Chi tiền triệu mua tản nhiệt cho điện thoại

Chi tiền triệu mua tản nhiệt cho điện thoại

Hơn chục năm dùng smartphone, Hồng Phúc (30 tuổi, TP HCM) mới đây phải sắm bộ tản nhiệt vì sợ điện thoại"đột tử" nếu quá nhiệt.

Sau khi mua một smartphone tầm trung để chơi game, Phúc được người bán tư vấn mua thêm phụ kiện tản nhiệt giá 350 nghìn đồng để dùng thử. "Trước đây tôi nghĩ chỉ máy tính mới cần tản nhiệt. Giờ điện thoại cũng cần dùng, dù khá bất tiện mỗi lần tháo lắp", Phúc nói.

Sau khoảng chục lần sử dụng, chiếc quạt tản nhiệt của anh bị gãy khung và không thể gắn vào máy. Anh phải mua thêm chiếc cao cấp hơn. Theo Phúc, tiền mua quạt tản nhiệt giờ đã bằng 1/10 cái điện thoại, nhưng "không dùng thì lo".

"Game và app càng ngày càng nặng, mà smartphone kích thước nhỏ nên tản nhiệt kém. Bạn bè tôi có người đã hỏng điện thoại vì máy quá nóng", anh kể.

Tấn Đạt, một người thường xuyên chơi game trên điện thoại cho biết, quạt tản nhiệt hay "sò lạnh" giờ là phụ kiện không thể thiếu mỗi khi ra ngoài. Anh thừa nhận loại phụ kiện này có nhiều bất tiện khi sử dụng, chẳng hạn phải tháo ốp để lắp quạt, vướng tay khi cầm, tiếng quạt kêu to khi chơi. Một số loại quạt chất lượng kém dễ hỏng hoặc gây xước mặt lưng khi sử dụng, còn các loại chất lượng cao thì giá đắt. Tuy nhiên, việc sử dụng tản nhiệt khiến điện thoại mát hơn đáng kể.

"Hiện tượng giảm sáng màn hình, tụt FPS (tốc độ khung hình) - vốn xảy ra khi chơi game nóng máy - đã không còn thường xuyên xảy ra. Điện thoại mát hơn khoảng 5 - 6 độ C so với việc không gắn quạt", Đạt đánh giá.

Một mẫu quạt tản nhiệt cho smartphone. Ảnh: Trịnh Lợi

Một mẫu quạt tản nhiệt cho smartphone. Ảnh: Trịnh Lợi

Tản nhiệt cho smartphone là phụ kiện mới xuất hiện ít năm trở lại đây, sau khi nhu cầu chơi game trên smartphone tăng mạnh. Ban đầu, phụ kiện này được một số nhà sản xuất smartphone gaming chuyên dụng như ROG, Black Shark cung cấp cùng điện thoại. Sau đó, một số hãng phụ kiện cũng tung ra các thiết bị có thể gắn trên nhiều loại smartphone khác nhau.

Cơ chế của các loại tản nhiệt này khá đa dạng. Một số sản phẩm chỉ có duy nhất quạt để tản hơi nóng từ mặt lưng. Các sản phẩm cao cấp hơn có thêm "sò lạnh", là một loại thiết bị bán dẫn có tác dụng làm lạnh khi máy nóng. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng cung cấp thêm các tính năng bổ sung như đèn LED RGB trang trí, màn hình hiển thị nhiệt độ, USB-C, nam châm. Chúng có thể dùng nguồn điện từ pin điện thoại hoặc cắm vào nguồn điện riêng.

Các sản phẩm của những hãng phụ kiện như Memo, Flydigi... có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng mỗi chiếc. Trong khi quạt tản nhiệt của các hãng lớn như Anker dành cho iPhone có giá hơn hai triệu đồng.

Thế Quyết, một người kinh doanh điện thoại và phụ kiện tại Hà Nội cho biết quạt tản nhiệt bán chạy gần đây, chủ yếu phục vụ những người thích chơi game trên di động. Trên nhiều gian hàng thương mại điện tử lớn ở Việt Nam, doanh số quạt tản nhiệt cho điện thoại lên tới hàng chục nghìn đơn vị. Nhiều khách hàng cho biết đã phải mua vài chiếc cùng lúc để sử dụng vì muốn toàn bộ mặt lưng của máy đều được mát.

Theo anh Quyết, smartphone hiện nay vốn đã có hệ thống tản nhiệt tích hợp bên trong và có thể đáp ứng được cơ bản nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên với những nhu cầu "nặng" hơn, như chơi game, thiết bị có thể nhanh bị nóng hơn, từ đó ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng cũng như tuổi thọ thiết bị.

Gần đây, sau khi một số dòng máy Android cao cấp gặp vấn đề nhiệt độ, kết hợp thời tiết nắng nóng, nhiều người phải tìm đến các loại phụ kiện này khi dùng smartphone để tránh hiện tượng quá nhiệt, dẫn đến giảm hiệu năng, hay nặng hơn là đột tử. "Nếu lắp và sử dụng đúng cách, thiết bị tản nhiệt có thể giúp điện thoại mát hơn đáng kể, từ đó duy trì hiệu năng tốt và độ bền cao hơn cho máy", anh Quyết nói.

Theo kỹ thuật viên của một hệ thống sửa chữa di động lớn, khi người dùng chạy các tác vụ nặng, như chơi game, trong thời gian dài, hiện tượng đột tử hoàn toàn có thể xảy ra. "Nguyên nhân đến từ việc máy nóng làm cho mối hàn chip bị bung, mất tiếp xúc ở chân chip khiến điện thoại không thể hoạt động. Khi đó, dù hàn lại cũng không thể đảm bảo độ bền như ban đầu", kỹ thuật viên này nói, và khuyến khích người dùng sử dụng các phương pháp tản nhiệt cho điện thoại nếu có thể.

Khi dùng quạt tản nhiệt, kỹ thuật viên này khuyến nghị người dùng chọn các loại quạt từ các hãng uy tín, với kích thước thiết bị tương xứng với kích thước điện thoại và nên có đệm để tránh xước máy. Nếu dùng loại "sò lạnh", người dùng nên tránh các môi trường độ ẩm cao, có thể khiến hơi nước ngưng tụ gây ẩm các bộ phận bên trong máy.

Lưu Quý