11 hành động nhỏ giúp nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng

11 hành động nhỏ giúp nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng

  • Tại sao cần nâng cao trải nghiệm ứng viên?
  • 11 hành động giúp nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng
    • Chuẩn bị cho quá trình tuyển dụng
      • Tuyển dụng đáp ứng nhu cầu
      • Hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của vị trí cần tuyển dụng
      • Khoảng lương phù hợp, rõ ràng
      • Bản mô tả công việc rõ ràng
    • Khi phỏng vấn
      • Tìm hiểu về ứng viên trước khi phỏng vấn
      • Giới thiệu tên, chức vụ khi bắt đầu
      • Bật camera khi phỏng vấn online
      • Đặt câu hỏi phỏng vấn trọng tâm, không đi sâu vào vấn đề cá nhân
      • Luôn phản hồi sau khi phỏng vấn
    • Thân thiện và giúp đỡ nhân viên mới trong quá trình Onboarding
    • Một vài lưu ý khác giúp nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng
      • Giao tiếp thường xuyên
      • Biết nhận lỗi

Nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của quá trình thu hút nhân tài mà còn giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp.

Tại sao cần nâng cao trải nghiệm ứng viên?

Trải nghiệm ứng viên là một trong những phần quan trọng nhất của quá trình tuyển dụng. Và quá trình tuyển dụng lại chính là yếu tố tạo nên ấn tượng đầu tiên của một tổ chức, doanh nghiệp trong mắt ứng viên.

Nếu ứng viên có ấn tượng tốt, họ có nhiều khả năng sẽ chấp nhận lời mời làm việc. Ngay cả khi không trúng tuyển họ cũng có thể giới thiệu bạn bè, người quen vào công ty của bạn. Ngược lại, nếu có trải nghiệm không tốt, ứng viên có thể đưa ra những đánh giá tệ về doanh nghiệp của bạn.

Và ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, một lời khen, một câu chê đều ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp.

Bạn có biết, chỉ tính riêng trên Facebook đã có tới hơn 10 group chuyên review công ty. Group lớn gồm hơn 300.000 thành viên, Group nhỏ cũng có tới hơn trăm thành viên.

Chỉ tính riêng Facebook đã có hàng chục group review công ty
Chỉ tính riêng Facebook đã có hàng chục group review công ty

Như vậy, chỉ với một bài review, hình ảnh công ty bạn đã có thể hiện hữu trước mắt hàng chục ngàn người. Và trong số đó, rất nhiều người có thể là ứng viên tiềm năng mà bạn đang tìm kiếm.

Và bạn thử nghĩ xem, nếu đọc được một bài viết đánh giá không tốt về HR, về quá trình tuyển dụng, liệu ứng viên có muốn ứng tuyển và làm việc trong công ty của bạn nữa hay không.

👉 Xem thêm: HR: Ứng viên kì vọng điều gì từ Nhà tuyển dụng?

11 hành động giúp nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng

Trên thực tế, việc nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng rất đơn giản và được hình thành từ những hành vi rất nhỏ. Thật buồn khi nhiều HR quên mất điều này.

Để nâng cao trải nghiệm ứng viên, bạn chỉ cần nhớ những từ khóa sau đây:

  • Liền mạch: tất cả các bước của quy trình tuyển dụng, tất cả các thành viên trong hội đồng tuyển dụng cần có sự kết nối lẫn nhau.
  • Tôn trọng: Nhà tuyển dụng cần tôn trọng cảm xúc, thời gian, công sức của ứng viên.
  • Minh bạch và rõ ràng: hãy cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng trong mọi vấn đề: công ty, công việc, kết quả phỏng vấn,…

Dưới đây là 11 hành động giúp bạn nâng cao trải nghiệm ứng viên gắn liền với các bước của quá trình tuyển dụng.

