Bartender là nghề gì? Chỉ "đam mê" có làm được Bartender?

Bartender là nghề gì? Chỉ "đam mê" có làm được Bartender?

Bartender hiện nay đang trở thành một hiện tượng “hot” trong cộng đồng lao động trẻ. Thế nhưng, để thành công với nghề Bartender, liệu đam mê thôi có đủ? Là người mới bắt đầu tìm hiểu về Bartender, bạn nên bắt đầu từ đâu? Cùng RaoXYZ tìm hiểu nhiều hơn để định hướng nghề Bartender một cách phù hợp nhất với bản thân mình nhé!

1.Bartender là gì?

Bartender - Nghề "hot" thu hút người trẻ

Bartender – Nghề “hot” thu hút người trẻ

Bartender là nhân viên pha chế làm việc tại các quán Bar, quầy Bar nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng,… Công việc chính của Bartender là pha chế các loại thức uống có cồn, nhẹ hoặc không cồn theo yêu cầu của thực khách, từ các loại thức uống, nguyên liệu như: rượu, nước ngọt có ga, nước hoa quả,… 

Nhiều bạn trẻ hiện nay thường nhầm lẫn Bartender với vị trí Barista, vị trí nhân viên pha cà phê tại các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn. Nếu Bartender am hiểu về các loại rượu, cocktail và mocktail, thì Barista là những chuyên gia về cà phê và cacao. Không chỉ có thể kể vô vàn câu chuyện về rượu, Bartender còn là chủ nhân của những màn múa bình Shaker (bình pha chế đồ uống) điêu luyện và đẹp mắt. Trong khi đó, Barista là người “biết tuốt” về các loại cà phê và cacao, từ công đoạn rang, xay hạt, cho đến cách pha chế nóng, lạnh, Họ còn là nghệ sĩ tạo nên những bức tranh đẹp mắt trên mỗi tách cà phê ngọt bùi, béo ngậy đầy hấp dẫn.

Trên thực tế, Bartender là một nghề hấp dẫn và phù hợp với người trẻ bởi các yếu tố như môi trường làm việc thoải mái, không phân biệt giới tính cùng với mức thu nhập hấp dẫn,… Hay đơn giản, các bạn thích không gian làm việc sáng tạo cùng các loại rượu, thích hình ảnh của một Bartender tỉ mỉ tạo ra những ly cocktail đẹp mắt,… Tuy nhiên, vì còn là nghề mới tại thị trường Việt Nam, nên những thông tin về Bartender vẫn còn chưa phổ biến, cũng như tính chắc chắn, ổn định của nghề còn chưa cao. Đó là lý do khiến các bạn trẻ dù thích, nhưng hiếm người đủ đam mê để theo đuổi. Vậy đâu là những điều bạn cần hiểu rõ khi tìm hiểu về nghề Bartender?

2.Mức lương và cơ hội thành công của một Bartender

Giống như hầu hết các nghề nghiệp trong khối nhà hàng-khách sạn, người ta quan tâm đến “thu nhập” của một Bartender nhiều hơn “lương”. Không chỉ vậy, đặc thù nghề nghiệp của Bartender khiến vị trí này trở nên dễ dàng nhận được tiền TIP và service charge nhiều hơn các vị trí khác. Cụ thể hơn, với một người theo đuổi nghề Bartender tại Việt Nam, không tính các khoản thu nhập phụ, mức lương sẽ dao động từ 5-8 triệu (với vị trí nhân viên) đến trên 20 triệu (với vị trí quản lý nhà hàng-Bar)

Lộ trình thăng tiến của Bartender

Lộ trình thăng tiến của Bartender

Bên cạnh mức thu nhập, con đường thăng tiến sự nghiệp của một Bartender cũng khiến không ít người trẻ ngạc nhiên. Trên thực tế, một Bartender hoàn toàn có thể thăng tiến đến chức danh Quản lý nhà hàng-Bar. Các thông tin tuyển dụng về Bartender hiện nay cũng rất đa dạng với nhu cầu lớn, nếu thực sự thích, bạn có thể tham khảo để có thêm động lực theo đuổi công việc này nhé.

