Chi tiền triệu cho một buổi tập pilates

Chi tiền triệu cho một buổi tập pilates

Nhiều người sẵn sàng chi từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng cho một buổi tập pilates, như khoản đầu tư sức khỏe chính đáng.

Công việc bận rộn, Anh Tú 29 tuổi, nhân viên xuất nhập khẩu tại quận Tân Bình, TP HCM, vẫn tranh thủ đến phòng tập pilates từ 7h, ba buổi một tuần. Cuối năm 2019, biết pilates được nhiều siêu mẫu trên thế giới tập luyện, Tú tìm hiểu và gắn bó với bộ môn này để tăng cường sức khỏe.

So với trước khi tập, Anh Tú cảm nhận phần cơ trung tâm của mình được tác động đúng, cơ thể săn lại, thanh thoát, giúp anh "có năng lượng làm việc liên tục từ sáng đến tối". Lúc mệt, càng tập luyện, anh lại thấy khỏe và ngủ ngon giấc hơn.

Pilates là hình thức tập luyện lấy cảm hứng từ yoga, xuất hiện trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất, kết hợp những động tác thăng bằng, linh hoạt và điều chỉnh hơi thở. Pilates tác động sâu vào các nhóm cơ ở vùng lưng, bụng và hông, giúp chúng khỏe lên, từ đó cơ thể cân đối, dẻo dai, săn chắc. Môn thể thao này được giới công sở ưa chuộng để trị "bệnh văn phòng" trong những năm gần đây.

Theo Anh Tú, chi phí hai buổi tập pilates của anh gần bằng số tiền tập một tháng ở các trung tâm thể hình, nhưng nếu xét về lợi ích thì "hoàn toàn hợp lý". Trong lớp học tối đa 10 người, anh thấy thoải mái vì được huấn luyện viên hướng dẫn cẩn thận.

"Thay vì ăn uống thả ga hoặc chi tiêu phung phí, mình sẽ dành những khoản đó để mang lại giá trị sức khỏe. Việc này dựa vào kế hoạch chi tiêu của mỗi người", anh nói.

Với Anh Tú, pilates đáp ứng được nhu cầu tập để khỏe hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với Anh Tú, pilates đáp ứng được nhu cầu tập để khỏe hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từng tập gym, boxing nhưng không cải thiện được cơ thể, Ngọc Mai 24 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận Bình Thạnh, TP HCM, đã giảm gần 20 kg sau hai năm kiên trì với pilates. Từ cân nặng 65 kg, hiện Mai còn 45 kg.

So với các môn thể thao khác, Ngọc Mai cho rằng pilates nhẹ nhàng hơn, đòi hỏi sức bền và sự dẻo dai nhất định. Mai cảm thấy "cứng nhắc" khi tập gym bởi luôn tập trung giữa cardio và tạ, còn với pilates cô có thể thay đổi đa dạng các loại máy tập.

Thời gian đầu, cơ thể Ngọc Mai thường tê cứng, đau mỏi do phần cơ được tác động, phải nhờ huấn luyện viên chỉnh sửa nhiều động tác. Theo cô, pilates không phải chỉ "nhìn theo là tập được", cần được hướng dẫn kỹ với huấn luyện viên chuyên nghiệp để tránh chấn thương, đặc biệt khi tập với máy móc.

Ngọc Mai tham gia một lớp tập khoảng 8 người, tập ba buổi một tuần, mỗi buổi tập chi phí hơn 400.000 đồng. Cô cho rằng giá này không quá đắt đỏ, hợp lý với dân văn phòng hoặc những người đã từng tập gym. "Mình xem pilates là thói quen tập luyện hàng ngày, không phải tập để giảm cân rồi dừng hẳn. Vì sức khỏe, nếu tập mà an toàn và hiệu quả tích cực thì xứng đáng để đầu tư", Mai nói.

Nhiều người quen, đồng nghiệp của Ngọc Mai tập bộ môn này, được cô nhận xét "như một trào lưu". Có người tập đã 5 năm, có người mới tập hai tháng và từ bỏ vì mau chán, tập luyện chỉ với mục đích chụp ảnh "sống ảo".

Nhận định về trào lưu này, chị Quỳnh Trần, huấn luyện viên pilates tại một trung tâm Hà Nội, nói số lượng phòng tập tăng đáng kể sau dịch Covid-19 với lượng người tham gia đông đảo. Tại trung tâm của chị, nữ nhân viên văn phòng từ 30 tuổi và nam giới người nước ngoài là hai nhóm tập luyện nhiều nhất. Phần đông học viên muốn duy trì tập luyện để cải thiện đau cột sống, giúp cơ thể săn chắc, thon gọn.

Huấn luyện viên cho rằng do nhiều người nổi tiếng tại Hàn Quốc ưa chuộng bộ môn này, khiến giới trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng, tò mò và tìm hiểu xem có gì thú vị. Ngoài ra, sau dịch bệnh, nhiều người muốn đầu tư hơn vào sức khỏe trong khi các bộ môn như yoga dần bão hòa.

Chị Quỳnh Trần nhận xét pilates là môn thể thao đặc biệt phù hợp với nữ giới trên 35 tuổi. Môn tập này cũng đã giúp chị giảm được các bệnh đau vai, gáy đeo bám khi còn trẻ. "Pilates không pha trộn cách tập của gym và yoga nhưng giúp đạt được mục tiêu của hai bộ môn này", chị nói

Chị Quỳnh Trần phải trải qua nhiều khóa đào tạo trở thành huấn luyện viên pilates. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Quỳnh Trần phải trải qua nhiều khóa đào tạo trở thành huấn luyện viên pilates. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo chị Quỳnh, lý do khiến pilates "đắt đỏ" là bởi yêu cầu chi phí trang bị máy móc và đào tạo huấn luyện viên theo chứng chỉ quốc tế, lên đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, một buổi tập riêng với huấn luyện viên có thể hơn một triệu đồng cho một người. Tuy nhiên, chị gợi ý người tập pilates có thể tập với thảm hoặc theo nhóm, hiệu quả vẫn tốt và chi phí tiết kiệm hơn.

"Pilates không phải bộ môn đẳng cấp như nhiều người thường nghĩ. Người tập cần xác định được vấn đề của mình là giảm cân hay trị đau và nên kiên nhẫn trải qua các giai đoạn tập luyện", chị Quỳnh nói.

Hải Hà