Điểm tin cuối ngày 26-3: Nhiều dự án trong diện điều tra công an Hà Nội

Điểm tin cuối ngày 26-3: Nhiều dự án trong diện điều tra công an Hà Nội

Nhiều dự án nằm trong diện điều tra của công an Hà Nội, thị trường bất động sản Bình Phước và Tây Hồ Tây (Hà Nội) “tăng nhiệt”… là những nội dung chính trong điểm tin cuối ngày 26-3 trên News Mogi.

Một số dự án nằm trong diện điều tra của công an tại Hà Nội. Theo báo Tiền Phong, sáng 25-3, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về trật tự xây dựng. Theo báo cáo của UBND thành phố, có 12 kết luận thanh tra về trật tự xây dựng gồm 1 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; 3 kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng; 7 kết luận Thanh tra của Thanh tra thành phố và 1 kết luận thanh tra của Sở Xây dựng. Có 25 công trình/dự án vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận thanh tra. Đã xử lý xong 4 công trình/dự án. 21 công trình/dự án đang tiếp tục xử lý, trong đó có 10 công trình/dự án đang xem xét chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.

Phụ lục báo cáo của UBND thành phố nêu tên nhiều chủ dự án, công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Trong đó, có Dự án Khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc, quận Hà Đông do Tổng Cty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở và Trung tâm thương mại Hà Đông do Cty TNHH Huyndai RNC làm chủ đầu tư; Khu đô thị Thanh Hà- Cienco 5; các dự án xây dựng bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng tại các ô đất ký hiệu DX1, DX2, DX3, DX4, CX1, CX2 khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy; dự án 93 Lò Đúc; dự án 8B Lê Trực…

Riêng đối với dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5, UBND thành phố Hà Nội cho biết, nội dung vi phạm theo kết luận là diện tích xây dựng thêm tại tầng áp mái tại 9 tòa nhà chung cư thuộc các ô đất B1.4-HH01 và B1.4-HH02. Nguyên nhân tồn tại chưa xử lý được là do cơ quan an ninh điều tra bộ Công an đang tiến hành điều tra trong việc cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án.

Với việc thanh tra đối với việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng (một số dự án), kinh doanh bất động sản các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Cty Cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu BEMES làm chủ đầu tư, kể cả các dự án là nhà đầu tư thứ cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội… UBND thành phố cho biết, nội dung vi phạm theo kết luận gồm:

Dự án Khu nhà ở Xa La, Phúc La, Hà Đông: xây dựng thêm tầng; vi phạm mật độ xây dựng; diện tích căn hộ, biệt thự. Dự án có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì: Xây vượt 2 tầng + tầng áp mái; vi phạm mật độ xây dựng và mục đích sử dụng. Dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5, xã Tân Triều, Thanh Trì: Xây sai quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch được duyệt là 25 tầng +2 tầng KT +3 tầng hầm; thực tế: 35 tầng+1 tầng áp mái + 1 tầng hầm. Vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng.

Dự án tổ hợp chung cư và DVTM tại ô HH3 thuộc lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Linh Đàm, Hoàng Mai: xây 1 tầng hầm, trong khi quy hoạch được duyệt là 3 tầng hầm.

Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và TM Bemes, Kiến Hưng, Hà Đông: Sai quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch được duyệt 31 tầng +1 tum thang +2 tầng hầm nhưng thực tế 31 tầng +tầng áp mái+ 1 tầng hầm. Xây tăng số lượng căn hộ thấp tầng được duyệt.

Dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở cao tầng tại ô đất VP3, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai: Sai quy hoạch. Cụ thể quy hoạch được duyệt 29 tầng +2 tầng KT +2 tầng hầm nhưng thực tế 31 tầng +1 tầng áp mái +1 tầng hầm.

Dự án tổ hợp chung cư và dịch vụ TM tại ô HH4 thuộc lô CC6, Linh Đàm, Hoàng Mai: Sai quy hoạch. Cụ thể quy hoạch 3 tầng hầm nhưng thực tế 1 tầng hầm.

Về lý do tồn chưa xử lý, UBND thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan an ninh điều tra đang tiến hành điều tra.

Đất nền Bình Phước “hút hàng” khi vừa lên thành phố.  Theo ghi nhận của RaoXYZ, sau khi thị xã Đồng Xoài lên thành phố, nơi đây đã lập tức “hút” các ông lớn đổ về đầu tư. Điểm qua vài cái tên lớn trong ngành BĐS như FLC, Vingroup, Đại Nam, HUB Nha Trang… cũng đang đổ về Bình Phước phát triển dự án quy mô. Đơn cử như Đại Nam đang đầu tư dự án khu dân cư Đại Nam Bình Phước quy mô gần 100ha (huyện Chơn Thành, Bình Phước).

