Chủ xe húc hòn đá trên cao tốc có thể không được bồi thường

Chủ xe húc hòn đá trên cao tốc có thể không được bồi thường

Nếu cảnh sát giao thông kết luận lỗi hoàn toàn do chủ xe không làm chủ tốc độ, thì anh này sẽ không được các bên khác bồi thường, theo luật sư.

Trả lời cho câu hỏi Chủ xe có được bồi thường vì húc hòn đá giữa đường cao tốc luật sư Đặng Thành Chung, đoàn luật sư Hà Nội cho biết, theo Bộ luật dân sự 2015, để xác định các bên liên quan như Ban quản lý đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, đơn vị vận chuyển, tài xế vận chuyển hòn đá có phải bồi thường cho tài xế xe Honda City hay không, cần xác định được yếu tố: thiệt hại vật chất xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm, người bị thiệt hại hoàn toàn bất khả kháng.

Tức là, nếu chứng minh được hòn đá rơi là nguyên nhân gây tai nạn, tài xế không có cách xử lý nào khác thì các bên liên quan phải bồi thường.

Đâm hòn đá do xe vận chuyển làm rơi trên cao tốc
 
 
Đâm hòn đá do xe vận chuyển làm rơi trên cao tốc

Khoảnh khắc xe va chạm với hòn đá nặng 100 kg trên cao tốc. Video: Quang Chung

Việc xác định các yếu tố này phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền, ở đây là cảnh sát giao thông (CSGT). Nếu CSGT kết luận chủ xe Honda City đã tuân thủ quy định an toàn giao thông, tai nạn xảy ra hoàn toàn do sự xuất hiện bất ngờ của phiến đá, thì tài xế xe chở hàng hoặc đơn vị vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường. Ngược lại, nếu CSGT xác định lỗi hoàn toàn do chủ xe thì không được bồi thường.

Trong trường hợp này, một CSGT tại Hà Nội cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào hình ảnh video, không thể kết luận ngay lỗi trong tình huống này do những bên nào. Vị này cho biết, đúng ra, tài xế và ban quản lý đường cao tốc cần thông báo cho CSGT gần nhất để ghi nhận hiện trường, tiến hành điều tra theo nghiệp vụ thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Lúc này, không còn hiện trường, nên việc điều tra sẽ khó khăn hơn. Ví dụ: video của tài xế không cung cấp được tốc độ khi xảy ra tai nạn, không đo được vệt phanh bánh xe...

Với đơn vị chở viên đá làm rơi ra đường, theo luật sư Chung, kể cả CSGT xác định mức độ liên quan tới vụ tai nạn thế nào thì vẫn phải nộp phạt. Cụ thể, việc vạn chuyển hàng làm rơi ra đường bị phạt 2-4 triệu đồng theo Nghị định 100/2019, đồng thời buộc phải thu dọn đồ rơi, khôi phục tình trạng ban đầu của đường nếu bị thay đổi.

Trong khi đó, với Ban quản lý đường cao tốc, việc tuần kiểm đường cao tốc là bắt buộc theo quy định tại Thông tư 90/2014 để ngăn chặn, xử lý các hành vi bị nghiêm cấm, các tai nạn, sự cố.

"Tuy nhiên, việc tuần đường được thực hiện theo kế hoạch đã lập trước đó nên rất khó kết luận đơn vị này thiếu trách nhiệm nếu thời điểm xảy ra tai nạn không trùng với kế hoạch tuần đường", luật sự Chung cho biết. Hiện pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường đối với các trường hợp này.

Viên đá gây tai nạn cho chiếc Honda City. Ảnh:Quang Chung

Viên đá gây tai nạn cho chiếc Honda City. Ảnh:Quang Chung

Anh Vinh Nguyễn, hướng dẫn viên lái xe an toàn cho các hãng xe tại Việt Nam khuyên các tài xế nên chủ động tốc độ, sử dụng chế độ đèn chiếc xa, gần hợp lý. Nếu đèn ngược chiều làm chói mắt, giảm tầm nhìn, tài xế cần phải giảm tốc độ đến mức an toàn để có thể xử lý các tình huống. Khi thấy chướng ngại vật bất ngờ, quan sát nhanh hai bên làn đường, nếu thông thoáng, có thể đánh lái tránh kết hợp phanh. Hiện nay các xe đều có công nghệ ABS (chống bó cứng phanh) nên không xảy ra hiện tượng bó phanh, trượt xe. Ngược lại, nếu có xe ngay sát ở làn bên cạnh, lúc nào không được đánh lái gấp mà cần phải phanh và thẳng lái, chấp nhận va chạm nhưng thiệt hại sẽ giảm đáng kể.

Nguyên Vũ - Gia Chính