Cư xử chốn công sở: Cá tính tự nhiên hay đang "làm màu"?

Cư xử chốn công sở: Cá tính tự nhiên hay đang "làm màu"?

Chốn công sở là một thế giới xã hội thu nhỏ mà ở đó bạn cần phải điều tiết, ứng xử khéo léo, khôn ngoan với mọi người để đạt hiệu quả cao trong công việc, tránh những vấn đề không đáng có nảy sinh. Vậy làm sao để chúng ta phân biệt được đâu là cá tính tự nhiên, đâu là chừng mực ứng xử và đâu là “làm màu”? Hãy theo dõi những chia sẻ thực tế sau đây để trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp thông minh chốn công sở nhé!

Thẳng thắn có phải là sự bao che cho tính cách nông nổi và bồng bột?

“Em là người thẳng thắn, có gì nói đó” – Câu nói thể hiện sự thẳng thắn, bộc trực chúng ta dễ dàng nghe được ở một vài người nhưng cũng chính là câu nói thể hiện sự thiếu suy nghĩ, thiếu thấu đáo trong cách ứng xử nơi công sở.

Quá thẳng thắn chính là sự bao che cho tính cách nông nổi và bồng bột. Không phải cứ có gì nói đó, nghĩ gì làm đó là thẳng thắn, là đúng đắn. Thẳng thắn với thiếu tế nhị là hai phạm trù khác nhau song nhiều người vẫn hay nhầm lẫn. Chúng ta cần lựa chọn cách thể hiện cảm xúc, quan điểm của bản thân sao cho phù hợp và có sự để ý,quan tâm đến cảm xúc của đối phương.

Sẽ như thế nào nếu có ai đó hỏi bạn rằng: “Hôm nay tớ mặc chiếc đầm này có đẹp không” và bạn trả lời “Cũng bình thường á cậu”. Sẽ như thế nào nếu bạn thấy một người không mấy cân đối luôn than phiền về cân nặng của mình ngày nào cũng đặt trà sữa tới chỗ làm và bạn muốn góp ý, khuyên nhủ bạn ấy giảm thiểu uống trà sữa để giữ vóc dáng nhưng thay vì nhẹ nhàng, tinh tế bạn lại thẳng thừng: “Chị béo thế rồi còn uống nhiều trà sữa vậy?”. Đây là sự kém duyên, thiếu tế nhị chứ không phải thẳng thắn.

Nông nổi và bồng bột trong lời nói, hành động ảnh hưởng đến không khí làm việc chung, đến mối quan hệ giữa bạn và mọi người. Đó mới chỉ xét đến hậu quả ở khía cạnh cảm xúc, còn ở khía cạnh công việc, sự thiếu tế nhị và kém duyên là kẻ thù âm thầm kéo lùi sự phát triển, đi lên của công ty, doanh nghiệp. Ban lãnh đạo, các trưởng phòng với kỹ năng quản lý thiếu tế nhị, thiếu chừng mực và quá thẳng thắn vô tình sẽ làm không khí làm việc trở nên căng thẳng, từ đó năng suất làm việc kém hiệu quả. Mọi người dè dặt, ái ngại hơn trong việc đưa ra ý kiến, ý tưởng với cấp trên. Bên cạnh đó, khi bạn đưa ra lời phê bình, đánh giá cho cấp dưới một cách thẳng thắn thiếu tế nhị, không có sự động viên khuyến khích vô tình sẽ kéo tinh thần làm việc và thay đổi cách nhìn của họ về khả năng lãnh đạo của bạn. Giữa đồng nghiệp với nhau, nên có những lời đánh giá, góp ý chân thành nhưng khéo léo và tinh tế với mục đích giúp đỡ nhau thúc đẩy cùng phát triển.

Tự tin vừa đủ để không trở thành tự cao, “màu mè”

Tự tin là đức tính tốt mà chúng ta cần có để thành công và hạnh phúc hơn ở mọi khía cạnh của cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Tự tin quá mức lại đem lại những hậu quả nghiêm trọng không đáng có trong mối quan hệ giữa bạn với đồng nghiệp và cả năng suất công việc.

Việc hiểu rõ bản thân mình ở đâu, sở hữu những tiềm năng gì là một điều vô cùng cần thiết để có thể tự tin giao tiếp và làm việc hiệu quả. Nhưng khi sự tự tin vượt qua giới hạn khiến bạn phóng đại khả năng của bản thân, những gì bạn đang có, ngăn cản bạn trải nghiệm những điều mới mẻ và đôi lần không biết lắng nghe người khác. Tự tin thái quá sẽ trở thành khuyết điểm bất lợi trên con đường chinh phục hạnh phúc và thành công của chính bạn.

