'Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phát triển bền vững'

'Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phát triển bền vững'

Tại DxTalks số đầu tiên mùa hai, chuyên gia của Arthur D. Little (AdL) đánh giá cao vai trò của chuyển đổi số với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, ví dụ như công nghệ kỹ thuật số giúp quản lý năng lượng hiệu quả.

Chuyển đổi số phục vụ phát triển bền vững tại các doanh nghiệp

DxTalks mùa hai do FPT Digital thực hiện bắt đầu bằng chủ đề "Chuyển đổi số và phát triển bền vững". So với chuỗi chủ đề về nền tảng chuyển đổi số tại mùa một, các tập của mùa hai có diện mạo khác. Những câu chuyện chuyển đổi số mang góc nhìn chuyên sâu hơn, đặc biệt tập trung vào ngành sản xuất - một trong những ngành chủ lực của kinh tế Việt Nam. Bà Vũ Đài Trang, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số FPT Digital đảm nhiệm Host những tập đầu của DxTalks mùa hai.

Các chuyên gia gồm ông Mitsuhiro Henry Umebayashi - Giám đốc hợp danh của công ty tư vấn Arthur D. Little (AdL), ông Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, và ông Phạm Hồ Chung - Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số, FPT Digital.

Trong số này, các chuyên gia bàn luận về những mối liên hệ cũng như việc tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào xây dựng lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Ông Mitsuhiro Henry Umebayashi nhấn mạnh phát triển bền vững là một cấu phần quan trọng trong phát triển doanh nghiệp. Châu Âu và Mỹ thúc đẩy tính bền vững không chỉ để đạt được sự phát triển bền vững mà còn để duy trì lợi thế cạnh tranh của các công ty. Những quy tắc này hiện trở thành tiêu chuẩn và bắt buộc đối với bất kỳ công ty và ngành nào giao dịch với phương Tây, khiến tính bền vững trở thành một thành phần quan trọng trong phát triển kinh doanh.

Chỉ số ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Những chỉ số này được tạo ra nhằm hướng các tổ chức và doanh nghiệp vượt ra ngoài phạm vi mục tiêu lợi nhuận, tham gia vào chương trình rộng lớn hơn về khí hậu, xã hội và quản trị.

Chuyển đổi số bền vững sẽ đem lại cho doanh nghiệp cơ hội phát triển, gia tăng sức chống chọi trong thời kỳ bình thường mới hậu Covid-19. Trước đó, trong thời kỳ đại dịch, những doanh nghiệp có chiến lược ESG và sử dụng chuyển đổi số để đạt mục tiêu ESG đều có sự chống chọi tốt, và khi đại dịch đi qua, các doanh nghiệp này đều phát huy cơ hội và trở lại mạnh mẽ hơn.

Đánh giá chuyển đổi số đóng góp vai trò đáng kể trong phát triển bền vững, ông Henry đưa ra dẫn chứng như việc họp trực tuyến qua Teams hay Zoom thay vì đi máy bay góp phần giảm tải lượng CO2 thải ra. Hay các công nghệ kỹ thuật số được sử dụng trong các khía cạnh khác nhau của các thành phố thông minh như quy hoạch đô thị, giao thông thông minh, năng lượng thông minh... đều góp phần đạt được sự phát triển bền vững. "Do sự phụ thuộc của thế giới chúng ta vào các công nghệ kỹ thuật số, thế giới của chúng ta sẽ không còn như cũ nếu không có chúng", ông Henry nói.

Ông Phạm Hồ Chung đánh giá trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, chuyển đổi số góp phần tạo ra những thay đổi lớn trong toàn bộ quy mô của doanh nghiệp, ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình kinh doanh sản xuất, quản trị vận hành, tạo nên những giá trị văn hóa số mới, con người mới.

"Để nói về kiến tạo một mô hình kinh doanh mới hiện nay thì không thể nào không có yếu tố số được, vì đó chính là cách chúng ta tiếp cận hoàn toàn mới với khách hàng, cũng như tiếp cận với những thị trường mà từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ tiếp cận, và qua đó giúp tăng vượt trội nguồn doanh thu cho doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai", ông Chung cho biết.

Ông Nguyễn Lê Thăng Long kể lại câu chuyện ấn tượng từ An Phát. Là lãnh đạo một doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành nhựa, ông Long cho biết đây là ngành rất nhạy cảm trong câu chuyện về phát triển bền vững. Từ 10 năm nay, An Phát đã bắt đầu chuyển đổi sang những sản phẩm nhựa xanh, với mô hình kinh doanh thay đổi theo hướng bền vững, tái chế. Các công ty trong ngành nhựa ứng dụng công nghệ số hóa sẽ để giải quyết được bài toán phát triển bền vững ở góc nhìn vĩ mô.

Theo chỉ số ESG, thì G - số hóa khâu quản trị là phần cần nhất. Trong 5 năm vừa rồi, bản thân An Phát đã chuyển đổi số được một phần như giảm dùng giấy mà chuyển dần sang sử dụng e-Office, nhà máy tự động hóa nhiều hơn. "Chúng tôi thấy giá trị của chuyển đổi số đưa vào các giải pháp quản trị là rất thiết thực", ông Long cho biết.

Ngoài ra, các chuyên gia còn trao đổi nhiều phân tích chuyên sâu về các cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp sản xuất nói riêng có thể nắm bắt và tận dụng để bắt kịp xu thế và tạo sự bứt phá hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững toàn diện.

VnExpress