Chuẩn bị cho quá trình tuyển dụng

Tuyển dụng đáp ứng nhu cầu

Bạn cần lên kế hoạch tuyển dụng thật chi tiết và xác định chính xác vai trò, trách nhiệm của thành viên mới. Hãy tự đặt và trả lời những câu hỏi như:

  • Công ty bạn có thật sự cần tuyển dụng vị trí đó hay không?
  • Có ai trong nhóm/ công ty có thể đảm nhiệm thêm công việc không?
  • Vai trò, trách nhiệm của thành viên mới là gì?
  • Mức lương cho vị trí này là bao nhiêu?
  • Thành viên mới cần có kinh nghiệm, kỹ năng ra sao để đáp ứng được nhu cầu công việc?

Không có điều gì khiến ứng viên khó chịu hơn việc trải qua một quá trình phỏng vấn kéo dài hàng tuần sau đó nhận được thông báo rằng công ty không còn cần vị trí đó nữa. Hãy tôn trọng thời gian và công sức của ứng viên.

👉 Xem thêm: Những khó khăn trong công tác tuyển dụng và giải pháp khắc phục

Hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của vị trí cần tuyển dụng

Và hãy thử đọc JD sau:

JD tuyển dụng Content Marketing của một công ty
JD tuyển dụng Content Marketing của một công ty

Đây là một JD tuyển dụng vị trí Content Marketing. Nhưng bất kỳ ai làm Content Marketing khi đọc JD này cũng sẽ chẳng dám ứng tuyển. Vì Nhà tuyển dụng đang yêu cầu quá nhiều: họ cần một nhân viên nội dung, nhưng yêu cầu có kỹ năng như một Video Editor. Và mức lương cũng quá thấp so với yêu cầu.

Với JD này, ứng viên có thể cho rằng Nhà tuyển dụng không thực sự hiểu về Vị trí mà họ đang tuyển dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc sau khi trở thành nhân viên, trách nhiệm của họ sẽ mở rộng không ngừng, họ sẽ phải làm tất cả mọi việc. JD này đang chứng minh cho câu nói “Trả lương cho 1 người để làm công việc của cả phòng”.

Khoảng lương phù hợp, rõ ràng

Bạn cũng cần xác định khoảng lương cụ thể (phù hợp với vai trò, trách nhiệm) cho vị trí công việc đang tuyển dụng. Tránh để thông tin mức lương không rõ ràng như:

  • Lương tới 25 triệu/tháng
  • Lương: Thỏa thuận
  • Lương: 8 – 25 triệu/tháng

Thông tin không rõ ràng không chỉ cho thấy Nhà tuyển dụng không hiểu về vị trí công việc mà còn khiến nhiều ứng viên không muốn ứng tuyển. Vì trong nhận định của nhiều người, những JD viết mức lương như trên thường deal lương xuống rất thấp.

Bản mô tả công việc rõ ràng

JD là phương tiện đầu tiên giúp kết nối ứng viên với doanh nghiệp. Vì vậy, hãy chuẩn bị nội dung JD thật cẩn thận. JD được viết một cách rõ ràng, mạch lạc; đúng chính tả,… sẽ cho thấy hình ảnh một công ty chuyên nghiệp.

Khi phỏng vấn

Tìm hiểu về ứng viên trước khi phỏng vấn

Trước khi phỏng vấn, bạn cần đọc lại CV của ứng viên để biết họ tên là gì, bao nhiêu tuổi để có cách xưng hô phù hợp. Đừng để ứng viên phải lên mạng viết review như thế này nhé!

Topic trên một Group Review công ty về vấn đề xưng hô không phù hợp của HR
Topic trên một Group Review công ty về vấn đề xưng hô không phù hợp của HR

Ngoài ra, đọc CV cũng sẽ giúp Nhà tuyển dụng có cái nhìn cơ bản về kinh nghiệm, kỹ năng của ứng viên để từ đó đưa ra những câu hỏi phỏng vấn trọng tâm, chất lượng.

Giới thiệu tên, chức vụ khi bắt đầu

Khi bắt đầu buổi phỏng vấn, Nhà tuyển dụng đừng quên mời ứng viên một ly nước và giới thiệu họ tên, chức vụ của mình.

Dưới đây là bài review tôi tình cờ đọc được trên một Group về review công ty. Ứng viên tỏ ra rất khó chịu và đánh giá rằng công ty không chuyên nghiệp khi người phỏng vấn không hề giới thiệu họ tên.

Topic trên một Group Review công ty về tác phong thiếu chuyên nghiệp của HR
Topic trên một Group Review công ty về tác phong thiếu chuyên nghiệp của HR

Dưới phần bình luận cũng có rất nhiều người tỏ ra đồng cảm với trải nghiệm này.

Bật camera khi phỏng vấn online

Hiện nay, vì ảnh hưởng của COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hình thức phỏng vấn online. Và khi phỏng vấn online, các HR đừng quên chuẩn bị một hình ảnh thật chỉn chu và đừng quên bật camera nhé. Ứng viên có thể khó chịu khi bạn yêu cầu đối phương bật camera nhưng chính bạn thì lại tắt.

HR đừng quên bật camera khi phỏng vấn online
HR đừng quên bật camera khi phỏng vấn online

Đặt câu hỏi phỏng vấn trọng tâm, không đi sâu vào vấn đề cá nhân

Khi đặt câu hỏi, người phỏng vấn nên đặt ra những câu hỏi rõ ràng, trọng tâm. Tránh hỏi những câu hỏi lan man, đi sâu vào đời từ của ứng viên. Ngoài ra, Nhà tuyển dụng cũng nên “lựa lời mà nói”, tránh những câu nói “bỗ bã”, thiếu chuyên nghiệp. Và cho dù trong lòng suy nghĩ như thế nào đi chăng nữa, thì cũng hãy nói chuyện một cách lịch sự và tôn trọng ứng viên. Đừng như thế này nhé:

Luôn phản hồi sau khi phỏng vấn

Sau buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng nên gửi mail phản hồi tới ứng viên, cho dù kết quả phỏng vấn là trúng hay trượt. Hành động này góp phần thể hiện sự chuyên nghiệp của bộ phận tuyển dụng, qua đó xây dựng hình ảnh một công ty tốt trong mắt ứng viên.

Thân thiện và giúp đỡ nhân viên mới trong quá trình Onboarding

Tiếp nhận nhân viên mới là một bước quan trọng trong quy trình tuyển dụng. Khi làm tốt, bạn có thể giữ chân nhân viên và ngược lại, nhân viên có thể rời bỏ công ty chỉ sau một vài ngày, hoặc một vài tuần làm việc.

Với nhân viên mới, không chỉ Trưởng phòng/ Trưởng nhóm mà chính các nhân viên tuyển dụng/ hành chính nhân sự cũng cần quan tâm nhiều hơn để nhanh chóng nhận biết cảm nhận và mong muốn của người đó.

Chỉ với những hành động nhỏ như gửi mail, chuẩn bị thiệp chào mừng; chuẩn bị một cuốn sổ và chiếc bút bi (phục vụ nhu cầu công việc), hẹn đi ăn trưa,… bạn cũng đã có thể giúp nhân viên nhanh chóng hòa nhập với công ty và giữ họ lại sau khi hết thử việc.

👉 Xem thêm: [Tổng hợp] 6 cấp độ đánh giá ứng viên của nhà tuyển dụng

Một vài lưu ý khác giúp nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng

Giao tiếp thường xuyên

Giao tiếp thường xuyên là một trong những cách hiệu quả nhất để nâng cao trải nghiệm ứng viên. Một nhà tuyển dụng tốt nên trả lời mọi câu hỏi của ứng viên. Bằng cách đó, ứng viên sẽ cảm thấy được tôn trọng và tất nhiên họ sẽ đánh giá cao doanh nghiệp của bạn.

Biết nhận lỗi

Nhà tuyển dụng và ứng viên có vị thế ngang bằng nhau, không ai “cửa trên”, cũng chẳng ai “cửa dưới”. Vì vậy, nếu chẳng may làm điều gì đó sai (trễ giờ phỏng vấn, gửi mail phản hồi muộn,…), nhà tuyển dụng cũng nên xin lỗi ứng viên một cách lịch sự.

Trên đây là 11 hành động giúp nâng cao trải nghiệm ứng viên trong tuyển dụng. Đây đều là những hành động nhỏ và rất đơn giản, nên các HR đừng bỏ qua nhé!

👉 Xem thêm: Cách khai thác ứng viên để tìm nhân lực tiềm năng cho công ty