Lấy ví dụ đơn giản nhưng lại rất phổ biến: Bạn đánh giá thấp thời gian đi lại, chuẩn bị, kẹt xe, các vấn đề giao thông nên đã trễ hẹn, kết quả là đối tác, khách hàng hay bạn bè của bạn cảm thấy thiếu tôn trọng, đánh giá cách làm việc của bạn, cho rằng bạn là một người không biết cách quản lý thời gian của mình. Một ví dụ nữa cho sự tự tin thái quá đó là bạn ỷ lại vào khả năng vốn có của mình nên đã không toàn tâm toàn ý cho dự án đang đảm nhiệm. Kết quả là thời gian gấp rút khiến dự án không thành công, từ đó năng suất công việc trong công ty giảm sút, cách nhìn, đánh giá của cấp trên đối với bạn cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. 

Tự tin thái quá, “làm màu” trong chính lời nói và hành động ngoài việc giảm sút hiệu quả làm việc, còn để lại hệ luỵ lên mối quan hệ giữa bạn với đồng nghiệp trong chốn công sở. Đồng nghiệp có thể sẽ cô lập vì cho rằng bạn quá ngạo mạn, thiếu quan tâm và tôn trọng đến người khác.

Quá tự tin với năng lực chính mình là điều xảy đến với hầu hết chúng ta, không ít thì nhiều. Tuy nhiên, chúng ta đều có thể tiết chế, tự làm chủ và điều hoà cảm xúc cá nhân cho phù hợp. Chỉ cần một vài lần nộp bài trễ hạn, một vài lần bị khiển trách, trừ lương vì công việc không năng suất hay ánh nhìn khác lạ từ đồng nghiệp, bạn đều có thể dễ dàng nhận ra bản thân mình đang tự tin quá mức và có giải pháp quản lý, thay đổi ngay lập tức. Tự tin vừa đủ, đi kèm với đức tính khiêm tốn, biết chừng mực để bản thân luôn không ngừng học hỏi, hoàn thiện và phát triển những điều mới lạ. Hãy tập trung vào nỗ lực, đừng nhìn vào kết quả và ngủ quên trong chiến thắng. Bên cạnh đó, giữ một tâm trí rộng mở, luôn biết cách lắng nghe và tiếp thu từ đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng hay đối tác để nắm bắt nhiều góc nhìn mới.

Bạn không phải là trung tâm của vũ trụ

Chúng ta là nhân vật chính trong cuộc đời, trong những câu chuyện thường ngày của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ. Chúng ta chỉ là một thành phần trong vô số những thành phần khác làm nên vũ trụ, hay nói cách khác, chúng ta chỉ là một nhân viên, một mảnh ghép làm nên bộ máy công ty và cùng hoạt động nhịp nhàng. Thiếu chúng ta, công việc sẽ có phần chậm trễ hơn một chút nhưng nó vẫn sẽ được hoàn thành và vị trí của bạn sẽ được thay thế bởi một người khác. Đặt cái tôi của bản thân lên quá cao, cho bản thân là phiên bản đặc biệt có thể đem lại những khó khăn nhất định.

Khi bạn nghĩ bạn là trung tâm của vũ trụ, bạn sẽ dễ dàng quyết định dựa theo hệ quy chiếu của cá nhân mình. Cách suy nghĩ phiến diện này có thể tự tạo những cảm xúc tiêu cực nơi bạn, đồng thời ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn với đồng nghiệp. Mọi người vẫn hoạt động, làm việc và không nhất thiết là luôn có những cử chỉ, lời nói liên quan đến bạn. Sự ngộ nhận của chính bạn sẽ vô tình đặt bạn trong những câu hỏi quẩn quanh, những tò mò thắc mắc, gây nên sự nhạy cảm. Trong một cuộc họp, khi đưa ra ý kiến, bạn có thể dễ bị tổn thương hoặc giận dữ nếu không nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ mọi người. Bản ngã của chúng ta luôn thích được là trung tâm vũ trụ, là nhân vật nổi bật luôn dễ khiến chúng ta mệt mỏi. Tất cả đều là những mảnh ghép nhỏ, cùng tụ họp và nhịp nhàng làm việc cùng nhau mà thôi.

Đừng để cái mác “cá tính tự nhiên” làm bạn có những sai lệch, thiếu chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp nơi chốn công sở. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có những kinh nghiệm, bài học ý nghĩa và hữu ích để điều hoà, duy trì mối quan hệ tốt đẹp ở nơi làm việc và gặt hái những thành công nhất định trên con đường sự nghiệp của mình.

 

>> Xem thêm: Sau đại dịch, còn lối đi nào cho người vừa mất việc?

— HR Insider —
RaoXYZ 
– Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam