Cuộc hội ngộ đặc biệt giữa hai người phụ nữ được ghép thận chéo

Cuộc hội ngộ đặc biệt giữa hai người phụ nữ được ghép thận chéo

Quả thận từ người xa lạ cùng nhóm máu đã may mắn mang đến cơ hội hồi sinh hai cuộc đời.

Chị Hồng và chị Huệ cùng PGS Thái Minh Sâm hội ngộ sau 5 năm thực hiện ca ghép thận chéo đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Bích Huệ.

Gặp lại nhau sau nhiều năm, chị Lê Thị Ánh Hồng (36 tuổi, Kiên Giang) và chị Vũ Thị Huệ (37 tuổi, Đắk Nông) liên tục trò chuyện, quấn quýt không rời.

Sáu năm trước, cả hai người bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy. May mắn, họ là hai trường hợp ghép thận chéo đầu tiên tại Việt Nam, sự sống vẫn nối dài và tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn.

Sự sống hồi sinh nhờ món quà vô giá

Chị Hồng được ba dượng tình nguyện hiến một quả thận. Mẹ ruột chị Huệ cũng tặng quả thận để cứu con gái. Tuy nhiên, điều trớ trêu là cặp đôi không phù hợp kháng thể khi nhận thận từ người thân.

Liên hệ duy nhất giữa 4 người họ là cùng nhóm B và sự tương thích về mặt kháng thể ghép thận. Kết quả, các bác sĩ đã đề xuất thận của ba dượng chị Hồng sẽ ghép cho chị Huệ. Còn chị Hồng nhận quả thận hiến từ mẹ chị Huệ.

Ngày 11/1/2017 đánh dấu cuộc đời hai người phụ nữ tái sinh, đồng thời cũng là cột mốc cho thành tựu mới trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.

"Gia đình chúng tôi vẫn giữ liên lạc, yêu quý nhau như người thân và điện thoại thăm hỏi nhau thường xuyên", chị Hồng chia sẻ với Zing.

Câu chuyện của cặp đôi Hồng - Huệ là một trong nhiều cuộc đời được nối dài sự sống nhờ "món quà vô giá" từ cơ thể người khác.

Số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não, tim ngừng đập từ 2014 đến 2022

Nhãn 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021
Số lượng đăng ký hiến tạng người 265 3542 6726 11853 19980 3823 4257 46171 62555

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 16/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết mỗi năm, thế giới có khoảng 40.000 trường hợp cấy ghép các bộ phận cơ thể người.

Con số thống kê cho thấy khoảng 460.000 người đang sống nhờ mô hoặc vài bộ phận cơ thể từ người khác.

Tại Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) ngày 4/6/1992 dưới sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài đã mở ra cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân đang đứng bên bờ sinh tử.

Cùng với thành tựu này, số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não, tim ngừng đập cũng gia tăng không ngừng qua các năm. Bệnh viện Chợ Rẫy có số người đăng ký hiến tạng cao nhất, chiếm khoảng 50%.

"Mô, tạng được hiến từ người chết não là món quà vô giá, bởi đây không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn nối dài sự sống cho những người tưởng chừng dập tắt hy vọng sống", Thứ trưởng Thuấn nói.

Tháng 12/1992, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thực hiện thành công ca ghép tạng đầu ở khu vực phía nam. PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng bộ môn Tiết niệu, xúc động kể lại hành trình từ những ngày lò mò tập ghép thận trên chó, đến nay, đơn vị này đã thực hiện thành công 1.226 ca ghép thận thành công trên người.

Hiện tại, tổng cộng hơn 1.500 trường hợp được Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi sau ghép, tỷ lệ thải ghép ngày càng được giảm thấp, từ 10% xuống còn dưới 3%.

"Hơn 300 em bé được sinh ra sau khi bố, mẹ được ghép thận. Sự sống ngày càng nối dài, hạnh phúc ngày càng lan tỏa", PGS Sâm xúc động nói.

Nỗ lực chống nạn buôn bán tạng người

GS.TS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ 30 năm qua (từ 1992 đến nay) là hành trình nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn, băn khoăn trong quá trình phát triển lĩnh vực ghép tạng Việt Nam.

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã được thông qua nhưng vấn nạn buôn bán mô, bộ phận cơ thể người hiện tại có nguy cơ làm hại thành tựu ghép tạng của Việt Nam.

mua ban tang nguoi anh 1

GS.TS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Nguyên Hạnh.

"Khi phát triển kỹ thuật, chưa bác sĩ nào nghĩ đến sẽ xảy ra hiện tượng mua bán tạng như hiện nay. Nhưng chúng ta không thể trốn tránh vấn đề này, phải đối mặt và làm sao hạn chế hoặc triệt tiêu để bảo vệ thành tựu ghép tạng", GS Sinh nói.

GS Trần Ngọc Sinh dẫn chứng ở Thái Lan, luật không chỉ phạt tù người mua tạng, ngay cả người bán tạng lẫn bác sĩ thực hiện cấy ghép cũng bị xử phạt rất nặng.

Mặc dù vậy, GS Sinh nhìn nhận thực tế nhu cầu cung không đủ cầu hiện nay là một phần nguyên nhân khiến vấn nạn mua bán tạng người ngày càng tràn lan.

Mỗi năm, cả nước ghi nhận số người chết não, ngưng tim hàng năm khá cao, nhưng số lượng đồng ý hiến mô, tạng trước khi qua đời không cao.

"Hiện chúng ta có hàng chục nghìn người hiến tạng sau khi chết não, làm thế nào để con số này tăng lên vài chục triệu người, nguồn tạng hiến sẽ tăng hơn. Việc vận động, thông tin đến người dân, giáo dục tư tưởng nhân đạo cho giới trẻ về việc hiến tạng sau khi chết não rất quan trọng", GS Sinh nhấn mạnh.

Sách về nghề y

Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:

Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.

Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.

Bích Huệ