Phụ huynh đi học làm cha mẹ

Phụ huynh đi học làm cha mẹ

Khi dạy con không còn là bản năng, nhiều phụ huynh tìm kiếm các khóa dạy kiến thức, kỹ năng để làm cha mẹ.

Cuối tuần nào cũng vậy, chị Thu Trang (40 tuổi, từ Hà Nội) lại “cắp sách” tham gia các buổi học “nghề” cha mẹ.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia các khóa học làm cha mẹ. Lớp học cũng có rất nhiều phụ huynh, nhiều người còn rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới 30 tuổi, độ tuổi này, tôi tham gia đã là khá muộn”, chị Thu Trang chia sẻ với Zing.

phu huynh hoc lam cha me anh 1

Nhiều phụ huynh chưa đặt mình vào vị trí của con để thực sự hiểu con cái. Ảnh minh họa: Clevelandclinic.

Liệu đã dạy con đúng cách?

Vợ chồng chị Trang có 3 đứa con, bạn lớn nhất 14 tuổi và bạn bé nhất mới 3 tuổi. Từ trước đến nay, chị dành hết tình yêu thương cho các con và luôn dạy con theo cách mình cho là đúng. Các con chị cũng rất ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ.

Mọi việc tưởng chừng không thể mỹ mãn hơn cho đến khi con trai lớn của chị dậy thì, bắt đầu bước giai đoạn nổi loạn, biết phản ứng, bày tỏ và bảo vệ quan điểm ngay từ những việc nhỏ.

“Có lúc, con muốn để tóc dài, cắt theo các nhân vật nổi tiếng. Chồng tôi không cho, muốn con cắt ngắn cho gọn gàng. Vì vậy, tranh cãi thường xuyên nổ ra giữa hai bố con khi tóc con bắt đầu dài ra”, chị Trang chia sẻ.

Những lúc này, chị Trang cảm thấy không vui vì con không nghe lời. Chị cũng hoang mang không biết liệu cách dạy con của vợ chồng chị là đúng hay đang áp đặt con.

Theo chị, con không nên phản ứng và tỏ thái độ như vậy. Vợ chồng chị thường nhắc nhở, phân tích cho con ngay sau đó. Tuy nhiên, chị biết con chưa hiểu được cha mẹ, vợ chồng chị cũng chưa thực sự hiểu con cái, chưa đặt mình vào vị trí của con.

Cũng giống như chị Trang, chị Thanh Tâm (42 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đau đầu khi hai con bước vào tuổi dậy thì. Chị mua sách, cho con tham gia các khóa học về tuổi teen từ sớm, đồng thời bản thân cũng đọc sách, tìm hiểu qua YouTube, tham gia các khóa học ngắn hạn để dạy con sao cho đúng. Tuy nhiên, chị vẫn bối rối mỗi khi con hỏi chị về giới tính, tình dục.

Chị Tâm khẳng định bản thân chưa có phương pháp cũng như chưa đủ kiến thức về giới tính, tình dục để nói chuyện với con. Chị từng hối hận vì trước đây, chị biết việc con thay đổi tâm sinh lý, thích một bạn trong lớp. Nhưng vì nghĩ đó là chuyện trẻ con, thời điểm đó, con lại học cuối cấp, tính cách hướng nội, ít nói, kín đáo. Chị Tâm lựa chọn im lặng và quan sát.

“Khó khăn nhất đối với mình đó là chưa biết cách chia sẻ với con trong quá trình con trưởng thành. Giá mà hồi ấy biết cách nói chuyện, bây giờ, mình có thể gần gũi con hơn, tạo cho con thói quen chia sẻ với mẹ”, chị Thanh Tâm tâm sự.

phu huynh hoc lam cha me anh 2

Chị Thanh Tâm (đứng giữa) tham gia khóa học làm cha mẹ. Ảnh: NVCC.

Không chỉ dạy con theo bản năng

Được bạn bè giới thiệu, giữa tháng 6, chị Tâm đăng ký tham gia khóa học giáo dục giới tính để đồng hành cùng con tuổi dậy thì. Tại đây, chị phát hiện rất nhiều bậc cha mẹ cũng rơi vào tình cảnh giống chị - đau đầu vì con cái.

Chị Tâm nhận thấy cha mẹ nào cũng có sẵn bản năng nuôi dạy con. Bản năng ở đây chính là sự yêu thương, dạy con nề nếp, đạo đức, lễ nghĩa ứng xử theo khuôn mẫu xã hội bấy lâu.

Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có đặc điểm tính cách riêng và giai đoạn khác nhau, cha mẹ cần áp dụng cách dạy khác nhau. Việc phụ huynh tham gia khóa học để có thêm kiến thức, phương pháp dạy con bài bản hơn cũng là điều nên làm, tùy thuộc nhu cầu từng gia đình.