>> Tin tuyển dụng Bartender

3.Bartender cần những tố chất, kỹ năng gì?

3.1.        Những tố chất, kỹ năng tạo nên thành công của một Bartender

Bartender là một nghề giàu tính nghệ thuật cả trong làm nghề và giao tiếp, ứng xử. Vậy nên, có những tố chất, kỹ năng đặc biệt tạo nên thế mạnh, sức hút của một Bartender, cũng như giúp các Bartender có nhiều đam mê hơn với nghề.

  • Khả năng vận động linh hoạt

Nếu đã từng được xem một Bartender đứng quấy, chắc chắn bạn cũng cảm nhận được phần nào sự nhanh nhẹn của họ đúng không? Khả năng vận động tốt chính là một trong những kỹ năng cần có của một Bartender. Sự nhanh nhẹn trong vận động không chỉ giúp cho Bartender dễ dàng tập và trình diễn những màn múa Shaker đẹp mắt, mà còn giúp họ làm việc một cách hiệu quả hơn. Với không gian làm việc có đến hàng trăm loại rượu và thức uống khác nhau, Bartender cần có sự nhanh nhẹn để đảm bảo việc phục vụ khách hàng được nhanh chóng, chất lượng nhất.

  • Trí nhớ tốt

Một trí nhớ tốt không chỉ đơn giản là để nhớ tên các loại thức uống hay đơn đặt món của khách hàng, trí nhớ của một Bartender còn dùng để nhớ mặt, nhớ tên, đồ uống yêu thích của khách hàng thân thiết. Bartender là người luôn có cơ hội giao tiếp trực tiếp với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng quen thuộc, việc nhớ được “họ là ai?”, “họ thích uống gì?” là một điểm cộng phục vụ vô cùng lớn. Càng với khách hàng quan trọng, VIP, trí nhớ tốt càng là một thế mạnh, tạo ra cơ hội phát triển rộng mở hơn cho một Bartender.

  • Khả năng giao tiếp thấu hiểu

Tại một không gian phục vụ chủ yếu là thức uống ít hoặc có cồn, việc giao tiếp với khách hàng là vô cùng quan trọng. Bạn cần đủ tinh tế để đọc vị khách hàng của mình:”Họ muốn nói chuyện nhiều hơn hay chỉ đơn giản là gọi món?”, đảm bảo rằng bạn đang lắng nghe khách hàng của mình. Bạn cũng cần duy trì biểu cảm và giọng nói một cách rõ ràng và tích cực, thân thiện.

Trên thực tế, kinh nghiệm sống và kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ giúp bạn có thể làm tốt khía cạnh này. Dù vậy, nếu bản thân bạn là người có điểm mạnh về giao tiếp thì đó thực sự là một tố chất tốt để phát triển bản thân trong nghề Bartender.

  • Sự bình tĩnh

Bartender thực tế là một nghề gặp phải khá nhiều áp lực công việc bởi các yếu tố về môi trường làm việc cũng như tính chất công việc. Tính phức tạp và những quy chuẩn phục vụ yêu cầu một Bartender cần phải giữ bình tĩnh khi gặp phải áp lực công việc. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự điều chỉnh của cá nhân người làm nghề. Vậy nên, nếu bạn theo đuổi nghề Bartender thì bạn nên lưu ý.

