Thị trường smartphone hụt hơi

Thị trường smartphone hụt hơi

Sau nhiều năm tăng trưởng, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam đang sụt giảm mạnh, đặc biệt ở phân khúc tầm trung và giá rẻ.

Theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường, doanh số điện thoại hai tháng đầu năm tại Việt Nam chưa tới 2,5 triệu chiếc, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái (3,5 triệu chiếc).

"Thị trường smartphone thường chỉ bắt đầu chững lại từ cuối tháng 3, còn năm nay lại diễn biến trái ngược khi người dân thắt chặt chi tiêu đúng mùa cao điểm bán hàng Tết", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellPhoneS, nói.

Thống kê cho thấy mảng điện thoại đầu năm thường tăng trưởng 5-15%. Do đó, các hệ thống đánh giá với mức giảm hiện tại, ngành bán lẻ di động tại Việt Nam đang thụt lùi tương đương 2-3 năm.

Đây là tình trạng chung trên thế giới khi trong báo cáo thị trường smartphone toàn cầu quý IV/2022, IDC gọi đây là những con số "thảm họa". Doanh số ghi nhận ba tháng cuối năm ngoái giảm 18,3% so với cùng kỳ 2021, bước lùi lớn nhất trong một quý kể từ 2013. Tổng doanh số smartphone toàn cầu 2022 cũng giảm 11,3%.

Bên trong một cửa hàng điện thoại ở Tây Ninh vắng khách đầu tháng 3 năm nay. Ảnh: Nguyễn Tâm

Bên trong một cửa hàng điện thoại ở Tây Ninh vắng khách đầu tháng 3. Ảnh: Nguyễn Tâm

Phân khúc giá rẻ chịu ảnh hưởng nặng nề

Nhiều hệ thống bán lẻ cho biết điện thoại tầm trung và giá rẻ sụt giảm doanh số nhiều nhất. Phân khúc này thực ra bắt đầu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 3/2022. Đến tháng 12/2022, số lượng smartphone dưới 5 triệu đồng bán ra chỉ bằng hơn 40% của tháng đầu năm ngoái.

"Kinh tế khó khăn tác động lớn tới thu nhập của tầng lớp bình dân, công nhân, khiến doanh số điện thoại giá rẻ bị ảnh hưởng nhiều hơn các phân khúc khác", ông Hồng Quân, trưởng phòng quản lý rủi ro của một hệ thống bán lẻ, cho biết. Nhiều cửa hàng cũng hủy chương trình mua trả góp 0%, siết chặt tín dụng cũng tác động đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng.

Phân khúc 5-10 triệu đồng cũng kém khả quan khi doanh số đầu năm 2023 chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lý do các hãng vốn rất mạnh ở phân khúc này cũng tỏ ra thận trọng khi ra mắt sản phẩm mới. Ví dụ, Samsung, Xiaomi chỉ giới thiệu hai model dưới 10 triệu đồng, chưa bằng một nửa các năm trước.

"Nhà giàu cũng khóc"

Những năm gần đây, iPhone luôn đứng đầu danh sách bán chạy. Phân khúc cao cấp gần như là sân chơi của riêng Apple. Trong vài giai đoạn, doanh thu iPhone trở thành điểm sáng giữa bối cảnh thị trường lao dốc. Tuy nhiên đầu 2023, sức tiêu thụ iPhone và những sản phẩm khác của Apple cũng không thoát khỏi đà đi xuống. Bà Phùng Phương, đại diện hệ thống Di động Việt, cho biết doanh số của iPhone ba tháng đầu năm kém xa kỳ vọng.

Là mẫu smartphone chủ lực nhưng iPhone 14 Pro Max liên tục phải giảm giá do cung vượt cầu. Model này vừa hạ một triệu đồng so với tháng trước, tức giảm gần 8 triệu đồng chỉ sau 5 tháng được bán ra. Theo bà Phan Thị Kim Quyên, đại diện hệ thống Minh Tuấn Mobile, nguyên nhân là nguồn hãng đã dồi dào từ cuối 2022, các nhà bán lẻ chạy đua khuyến mãi và quan trọng nhất là Apple áp dụng chính sách giảm giá sớm, thay vì chờ đến tháng 6 như hàng năm.

Một số đại lý trong nước thừa nhận đã đánh giá sai nhu cầu của thị trường, nhập hàng về quá nhiều nên phải điều chỉnh giá liên tục, giảm áp lực tồn kho và đảm bảo doanh số. Kết quả là giá iPhone tại Việt Nam hiện thuộc nhóm rẻ nhất thế giới.

Ngoài iPhone, nhiều mặt hàng khác của Apple cũng liên tục "dò đáy". Các hệ thống bán lẻ cho biết lượng hàng tồn của MacBook, iPad rất lớn dù đã giảm giá. Một số đại lý lớn thậm chí chấp nhận bán lỗ MacBook Air M1 nhằm giải phóng hàng tồn.

Khó khăn còn kéo dài

Theo đại diện FPT Shop, 2023 sẽ là năm nhiều thách thức, không có tăng trưởng cho ngành hàng điện thoại di động và máy tính. Các bên đều dự báo thị trường sẽ đi xuống cho đến hết quý II/2023. "Dấu hiệu khởi sắc có thể chỉ đến vào cuối năm hoặc đầu năm sau. Chúng tôi chưa dám nghĩ đến sự tăng trưởng đều đặn trở lại như trước đại dịch", đại diện một cửa hàng khác cho hay.

Để đối phó với tình trạng khó khăn kéo dài, mục tiêu của đa số hệ thống bán lẻ là duy trì cửa hàng hoạt động hiệu quả, dừng kế hoạch mở rộng. Ông Nguyễn Lạc Huy cho biết CellPhoneS phải cắt giảm giờ công, người lao động tại những cửa hàng có doanh số thấp hoặc khung giờ vắng khách. Công ty cũng đang làm việc với các chủ mặt bằng để xin hỗ trợ giảm chi phí.

Ngoài tối ưu hóa chi phí, nhiều hệ thống tìm cách bổ sung danh mục bán hàng để bù đắp doanh thu, duy trì dòng tiền cũng như tận dụng cơ sở vật chất có sẵn. FPT Shop bắt đầu thử nghiệm bán sản phẩm gia dụng, còn CellPhoneS, Hoàng Hà Mobile cũng bán sản phẩm nhà thông minh để tận dụng tập khách hàng yêu thích công nghệ.

Tuấn Hưng - Khương Nha

Vietnam GameVerse 2023