Hầu hết công nhân miền Bắc đã trở lại nhà máy

Hầu hết công nhân miền Bắc đã trở lại nhà máy

Theo thống kê của ngành lao động, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc từ 95% trở lên, phần ít đi làm muộn do kẹt tàu xe hoặc muốn nhảy việc, tính tới ngày 30/1.

Thay vì khai xuân vào mùng 6 Tết như thông lệ hàng năm, nhiều doanh nghiệp phía Bắc mùng 9 (30/1) mới mở xưởng. Lý do là các nhà máy tạo điều kiện nối dài hai ngày nghỉ cuối tuần cho lao động có thêm thời gian bên gia đình và nhiều công nhân vùng cao trở lại muộn sau Tết.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, toàn bộ 1.190 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động với hơn 307.000 lao động (99,6%) đi làm. Lượng nhỏ công nhân quay lại muộn do quá tải tàu xe, chờ chuyển sang nơi có mức lương, phúc lợi tốt hơn hoặc bận việc gia đình. Các công ty ngoài khu công nghiệp ghi nhận hơn 107.600 lao động trở lại sau Tết, đạt 99,5%.

Điện tử vẫn là ngành thế mạnh, thu nhập hấp dẫn, doanh nghiệp chi trả chế độ kịp thời, có lương tháng 13 hoặc thưởng 1,5 tháng nên lao động trở lại đúng lịch. Trong quý I, các công ty tại địa phương đang cần tuyển khoảng 5.000 lao động, chủ yếu trong ngành điện tử, may mặc và da giày.

Công nhân May 10 (Hà Nội) trong xưởng sản xuất áo sơ mi, tháng 3/2022. Ảnh: Hồng Chiêu

Công nhân May 10 (Hà Nội) trong xưởng sản xuất áo sơ mi, tháng 3/2022. Ảnh: Hồng Chiêu

Bắc Giang năm nay cũng ít ghi nhận biến động về lao động trước và sau Tết so với đầu năm 2022 - thời điểm thiếu hụt công nhân nặng nề sau đại dịch. Hôm qua, hầu hết doanh nghiệp đã sản xuất trở lại với khoảng 303.000 lao động làm việc tại gần 7.200 doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, cho biết nhiều doanh nghiệp, nhất là khối ngành điện tử mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng tăng. Từ nay đến hết tháng 3, các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển khoảng 17.000 lao động. Nguồn công nhân tại chỗ và từ các tỉnh lân cận đổ về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của địa phương.

Thái Nguyên có hơn 8.700 doanh nghiệp hoạt động với hơn 230.000 lao động. Gần 95% công nhân đã đi làm lại, tính hết ngày 27/1 (mùng 6 Tết). Tỉnh vẫn ghi nhận một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động quay lại thấp do muốn chuyển việc, hoặc chưa thích ứng với cường độ làm việc cao.

Cùng thời điểm, hơn 83% doanh nghiệp tại Hà Nội mở xưởng với 95% công nhân đi làm. Một số doanh nghiệp dệt may đông công nhân mở xưởng muộn hơn mọi năm, từ mùng 9 Tết thay vì mùng 6 như mọi năm bởi phần lớn lao động các tỉnh vùng cao xuống thành phố muộn.

So với các tỉnh thành phía Nam, địa phương miền Bắc với thế mạnh về gia công linh kiện điện tử, điện, chế biến chế tạo ít bị cắt giảm đơn hàng nên lao động ít chịu ảnh hưởng hơn. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo một số ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí, công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục mất đơn hàng, gặp khó khăn đến hết quý I/2023.

Đến ngày 24/1, cả nước ghi nhận 528 doanh nghiệp (chiếm 0,06%) bị cắt giảm đơn hàng, khiến 637.000 lao động chịu ảnh hưởng, bị giảm giờ làm chính thức, không còn tăng ca hoặc mất việc. Công đoàn dự báo sau Tết Nguyên đán sẽ có thêm gần 272.000 người bị giảm giờ làm và 15.800 lao động mất việc. Viện Công nhân Công đoàn khảo sát số giờ làm việc bình thường của lao động trong ngày đã giảm từ 8 xuống còn 7,25.

Hồng Chiêu