Tại Đồng Xoài, dự án có quy mô lớn thu hút sự quan tâm của NĐT có thể kể đến như Cát Tường Phú Hưng của Cát Tường Group. Với quy mô hơn 92ha. Mới đây, đơn vị này bung hơn 800 đất nền thuộc đợt 2 của dự án với mức giá từ 789 triệu đồng/nền và tỉ lệ giao dịch đạt gần 100%.

Chưa kể, những tiềm năng của thị trường bất động sản Bình Phước nói chung đã hiện hữu thời gian qua, khi nơi đây hội tụ nhiều KCN lớn như: KCN Đồng Xoài I, KCN Đồng Xoài II, KCN Bắc Đồng Phú, KCN Minh Hưng – Hàn Quốc, KCN Minh Hưng III, KCN Tân Khai I, KCN Tân Khai II,…

Hiện có 8 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 13 KCN với tổng diện tích 4.686ha và 1 khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Trong năm 2018, 3 KCN gồm: Becamex – Bình Phước (tổng diện tích 4.633ha); KCN Minh Hưng – Sikico (tổng diện tích 655ha) và KCN Đồng Xoài III (tổng diện tích 120ha) cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng.

Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch dự án khi muốn biến đất du lịch thành dự án công viên cây xanh. UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh quy hoạch khoảng 250ha đất xung quanh khu vực mỏ đá thuộc xã Phước Tân và Tam Phước (TP.Biên Hòa).

Theo quy hoạch chung đã được phê duyệt thì khu đất trên sẽ là các khu du lịch gắn với cảnh quan công viên rừng trồng và hai bên bờ sông Buông.

Qua rà soát, hiện nay các mỏ đá ở những khu vực trên vẫn đang khai thác và thời gian còn dài nên việc đầu tư khai thác du lịch khu vực này là không phù hợp với tình hình thực tế và chưa đáp ứng được các tiêu chí về môi trường để khai thác và thu hút du lịch.

Đồng thời, qua đánh giá vị trí và mối liên hệ vùng, khu vực này đã có các khu du lịch lớn như: Khu du lịch Sơn Tiên ở xã An Hòa, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, sân golf Long Thành tại xã Phước Tân… nên rất khó khăn trong thu hút đầu tư du lịch vào những địa điểm xung quanh các mỏ đá.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Bộ Xây dựng cho điều chỉnh 250 héc-ta đất quy hoạch du lịch sang đất công viên cây xanh để tạo cảnh quan, cải thiện môi trường tại khu vực và bổ sung quỹ đất công viên cây xanh trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Bất động sản Tây Hồ Tây
Bất động sản Tây Hồ Tây.

Bất động sản Tây Hồ Tây “nóng” nhờ vào hạ tầng phát triển. Thị trường bất động sản Tây Hồ Tây tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ  sau khi làn đường rộng 60m nối hai đường lớn Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng chính thức được thông hành.

Song song đó, chủ trương của thành phố, đến năm 2030 – tầm nhìn 2050, khu vực này dự kiến sẽ trở thành trung tâm hành chính mới của thủ đô với: trụ sở của tám bộ, ngành di dời về; trụ sở của 13 đại sứ quán cùng nhiều tổ chức quốc tế tầm cỡ…tất cả đã khiến cho thị trường bất động sản nơi đây chính thức “tăng nhiệt”.

Theo ghi nhận, giá đất nền ở nơi bắt đầu có sự dịch chuyển mạnh mẽ với trung bình 99 triệu đồng/2. Cùng với đó, những dự án chung cư cũng đang rất được quan tâm. Cụ thể, dự án Starlake được đầu tư và xây dựng ngay trong “khu đất vàng” cuối cùng của thủ đô với tỷ lệ xây dựng chỉ 31,5%, bao gồm 603 căn hộ cao cấp từ 2 đến 4 phòng ngủ, diện tích linh hoạt từ 91,25 – 154,54 m2.

Được đầu tư bởi tập đoàn Daewoo E&C với gần 50 năm kinh nghiệm và định hướng trở thành khu Trung tâm Hành chính mới của thủ đô, Starlake hứa hẹn sẽ mang đến cho các cư dân tương lai một không gian sống tươi mới, trong lành.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 26-3: Sai phạm đất rừng Sóc Sơn, ai phải chịu trách nhiệm?
  • Điểm tin cuối ngày 25-3: “Nóng” khi dân kéo lên UBND quận đòi nhà