Điểm tin cuối ngày 21-3: \

Điểm tin cuối ngày 21-3: \

Vinaconex “hô biến” nâng nhà 3 tầng lên… 18 tầng, điều chỉnh quy hoạch đô thị “kiểu mẫu” đang trở nên loạn…là những nội dung chính trong điểm tin cuối ngày 21-3 trên News Mogi.

Vinaconex “hô biến” nâng nhà 3 tầng lên… 18 tầng. Theo báo Tiền Phong, trước đề xuất công trình xây dựng 3 tầng thành cao ốc 24 tầng tại Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính của Vinaconex, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, khu đất này có chiều ngang mỏng vì vậy để tránh tạo tòa nhà hình siêu mỏng chỉ chấp thuận nâng lên thành 18 tầng.

Đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho hay, liên quan đến việc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất cao ốc ở trong Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính đã được Sở này báo cáo lên UBND TP Hà Nội.

Theo đó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến ông Lê Vinh đã có văn bản số 3458/QHKT/KHTH gửi UBND TP Hà Nội về việc quy hoạch kiến trúc tại khu đất mà chủ đầu tư đề xuất xây cao ốc.

Cụ thể, khu đất ký hiệu CN thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính có diện tích khoảng hơn 4.300m2, trên đất hiện có công trình cao 3 tầng. “Theo quy hoạch chi tiết duyệt năm 2001, khu đất có chức năng công nghiệp. Đến năm 2003, Vinaconex xin điều chỉnh phương án kiến trúc công trình tại khu đất trên với chức năng Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và với mật độ xây dưng 34,88%, diện tích sàn khoảng 4.249m2; hệ số sử dụng đất 0,98 lần; tầng cao trung bình 2,81 tầng. Đến nay, công trình đã thi công và đưa vào sử dụng”, Sở Quy hoạch-Kiến trúc nêu rõ.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, ngày 21-5-2018, Vinaconex tiếp tục có công văn đề xuất lập dự án đầu tư xây dựng công trình Tòa nhà gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch cao 24 tầng, diện tích xây dựng là 1686m2, mật độ xây dựng tăng lên 49%, tổng diện tích sàn tăng gấp khoảng 9 lần trước đó. Ngoài ra doanh nghiệp cũng đề xuất bổ sung diện tích sàn đổ xe gồm 3 tầng hầm và 3 tầng nổi.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, việc chủ đầu tư đề xuất chiều cao công trình 24 tầng là nằm trong khung cho phép của quy hoạch phân khu đô thị H2-2. Tuy nhiên, xét cụ thể về quy mô diện tích, hình dáng kích thước  khu đất có chiều ngang mỏng khoảng 25 – 30m (so với chiều dài khoảng 120m). “Vì vậy để đảm bảo tỷ lệ hình khối công trình giữa chiều cao với chiều rộng, trách tạo công trình có hình khối kiến trúc siêu mỏng, tại đây nghiên cứu phương án xây dựng công trình tối đa 18 tầng”, Văn bản của Sở Quy hoạch – Kiến trúc chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số dân cư trong khu vực, thì “việc Vinaconex xây dựng tòa nhà 18 tầng trên nền ngôi nhà 3 tầng của Trung tâm Dịch vụ thời trang cao cấp và Thủ công mỹ nghệ trước đây (trụ sở cũ của Vinaconex) sẽ khiến cuộc sống cư dân trong khu vực ngày càng trở lên ngột ngạt hơn”, một vị cư dân bức xúc.

Đất Xanh miền trung kêu gọi đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn ngoại. Cụ thể, Đất Xanh Miền Trung đã có buổi làm việc với Tập đoàn G.A Korea của Hàn Quốc. Đại diện Tập đoàn đến từ Hàn Quốc bày tỏ mong muốn trở thành đối tác chiến lược của Đất Xanh Miền Trung trong tương lai. Theo đó, khu phức hợp One Complex sẽ được coi là nền móng cho mối quan hệ, đánh dấu việc hợp tác chiến lược giữa hai bên để phát triển dự án này.

Qua chiến lược đề ra, cũng như “sức hút” của dự án, ông Dong Joon Rhee – Chủ tịch Hội đồng quản trị, CEO Tập đoàn GA Korea đánh giá cao chiến lược của Đất Xanh Miền Trung trong hoạt động đầu tư về nhà ở hạng sang theo chuẩn toàn cầu.

“Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển nâng tầm chiều sâu sản phẩm khi quỹ đất ‘vàng’ của Thành phố Đà Nẵng ngày càng thu hẹp. Các dự án quy mô lớn như One Complex là một tín hiệu đáng mừng”, vị này chia sẻ.

