Theo ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Phu Vinh Investment, nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc lời khi mua chứ không phải khi bán. Do đó, cần theo sát thị trường, thẩm định, so sánh để chọn được sản phẩm bằng hoặc thấp hơn giá thị trường là tốt nhất.

Bất hợp lý chuyện đất lô Cần Giờ “hét” giá trăm tỷ. Theo báo Vnexpress, cách đây không lâu, một môi giới bất động sản tại xã Bình Khánh đăng tin rao bán lô đất nền 10.000 m2 tọa lạc tại mặt tiền Duyên Hải, xã Long Hòa, cách dự án lấn biển Cần Giờ khoảng 400 m, với giá 110 tỷ đồng. Bên bán tiết lộ lô đất này nằm trong khu quy hoạch đất ở (thổ cư), có thể chuyển đổi nhanh.

Lô đất lập tức gây xôn xao giới buôn địa ốc tại huyện đảo này bởi lẽ mức giá hơn trăm tỷ cho một ha đất hỗn hợp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng là ngưỡng chào bán kỷ lục trong vài tháng gần đây. Các lô đất lớn 2.500 – 5.000 m2 tại Long Hòa được rao tìm khách mua thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở vùng giá trên mười tỷ đồng đến hai, ba chục tỷ là cao nhất.

Nếu tính theo cách bán sỉ, lô đất này có giá 11 triệu đồng mỗi m2, mức giá rất cao đối với nền lớn nằm ngoài thị trấn và ở khu không sầm uất. Thông thường các lô đất hỗn hợp có diện tích càng to thì giá bán mỗi m2 càng rẻ vì còn phải khấu trừ nhiều chi phí liên quan đến chuyển mục đích sử dụng, trừ hao lộ giới và điều chỉnh quy hoạch, lại rất kén khách mua, chôn vốn lâu.

Dù vậy, theo chuyên gia bất động sản Đoàn Quốc Duyệt, đầu tháng 3/2019, phương án thiết kế kiến trúc cho cầu Cần Giờ được UBND TP HCM chọn và công bố đã khiến thị trường địa ốc tại đây chuyển động nhẹ.

Diễn biến dễ thấy nhất là có nhiều nền đất và nhà liền thổ tại Cần Giờ xảy ra tình trạng chào bán với mặt bằng giá mới. 3 điểm tạo sóng là Bình Khánh, Cần Thạnh và Long Hòa thường xuyên xuất hiện các mức giá rao bán bị đẩy lên rất cao. Lô đất 10.000 m2 xuất hiện mức giá chào bán 110 tỷ đồng là ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, ông Duyệt cho rằng, giá chào bán không phải là xương sống của thị trường. Đây chỉ là hư chiêu thổi giá, không có chuyện lộng giả thành chân (đùa quá hóa thật). Chỉ khi giá chào bán và giá đặt mua gặp nhau, đó mới là giá thị trường. Mức giá trăm tỷ cho một hecta đất hỗn hợp tại một địa bàn chưa có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, quy hoạch chưa ổn định và thiếu vắng các công trình thương mại tương xứng chắc chắn gây xôn xao thị trường vì chưa đủ sức thuyết phục.

Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc họp với các Sở, ban, ngành liên quan để nghe Công ty Korea Infrastructure Corporation (Hàn Quốc) trình bày phương án đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Felice City tại khu đất chuyển giao từ ngân hàng Công thương, TP.Vũng Tàu.

Theo đó, Công ty Korea Infrastructure Corporation đã đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư Dự án du lịch nghỉ dưỡng Felice City theo hướng một khu đô thị thông minh với điểm nhấn là thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, khu đô thị này còn đáp ứng các tiện ích về y tế, học tập, nghiên cứu, vui chơi, giải trí, thư giãn, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, thể dục – thể thao, gặp gỡ và sinh hoạt cộng đồng. Khu đô thị có các phân khu chức năng gồm: Nhà hát, trung tâm triển lãm quốc tế, trung tâm văn hóa, bảo tàng, cầu đi bộ và vườn trên cao, văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, căn hộ khách sạn, câu lạc bộ thể thao biển, bến du thuyền, công viên ven bờ biển, công viên và quảng trường trung tâm, công viên chủ đề, công viên văn hóa, công viên vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết tính đến nay đã có 4 đơn vị xin đầu tư vào khu đất chuyển giao từ Ngân hàng Công thương, TP. Vũng Tàu. Quan điểm của tỉnh là khách quan, công tâm và minh bạch nhằm lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. UBND tỉnh đã đề nghị các Sở, ngành hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp cận dự án để hoàn chỉnh ý tưởng, trình Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Cần biết một điều rằng, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thống kê, trong năm 2018 địa phương thu hút 23 dự án bất động sản với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Và tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 157 dự án bất động sản với tổng diện tích hơn 3.400ha; tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thu hút thêm 124 dự án bất động sản khác.

Tất nhiên với số liệu trên, đủ thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành “điểm nóng” hút các nhà đầu tư không chỉ ở hiện tại mà còn cả tương lai.