  • Khả năng quản lý công việc

Nghề nào thì kiến thức cũng đều là bao la, nhà người ta học trăm nghìn công thức, lý thuyết, thì nhà mình cũng phải học trăm nghìn loại đồ uống, cách pha chế, kỹ thuật khác nhau. Không chỉ vậy, thuộc nhóm ngành nghề nhà hàng-khách sạn, Bartender cần hạn chế nhất có thể việc mắc lỗi phục vụ. Đó là những lý do mà một người làm Bartender cần biết cách quản lý công việc tốt. Quầy Bar của họ cần ở trong tình trạng phục vụ tốt nhất, đơn hàng được kiểm soát, vị trí đồ uống, dụng cụ cần thuận tiện cho việc pha chế, phục vụ khách,… Phía sau quầy Bar luôn cần chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu, dụng cụ cho trường hợp chúng sắp hết.

Bartender là gì? Chỉ "đam mê" có làm được Bartender?

Để trở thành một Bartender” hạnh phúc cần nhiều hơn sự đam mê

3.2.        Bartender ở Việt Nam: Đam mê để làm nghề, bản lĩnh để thành công

Đối với một nghề thiên về tính sáng tạo và kỹ năng như Bartender, đam mê là một yếu tố giúp những ai theo đuổi công việc này có thêm nhiều động lực làm việc và gắn bó với nghề. Tuy nhiên, trên thực tế, đam mê thôi chưa đủ, một Bartender luôn cần bản lĩnh để có thể tiến xa và tạo lập sự nghiệp cho mình. Việt Nam những năm gần đây đang xuất hiện ngày một nhiều những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, những quán bả cũng ngày một nhiều cùng với nhu cầu tận hưởng của người trẻ. Đó chính là những dấu hiệu tích cực, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho những ai theo đuổi nghề Bartender. Tuy nhiên, ngay từ đầu, đây đã là một thử thách không hề đơn giản.

Việc học nghề là thử thách đầu tiên. Bạn phải nhớ các loại rượu, các loại đồ uống, cách pha chế từ đơn giản đến phức tạp. Sau thử thách học thuộc lòng, kỹ năng chính là khó khăn thứ hai. Việc rèn luyện là vô cùng cần thiết với một Bartender, bạn sẽ gặp phải mâu thuẫn trong việc: muốn đi làm nhưng chưa đủ trình độ, mà không đi làm thì môi trường thực hành quá ít. Và thực tế, những người theo đuổi công việc Bartender luôn phải bắt đầu từ vị trí phục vụ bàn quầy bar để tìm kiếm môi trường học hỏi và thực hành thực tế. Trước khi có thể trở thành một Bartender, bạn có thể sẽ phải đi một đường vòng khá xa, liệu đam mê của bạn có đủ mạnh mẽ để theo đuổi con đường này không? Trường hợp khó để bắt đầu, bạn có thể khởi động trước với khối nghề khách sạn-nhà hàng-bar để làm  quen hơn với công việc.

>> Việc làm nhà hàng-khách sạn

Thế nhưng, trở thành một Bartender vẫn chưa hẳn là đích đến ổn định. Làm việc trong một môi trường “mở” như quầy bar, nơi bạn có thể gặp đủ mọi đối tượng trong xã hội, những cám dỗ cũng như định kiến từ người xung quanh có thể khiến bạn gặp nhiều áp lực hơn. Bạn cần một bản lĩnh mạnh mẽ để kiên định với sự lựa chọn và đam mê của mình. Bạn cũng cần bản lĩnh để tự tin đứng vững trước những cám dỗ trong nghề. Hơn tất cả, bạn phải là người có trách nhiệm với bản thân, linh hoạt trong công việc nhưng giữ được lý trí trước mọi quyết định trong cuộc sống. Nói một cách công bằng, bất cứ nghề nào cũng có khó khăn và cám dỗ, chỉ là môi trường làm việc của Bartender “nhạy cảm” hơn mà thôi. Vậy nên, nếu bạn tự tin với đam mê cũng như bản lĩnh của mình, thì tất cả những khó khăn và cám dỗ đó cũng không hẳn là điều đáng lo ngại phải không nào!

