Đề nghị xử lý hội nhóm mua bán sổ bảo hiểm xã hội trên mạng

Đề nghị xử lý hội nhóm mua bán sổ bảo hiểm xã hội trên mạng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Công an xử lý các hành vi mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) trên các hội nhóm, mạng xã hội.

Trong công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) ngày 5/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi kèm danh sách các trang, website có hành vi trên.

Động thái xuất phát từ việc cơ quan này nhận phản ánh của lao động về các hội nhóm lập ra nhằm trục lợi bất chính. Tình trạng kéo dài khiến lao động mất quyền lợi, dễ sa vào tín dụng đen và nảy sinh tranh chấp gây mất trật tự xã hội.

Hiện trên mạng xã hội các hội nhóm mua bán sổ BHXH hoạt động công khai. Trong đó, nhóm "Mua và cầm sổ bảo hiểm xã hội" thu hút hơn 15.000 thành viên, nhóm "Cần bán, thanh lý sổ bảo hiểm xã hội" có 4.000 người. Người mua đăng số điện thoại kèm nội dung "nhận tất tần tật sổ lỗi, sổ trùng, sổ nợ bảo hiểm, sai tên, nghỉ ngang, chưa chốt gộp". Điều kiện chỉ cần sổ đóng trên ba năm, có căn cước gắn chip, không cần cọc, không cần phí và sau 15 phút giao dịch người bán nhận được tiền.

Người bán phần lớn là công nhân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Phú Thọ... Hầu hết nói lý do chủ động "thanh lý" sổ vì cần tiền gấp, mức giá dao động 5-20 triệu đồng tùy thuộc thời gian đóng BHXH. Đơn cử, tài khoản Giang Hoàng rao thanh lý sổ BHXH tham gia 2 năm 7 tháng với mức lương trích đóng 10,7 triệu đồng, chốt vào tháng 11/2022. Nội dung sổ thể hiện rõ quá trình tham gia của lao động, từ tổ trưởng chuyền đến trưởng ca của một công ty chuyên sản xuất các loại motor tại Bến Cát (Bình Dương).

Sổ BHXH của người lao động thể hiện rõ quá trình tham gia, được đăng thanh lý công khai trong hội Mua bán và cầm sổ BHXH có 15.100 thành viên. Ảnh chụp màn hình

Sổ BHXH của người lao động thể hiện rõ quá trình tham gia, được đăng "thanh lý" công khai trong hội Mua bán và cầm sổ BHXH có 15.100 thành viên. Ảnh chụp màn hình

Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn tập trung đông lao động, công nhân thường rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần. Chỉ riêng ở Thái Bình, theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh này, giai đoạn 2020-2022 có trên 85.000 sổ bị thu gom, mua bán.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh tăng cường kiểm soát nhằm sớm phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Cụ thể, khi tiếp nhận hồ sơ rút BHXH một lần của lao động, cán bộ phải đối chiếu dữ liệu trên hệ thống với thông tin trên sổ; kiểm tra tính pháp lý của giấy ủy quyền, giấy tờ tùy thân của lao động để đảm bảo tiền hưởng đến đúng người.

Theo quy định hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho người lao động để theo dõi việc đóng - hưởng, là cơ sở giải quyết chế độ cho lao động. Đây không phải là tài sản nên theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không được phép mua bán, cầm cố sổ BHXH.

Góp ý Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, Hưng Yên, Thái Bình đề xuất cấm mua bán sổ BHXH, mượn giấy tờ người khác để đóng bảo hiểm. Các đơn vị này đánh giá quy định cho phép ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp BHXH khiến nhiều kẻ gian lợi dụng lôi kéo lao động mua bán sổ BHXH kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp để rút khoản một lần, hưởng chênh lệch.

Hồng Chiêu