One Complex tọa lạc tại vị trí 4 mặt tiền đường Đào Duy Tùng, nằm ở khu vực bất động sản của quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, One Complex bao gồm 3 tòa tháp. Một tháp được Đất Xanh Miền Trung giữ lại khai thác căn hộ khách sạn 5 sao, hai tháp căn hộ hạng sang để bán.

Cần biết một điều rằng, với chiến lược kêu gọi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngoại. Đất Xanh miền trung đang thực hiện đúng tiêu chỉ từ các chuyên gia bất động sản cảnh báo cuối năm 2018 cho việc các ngân hàng bắt đầu “thắt chặt” tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản. Và điều này cũng mở ra hướng đi mới cho từng doanh nghiệp khác nhau.

Tập đoàn Vạn Phúc chuẩn bị mở bán lượng lớn nhà mặt phố. Theo ghi nhận từ RaoXYZ, nằm trong chiến lược tung ra nguồn hàng như đã định trong kế hoạch, cuối tháng 3 này, Vạn Phúc sẽ mở bán 50 căn nhà mặt phố thương mại cuối cùng vị trí đẹp nhất trục giao thông chính 30m của khu đô thị Vạn Phúc (quận 9). Đây là tuyến phố thương mại có vị trí giao thương sầm uất bậc nhất khu vực cửa ngõ Đông Bắc TP HCM, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A đến các vùng kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh Tây Nguyên.

Khác với quy hoạch thường thấy ở các khu dân cư mới áp dụng mô hình nhà ống thường thấy, Vạn Phúc City tiên phong với loại hình nhà phố thương mại có mặt tiền nhân đôi 7-9m. Mục tiêu trở thành một trong những khu đô thị đáng sống nhất tại TP.HCM. Đây giải pháp quy hoạch nhận đánh giá cao khi xây dựng mặt tiền rộng rãi, thoáng đãng. Yếu tố sang trọng, thẩm mỹ cũng được đề cao khi tuyến phố thương mại theo lối kiến trúc bán cổ điển, chiều cao 4-6 tầng, diện tích sử dụng lên đến 500-600m2 phù hợp tích hợp các công năng vừa ở vừa kinh doanh, mở văn phòng, dịch vụ…

VinCity chuyển đổi sản phẩm đô thị sang thương hiệu Vinhomes. Theo ghi nhận từ Mogi, người đại diện Vinhomes chia sẻ sẽ có bước điều chỉnh quy hoạch lại các dòng sản phẩm, chỉ còn đại đô thị Vinhomes và khu nhà ở cho người thu nhập thấp Happy Town. Trong đó, Vinhomes là thương hiệu bất động sản trung và cao cấp theo mô hình đẳng cấp quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn sống tương đương các nước phát triển. Happy Town là thương hiệu bất động sản nhà ở cho người thu nhập thấp.

Vinhomes cũng tiến hành chuyển đổi các dự án VinCity thành các đại đô thị mang thương hiệu Vinhomes.

“Với quy mô và hạ tầng đồng bộ đang được đầu tư theo mô hình ‘Singapore và hơn thế nữa’, VinCity hội tụ đủ điều kiện chuyển đổi thành tiêu chuẩn Vinhomes với ba dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng gồm: Vinhomes Sapphire, Vinhomes Ruby, Vinhomes Diamond”, đại diện công ty bổ sung.

Trong đó, Vinhomes Sapphire là dòng căn hộ hiện đại, hướng tới giới trẻ năng động, ưa thích công nghệ, có xu hướng lựa chọn các giải pháp thông minh và linh hoạt trong cuộc sống. Dòng sản phẩm VinCity hiện nay sẽ được đổi tên thành Vinhomes Sapphire. Cho nên các dự án như VinCity Grand Park, VinCity Ocean Park và Vincity Sportia sẽ chính thức đổi tên trong thời gian tới.

Choáng với số liệu chung cư tại TP.HCM.  Mới đây theo Sở Xây dựng TP.HCM công bố số liệu về tình trạng chung cư, ghi nhận hiện thành phố có 1.440 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5 lần so với năm 1975), với tổng diện tích sàn xây dựng 10.645.970m2, diện tích bình quân căn hộ 75m2/sàn/hộ. Tỷ lệ căn hộ chung cư chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên toàn TP.

Đại diện Sở xây dựng cho biết thêm, trong những năm gần đây, dự án chung cư tăng mạnh, tuy nhiên quy định pháp luật cũng như công tác quản lý chung cư nhiều nơi chưa đáp ứng những phát sinh từ thực tiễn.