Các trụ sở ngân hàng có số phận “long đong”. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông tin về việc thực hiện tái cơ cấu dự án toà nhà trụ sở chính VietinBank (VietinBank Tower) tại Khu đô thị Ciputra.

Theo thông tin công bố, VietinBank ưu tiên và đang thực hiện theo phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản dự án. Ngân hàng sẽ thuê mua lại tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Hết thời hạn thuê, ngân hàng sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.

VietinBank Tower được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 gồm 2 tòa tháp 48 và 68 tầng nằm tại Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), ngân hàng này sẽ xây dựng trụ sở làm việc mới tại mảnh đất số 31-33-35 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, theo lời ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB – tại phiên họp ĐHCĐ thường niên năm 2017, sở dĩ SHB chưa xây trụ sở được là do yếu tố khách quan do trung tâm thành phố khống chế chiều cao. Nếu vượt thẩm quyền của TP thì phải xin ý kiến của Thủ tướng. Nếu chỉ xây 8 tầng tại khu “đất vàng” là rất lãng phí. Thành phố đang báo cáo với Thủ tướng xây dự kiến 14-15 tầng.

Đến đầu năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề xuất điều chỉnh quy hoạch 2 khu đất “vàng” trên tuyến phố Lý Thường Kiệt để triển khai 2 dự án trụ sở văn phòng cao tầng, trong đó có dự án trụ sở của SHB.

Diễn biến khác, ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) đã thông qua phương án bán tài sản tại số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM.

Tài sản dự kiến chuyển nhượng bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 3-3A-3B-5 đường Sương Nguyệt Ánh với tổng diện tích 914,3 m2. Tại thời điểm này, khu đất là nơi tọa lạc của tòa cao ốc văn phòng từng là trụ sở cũ của NCB với trên 7.100 m2 diện tích mặt sàn.

Theo NCB, đơn vị này sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh với giá tối thiểu bằng 665 tỷ đồng. Mục đích của việc bán trụ sở được cho là cơ cấu lại danh mục tài sản, thu hồi vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh khác có hiệu quả hơn của ngân hàng này.

Dân phản đối, chính quyền lo ngại về việc nhồi cao ốc thêm 18 tầng của Vinaconex. Theo báo Tiền Phong, sau việc Tổng Công ty Vinaconex đề xuất xây cao ốc 24 tầng tại khu đất “siêu mỏng” trong Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội) không chỉ bị người dân sinh sống ở đây phản đối quyết liệt mà ngay cả chính quyền sở tại cũng lo ngại về những hệ lụy.

Tại văn bản này, UBND phường Nhân Chính cho biết, trước đề xuất của Tổng công ty Vinaconex về việc điều chỉnh quy hoạch khu đất ký hiệu CN (có diện tích khoảng hơn 4.300m2) thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính để xây dựng Tòa nhà gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ với quy mô 18 tầng nổi và 3 tầng hầm, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp với cư dân, hệ thống chính trị khu dân cư để lấy ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, qua các buổi họp, 100% cư dân đều phản đối Vinaconex xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng dự án tại ô đất trên.

Theo UBND phường Nhân Chính, tại các buổi họp, các cư dân rất bức xúc, không đồng ý việc triển khai dự án và đề nghị các cấp không nên triển khai dự án. Nếu có triển khai thì tại vị trí khác và xem xét sử dụng khu đất theo quy hoạch đã được phê duyệt để xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi giải trí phục vụ cho mục đích công cộng.

Đảng ủy, HĐND, UBND phường đã có nhiều buổi làm việc với hệ thống chính trị, chi bộ Khu đô thị cố gắng giữ ổn định dân cư, tránh bức xúc của cư dân do việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần tại khu vực. UBND phường nhân chính đề nghị UBND quận đề xuất với thành phố đánh giá tổng thể cơ sở hạ tầng chung cư khu vực, tăng hiện tích sử dụng cây xanh, sân chơi, nhà hội họp,… Đồng thời, cần đầu tư sửa chữa, sơn sửa các tòa nhà khang trang hơn.

“Việc cư dân và hệ thống chính trị không đồng ý điều chỉnh quy hoạch để thực hiện dự án, cơ quan chức năng nên cân nhắc kỹ việc điều chỉnh quy hoạch, vị trí chỗ đỗ xe ô tô…. để xây dựng khu đô thị văn minh, tránh thành điểm nóng”, UBND phường Nhân Chính kiến nghị.

Không chỉ vậy, cư dân ở đây cũng căng băng rôn phản đối việc Vinaconex xây tòa nhà cao 18 tầng tại ô đất ký hiệu CN trong Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính. Ảnh cư dân cung cấp.

100% người tham gia dự họp không đồng ý điều chỉnh quy hoạch để đầu tư dự án. Các giải pháp đảm bảo môi trường, giải quyết tắc đường cục bộ khi xe ra, vào gara,… càng áp lực lên cơ sở hạ tầng của khu đô thị.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 27-3: Chỉ số nhà hạng sang sụt giảm
  • Điểm tin cuối ngày 26-3: Nhiều dự án trong diện điều tra công an Hà Nội