Với khóa học này, chị Thanh Tâm mới tham gia một tuần, chưa thể có kết quả áp dụng thực tế ngay. Dù vậy, bà mẹ 2 con cho biết điều quan trọng nhất, suy nghĩ của chị được khai thông. Trước đây, chị chủ yếu cho con đọc sách, tham gia các khóa học. Hiện tại, chị đã ý thức hơn việc cần phải nói chuyện, chia sẻ với các con nhiều hơn.

“Mình cởi mở hơn trong suy nghĩ, trong câu chuyện với các con về vấn đề giới tính, tình dục. Bố mẹ phải là những người gần gũi con nhất, chia sẻ, kết nối với con liên tục không chỉ ở vấn đề này mà còn ở mọi phương diện trong cuộc sống”, chị Tâm chia sẻ.

phu huynh hoc lam cha me anh 3

Chị Trang cùng con trai tham gia khóa học làm cha mẹ. Ảnh: NVCC.

Cũng giống chị Tâm, chị Thu Trang nhận ra bản thân không thể dạy cứ mãi dạy con theo bản năng như trước đây. Từ đầu tháng 3, cứ cuối tuần, chị lại sắp xếp, bỏ lại công việc để tham gia các khóa học làm cha mẹ.

Vì có 3 con ở 3 độ tuổi khác nhau, chị Thu Trang cho biết đến nay, chị đã học 2-3 khóa, mỗi khóa 1-2 buổi. Có khóa, chị cho con tham gia cùng để con có thể hiểu cha mẹ hơn.

Tham gia các khóa học, chị Trang có thêm kiến thức, phương pháp để đồng hành cùng con, biết đặt mình vào con để hiểu con hơn. Chị cũng nhận ra con cái chính là kết quả của cha mẹ.

“Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình, chính vì vậy, muốn dạy con cái, trước tiên, tôi phải sửa mình trước cả về cách tư duy và cư xử”, chị Trang nhận định.

Học sao cho đúng?

Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Truyền thông - Trung tâm trẻ em và phát triển, cho biết trước kia, với mô hình gia đình đa thế hệ, gánh nặng nuôi dạy con được san sẻ cho ông bà, họ hàng, sự giúp đỡ của làng xóm xung quanh.

Tuy nhiên, hiện nay, cuộc sống gia đình hạt nhân với áp lực của thông tin công nghệ khiến gánh nặng nuôi dạy con đổ dồn lên cha mẹ là chính. Việc thúc con “chín ép” theo kỳ vọng của cha mẹ và xã hội khiến cha mẹ mất kết nối với con em mình, nhiều phụ huynh thiếu kỹ năng lắng nghe con.

Việc con trẻ luôn phải làm theo những điều cha mẹ thích, cha mẹ muốn, cha mẹ nghĩ tốt và an toàn cho con, vô tình khiến con cảm thấy bị áp đặt. Nhiều trẻ dần cảm thấy bị bạo lực tinh thần, thể chất, dẫn đến căng thẳng, rối nhiễu tâm trí và rất có thể dẫn đến nhiều vấn đề đáng tiếc khi xung đột lên đến đỉnh điểm.

Bà Lê Thị Thu Hà nhận định trong giáo dục trẻ, quá trình trưởng thành bao gồm nhiều hành trình sai và sửa liên tục. Đây là lúc con học hỏi, phát triển, đồng thời là quá trình cha mẹ đồng hành cùng con.

Không chỉ theo bản năng có sẵn, cha mẹ cần tiếp thu các kiến thức, phương pháp, kỹ năng nuôi dạy. Cái gì chưa biết, chưa làm đúng, họ cần học. Phụ huynh có thể tự học hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Việc tham gia một số khóa học làm cha mẹ cũng là cách để họ giải quyết các mối lo một cách bài bản hơn.

Đưa ra lời khuyên, bà Thu Hà chia sẻ tùy từng hoàn cảnh, nhu cầu, phụ huynh có thể tham gia các khóa học phù hợp để có thể thu nạp kiến thức về vấn đề mình cần hoặc kỹ năng làm bạn, kết nối với con. Phụ huynh cũng có thể tham gia kết hợp các khóa học về kiến thức và kỹ năng.

“Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý việc tham gia các khóa học cần gắn với thực hành vì chỉ như vậy mới có hiệu quả, tác dụng”, bà Hà khẳng định.

Cũng chia sẻ về kinh nghiệm tìm lớp học của bản thân, chị Thanh Tâm cho biết phụ huynh có thể tìm hiểu qua những người đã học. Ngoài ra, họ có thể xem thông tin trên website, mạng xã hội để tiếp cận lớp học phù hợp với nhu cầu của bản thân và con.

“Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ nội dung khóa học, học phí xem có phù hợp với điều kiện gia đình hay không”, chị Tâm nói thêm.

Ngọc Bích