Con đường xây dựng sự nghiệp của một Bartender

Con đường xây dựng sự nghiệp của một Bartender

3.3.        Người trẻ đam mê Bartender: Nên xây dựng sự nghiệp như thế nào?

 Cũng giống như rượu, thời gian chính là giá trị của một Bartender. Một Bartender nhiều kinh nghiệm, họ không chỉ có kỹ năng pha chế tuyệt vời, khả năng múa Shaker đẹp mắt mà còn sở hữu những kiến thức quản lý, chuyên môn nghề nghiệp và các mối quan hệ xúc tiến sự nghiệp lên một tầm cao mới.

“Muốn trở thành một Bartender giỏi, phải bắt đầu từ việc chạy bàn”, đó chính là những chia sẻ của Bartender Tuấn Anh của Nê Cocktail trong một bài phỏng vấn. Khi chập chững vào nghề, rất ít người được đứng chính tại quầy bar, bạn phải bắt đầu từ vị trí phụ quầy, hay thậm chí thấp hơn để tích lũy kinh nghiệm. Đó là lý do vì sao bạn không nên lãng phí thời gian của mình. Bắt đầu càng muộn, cơ hội dành cho bạn sẽ ngày càng ít trong bối cảnh ngày một nhiều người trẻ theo đuổi công việc này.

Hãy xin việc làm tại các quán bar, hoặc quầy bar của nhà hàng, khách sạn để làm quen môi trường, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Trong khoảng thời gian đó, đừng quên trau dồi kiến thức nghề cho bản thân. Khi cảm thấy đủ tự tin, bạn hãy trình bày với quản lý nơi làm việc về nguyện vọng ứng tuyển vị trí Bartender khi có cơ hội. Quá trình đó thường sẽ dễ dàng hơn việc bắt đầu với một nơi mới, hoặc đi ứng tuyển với kinh nghiệm ít ỏi.

4.Nghề Bartender: Bắt đầu học từ đâu?

Bartender hiện nay đang trở thành nghề “hot” khi các dịch vụ quầy bar tại Việt Nam ngày một phổ biến và phát triển. Vậy nên các khóa đào tạo Bartender cũng xuất hiện ngày một nhiều. Các trung tâm hướng nghiệp cũng đang dần bổ sung các khóa học Bartender ở mọi trình độ đáp ứng nhu cầu thị trường. Các kênh “học online” như Youtube, Facebook, các blog, group cũng rất thuận tiện để các bạn tự học nghề. Dù vậy, với một công việc yêu cầu nhiều kỹ năng như Bartender, học không thôi chưa đủ, bạn nên kết hợp với công việc tại quầy bar để rèn luyện tay nghề mỗi ngày.

Bartender là nghề cần sự rèn luyện

Bartender – rèn luyện tạp nên sự chuyên nghiệp

Một số chương trình/cộng đồng học Bartender bạn có thể tham khảo:

  •   Một số trung tâm đào tạo nghề Bartender: Arocking, Labviet, Smart Goal, Interbeso,…
  •   Các kênh Youtube về Bartender: Học pha chế, Bartender Helen, V.U Studio,…
  • Các cộng đồng: Cộng đồng Bartender & Barista Việt Nam, Saigon Bartenders, Bartender Viet,…

Bartender ở Việt Nam thời điểm hiện tại đang rộng mở cơ hội dành cho các bạn trẻ. Đó là lý do các bạn cần tận dụng lợi thế đó nếu thật sự muốn theo đuổi con đường này. “Cocktail cho chúng ta hai thứ khác nhau: sự thích thú khi uống và sự hưng phấn khi làm ra ly cocktail.” (Trích từ “Cocktail Techniques” của Kazuo Ueda). Cùng với sức trẻ, hãy dùng đam mê của bạn để tạo ra “sự thích thú” dành cho thực khách, và dùng bản lĩnh để giữ “sự hưng phấn”, tình yêu nghề của bạn. RaoXYZ chúc các bạn trẻ đang theo đuổi sự nghiệp Bartender sẽ thật thành công với đam mê của mình nhé!