Cụ thể, trong 1.440 chung cư có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 và một số chung cư xây dựng sau năm 1975 đến năm 2005, hầu hết không có Ban quản trị (BQT) và hoạt động theo mô hình tự quản, phù hợp với đặc điểm của chung cư và tình hình địa phương. Ngoài ra còn 212 chung cư chưa có BQT do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Điểm quan trọng là dự án chung cư mọc lên quá nhanh đã gây áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho chính quyền địa phương.  Sở Xây dựng nhấn mạnh thêm rằng, công tác quản lý nhà nước về chung cư đã được TP quan tâm, thực hiện. Dù vậy vẫn còn tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn trong công tác quản lý vận hành. Đặc biệt, vấn đề phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư còn nhiều bất cập. Mâu thuẫn này được Sở Xây dựng TP chỉ ra chủ yếu xuất phát từ tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng chung – riêng, nơi để xe…

tranh chấp chung cư
Cưu dân khu Ngoại giao phản đối chủ đầu tư.

Điều chỉnh quy hoạch đô thị “kiểu mẫu” đang trở nên loạn. Theo báo Tiền Phong, hàng loạt dự án xin điều chỉnh quy hoạch đều gặp phải sự phản đối của cộng đồng cư dân ngay từ đầu. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn được các cơ quan chức năng “hợp thức hoá” cho sự điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư.

Đơn cử khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Khu đô thị được công bố là có mật độ xây dựng chỉ 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa. Tuy nhiên, giờ đây quy hoạch đã bị thay đổi kiểu nhồi chung cư, khu công cộng biến mất.

Ông Cao Xuân Tùng, Trưởng Ban Quản trị tòa N03T2 cho biết, suốt thời gian dài hơn một năm qua, cư dân khu Ngoại giao đoàn đã gửi đơn thư đến các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 6-3-2019, Sở Quy hoạch – Kiến trúc mới có giấy mời họp tới đại diện cư dân và các cấp chính quyền để trao đổi về điều chỉnh quy hoạch.

Ông Tùng cho biết thêm, trước đó, Hà Nội quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu Ngoại giao đoàn với việc thay đổi công năng, tăng mật độ xây dựng. Cụ thể, một số lô đất trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng chỉ trên 20,5% thì nay tăng lên gấp đôi. Bên cạnh việc tăng mật độ xây dựng, một số ô đất có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất dịch vụ thương mại văn phòng, nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình gấp 3 lần. Những lô có chiều cao trung bình 7 tầng cũng được điều chỉnh lên 27 tầng, cộng thêm 3 tầng hầm… Đặc biệt, một số lô có chức năng xây dựng trạm biến thế điện, không được xây dựng tầng cao nhưng nay bị điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng cộng 2 tầng hầm.

Tại cuộc họp trên diễn ra vào ngày 14-3 vừa qua dưới sự chủ trì của ông Ngô Quý Tuấn – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc và đầy đủ các  thành phần kể cả đại diện chính quyền quận Bắc Từ Liêm, chủ đầu tư Hancorp và đại diện cư dân.

“Cư dân tham gia cuộc họp đều có ý kiến đúng như đơn kiến nghị đã gửi tới lãnh đạo thành phố, trong đó đề nghị giữ nguyên quy hoạch cũ đã duyệt theo quyết định 368/QĐ-UBND ngày 22/2/2010 của UBND TP Hà Nội. Quá trình điều chỉnh quy hoạch không lấy ý kiến của cư dân, vì thế bây giờ cần phải lấy lại ý kiến của cư dân”, ông Tùng cho hay.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng ghi nhận các kiến nghị của cư dân. Sở yêu cầu chủ đầu tư Hancorp chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn, UBND phường Xuân Tảo rà soát, giải trình bằng văn bản gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc để báo cáo UBND TP.

Thực tế, nhiều chủ đầu tư cố tình lừa gạt dân, khách hàng mua nhà công bố quy hoạch một đường, làm một nẻo…đã phải trả giá đắt. Công ty Cổ phần Quảng cáo và Xây dựng Địa ốc Việt Hân, chủ đầu tư dự án Goldmark City tại 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội sau khi ra sức lừa dối về quy hoạch xây trung tâm thương mại, đường nội khu… đã không bán thêm được cả hàng trăm căn hộ  đã xây dựng từ gần 3 năm qua. Đến nay, Công ty Việt Hân vẫn chưa thôi ý đồ biến trung tâm thương mại thành tòa nhà 40 tầng thứ 10, dù lãnh đạo TP Hà Nội đã ra công văn buộc chủ đầu tư phải lấy ý kiến cư dân.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

  • Điểm tin sáng 21-3: Kiến nghị truy tố cựu quan chức liên quan vụ án đất vàng Vũ “nhôm”
  • Điểm tin cuối ngày 20-3: Vingroup chính thức khởi công xây đường đua F1